120 Ngày Nhìn Trộm - Chương 8
Ngày thứ năm mươi.
Cây lựu trong vườn treo đã kết quả.
Móng tay của Thôi Thiện dính đầy bùn đất và cáu bẩn, rất nhiều lần quẹt qua
làm xước cả mặt, nhưng bóc lựu lại rất tiện. Quả ở trên nóc nhà này nhỏ nhưng
rất cứng, cho từng hạt một vào trong miệng, chua đến mức suýt rụng cả răng.
Nhưng cô ta ép bản thân mình phải ăn hết sạch, nếu không sẽ bị chim tha đi
mất. Những hạt lựu còn thừa lại được vùi vào trong đất, năm sau liệu có nảy
mầm không? Sự hấp dẫn của quả lựu đã giúp số thú săn tăng lên. Hôm qua bắt
được ba con chim nhỏ, trước khi giết chết những con vật nhỏ đáng thương, như
thường lệ vẫn nói xin lỗi trước, cầu cho linh hồn của bọn chúng có thể phù hộ
cho mình thoát ra ngoài - Yêu cầu ấy có phải là quá nhiều không? Nhưng sự
sám hối là chân thành.
Trực thăng nhỏ mang theo bánh bao và nước, hạ cánh xuống nền xi măng, cô
ta mở khoang trực thăng rộng khoảng 15 centimet ra, nhìn thấy một chiếc bấm
cắt móng tay nho nhỏ - Biết được lòng ta, đồ biến thái.
Nhận được món quà thế này thật vui, quả thật là bạn thân siêu cấp mà.
Sau buổi trưa, dưới tầng vang lên tiếng microphone, có người đang giới thiệu
một trường cấp ba nào đó, tiếng lãnh đạo nói chuyện, tựa như tiếng thần chú
niệm kinh. Tiếp sau đó là rất nhiều ca khúc hợp xướng, có bài lẫn giọng nam và
giọng nữ mà vẫn hát rất hay, nhưng cũng có bài quả thực là ngũ âm1 không đủ.
Kí ức quay về như thủy triều dâng cao, trào qua con đê, không gì ngăn nổi -
Mười năm trước, đường Nam Minh vẫn còn rất vắng vẻ. Trường THPT cao cấp
Nam Minh, xung quanh hai bên bờ tường là công trường đổ nát, nhiều năm
trước là một nghĩa địa nổi tiếng. Nguyễn Linh Ngọc2 cũng từng được chôn cất
tại mảnh đất này. Các bạn cùng học thi nhau đồn ầm lên về những câu chuyện
rùng rợn, bao gồm chuyện về thư viện của trường - thường có người từ cửa sổ
của kí túc xá, nửa đêm nhìn thấy gác xép có ánh sáng của một ngọn nến thần bí.
Trường THPT Nam Minh là trường chuyên có chế độ nội trú, thành tích thi giữa
kì của Thôi Thiện khá xuất sắc. Mẹ đã dùng tất cả mọi cách, tiêu sạch toàn bộ
số tiền tiết kiệm, cũng có khả năng đã ngủ với ai đó, cuối cùng lấy được hộ
khẩu cho con gái, nhờ vậy cô ta mới có cơ hội được học ở đây.
Cô ta co quắp người trong lùm cây lựu, lờ mờ trông thấy một người đàn ông.
Người đó không già đi chút nào, đeo một cặp kính gọng vàng, tóc chải chuốt
45
gọn gàng, dáng người cao dỏng với bờ vai rộng, mặc comple rất đẹp. Cũng
giống như lần đầu gặp ông, ở phía viền ngoài của sân vận động trường Nam
Minh, cô ta bỏ lại đám nam sinh phiền phức, trốn ở đằng sau bức tường làm từ
hoa tường vi, trống ngực đập thình thịch, trên miệng ngập tràn mùi hương sen
nhàn nhạt, sinh nhật 16 tuổi hôm đó.
Thầy giáo Dung.
Ông ấy cũng lại tới vườn treo này, nách kẹp cuốn giáo án, cầm phấn viết lên
tường. Xi măng và phấn tuy có hơi thô ráp một chút, nhưng lại là tấm bảng đen
tự nhiên vô cùng to lớn. Chữ của thầy giáo Dung rất phóng khoáng, mỗi ngày
sau khi tan học, ông đều kèm một mình Thôi Thiện luyện thư pháp bút sắt, nhờ
vậy cô ta mới có nét chữ thanh tú như ngày hôm nay. Lúc này, thầy đang viết
“Kinh Thi3” trong sách Ngữ văn Trung học Phổ thông.
Dáng ngáo ngơ gã kia bước tới
Ôm mớ tiền đến hỏi mua tơ.
Chẳng mua, chàng chỉ giả vờ
Để cùng tính chuyện tóc tơ duyên nghì.
Đưa em qua sông Kỳ chàng ấy
Rồi cùng nhau tiến lại Đốn Khâu,
Hẹn sai lỗi phải em đâu?
Do chàng mai mốt tài cao không người
Em đã xin chàng ôi chớ giận
Đến thu sang kính cẩn hẹn nhau.4
Em leo lên bức tường vỡ lở,
Để trông người ở chỗ Phục quan
Nhưng nào đã thấy bóng chàng,
Sụt sùi em đã tuôn tràn giọt châu.
Người Phục quan bỗng đâu đã thấy,
Em nói cười vui dậy xiết chi.
46
Bói mai rùa, bói cỏ thi,
Quẻ đều chẳng có lời gì gở hung.
Thì xe anh hãy cùng đem lại
Để chở chuyên của cải em về?5
Thuở chưa rụng, cây dâu lả lướt
Lá trên cành trơn mướt mĩ miều.
Cưu ơi! Ta bảo mấy điều,
Trái dâu chớ có ăn nhiều mà say.
Gái kia hỡi! Nghe đây ta dặn,
Chớ mê trai lòng nặng tình duyên.
Trai mà mê gái đảo điên,
Cũng còn giải thoát cho yên mọi bề.
Gái theo trai lòng mê đắm đuối,
Không thể nào còn lối thoát đâu.6
Nhưng đã viết kín vách tường rồi, ấy vậy mà viên phấn trong tay thầy vẫn
không hề ngắn đi.
“Chào thầy giáo, em là Thôi Thiện.”
Nhắm mắt lại, cảm nhận thấy thầy dừng việc viết bảng lại, đôi môi khô nẻ
bỗng trở nên ẩm ướt. Một tay ôm chặt lấy cô ta, bóng lưng gầy nhìn rõ cả
xương. Thôi Thiện cũng ôm lấy thầy, cách một lớp âu phục của đàn ông, còn cả
hơi thở ấm của thầy nữa:
- Đừng đánh mất, đừng bỏ quên, tuổi tiên khỏe mạnh mãi7.
Cô ta giống như khối băng bị tan chảy, đôi má dán chặt lấy bờ vai thầy,
không dám mở mắt ra, sợ rằng chỉ nhìn thầy thêm một lần thì vĩnh viễn về sau
không còn nhìn thấy nữa.
- Không lìa xa, không rời bỏ, tuổi thơm được lâu bền8.
47
Chợt tỉnh táo lại, trời đã xế chiều. Cô ta chạm nhẹ vào bức tường kia, hi
vọng có thể tìm thấy một chút tàn tích của “Kinh Thi”, cho dù chỉ là một nét
chữ nhàn nhạt.
Bỏ lỡ mất thời gian săn mồi buổi chiều, Thôi Thiện gặm nửa cái bánh bao
còn thừa lại, uống nốt chỗ nước mưa ở trong chai nước khoáng.
Sau đó, cô ta cầm lấy chiếc bút ghi âm, nói ra kí ức của tám năm về trước.
Buổi chiều trong thư viện trường, thứ bảy, kí túc xá không một bóng người,
sân vận động ngoài cửa lại càng im lặng đến rợn người. Những cánh hoa mùa
xuân cứ chốc chốc lại bay lướt qua cửa kính, bốn phía đầy ắp mùi sách mục, và
cả mùi hooc-môn của đàn ông tỏa ra từ người thầy. Tôi say đắm mùi hương ấy
biết bao, vùi thật sâu đầu mình vào trong vòng tay thầy, muốn mình được tan ra,
dán chặt lấy thầy. Thầy mở laptop, mở bộ phim “Người tình” được chuyển thể
từ tiểu thuyết của Marguerite Duras9.
Lần đầu tiên của tôi, tôi muốn dành cho thầy giáo Ngữ văn, người đàn ông
mà lúc trầm mặc trông rất giống Lương Gia Huy.
Nhưng, thầy giáo Dung đã kết hôn rồi, trước khi tôi là học trò của thầy.
Đó là nửa học kỳ cuối của năm lớp 12, tối hôm trước ngày thi đại học, tôi
muốn ở bên cho thầy.
Thành tích học tập của tôi tụt dốc không phanh, mẹ nhốt tôi trong nhà không
cho phép ra khỏi cửa, ép tôi ôn thi cấp tốc trong vòng nửa tháng cho đến khi thi
đại học.
May mắn là cuối cùng tổng điểm cũng không quá thấp, tôi đỗ được vào Đại
học S trong thành phố.
Nhưng, mùa hè nóng nực năm ấy, khi tôi quay lại tìm thầy giáo Dung, thì lại
phát hiện thầy đã có “bạn gái mới”.
Người đàn ông đó bảo tôi đi đi, vĩnh viễn đừng bao giờ quay lại tìm ông ta
nữa, nếu không ông ta sẽ cho sự nghiệp tôi đi đời nhà ma. Thứ khiến tôi không
thể chịu nổi nhất chính là, ông ta còn mắng tôi là dâm phụ, nói là tôi chủ động
dụ dỗ ông ta.
Đêm thất tịch, tôi trèo lên nóc nhà mình, quyết định nhảy từ trên đó xuống.
Tôi lại cứ ngây thơ cho rằng, đó mới là cách tốt nhất để trừng phạt ông ta.
Mẹ ôm lấy tôi từ phía sau.
Tôi lại sống tiếp, sau đó cứ thi thoảng lại oán ách mẹ - Vì sao không để tôi
nhảy xuống rồi chết đi, còn muốn tôi sống để mỗi đêm mơ thấy ác mộng rồi tỉnh
lại trong nước mắt?
48
Thầy có khỏe không? Em thì rất khỏe.
Tiểu Thiện đang sống trong một căn hộ sang trọng ở trung tâm thành phố,
có một vười treo vô cùng xa xỉ, mỗi ngày đều phơi nắng để ngủ.
Thầy giáo Dung, rất muốn mời thầy đến nhà em chơi, thầy nhất định phải
còn sống...
Ngày tiếp theo, sáng sớm.
Trực thăng mô hình vẫn đến đưa đồ ăn như thường lệ, Thôi Thiện nhét chiếc
bút ghi âm vào khoang trực thăng, đột nhiên phát hiện có cái gì đó không đúng
Ở khe hở trên đuôi của trực thăng đang ẩn giấu một lỗ của máy quay phim lén.
Anh ta - không, nên gọi là X - Muốn chụp trộm lại toàn cảnh của vườn treo
này ở cự ly gần sao? Dù gì thì quan sát từ trên nóc nhà cũng không tránh khỏi
việc có những góc chết, dùng cách này thì có thể nhìn không sót chỗ nào.
Hoặc là, X là tên háo sắc chuyên đi quay trộm phòng thử đồ, thay đồ hoặc
thậm chí là nhà vệ sinh nữ trong các cửa hàng bách hóa?
Thôi Thiện túm chiếc máy bay lại, cơ hồ như muốn bóp nát nó. Cánh quạt
quay rất nhanh, như bị cô ta sống chết giữ trong tay, có bản lĩnh thì đem cả
người lẫn trực thăng cùng bay lên đi! Cô ta dùng móng tay nhọn nhất của mình
móc vào khe hở của đuôi trực thăng, trực tiếp gảy chiếc máy quay lén ra, vứt
xuống dưới chân rồi giẫm nát.
Chiếc trực thăng nhỏ nhân cơ hội đó bay đi, mang theo chiếc bút ở trong
khoang.
Thôi Thiện vẫn chưa nguôi cơn thịnh nộ, trốn ở góc tường mà X không nhìn
thấy, cầm chiếc bánh bao lên gặm những miếng thật to.
Nhưng mà, chiếc trực thăng mô hình không hề quay lại nữa.
Liên tiếp ba ngày, lo lắng ngồi trong vườn, nhìn bốn bức tường xung quanh.
Cô bắt đầu ta cảm thấy hối hận vô cùng - Vì sao phải phá hỏng máy quay phim?
Có lẽ, đó là thú vui duy nhất của tên biến thái? Hành động điên khùng của Thôi
Thiện đã khiến đối phương cảm thấy hoảng sợ, từ đó không dám đưa thêm đồ
ăn gì đến nữa.
Những ngày tháng không có bánh bao quả thực vô cùng khó vượt qua, chỉ có
thể quay lại cuộc sống ăn lông ở lỗ, hỏng bét rồi. Hoàn toàn dựa dẫm vào những
đồ ăn mà anh ta đưa tới, cũng giống như lính nhảy dù bị vây khốn trên đỉnh núi,
không có sự viện trợ từ trên không thì sẽ hết cạn đạn dược và lương thực.
49
Thôi Thiện đói bụng lần đầu tiên phát giác ra rằng, bản thân mình không hề
hận X, ngược lại là vô cùng nhớ anh ta, mong X quay lại như mong chờ người
thân. Giống như người vợ tha thứ cho người chồng lạc bước, cho dù cuối cùng
anh ta vẫn sẽ đến bên những cô gái trẻ đẹp.
Mặc chiếc váy ngủ X tặng, mặt hướng về phía đỉnh của tòa nhà đối diện, cô
ta quỳ trên nền đất, vẫy tay gào thét, hèn mọn xin tha - Tôi sẽ không làm loạn
nữa, sẽ ngoan ngoãn ở lại nhà tù này, cho đến tận khi anh đồng ý thả tôi đi.
Anh ta rời khỏi ô cửa sổ đó sao? Thần linh ơi, anh là thần linh của tôi sao?
Cứu tôi đi.
Đợi đã, anh đã chết chưa?
Chú thích:
1. Âm nhạc Trung Hoa là dựa trên hệ thống âm nhạc cổ truyền dân tộc bao
gồm 5 loại âm điệu, 5 nốt nhạc chính gọi là ngũ âm. Năm âm thanh này được
sắp xếp thành: Cung, Thương, Giốc, Chủy, và Vũ.
2. Nữ diễn viên phim câm, là một trong số những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng
nhất của Trung Quốc những năm 1930. Cô là huyền thoại của điện ảnh Trung
Quốc.
3. Kinh Thi: bộ tổng tập thơ ca khuyết danh của Trung Quốc, một trong năm
bộ sách kinh điển của Nho giáo.
4. Bài thơ Manh 1 trong Kinh Thi, bản dịch của Tạ Quang Phát.
5. Bài thơ Manh 2 trong Kinh Thi, bản dịch của Tạ Quang Phát.
6. Bài thơ Manh 3 trong Kinh Thi, bản dịch của Tạ Quang Phát.
7. Một câu thơ trích trong Hồng Lâu Mộng.
8. Một câu thơ trích trong Hồng Lâu Mộng.
9. Tên thật là Marguerite Donnadieu, là một nữ nhà văn và đạo diễn người
Pháp, sinh ra tại Việt Nam và về Pháp năm 18 tuổi.
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 2 |