LẬP QUỐC
Chương 58 : LẬP QUỐC
Adalbert đã đến Kongo trong hoàn cảnh đó.
Chỉ vài tháng nữa, khi thời tiết tốt nhất vào giữa mùa xuân, hôn lễ của cậu và Johannetta sẽ được cử hành tại London. Ban đầu cậu định tổ chức tại đảo Jethou, lĩnh địa tư nhân của cậu ở eo biển Manche, nhưng nữ vương Victoria đã phản đối, nhất định phải tổ chức ở Cung điện Buckingham theo nghi thức Hoàng gia, kinh phí do cậu và vương thất Britain cùng đóng góp. Đương nhiên, cậu không thể phản đối quyết định trên. Chính vì vậy, cậu đã đến Kongo chuẩn bị kiến quốc, lên ngôi Quốc vương, để khi hôn lễ kết thúc Johannetta có thể được trực tiếp tấn phong ngôi Vương hậu.
Hiện tại, các công việc ở Kongo đều do lão quản gia Johann Rudolf der Schmid phụ trách. Khi cậu đến nơi, lão đích thân dẫn cậu đi tuần thị dọc theo Đại lộ Adalbert. Một vạn khổ công xây dựng con đường bê tông dài chưa đến 500 km, trừ đoạn qua hẻm núi M’pozo, chỉ mất hơn tháng là hoàn thành, sau đó tập trung nhân lực giải quyết đoạn khó khăn nhất, nên toàn công trình cũng đã kịp hoàn công trước khi cậu đến.
Lão quản gia Johann Rudolf chỉ lên mặt đường, nói :
- Vương tử Điện hạ. Bê tông làm đường ở đây là bê tông cốt gỗ chứ không phải bê tông cốt thép. Ở đây chúng ta chưa sản xuất được thép, còn vận chuyển từ châu Âu sang thì chi phí quá cao, trong khi đó các khu rừng ở đây có những loại gỗ rắn chắc chẳng thua gì thép. Ngoài ra, khi thi công chúng ta cũng có dự phòng trường hợp sau này sẽ mở rộng đường và xây dựng thêm đường sắt.
Đường bê tông chỉ là thiết kế tạm thời trong giai đoạn này, tương lai sẽ thay thế bằng đường nhựa, nên xây dựng như thế cũng không hề gì. Đường sắt có chi phí vận chuyển thấp hơn, sẽ cần được xây dựng khi lượng hàng hóa vận chuyển lớn. Đường sắt ở châu Âu đã có từ lâu. Năm 1811, John Blenkinsop đã thiết kế thành công đầu máy hơi nước đầu tiên và xây dựng tuyến đường sắt Middleton Colliery - Leeds. Đến năm 1830, tuyến đường sắt quốc gia đầu tiên giữa Liverpool và Manchester được mở. Và đến đầu những năm 1850, chỉ riêng Britain có hơn 11.000km đường sắt khổ 1.435mm, sau này sẽ được xem là khổ tiêu chuẩn quốc tế.
Khi đến thành phố Theresaburg, 26 thương nhân gốc Britain ở đó tổ chức lễ đón tiếp trọng thể, rước cậu vào tham quan thành phố. Bọn họ là những người đã đến viện trợ Georgburg khi nơi đó bị liên quân Kokongo – Ngoyo tấn công, và sau đó đã nhận được nhiều sự ưu đãi từ quân đội, dần dần trở thành những thương nhân lớn nhất ở đây. Tàu biển có thể trực tiếp đi vào sông Kongo đến tận cảng Theresaburg. Bọn họ thu mua hàng hóa từ nội lục, chủ yếu là nô lệ và ngà voi, rồi đưa đến Theresaburg bán lại cho các thương nhân nước ngoài. Ngà voi bán về châu Âu và nô lệ bán sang châu Mỹ. Từ đó, Theresaburg đã phát triển nhanh chóng, thịnh vượng hơn cả Bomaburg.
Cuối đại lộ là thành phố Adalbertburg, kinh đô của vương quốc tương lai. Thành phố có hơn 5 vạn dân, là thành phố lớn nhất ở đây. Đứng thứ hai là Theresaburg có 1,8 vạn dân, cũng là một đầu mối giao thông quan trọng, nơi các tàu biển có thể trực tiếp vào bốc dỡ hàng hóa. Còn các khu đô thị khác chỉ là các thị trấn vài nghìn dân. Do chính sách ưu đãi nông nghiệp, mỗi di dân có thể được nhận miễn phí từ 2 – 5 hecta đất, nên đa số dân cư làm nông, sống ở các vùng nông thôn. Theo quy định của Adalbert, các khu dân cư có dưới 1.000 dân gọi là làng, vài nghìn dân gọi là thị trấn, còn trên một vạn dân thì gọi là thành phố(2).
Thành phố Adalbertburg hiện giờ là một đại công trường với hơn năm vạn khổ công đang làm việc. Ở trung tâm thành phố là Vương cung, chỉ mới hoàn thành phần mặt tiền phía trước, còn khu hậu cung vẫn đang được khẩn trương thi công. Tuy nhiên, các khu dân cư với những ngôi nhà phố hai tầng nằm dọc theo những đường phố ngang dọc thẳng tắp đã hoàn thành, có thể cung cấp chỗ ở cho hai vạn hộ gia đình. Cư dân chủ yếu của thành phố là gia đình quân nhân, công nhân viên chức và thương gia.
Adalbert không thích các đô thị kiểu France có nhiều ngã năm, ngã sáu, ngã bảy; khiến các khu phố bị méo mó không đẹp. Quy hoạch đô thị của Adalbertburg chủ yếu là những đường phố ngang dọc thẳng tắp như bàn cờ, với những khu phố hình chữ nhật, những ngôi nhà phố hai tầng có khu vườn nhỏ phía sau.
Trong bữa tiệc chiêu đãi ở Vương cung, Adalbert đã gặp mặt những người có thế lực trong lĩnh địa của cậu, bao gồm cả những người sẽ trở thành những thành viên chính phủ trong vương quốc tương lai. Vương tộc ở đây chỉ có cậu và anh trai cậu, Luitpold Karl Joseph Wilhelm der Bayern, con thứ năm của Quốc vương Bayern. Trong vương thất Bayern, chỉ có vương hậu Theresa và anh trai Luitpold thân thiết với cậu. Do là con cưng được vua cha yêu mến nên Luitpold không được lòng anh cả Maximilian, vì vậy cậu ta đã đến Kongo giúp đỡ em trai mình.
Luitpold là một quân nhân kiểu mẫu, đã bắt đầu sự nghiệp quân sự từ năm 14 tuổi, khi được vua cha phong hàm đại úy pháo binh. Cậu ta còn yêu thích hội họa, thời thơ ấu đã được họa sĩ Domenico Quaglio dạy học. Trong chính phủ tương lai, Luitpold và lão quản gia Johann Rudolf sẽ đứng đầu hai phe quân sự và dân sự.
Sau đó, Adalbert đến thăm Viện Khoa học Hoàng gia Adalbert nằm cạnh bờ sông Kongo, dưới chân một ngọn thác lớn. Sức nước của ngọn thác làm quay một hệ thống máy móc đặt dưới chân thác, cung cấp động lực cho một hệ thống phát điện cơ học cung cấp điện cho Viện Khoa học. Công trình này đang trong quá trình vận hành thử nghiệm, nhưng hiệu quả xem ra cũng rất khả quan. Nếu thành công thì khu vực 300km ghềnh thác từ Adalbertburg đến Theresaburg sẽ là một nguồn cung cấp điện lý tưởng. Và biết đâu được, Vương quốc Kongo sẽ là nơi được điện khí hóa đầu tiên trên thế giới. Chỉ có điều, tương lai thì tươi sáng, nhưng quá trình thì gian nan, cần sự cố gắng của mọi người.
Viện Khoa học mang tên Adalbert cho thấy nó không thuộc về Vương quốc Kongo lẫn Bayern mà là tài sản tư nhân của cậu, do cậu đích thân làm Viện trưởng. Đấy không phải là một chức vị danh dự, bởi cậu là một trong những nhà khoa học danh tiếng nhất hiện thời. Tại đây hiện đang nghiên cứu ba công trình khoa học quan trọng, một trong hai mục đích chính khiến cậu đến Kongo lúc này. Ngoài nghiên cứu về điện, bọn họ còn đang nghiên cứu về thuốc nổ và dược phẩm.
John Smith, một nhà hóa học, phó viện trưởng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vũ khí, giới thiệu những thành tựu của bọn họ :
- Viện trưởng. Hiện tại chúng ta đang nghiên cứu về ba loại thuốc nổ. Loại thứ nhất là Fuminat thủy ngân, công thức hóa học là Hg(ONC)2, dạng tinh thể trắng hoặc màu tro, khó tan trong nước nhưng tan trong nước sôi, rất nhạy nổ khi va đập, dễ bắt lửa; nhưng cũng dễ hút ẩm, khi bị ẩm thì sức nổ kém và có thể không nổ; sử dụng làm thuốc nổ trực tiếp thì khá nguy hiểm, có thể nhồi vào các kíp nổ của pháo đạn hoặc lựu đạn. Loại thứ hai là TNT, công thức hóa học là CH3C6H2(NO2)3, dạng tinh thể cứng màu vàng nhạt, khó tan trong nước nhưng dễ tan trong cồn hoặc benzen, rất an toàn khi va đập, khó đốt cháy, chỉ nổ khi cháy ở nơi kín, có sức công phá mạnh, hầu như không hút ẩm, đúc thành dạng thỏi còn có thể sử dụng dưới nước, là một dạng thuốc nổ lý tưởng. Còn loại thứ ba là Dynamite(3), thật ra là một hỗn hợp gồm ba phần nitroglyxerin, một phần bọt biển và một ít phụ gia natri cacbonat. So với nitroglyxerin nguyên chất, nó ổn định hơn nhiều, và có sức công phá rất mạnh. Bên quân đội khi tiến hành phá núi làm đường ở hẻm núi M’pozo đã sử dụng Dynamite, hiệu quả rất tốt.
Các nghiên cứu này đều đã được ứng dụng trong thực tế nên cậu không cần xem nổ thử nữa. Cậu chỉ lưu ý cho chế tạo ‘bộc phá’ và ‘tên lửa Dynamite’ làm vũ khí bí mật của quân đội.
Tiếp đó, cậu sang thăm Trung tâm Nghiên cứu Dược phẩm ở gần đó. Hermann Weigand, phó viện trưởng, giám đốc trung tâm, giới thiệu thành quả của bọn họ :
- Phát hiện của Viện trưởng đúng là một phát hiện vĩ đại. Mọi người đã thử nghiệm rất nhiều lần, hiệu quả thần kỳ, nhiều người còn cho là thần dược. Hiện tại, trung tâm đang sản xuất kháng sinh bằng cách nuôi cấy nấm mốc của bánh mì, sau đó chiết xuất ra penicillin. Nó có thể giết chết vi khuẩn và hạn chế sự sinh trưởng của chúng, có thể sử dụng trong điều trị nhiễm trùng máu, lậu mủ, sốt vàng da, giang mai, viêm loét, ... Tuy nhiên, nó cũng có một số tác dụng phụ như phát ban hay tiêu chảy đối với một số người bị dị ứng.
Từ thời cổ đại, người Serbia và Greece đã biết cách sử dụng mốc bánh mì để điều trị các vết thương và nhiễm trùng. Ở Russia, nông dân nghèo cũng sử dụng một loại đất ấm để điều trị các vết thương bị nhiễm trùng. Ở Poland, bánh ướt được trộn với mạng nhện để điều trị vết thương. Nhưng các phương thức đó có lúc thành công có lúc thất bại, nên không được sử dụng phổ biến. Adalbert đã nuôi cấy mốc bánh mì, chiết xuất ra penicillium, một loại nấm có thể giết chết vi khuẩn. Sau đó cậu giao cho bọn Hermann Weigand đến Kongo tiến hành nghiên cứu lâm sàng. Ở đây đang tiến hành chiến tranh, người bị thương rất nhiều, đặc biệt là các tù binh người bản địa. Nói tóm lại, thí nghiệm thành công và cậu cho thành lập Công ty Dược phẩm Adalbert để tiến hành thương mại hóa. Cậu cần rất nhiều tiền để phát triển vương quốc của mình cũng như các kế hoạch tương lai.
Ngày 22 tháng 12 năm 1845.
Tại Cung điện Hoàng gia Adalbertburg, Adalbert đã tuyên bố thành lập Vương quốc Kongo và lên ngôi quốc vương, trong một buổi lễ đơn giản nhưng trang trọng, trước sự chứng kiến của đại diện các cộng đồng địa phương, gồm cả người da trắng và người da đen bản địa được chiêu an. Ngoài ra, buổi lễ còn có sự tham gia của đại sứ Britain và đại sứ Portugal ( Bồ Đào Nha).
Chính phủ Britain phái đại sứ đến để ủng hộ Adalbert cũng như bảo hộ các lợi ích của Britain trong khu vực. Việc các công ty của những thương nhân gốc Britain đột nhiên phát triển mạnh mẽ đã khiến chính phủ Britain rất hài lòng. Còn chính phủ Portugal phái đại sứ đến để đàm phán về Hiệp định Adalbertburg, trong đó vương quốc Kongo công nhận thuộc địa của người Portugal ( Bồ Đào Nha) ở vùng duyên hải Angola; ngược lại, vương quốc Portugal cũng công nhận chủ quyền của vương quốc Kongo trong vùng nội lục.
Vương quốc Kongo theo chế độ trung ương tập quyền với các phân vùng hành chính chịu trách nhiệm trực tiếp với triều đình trung ương, theo kiểu của Vương quốc Bayern, không có phân phong lĩnh địa theo kiểu German hoặc các vùng tự trị theo kiểu Britain. Các vùng hành chính bao gồm ba cấp : tỉnh (provinzen), hạt (kreise), và thành phố (stadt) – thị trấn (markt) – làng (gemeinde). Ngôn ngữ chính thức của vương quốc đương nhiên là tiếng Boarish (còn gọi là tiếng Autro – Bavaria), đang được sử dụng ở Bayern, Oesterreich (trừ Vorarlberg, một phần của Burgenland, Styria và Carinthia), một số vùng miền bắc Italy, Switzerland và Hungary.
(1) burg : thành thị (trong hệ ngôn ngữ German), gồm cả thành phố và thị trấn, tương đương với ‘ville’ trong tiếng Pháp, ‘city’ trong tiếng Anh, ‘shi’ trong tiếng Nhật, ‘thị’ trong tiếng Hán.
(2) Trong tiếng Bayern, ‘Gemeinde’, ‘Markt’ (Markt-gemeinde) và ‘Stadt’, tương ứng với ‘Community’, ‘Market-community’ và ‘City’ trong tiếng Anh. Trong tiếng Đức chỉ có ‘Dorf’ (villige) và ‘Stadt’ (town và city).
(3) Dynamite, trong tiếng Hy Lạp nghĩa là sức mạnh.
Đăng bởi | ThiếtQuanÂm |
Thời gian |