Hán cung bí sử
Sún Lé được Thiều-Hoa dặn, phải giải mối lo nghĩ cho Mã Huy nếu không y bỏ trốn. Y bỏ trốn rồi, thì người khác thay thế, thì khó mà kiềm chế được.
Sún-Lé bảo y:
– Mã đại ca đừng sợ, bề gì tôi cũng dấu cho đại ca. Đại ca cứ yên tâm. Ngọc ngà tôi đưa cho đại ca, vốn là của Mã thái-hậu ban thưởng. Sau vụ này, chắc Thái-hậu sẽ cao hứng thăng quan cho đại ca.
Mã Huy mừng quá muốn rớt nước mắt. Y theo Sún-Lé đến tửu lầu thì không thấy ngũ Sún đâu nữa. Sún-Lé bảo y:
– Khi có mật chỉ của Thái-hậu. Tiểu đệ sẽ đến đây, nhờ tiểu nhị tìm đại ca. Như vậy kín đáo hơn. Chứ tiểu đệ ra vào phủ Hoài-nam vương mãi e bị lộ tung tích. Đại ca còn lạ gì, Hoài-nam vương thuộc hoàng thân, chúa ghét ngoại thích.
Nó lên ngựa ra đi. Tới chỗ vắng, nó ngửa mặt lên trời, thấy năm thần ưng đang bay lượn. Nó cầm tù và thổi một hồi. Thần ưng đáp xuống trước mặt. Nó ra hiệu, chỉ trỏ, hỏi chỗ ở của ngũ Sún. Thần ưng vỗ cánh bay lên không, dẫn đường cho nó về hướng Nam. Tới khu vườn hoang, gặp lại ngũ Sún. Sún-Rỗ ở trên cây, phất cờ điều khiển Thần-ưng, nói vọng xuống:
– Đã tìm thấy sư tỷ Phương-Dung rồi.
Sún-Rỗ nhảy xuống đất nói:
– Sư tỷ Phương-Dung hiện ở phía Tây. Còn Nghiêm đại ca không có mặt ở vùng này. Tao cho Thần-ưng sục xạo hết mọi nơi mà không thấy. Lạ một điều, trong hoàng thành còn có người của mình. Mà không biết là ai? Thần-ưng khám phá ra. Tao muốn hỏi rõ tên người đó. Mà nó ngu quá.
Sún-Đen bàn:
– Bây giờ chúng ta tìm cách cứu Hoàng sư tỷ. Rồi đem sư tỷ trở về Bắc-mang, gặp sư tỷ Phương-Dung. Sư tỷ phải lác mắt vì thua Lục Sún.
Sáu Sún ngồi bàn mưu với nhau. Cuối cùng Sún-Hô đưa ý kiến:
– Nào, chúng ta mua thêm một con ngựa, cùng với sáu con của chúng ta, tới tửu lầu. Sún-Lé mang hai cái túi đựng trăn và rắn theo, nhờ người nhắn Mã Huy. Gặp Huy phải bịa rằng có chỉ dụ Thái-hậu, truyền cho Vương-phi. Khi y đưa Sún-Lé vào thăm Hoàng sư tỷ. Sún-Lé thả trăn ra quấn Mã Huy. Sau đó bắt trói cung nữ hầu Hoàng sư tỷ, lấy quần áo của thị cho sư tỷ mặc. Rồi hiên ngang đưa Hoàng sư tỷ ra ngoài dinh Hoài-nam vương.
Sún-Lé lắc đầu:
– Không ổn rồi! Từ ngoài vào đến chỗ giam Hoàng sư tỷ có tất cả sáu trạm canh. Làm thế nào vượt qua được?
Sún-Cao la lên:
– Được mạnh đi chứ lị! Chúng ta áp dụng lối đánh thành Bạch-đế.
Cả bọn cùng vỗ tay reo. Sún-Lé nói:
– Bây giờ chúng mình đi quanh phủ Hoài-nam vương. Xem chỗ nào tường thành thấp nhất, không có quân canh, thì chờ ở ngoài. Chúng mày đợi tao và Hoàng sư tỷ vượt khỏi nhà tù đến đó. Chúng mày cho Thần-ưng thả dây vắt ngang tường vào trong. Sư tỷ với tao bám dây vượt tường ra ngoài.
Lục Sún lên ngựa đến cửa Đông. Chúng đi vòng quanh phủ của Hoài-nam vương. Tới gần cửa Bắc, chúng tìm ra nơi không có vọng canh nào. Ngặt vì tường chỗ này hơi cao, ước tới sáu trượng. Các Sún đồng ý đưa Thiều-Hoa tới đây vượt tường ra ngoài.
Các Sún kéo nhau đi mua dây. Còn Sún-Lé đến tửu lầu nhắn Mã Huy.
Một lát Mã Huy ra. Nó bảo sẽ:
– Thái hậu có chỉ dụ. Sáng mai ngài tới gặp Vương-phi. Ngài cũng chỉ dụ: Thăng Mã đại ca lên hai trật. Trưa mai Nội-phủ truyền chiếu chỉ ra. Dường như ngài sai đại ca đi Lĩnh-Nam làm việc mật thì phải. Đây thái hậu ban thưởng cho đại ca đây.
Nó móc túi đưa ra chuỗi ngọc nhỏ. Buổi sáng chui ở gầm giường Thiều-Hoa, Lé thấy Mã thái hậu đeo chuỗi hạt trai nhỏ ở tay. Nó tìm trong túi bảo ngọc lấy của Công-tôn Thiệu, có chuỗi ngọc tương tự, đem cho Mã-Huy. Nó nói:
– Hồi sáng đại ca có thấy chuỗi ngọc Thái-hậu đeo không? Ngài tự tay tháo ra bảo tôi ban thưởng cho đại ca.
Huy làm thị vệ trong cấm cung. Đến nói chuyện với Thái-hậu cũng còn khó. Y đâu dám nhìn? Sún-Lé nói gì, y phải tin. Đúng ra y cũng nghi ngờ hỏi lại vài câu. Chỉ vì vàng, ngọc che mất trí minh mẫn, y không còn biết gì nữa.
Y dẫn Sún-Lé vào dinh Hoài-nam vương. Qua mỗi vọng canh, y xuất trình thẻ bài của Thái-hậu, vệ sĩ phủ Hoài-nam không dám thắc mắc gì.
Tới chỗ giam Thiều-Hoa. Huy đứng ngoài, bảo Sún-Lé:
– Chú vào trong yết kiến Vương-phi đi.
Sún-Lé đẩy cửa bước vào. Thiều-Hoa hỏi:
– Sao, sư đệ đã gặp sư tỷ Phương-Dung chưa?
Sún-Lé bịa:
– Gặp rồi! Sư tỷ bàn cùng mọi người, dùng lối đánh thành Bạch-đế cứu sư tỷ ra. Vậy đợi tới khuya, chúng ta xuất khỏi phủ Hoài-nam.
Nó ra ngoài nói truyện với Mã Huy. Mã Huy cũng hơi nghi, hỏi nó:
– Chú em, chú là thế nào với Thái-hậu?
Sún-Lé bịa:
– Tôi không phải họ Lưu tôi họ Phương. Cô tôi là phu nhân của Mã thái-thú Trường-sa.
Mã Huy tự nghĩ:
– Thằng bé này gọi vợ Mã Anh bằng cô. Mã Anh là cháu Mã thái-hậu. Thì ra nó là ngoại thích, chứ không phải hoàng thân. Ta cứ chiều nó, lo gì không được thăng quan tiến chức!
Trời sang canh hai. Vệ sĩ đã đi ngủ gần hết. Trong phòng chỉ còn Mã Huy. Sún Lé lấy cái bao đựng trăn, cầm đến trước mặt Mã Huy, mở miệng túi ra. Mã Huy hỏi:
– Cái gì trong túi vậy?
Sún-Lé cười:
– Bảo vật của tiểu đệ đấy. Đại ca muốn coi thì coi. Nếu ưng tiểu đệ tặng đại ca.
Mã Huy thò tay vào miệng túi. Sún-Lé huýt sáo một tiếng. Bốn con trăn cùng phóng ra quấn khắp người Mã Huy. Mã Huy định há miệng kêu, Sún-Lé xé vạt áo nhét vào miệng y. Nó trói y lại, rồi lục túi lấy thẻ bài, quẳng y vào gầm giường. Nó thu trăn vào túi, ghé tai Mã Huy nói nhỏ:
– Sáng nay Thái-hậu hứa tha Vương-phi ra. Vì vậy người sai tôi đến đây hành sự. Tôi trói đại ca lại, thì Hoài-nam vương, Thiên-tử, nghĩ rằng đại ca bị thích khách trói, cứu Vương-phi. Đại ca có hiểu không? Như thế đại ca vô tội. Đại ca phải nằm im. Nếu la lên, việc đổ bể, Mã thái-hậu chặt đầu đại ca.
Mã Huy gật đầu, tỏ ý hiểu.
Nó định vào nhà trong gọi Thiều-Hoa, đã thấy nàng mặc quần áo cung nữ.
– Ta bắt cung nữ trói lại, đặt lên giường nằm. Người ngoài vào, tưởng thị là ta. Ta lột quần áo thị rồi mặc vào. Sư đệ, coi ta có giống cung nữ không?
Sún-Lé cười :
– Chả giống tý nào cả! Vẫn chỉ là Hoàng sư tỷ.
Nàng theo Sún-Lé đi về phía Bắc phủ. Cứ qua những trạm canh, nó lại đưa thẻ bài ra. Nguyên thẻ bài của phủ Hoài-nam vương khắc con sư tử, của cung Thái- hậu khắc con phượng, của Quang-Vũ thì khắc con rồng. Thẻ bài trên người Mã Huy thì khắc con phượng, tô son đỏ chói.
Thời bấy giờ Mã thái hậu lộng quyền vô cùng, Thái giám, Cung-nữ thuộc cung Thái-hậu hách dịch có tiếng. Chúng đi khắp nơi thi hành mật chỉ Thái-hậu. Các quan thấy thẻ bài của bà đều phải sợ chúng. Nhờ vậy Thiều-Hoa, Sún-Lé, tự do đi lại trong phủ Hoài-nam vương.
Tới phía Bắc-phủ thì gần nửa đêm. Nó huýt sáo một tiếng. Bên ngoài có tiếng huýt sáo đáp lại. Chỉ lát sau, năm thần ưng tha một đầu sợi giây bay qua tường vào phía trong. Hoàng Thiều-Hoa bảo Sún-Lé:
– Sư đệ ra trước đi.
Sún-Lé bám dây, leo thoăn thoắt như khỉ lên mặt tường, đứng chờ. Thiều-Hoa leo theo. Hai người cùng truyền xuống phía ngoài. Bẩy con ngựa chờ sẵn ở đó. Thiều-Hoa vẫy Lục-Sún lên ngựa.
Sún-Rỗ hướng dẫn về cửa Nam. Cửa thành đã đóng từ lâu.
Sún-Lé nói:
– Chúng ta lại đánh lừa quân canh. Sư tỷ nhớ nhé, mình giả vờ hách dịch mới chắc ăn. Đừng nhũn nhặn, chúng hỏi lôi thôi, e lộ truyện.
Thiều-Hoa dẫn bọn chúng đến cửa Nam. Viên lữ trưởng gác cửa, thấy một thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp, mặc quần áo cung nữ. Năm thiếu niên mặc quần áo sang trọng và một thiếu niên mặc quần áo thái giám. Hắn hỏi:
– Các vị là ai? Đi đâu giữa đêm khuya?
Sún-Lé chỉ vào năm Sún nói:
– Đây là năm vị tiểu công tử họ Mã, thuộc vai cháu gọi Thái-hậu bằng cô. Thái hậu truyền ta với chị cung nữ theo hầu năm công tử lên đường đi Trường-sa có việc khẩn cấp.
Tay nó cầm lệnh bài đưa ra. Viên lữ trưởng, đã quen với loại sứ giả của cung Thái-hậu, đi đêm bất thường. Y liếc mắt thấy lệnh bài khắc con phượng cho là đúng, không dám cầm lấy xét xem thực hay giả. Giá y cầm lấy coi thì Sún-Lé bị lộ ngay. Vì trên thẻ bài, khắc tên Mã Huy, đội trưởng Thị vệ cấm quân.
Bọn chúng thấy Thiều-Hoa xinh đẹp, liếc mắt nhìn. Tay mở cổng.
Ra khỏi cổng. Lục Sún dẫn Thiều-Hoa phi ngựa như gió, đến canh tư, tới Mang- sơn.
Đúng ra chỗ trú ngụ của anh hùng Lĩnh Nam trên Mang-sơn, do Thần ưng canh gác. Đừng nói rằng người, đến con chồn, con cáo đột nhập và, Thần-ưng cũng khám phá ra, báo động liền. Vì Lục Sún là chúa tướng Thần-ưng. Chúng thấy chúa tướng trở về, thì im lặng. Sún-Lé, Thiều-Hoa tới nơi, mà quần hùng không hay biết. Qua một đêm hành trình, bảy người mệt mỏi. Sún-Rỗ mắc võng cho Thiều-Hoa nằm. Chúng lăn ra ngủ như chết.
Sáng sớm hôm sau. Lục Sún còn đang ngủ, có tiếng chân người đi. Rồi nhiều người cùng tiến đến chỗ trú ngụ của chúng. Tiếng Đặng Đường Hoàn nói:
– Sáng hôm qua, tôi dậy sớm, lên thăm. Không thấy người ngựa của chúng đâu. Thần-ưng vẫn ở trong thung lũng. Tôi với Giao-Long nữ, Giao-Chi tìm khắp nơi đều không thấy chúng.
Tiếng Phương-Dung nói:
– Hôm trước, khi bàn việc cứu Hoàng sư tỷ. Thấy thái độ của Lục Sún tôi đã nghi rồi. Chúng nó sống với Hồ sư tỷ trong rừng, tiêu dao tự tại hóa quen. Khó lòng khép chúng nó vào vòng kỷ luật. Không chừng chúng nó vào thành, tìm cách cứu Hoàng sư tỷ, bị ngự lâm quân bắt hết rồi cũng nên.
Tiên-Yên nữ hiệp nói:
– Ta không tin. Chúng nó khôn ngoan có thừa. Nếu bị vây, bị bắt đã sai Thần- ưng về đây báo tin.
Trần Công Minh nói:
– Sáu trăm Thần-ưng này, không có chúng điều khiển e nguy lắm chứ không chơi đâu. Sáng nay chúng bay sang cánh đồng bên cạnh, xúm vào thịt hết mười con ngựa của người ta. Ngày mai không chừng đói quá, thịt cả người đi đường, quan lại biết, thì hỏng hết việc.
Lục Sún nghe người lớn nói truyện về chúng. Chúng nó cũng huýt sáo ra hiệu cho nhau. Sún-Lé nói:
– Chúng mày giả vờ ngủ say, ngáy thực to. Ai kêu cũng giả vờ ngáp dài. Để tao trêu sư tỷ Phương-Dung một bữa cho đỡ ghiền. Tao thấy sư tỷ cứ áp dụng quân luật hoài, mệt thấy mồ. Hơi một tý là hăm đánh đòn.
Nó quay lại tìm Hoàng Thiều-Hoa. Nàng đã dậy từ sớm, xuống ngọn suối dưới thung lũng tắm rửa.
Sún-Rỗ quay sang Sún-Lé:
– Hay bọn mình giả vờ chết hết. Cho sư tỷ Phương-Dung kinh hoàng chơi.
Sún-Cao là đứa nhát gan nhất bọn nói:
– Tao không dám đâu, như vậy thì chềt đòn.
Sún-Rỗ bực mình:
– Mày nhát như thỏ. Không lẽ sư tỷ đánh chết bọn mình sao? Còn các vị sư bá, sư thúc chứ bộ.
Tiếng chân mọi người tới gần. Sún-Lé suỵt một tiếng, cả sáu đứa giả vờ nằm ngủ. Ngáy thực dài.
Phương-Dung đã lên tới đỉnh đồi. Trước mặt nàng, sáu cái võng căng trên cây.
Lục Sún nằm trên võng. Tiếng chúng ngáy khò khò, tỏ ra giấc ngủ rất sâu.
Trần Năng nói:
– Tôi đã nói mà! Chúng nó làm việc xuất quỷ nhập thần. Không biết đâu mà lường được. Tôi đã cùng chúng sống với nhau ở đạo Kinh-châu, hiểu chúng rất kỹ. Dễ gì bọn Hán bắt được chúng nó.
Phương-Dung lo lắng cho Lục Sún quá. Bây giờ thấy chúng bình an nằm ngủ thì mừng lắm. Là người tinh tế, nghịch ngợm bậc nhất, liếc mắt một cái nàng khám phá ra chúng giả vờ ngủ, để trêu mình. Thông thường khi giấc ngủ say, tiếng ngáy đều và dài. Đây tiếng ngáy của chúng khi to, khi nhỏ. Cổ chúng nuốt nước miếng ừng ực.
Hôm qua Phương-Dung cùng mọi người thám thính tin tức Hoàng Thiều-Hoa suốt ngày không ra manh mối. Trở về vừa mệt, vừa buồn, thì được Đặng Đường-Hoàn cho biết Lục Sún và ngựa của chúng biến mất từ hơn một ngày. Phương-Dung đâm hoảng. Cả bọn vào thành Lạc-dương, chia nhau đi tìm chúng mà không thấy. Suốt đêm qua, đám anh hùng gần như không chợp mắt được vì lo nghĩ. Phương-Dung bên ngoài thì cứng, bên trong thì mềm. Nàng lo cho chúng quá. Bây giờ thấy chúng bình yên mừng rỡ hiện ra mặt. Khi nàng khám phá ra chúng giả vờ ngủ, ngáy to trêu mình. Nàng đổ quạu:
– Mấy thằng Sún này dám qua mặt sư tỷ. Có dậy ngay không hay phải đợi ăn lươn?
Các Sún giả vờ ngáy to hơn. Phương-Dung tức mình, bẻ một cành cây, quật vào mông Sún-Lé. Sún-Lé hé mắt nhìn thấy. Nó trườn người tuột khỏi võng xuống đất, rồi lại ngáy tiếp. Phương-Dung dơ roi quất nữa. Nó lăn mình lại bên chân Trần Năng. Núp sau lưng nàng:
– Sư tỷ cứu em với!
Phương-Dung giận quá. Thấy chúng nó vui đùa, thì quăng roi xuống đất nói:
– Ta sẽ yêu cầu mọi người đừng nói truyện với Lục Sún trong một tháng.
Lục Sún là bọn trẻ ưa đùa nghịch. Chúng nó nói luôn miệng. Hình phạt hữu hiệu nhất là làm nghiêm, không nói với chúng. Khi nghe Phương-Dung hăm như vậy, chúng chưng hửng, nhìn nhau im lặng.
Tiên-yên nữ hiệp hỏi:
– Lé, các con đi đâu từ qua đến giờ?
Sún-Lé thè lưỡi méo miệng nhìn Phương-Dung:
– Chúng con thi tài với quân sư Phương-Dung.
Trần Năng nói:
– Lé, em không được đùa, trả lời sư bá cho đàng hoàng.
Sún-Lé cười, nó nghẹo đầu hỏi Phương-Dung:
– Sư tỷ khi rẻ chúng em, không cho đi cứu Hoàng sư tỷ. Vậy sư tỷ cứu được Hoàng sư tỷ chưa?
Phương-Dung lắc đầu:
– Đến tin tức cũng chưa biết, làm sao mà cứu được.
Sún-Lé chỉ xuống suối gần đó nói:
– Sư tỷ nhìn xem ai kìa?
Phương-Dung nhìn theo tay nó: Hoàng Thiều-Hoa đang từ bờ suối đi lên.
Thiều-Hoa cất tiếng ôn nhu nói:
– Có lẽ mặt trời mọc đằng Tây mất. Lục Sún thắng Phương-Dung mới lạ chứ. Chúng cứu ta ra đây rồi.
Phương-Dung đổi giận làm mừng. Nàng kéo tai Sún-Lé, cắn vào má nó:
– Sún-Lé tài quá. Thôi sư tỷ chịu thua rồi. Kể cho sư tỷ nghe đi, làm thế nào em kiếm được Hoàng sư tỷ? Làm thế nào em cứu được sư tỷ?
Sún-Lé chỉ các bạn:
– Lục Sún ở cạnh quân sư Trưng-Nhị rồi Phương-Dung không học được nhiều, thì cũng học được ít mưu trí chứ bộ !
Lục Sún cùng thi nhau thuật lại những gì chúng đã làm để cứu Thiều-Hoa. Chúng nói đến xùi bọt mép ra. Cứ đứa này nói một đoạn, đứa kia thêm một đoạn. Nếu người nghe không quen lời nói của chúng, thì không sao hiểu được câu truyện.
Tiên-yên nữ hiệp nghe Thiều-Hoa kể cuộc đàm thoại giữa nàng với Mã thái-hậu. Bà ngẫm nghĩ một lúc rồi đưa ý kiến:
– Vấn đề trước mắt là chúng ta có nên giết Quang-Vũ hay không? Hoặc cứ để cho Quang-Vũ với Mã thái-hậu cấu xé nhau. Đường lối hành động nào có lợi ích đây?
Trong tất cả đám người cùng đi cứu Hoàng Thiều-Hoa thì Trần Công-Minh chỉ huy kháng chiến chống quân Hán lâu ngày. Tính tình ông nóng nảy, thiếu cái nhìn rộng. Vấn đề trước mắt, ngoài sự ước tính của ông. Ông im lặng. Cảnh-Minh, Cảnh-Sơn chỉ là những cao thủ, võ công, tiễn thuật kinh nhân. Nếu bảo các ông cầm quân, xung phong hãm trận, e khó có ai hơn các ông. Còn bảo các ông phải quyết đoán những việc trọng đại như thế này thực là khó khăn. Đặng Đường-Hoàn, Trần Năng, Giao-Chi, Trần Quốc tuy có mưu trí, cũng không dám quyết đoán việc lớn. Còn lại Tiên-yên nữ hiệp, bà đọc sách, lắm mưu, nhiều mẹo. Ngặt vì bà mới sang Trung-nguyên, bị trúng Huyền-âm độc chưởng, nằm liệt giường. Bà không nắm vững tình hình, làm sao bà dám quyết định?
Phương-Dung có cái nhìn xa, thấy rộng, hành binh bố trận giỏi bậc nhất thời Lĩnh Nam. Còn về chính trị, thì nàng thua cả Hoàng Thiều-Hoa. Nay thấy chính Thiều-Hoa không dám quyết định. Nàng cũng không dám đưa ra ý kiến.
Giao-Chi nói:
– Giá có Đặng Thi-Sách, Nhị Trưng hay Đào-hầu, Đinh-hầu ở đây, các vị ấy ắt có quyết định sáng suốt. Hay chúng ta dùng Thần-ưng đem thư về Lĩnh Nam hỏi Đào sư bá. Việc này phi Đào sư bá với Trưng Trắc, không ai quyết định nổi. Sư tỷ thấy không: Chúng ta đang hùng hục giúp Quang-Vũ. Hai vị ấy quyết định phản Hán, trợ Thục. Chúng ta tuân theo. Thành công mĩ mãn. Ngặt một điều chúng ta phải làm ngay. Đợi Thần-ưng thì đến bao giờ?
Hoàng Thiều-Hoa suy nghĩ một lúc rồi bàn:
– Nếu chúng ta giết Quang-Vũ, ắt Mã thái-hậu lập một ấu quân lên thay. Quyền về Mã thái-hậu. Sau Mã hậu, Mao Đông-Các xuất hiện dần dần. Cuối cùng y lên làm vua. Hoàng tộc nhà Hán tất khởi binh trung hưng. Trung-nguyên lại rối loạn. Lĩnh Nam, Thục lợi dụng thời cơ đó, chỉnh đốn binh mã, tăng gia trồng cấy. Ít năm sau hưng thịnh lên, dù ai làm vua Trung-nguyên, ta cũng không sợ nữa. Khổ một điều, làm như vậy người đau đớn nhất phải kể là nhũ mẫu của Trần đại ca. Chính Trần đại ca cũng đau đớn không ít.
Phương-Dung phân vân suy nghĩ tìm giải pháp, cho êm đẹp. Nàng đi đi lại lại, đặt vấn đề. Từ đâu đó, một mùi thơm, khét bay lại. Nhìn sang bên cạnh: Lục Sún đang quạt lửa đỏ rực. Chúng nướng hai con gà rừng, một con trĩ và mấy con thỏ. Sáu Sún ngồi dựa vào gốc cây, xé thịt thỏ cho vào miệng nhai tóp tép rất ngon lành. Nàng lấy làm lạ vì Sún-Lé cứ nhè đám người lớn ngồi mà quạt khói lại. Nàng nghĩ:
– Mấy đứa này còn nghịch hơn Hồ-Đề với nàng ngày xưa nữa.
Nàng bảo Sún-Lé:
– Em quạt khói đi chỗ khác. Quạt lại chỗ sư bá, sư thúc như vậy là vô lễ. Sư tỷ đánh đòn bây giờ.
Sún-Lùn nhe răng cười:
– Hôm trước Thái sư thúc Khất đại phu nói rằng: Trước khi ăn, phải ngồi ngắm nghía, hít hà một lúc, mùi thơm làm con tỳ, con vị sống dậy, hãy ăn, mới ngon. Vì vậy Lé nó quạt mùi thơm để các sư bá, sư thúc ngửi một chút mà sư tỷ cũng cấm. Em đặt cho sư tỷ cái tên mới.
Sún-Lùn khoái chí nói với các Sún:
– Tao tìm được một tên hay lắm.
Cả bọn nhao nhao lên:
– Tên gì?
Sún-Lùn méo miệng nhát Phương-Dung:
– Bà ba bị.
Cả bọn cười ồ lên hát đồng loạt.
Bà ba bị,
Chín quai,
Mười hai con mắt,
Bắt trẻ bỏ bị.
Đúng ra làm gì có bài hát bà ba bị. Mà chỉ có bài hát ông ba bị. Chúng nó đổi đi, mà ngạo Phương-Dung.
Từ ngày làm quân sư, Phương-Dung áp dụng quân luật với chúng, chúng sợ nàng một phép. Bây giờ thấy có dịp, chúng chọc phá nàng.
Giao-Chi can thiệp:
– Các Sún không được đùa dỡn. Làm gì có bài hát Bà ba bị.
Sún-Lé nhớ đến Mã thái-hậu. Trong đầu óc nó, Mã thái-hậu là người dữ dằn nhất. Nó nói:
Em đề nghị: Đêm nay Lục Sún vào cung, giết quách Mã thái hậu. Đưa sư tỷ Phương-Dung vào thay thế.
Lục Sún đồng reo lên. Miệng reo, tay mang đùi gà nướng lại trước Phương-Dung. Nó làm bộ quì gối, hai tay dâng đùi gà:
– Đệ nhất ngự trù, kính cẩn dâng Thái-hậu đùi gà nướng theo lối Tây-vu đất Lĩnh Nam.
Phương-Dung cầm đùi gà đưa lên mũi, thấy mùi thơm khác thường. Nàng hỏi Sún- Cao:
– Em nướng cách nào mà ngon thế này?
Sún-Cao tính ít đùa nghịch. Nó vừa quạt lửa nướng vừa nói:
– Thịt gà nướng lối Tây-vu rất đặc biệt. Lối nướng gà do bọn em chế ra. Chứ không phải do sư tỷ Hồ Đề dạy.
Giao-Chi rất giỏi nấu nướng, nàng biết phân biệt món nào ngon, món nào tinh khiết. Nàng vừa ăn, vừa ngẫm nghĩ mùi vị: Lục Sún là mấy đứa trẻ con, tại sao biết nướng gà, vừa thơm, vừa ngon đến thế này? Nàng hỏi:
– Thôi chị đặt món này là "Gà nướng Tây-vu thiên ưng". Nghe được không?
Sún-Lùn vỗ tay nhảy lên:
– Hay thực! Bọn em được người có bàn tay tiên, biết hóa phép thành món ăn, ngon nhất Giao-chỉ khen, thì đúng là ngon thực.
Tiên-yên nữ hiệp cầm miếng thịt, xé ăn. Bà gật đầu:
– Các con nướng ngon thực. Thế các con chế ra từ hồi nào?
Sún-Lé thấy sư bá hỏi, nó không dám đùa như đối với Phương-Dung, kính cẩn thưa:
– Thưa sư bá, người chế ra chính là Sún-Cao. Nó ít nói, thâm trầm, lười như hủi. Hồi ở Tây-vu, bọn chúng con chia nhau, mỗi ngày một đứa phụ trách nấu ăn. Đến phiên nó, nó không cắt tiết gà, dìm cho gà chết, rồi lấy đất sét đắp ngoài con gà, treo lên nướng.
Giao-Chi « a » lên một tiếng:
– Phải rồi! Gà không cắt tiết. Huyết còn trong thịt. Nướng lên, huyết lẫn vào với thịt, mỡ. Vì vậy thịt không khô. Béo ngậy là thế.
Sún-Rỗ tiếp:
– Sau rồi quen. Gà không làm lông. Cũng không mổ ruột. Để nguyên con, lấy đất sét đắp ngoài, đốt củi nướng treo. Lửa đốt, bùn khô. Bùn hút nước gà, thành ra bao nhiêu mùi hôi, đất bùn hút ra hết. Khoảng tàn nén nhang, thì gà chín. Gỡ bọc đất ra. Đất mang theo lông gà. Moi ruột vứt đi... Và đánh chén.
Sún-Cao vừa ăn vừa nói:
– Sư tỷ, em có quyền đề nghị không?
Phương-Dung biết các Sún đã lớn, gần trưởng thành. Nàng thấy vui vui nói:
– Các em đã là anh hùng Lĩnh Nam, thì có quyền phát biểu ý kiến như các sư bá, sư thúc.
Sún-Lùn bàn:
– Sư tỷ đang bối rối, vì không biết phải giết Quang-Vũ hay để cho Mã thái-hậu với Quang-Vũ cắn nhau phải không?
Trần Năng ở bên cạnh Lục Sún lâu ngày. Nàng biết Lục Sún có nhiều sáng kiến, khác thường. Nàng khuyến khích:
– Đúng đấy, các Sún có cao kiến gì cứ nói ra.
Sún-Lùn cười khích khích:
– Em lùn tịt như con vịt, thì ý kiến cũng lùn thôi. Bây giờ sư tỷ để chúng em xạo với nhau xem có được không nghe. Này Sún-Rỗ, chúng mình bắt đầu đi.
Sún-Lùn hỏi thực chậm:
– Nếu tao giết Quang-Vũ bên Hán có lợi gì không?
Sún-Rỗ trả lời:
– Mình giết Quang-Vũ, triều Hán sẽ thù Lĩnh Nam mình ghê lắm. Con mẹ nó chứ, triều Hán đếch phải Trung-nguyên mà ông sợ. Không chừng giết Quang-Vũ, nhiều người còn khoan khoái là khác. Triều Hán thù mặc triều Hán. Quang-Vũ ngỏm củ tỷ, con trai Quang-Vũ mới mười tuổi lên làm Hoàng đế. Trung-nguyên sẽ có ông vua chỉ biết đái dầm, sờ vú mẹ, khóc nhè. Ông vua con nít sai tướng đánh Lĩnh Nam. Các tướng không muốn ra sức. Vì ra sức, liệu ông Hoàng-đế tý teo có biết công cho không?
Sún-Lùn tiếp:
– Đành rằng ông vua con nít không làm được việc gì. Quyền tất vào tay bà Thái- hậu. Cạnh bà Thái-hậu, còn có Mã thái-hậu. Bà Thái-hậu lớn, bà Thái-hậu nhỏ cùng cầm quyền.
Sún-Đen xen vào:
– Đất không có hai mặt trời. Nước không có hai vua. Bà Thái-hậu lớn, bà Thái- hậu nhỏ nhất định sẽ cắn nhau. Bọn họ hàng các bà tranh dành quyền hành. Triều đình rối loạn. Nước yếu dần thì Lĩnh Nam, Thục có lợi.
Sún-Lé thêm vào:
– Làm đếch gì có hai phe Thái-hậu. Quang-Vũ chết, Mã thái-hậu cầm quyền. Quang-Vũ còn sống, mà phân nửa quyền hành còn về tay Mã thái-hậu. Tình nhân của Mã thái-hậu cũng đang muốn làm vua. Thế thì chỉ có hai phe đánh nhau: Phe hoàng thân Hán và phe Mã thái-hậu.
Sún-Hô thêm:
– Nếu không giết Quang-Vũ cũng có loạn lớn. Vì hiện Hàn thái-hậu đang trên đường về kinh. Hai bà nhất định có đại chiến. Quang-Vũ về phe mẹ mình, giết Mã thái-hậu. Mã Viện, Mã Anh, bọn ngoại thích tất sẽ làm loạn. Trung-nguyên có chiến tranh. Cần gì phải giết Quang-Vũ.
Sún-Rỗ nói:
– Nếu giết Quang-Vũ, đại ca Trần Tự-Sơn sẽ nổi giận. Vì đại ca còn tưởng đến tình xưa nghĩa cũ. Hay hơn hết chúng ta đứng nhìn Mã thái-hậu với Quang-Vũ giết nhau. Trai Mã thái hậu, cắn Cò Quang-Vũ. Chúng ta là ngư ông hưởng lợi. Cứ việc đứng nhìn.
Sún-Lé lắc đầu:
– Mày nói như Cục kít người ta ấy. Trong khi hai phe nó đánh nhau. Thì mình trở về Lĩnh Nam khởi binh. Ai lại đứng nhìn tụi nó đánh nhau. Đứng nhìn như vậy. Khi chúng đánh nhau xong, một trong hai phe sẽ đánh mình. Bấy giờ mình chết ngỏm củ tỏi.
Sún-Hô nói:
– Vậy chúng ta không nên giết Quang-Vũ. Khỏi làm Trần đại ca buồn. Chúng ta cứ để phe Mã thái-hậu với phe Quang-Vũ đánh nhau. Vẫn có lợi hơn giết Quang-Vũ. Chúng ta đứng trong bóng tối giả làm phe Thái-hậu, giết phe Quang-Vũ, rồi giả làm phe Quang-Vũ giết phe Thái-hậu. Dù chúng không muốn đánh nhau. Cũng sẽ đánh nhau.
Câu nói của Sún-Hô làm mọi người tỉnh ngộ. Đặng Đường-Hoàn bàn:
– Thiều-Hoa trốn khỏi phủ Hoài-nam vương, tất Quang-Vũ khiển trách y. Y bắt tên Mã Huy tra hỏi. Mã Huy kể mọi sự, tức nhiên Quang-Vũ, Hoài-nam vương cho rằng phe Thái-hậu tha Thiều-Hoa.
Sún-Lé thêm vào:
– Đêm nay chúng ta đột nhập hoàng cung. Lấy vải bịt mặt, giết một số người thuộc phe Mã thái-hậu. Sau lại sang phủ Hoài-nam vương giả làm người thuộc phe Thái-hậu, giết người. Thế là hai bên đại chiến loạn xà ngầu ngay.
Đặng Đường-Hoàn lắc đầu:
– Khó lắm! Cả hai nơi đều nhiều cao thủ. Chúng ta chỉ cần đánh vài chiêu. Họ nhận ra chiêu số, võ công, thì hỏng bét.
Sún-Lé cười:
– Sư bá, cháu có nói đánh nhau đâu. Mình lén vào giết những người không biết võ công, rồi tìm cách đổ tội cho bên kia.
Tiên-yên nữ hiệp nhìn Phương-Dung hỏi ý kiến:
– Lời nói của Lục-Sún tuy là vui đùa, nhưng cũng có lý phần nào. Chúng ta không nên bỏ lỡ dịp này.
Phương-Dung gật đầu:
– Vậy tối nay, sư thúc Đặng Đường-Hoàn, Cao Cảnh-Minh, cùng với Trần Năng và cháu đi thám thính hoàng cung. Không biết Quang-Vũ với Mã thái-hậu ở đâu. Hoàng cung rộng quá biết chỗ nào mà tìm?
Thiều-Hoa hỏi Sún-Lé:
– Hôm qua, khi Mã thái-hậu ra về. Chị nghe tiếng em huýt sáo. Dường như em sai Thần-ưng theo dõi bà ta phải không?
Sún-Lé gật đầu:
– Em cho thần ưng bay theo để biết mặt bà. Bây giờ em sai nó bay vào thành Lạc-dương là tìm ra chỗ bà ta ở cùng với Mao Đông-Các, Hồng-Hoa, Thanh-Hoa ngay.
Phương-Dung bảo Sún-Lé:
– Vậy Lé đi với chị, thám thính Lạc-dương. Chị không biết điều khiển Thần-ưng.
Nghe đến tên Mao Đông-Các. Trần Năng lắc đầu:
– Tên Mao này chưởng lực mạnh không thể tưởng tượng được. Có lẽ ngoài sư phụ, Đào sư thúc, trên thế gian khó có người trị được y. Sư thẩm! Long-biên kiếm pháp đối với Huyền-âm độc chưởng ra sao?
Sún-Rỗ chen vào:
– Trị được! Dễ ợt! Tại sao không trị được.
Tiên-yên nữ hiệp hỏi:
– Sao Rỗ biết?
Rỗ cười:
– Này nhé, nội công của Mao với sư tỷ Phương-Dung cùng một nguồn gồc. Nay y xử dụng chưởng, sư tỷ xử dụng kiếm. Kiếm phải hơn chưởng chứ?
Trần Năng than:
– Hôm đại chiến trên đồi Vương-sơn tôi thấy công lực Nghi-Gia, Phan-Anh đã mạnh. Không ngờ Hồng-Hoa, Thanh-Hoa còn mạnh hơn. Nếu không có Tăng-Giả Nan-Đà có lẽ giờ này, tôi vẫn không phải đối thủ của họ. Công lực Trưng Nhị mạnh như vậy mà Hồng-Hoa đánh một chưởng, bật tung lên trời. Chưởng của thị lại có độc chất. Nếu ta đối chưởng với chúng phải cẩn thận lắm mới được.
Đặng Đường-Hoàn hỏi:
– Cứ như lời Hùng phu nhân, chưởng lực của Hồng-Hoa, Thanh-Hoa mạnh gấp bội Nghi-Gia. Mà Nghi-Gia mạnh hơn Phong-châu song quái. Như vậy ta không phải đối thủ của hai đứa con gái này mất rồi.
Chiều hôm đó, năm người lên ngựa hướng Lạc-dương tiến phát. Họ vào trong thành, kiếm một chỗ vắng có cây cao, cho Sún-Lé leo lên, sai Thần-ưng đi tìm chỗ trú ngụ của Mã thái-hậu. Nó leo lên cây, huýt sáo, phất cờ, một đoàn mười Thần-ưng vút lên cao, bay lượn.
Hơn một giờ sau, Sún-Lé xuống đất nói:
– Bọn chúng ở làm hai chỗ. Mã thái-hậu ở cung Vĩnh-lạc, Mao Đông-Các, Thanh- Hoa, Hồng-Hoa ở cửa Thanh-tỏa. Còn Quang-Vũ thì ở lầu Thúy-Hoa.
Cao Cảnh-Minh khen:
– Lé giỏi thực! Tối hôm nay chúng ta vào hoàng thành. Lé phải ở đây giữ ngựa. Vì khinh công cháu không đủ vượt lên các nóc nhà.
Lé xịu mặt xuống! Nó tự biết muốn dự cuộc thám thính, phải có khinh không thực cao, vượt hoàng thành, leo lên nóc điện.
Đợi đến canh hai, Phương-Dung cùng Cao Cảnh-Minh, Đặng Đường-Hoàn và Trần Năng vượt tường hoàng thành vào trong. Nàng đã nghiên cứu rất kỹ bản đồ Lạc-dương, do Đô Dương trao cho ngày nọ. Tất cả nhắm lầu Thúy-hoa tiến tới. Lầu Thúy-hoa đứng bên bờ hồ, cao như một trái đồi nhỏ. Lầu có chín mái tiếp nhau, từ thấp lên cao. Ngói màu xanh. Các lan can sơn son thiếp vàng. Cột vẽ rồng, vẽ phượng. Trước lầu Thúy-hoa là một vườn Ngự uyển, không thiếu gì hoa thơm cỏ lạ. Kể từ dưới trở lên, có tất cả chín tầng. Tầng nào, đèn nến cũng sáng choang. Cung-nga, Thái-giám đi đi lại lại không ngừng.
Trần-Năng nói nhỏ:
– Làm Hoàng-đế Trung-nguyên sướng thực. Dân chúng khổ mặc dân chúng, chiến tranh mặc chiến tranh. Trong một cái lầu này, hàng mấy trăm người chỉ để phục thị một Quang-Vũ mà thôi. Không biết y hiện ở lầu thứ mấy?
Có tiếng nhạc vang lừng đưa xuống. Đặng Đường-Hoàn là người phái Sài-sơn, ông rất thông thạo âm nhạc. Ông lắng tai nghe, định hướng, nói:
– Quang-Vũ đang ăn tiệc ở tầng thứ tư. Vậy chúng ta leo lên thám thính.
Cả bọn ra phía sau lầu, vọt mình lên tầng thứ nhất, rồi lần lần tới tầng thứ tư. Trời bây giờ vào tiết tháng hai, hãy còn lạnh. Các cửa sổ đều đóng kín mít. Phương-Dung cùng mọi người chia nhau bám vào cửa sổ, dùng tay chọc thủng giấy, nhìn vào trong.
Bên trong, Quang-Vũ ngồi giữa một cái ngai, sơn son thiếp vàng. Bên cạnh có Tường-Qui, trong bộ áo phi tần. Phía sau bọn thái giám, cung nữ chắp tay đứng hầu. Phía trước của đoàn nhạc công, là các vũ nữ đang múa rất uyển chuyển theo cung đàn, nhịp phách.
Phương-Dung biết rất rõ truyện Đào Kỳ với Tường-Qui. Nàng vốn đã khinh rẻ Tường-Qui, vì là gái đã có chồng, còn lãng mạn. Bây giờ thấy Tường-Qui ngồi bên cạnh Quang-Vũ, gương mặt hớn hở. Nàng cảm thấy lợm giọng.
Dứt bản nhạc, Quang-Vũ ngáp dài, rồi hỏi:
– Có tấu chướng khẩn cấp không?
Một thái giám quì xuống tâu:
– Tâu Hoàng-thượng có Hoài-nam vương cầu kiến.
Quang-Vũ phán:
– Mời vào!
Cánh cửa mở. Hoài-nam vương bước vào định quì gối rập đầu, Quang-Vũ vẫy tay:
– Miễn lễ cho Hoàng thúc. Mời Hoàng thúc ngồi.
Hoài-nam vương ngồi xuống chiếc ghế sơn son thiếp vàng. Ông tâu:
– Đêm khuya thần cầu kiến Hoàng thượng, vì sự thể nguy cấp đến nơi rồi. Sáng hôm qua, Thái-hậu đến phủ của thần, thăm Lĩnh-nam vương phi. Thái hậu sai mở khóa cho Vương-phi. Hai người thảo luận nhiều truyện rất lâu. Sau đó Thái-hậu ra về. Đến trưa, vệ sĩ, cung nga bị một thái giám cung Vĩnh-lạc trói lại, nhét giẻ vào miệng. Sau đó y dẫn Vương-phi ra cửa Nam. Thần đã tra hỏi bọn Thị-vệ, Cung-nga và viên Lữ-trưởng gác cửa Nam. Chúng tả hình dáng tên Thái giám giống nhau.
Quang-Vũ lạnh lùng nói:
– Trẫm hiểu. Như vậy rõ ràng Thái-hậu thả Hoàng-Thiều-Hoa. Chúng ta trăm cay nghìn đắng mới bắt được y thị. Hai đại tướng trong Tương-dương cửu hùng chết. Trẫm suýt thiệt mạng. Hơn trăm viên tướng cạnh tuẫn quốc. Ừ! Mà này! Hoàng thúc có biết hai người thảo luận về việc gì không?
Hoài-nam vương đưa mắt nhìn bọn thái giám, cung nữ. Quang-Vũ nói:
– Các người hãy ra ngoài.
Bọn Cung nữ, Thái-giám đều ra ngoài. Tường-Qui cũng đứng lên lui vào trong khuê phòng.
Hoài-nam vương tường thuật tỷ mỉ cuộc đối thoại giữa Mã thái-hậu với Hoàng Thiều-Hoa cho Quang-Vũ nghe. Sau khi dứt truyện, ông kết luận:
– Cái nguy là giang sơn Đại-hán sắp về tay họ Mao. Trong cung hiện ẩn tàng ba cao thủ là Mao Đông-Các với hai nữ nhân kia. Xin Hoàng thượng sớm quyết định. Nếu không e nguy đến trước mắt.
Quang-Vũ cười:
– Trẫm biết chắc bọn Lĩnh Nam không bao giờ hành thích trẫm. Bởi Nghiêm Sơn còn đó. Trẫm ăn cùng mâm ngủ cùng giường với Nghiêm Sơn, trẫm biết y rất rõ. Y không bao giờ đồng ý cho người Lĩnh Nam giết trẫm. Qua câu truyện Thái-hậu nói với Thiều-Hoa. Chính Thái-hậu giải oan cho trẫm, rằng triều đình vì sự nghiệp ngàn năm của Đại-hán, phải trở mặt với Nghiêm. Vụ Mao Đông-Các trẫm biết từ lâu. Trẫm đã sắp đặt kế sách đối phó. Dễ mà!
Hoài-nam vương gật đầu:
– Hoàng-thượng thực cao kiến. Thần nhận được biểu của Công-chúa Vĩnh-Hòa tâu rằng Hàn thái-hậu đang cùng Công-chúa và hai vị Triệu, Chu quận-chúa sắp về tới Lạc-dương. Thần được tin Lê-Đạo-Sinh phản Mã thái-hậu, theo Hàn thái-hậu. Đi hộ vệ Hàn thái-hậu còn có Phật-Nguyệt, người con gái thắng kiếm thuật của thần hồi trước. Mã thái-hậu phái nhiều cao thủ đi giết Hàn thái-hậu. Xin bệ hạ cứu giá.
Quang-Vũ lắc đầu:
– Không cần cứu giá. Nếu trẫm cứu giá, chính trẫm phải chống lại Mã thái-hậu. Trẫm cứ lờ đi. Trần Tự-Sơn khắc cứu Hàn thái-hậu. Hoàng-thúc không nhớ hôm Nghiêm Sơn nhục mạ trẫm ở điện Vị-ương ư? Y nói sẽ đi Lạc-dương cứu giá Hàn thái-hậu. Tin tế tác cho biết y đi cùng Trần Đại-Sinh, Đào Kỳ, Đô Dương, Chu Bá. Năm người ấy võ công vô địch. Đến một trăm Mao Đông-Các cũng không phạm đến Hàn thái-hậu được. Ấy là chưa kể Phật-Nguyệt với bọn Lê Đạo-Sinh.
Quang-Vũ cười lớn:
– Bọn Lĩnh Nam với bọn Mao Đông-Các giết nhau. Trẫm nhắm mắt làm ngư ông hưởng lợi. Vì vậy Hoàng thúc không cần cử người cứu giá làm gì. Đợi hai bên đánh nhau, kẻ chết, người bị thương la liệt. Hoàng thúc cho đạo kỵ binh bắt tất cả đem chặt đầu.
Hoài-nam vương run run hỏi:
– Tâu bệ hạ, ví như bọn Mao Đông-Các hại Hàn thái-hậu?
Quang-Vũ lạnh lùng:
– Hàn thái-hậu sinh ra trẫm thực. Ngặt vì bà xuất thân kỹ nữ. Mã thái-hậu giết bà, giúp trẫm tránh điều tủi nhục đối với thần dân. Bà chết đi, trẫm có thể phủi tay chối rằng Hàn thái-hậu không phải sinh mẫu trẫm. Sở dĩ có truyện này, do bọn Lĩnh Nam bịa đặt ra. Mã thái-hậu đã giết Hàn thái-hậu rồi, trẫm có cớ trở mặt, giết bà để trả thù cho mẫu thân.
Hoài-nam vương Lưu Quang từng cầm đại quân, sát phạt chinh chiến đã lâu. Ông từng thấy biết bao nhiêu người tàn nhẫn, bất hiếu, bất mục. Nhưng chưa hề nghe nói người nào nỡ nhìn kẻ thù giết mẹ, mà không cứu. Ông trầm ngâm, tự nghĩ trong lòng:
– Giống chim quạ dơ bẩn, ác độc, thấy mẹ bị nạn, chúng còn biết lăn xả vào cứu. Người này tàn nhẫn với mẹ như vậy, thực cổ kim chưa có hai. Người này mất mẹ từ nhỏ, mẫu tử xa cách mấy chục năm. Trong khi con ngồi trên ngai vàng, ban phúc, giáng họa cho trăm họ. Còn mẹ thui thủi ở Quế-lâm, vẫn hy sinh, phù trợ cho con.
Quang-Vũ đứng dậy nói:
– Hoàng thúc nên biết hiện trong cung có ba cao thủ bên mình Thái-hậu. Ngoài ra không biết bao nhiêu thị vệ của bà nữa. Gần đây Mã Viện mới chiêu mộ được một số võ sĩ bản lĩnh võ công kinh nhân. Trong khi đó ta chỉ có mình Hoàng thúc với Tần vương. Ta dùng bọn Lĩnh Nam tỉa vây cánh Mã thái-hậu trước đã. Theo Hoàng-thúc nên làm thế nào?
Lưu Quang tâu:
– Muốn tỉa vây cánh của Mã thái-hậu, xin bệ hạ giáng chỉ sai Mã Viện đem quân đóng ở Thương-ngô, Uất-lâm phòng Lĩnh Nam. Lệnh cho Ngô Hán đánh chiếm Trường- an, Hán-trung. Đặng Vũ đem quân đánh Kinh-châu. Thục bị đánh ép hai ngả, tất cầu Lĩnh Nam. Lĩnh Nam đem quân đánh Thương-ngô thì Mã Viện ắt nguy. Lĩnh Nam nhân tài nhiều, tất giết bớt chân tay Mã Viện. Mã Viện bại, bệ hạ lấy cớ đó, đem xử trảm. Thần đã triệu tập quần thần. Xin bệ hạ cho thiết triều bây giờ.
Quang-Vũ gật đầu:
– Được, trẫm cho thiết triều ngay bây giờ.
Lưu Quang xuống một lúc, hơn ba mươi vị đại thần mũ cao áo rộng lên lầu. Bước vào phủ phục xuống thềm tung hô vạn tuế. Quang-Vũ vẫy tay cho họ bình thân.
Tư-đồ Đậu Dung tâu:
– Tâu bệ hạ, các đại thần xin thiết triều khẩn cấp, bởi có tin Lâm-đồng thất thủ. Tần vương rút về cố thủ ở Đồng-quan. Tình hình nghiêm trọng lắm. Phía Nam quân Thục chiếm xong Kinh-châu, tiến lên vây Nam-dương. Xin Bệ hạ định liệu.
Quang-Vũ hướng vào quần thần:
– Các khanh có cao kiến gì, lui quân Thục không?
Hoài-nam vương tâu:
– Theo ý thần. Thục không đủ sức đánh Trường-an, Nam-dương. Ngặt vì có đám Lĩnh Nam giúp sức, Công-tôn Thuật mới làm lộng được như vậy. Theo ý kiến thần, Hoàng thượng mau triệu hồi Lĩnh-nam vương trở về, rồi ban chiếu chiếu phục hồi chức vị cho vương. Vương trở về thì đám Lĩnh-nam sẽ theo vương. Thục mất người giúp. Chúng ta diệt Thục dễ dàng.
Tư-không Tống Hoằng tâu:
– Theo ý thần, Lĩnh-nam vương hiện không biết ở đâu. Vương gia đã đoạn tình với triều đình. Dù có phục hồi vương vị, chắc Vương-gia cũng không chịu về. Chúng ta nên tìm cách chống giặc thì hơn.
Quang-Vũ gật đầu:
– Lời khanh hợp ý trẫm. Vậy theo khanh nên làm thế nào?
Tống Hoằng tiếp:
– Chúng ta hiện có hai mối lo, một là Thục hai là Lĩnh Nam. Nếu cần phải buông, ta buông đất Lĩnh Nam, để được Thục. Sau khi diệt Thục ta tính tới Lĩnh Nam sau. Vì vậy thần dám xin Hoàng-thượng cần ban một đạo chỉ thì truyện Lĩnh- nam giải quyết xong.
Tể tướng Giao-đông hầu Giả Phục tâu:
– Lời Tư-không chí phải. Xin bệ hạ xuống chỉ tìm một số người Lĩnh Nam có tài, ham công danh, tư cách càng tồi tệ càng tốt, phong cho họ làm Thái thú, Thứ sử vùng Lĩnh Nam. Họ có tư cách tồi tệ ắt không được lòng dân. Không được lòng dân, họ phải dựa vào triều đình. Họ trở về Lĩnh Nam, hô hào dân Việt, dân Hán, Lạc-hầu, Lạc-tướng, gây chiến tranh nội bộ. Lĩnh Nam tất không yên. Trong khi đó ta diệt Thục. Thục diệt, ta đánh Lĩnh Nam sau.
Hoài-nam vương cau mày, tỏ vẻ bực tức:
– Theo ý thần không nên. Trước đây bệ hạ đã phong cho Nghiêm Sơn làm Lĩnh-nam vương. Hôm rồi, giữa điện Vị-ương ở Trường-an, bệ hạ hứa với Nghiêm Sơn, Đào Kỳ, Phương-Dung, Trần Đại-Sinh cho Lĩnh Nam phục hồi. Thần trộm nghĩ Thiên-tử đã hứa, không nên bỏ. Thần dám xin bệ hạ để Lĩnh Nam yên. Lĩnh-nam vương hàng năm tiến cống. Giữa bệ hạ với Lĩnh-nam vương có tình huynh đệ. Lĩnh-nam mới phục hồi, còn lo tổ chức cai trị chưa xong. Thần chắc khi triều đình phạt Thục, Lĩnh-nam vương không trợ Thục. Đến như Ngũ phương thần kiếm, đem hết tâm huyết giúp Lĩnh Nam. Thế mà trong trận Trường-an, họ xuất lực đánh Thục, hơn cả các đại tướng bản triều. Chủ trương hợp Thục phản Hán do Trưng Trắc, Đặng Thi-Sách, Trưng Nhị, Đào Thế-Kiệt chứ không phải của Lĩnh-nam vương. Bệ hạ để Lĩnh Nam yên. Thần quyết Lĩnh Nam vẫn thuộc bản triều.
Giả Phục tâu:
– Phải đánh Lĩnh Nam ngay. Để mấy năm nữa, họ chỉnh đốn nền cai trị, họ lại được lòng dân. Bấy giờ liên quân Việt-Thục đánh vào Trung-nguyên, e khó chống nỗi.
Quang-Vũ gật đầu:
– Trẫm đồng ý với Tể-tướng. Trẫm chỉ cần một tờ giấy, ban sắc chỉ phong đất Lĩnh Nam cho bọn Việt có tài, háo danh. Chúng sẽ hăm hở về Lĩnh Nam chiếm lại đất được phong. Trường hợp chúng thắng, trẫm dơ tay ra thì bắt chúng như bắt ốc, rồi đem chặt đầu. Trường hợp bọn Đào Thế-Kiệt, Đặng Thi-Sách thắng, tinh lực hao tổn, trẫm chỉ đánh một trận là được.
Tể tướng Giả Phục tâu:
– Mã Viện hiện đang đợi chỉ. Xin Bệ-hạ tuyên triệu.
Quang-Vũ gật đầu:
– Triệu Mã Viện vào triều kiến.
Mã Viện bước vào quì gối tung hô vạn tuế. Quang-Vũ an ủi:
– Mã quốc cữu vì lầm mưu để mất Ích-châu, Kinh-châu, đáng lý phải chém cả nhà. Trong quân lại có gian tế Trần Lữ, tội càng thêm nặng. Tuy nhiên người với trẫm có tình huyết tộc, trẫm đại xá cho. Vậy ngay lập tức, quốc cữu phải lên đường trấn thủ Thương-ngô, Uất-lâm, phòng Lĩnh Nam. Sau khi tái lập công, trẫm sẽ phong thưởng.
Mã Viện kính cẩn rập đầu tạ ơn lui ra.
Hoài-nam vương tiếp:
– Tương-dương cửu hùng là những đại tướng quân. Võ công, mưu lược hiếm có, vào sinh ra tử đã nhiều. Trong chín người, có Sầm Bành, Tế Tuân tuẫn quốc ở Dương- bình-quan. Cảnh Yểm tuẫn quốc tại điện Vị-ương. Tang Cung, Lưu Hân bị bắt trong trận Trường-an. Lục Sún cho thần ưng ăn thịt. Hán đã mất nhiều nguyên khí. Hiện Tương-dương cửu hùng chỉ còn có bốn người. Xin Bệ hạ giáng chỉ phủ tuất các tướng vị quốc vong thân. Ban thưởng cho người còn sống, hầu khích lệ trăm họ vì Bệ hạ mà hết mình.
Quang-Vũ gật đầu:
– Hàn-lâm Bác-sĩ mau giáng chỉ phủ tuất, phong hầu, lập miếu thờ các tướng tử trận. Cấp phát ruộng đất cho vợ con. Truyền phong làm phúc thần, địa phương được cấp ruộng, xây đền thờ. Con trai được tập ấm nối nghiệp cha.
Quang-Vũ thở dài tiếp:
– Tương-dương cửu hùng theo trẫm bấy lâu, lập nhiều công lao, tiếc thay bị bọn Lĩnh Nam sát hại mất năm người. Nay còn bốn người, trẫm không muốn xa. Bô lỗ đại tướng quân Mã Vũ được phong Dương-hư hầu, ăn lộc suốt một giải đất Dương- hư, điều khiển toàn bộ Thiết kị, tổng trấn Lạc-dương. Hổ oai tướng quân Phùng Tuấn, tước Phong-lăng hầu, ăn lộc đất Phong-lăng, thống lĩnh Cấm quân. Chinh viễn đại tướng quân Lưu Long tước Thận-hầu, ăn lộc đất Côn-dương, thống lĩnh toàn bộ Ngự-lâm quân. Long-nhượng đại tướng quân Đoàn Chí thống lĩnh toàn bộ thủy quân, tước Nam-dương hầu, ăn lộc đất Nam-dương.
Tư-không Tống Hoằng tâu:
– Tâu bệ hạ, có biểu của Công chúa Vĩnh-Hòa cùng Quận chúa Lý Lan-Anh và Chu Thúy-Phượng, do Đô-úy Giao-chỉ tên Lê Đạo-Sinh thượng tấu điều cơ mật nội cung.
Quang-Vũ phất tay:
– Các vị đều là chân tay của trẫm. Dù mật gì chăng nữa cũng cần phải cho các khanh biết. Khanh cứ đọc lên để mọi người cùng bàn.
Quang-Vũ biết ba người này tâu việc thái hậu Hàn Tú-Anh. Y làm như không biết. Tống Hoằng cầm biểu, mở ra đọc. Trong biểu tâu đại ý kể việc Trương Linh làm càn, đã bị xử tử. Biểu kể chi tiết việc Hàn Tú-Anh. Cuối cùng kết luận: Công- chúa đang cùng một số người hộ tống Hàn thái-hậu về Lạc-dương, xin triều đình khẩn tiếp giá.
Triều thần từ trước đã từng nghe phong thanh truyện Mã thái-hậu, Hàn thái-hậu. Hôm ở Trường-an chính tai họ được nghe Nghiêm Sơn và Ngũ phương thần kiếm kể. Bây giờ thấy biểu của công chúa Vĩnh-Hòa, họ tin là thực ngay.
Quang-Vũ thở dài:
– Hôm trước, Ngũ phương thần kiếm, Nghiêm Sơn có nói đến việc này. Trẫm không tin. Họ còn bảo Thái-hậu chưa từng sinh con, khám bụng sẽ thấy liền. Trẫm triều kiến Thái hậu. Chính mắt thấy bụng Thái-hậu có nhiều vết nhăn. Ngự y quyết đoán, Thái-hậu đã sinh hai lần. Như vậy truyện Hàn Tú-Anh chẳng qua do đám người Lĩnh Nam bịa đặt. Thái-hậu quở trẫm nhẹ dạ, nghe lời phao ngôn của bọn Lĩnh Nam. Thái hậu phán: Kể từ thời Văn-Đế đến giờ, trong cung Trường-sa vương chưa từng có cung nữ nào tên Hàn Tú-Anh.
Hoài-nam vương tâu:
– Xin bệ hạ truyền đem sách vàng Uyên hàng lộ tự tra xét cho tỏ tường. Trong biểu, Công-chúa tâu rằng: Hàn thái-hậu là sư muội của Hoàng-hậu Cảnh-Thủy thiên tử. Chắc Công chúa phải biết rõ lắm, mới dám tâu như thế.
Thừa tướng Giả Phục cũng tâu:
– Lời của Hoài-nam vương nên trọng. Xin bệ hạ cho tra sổ vàng.
Quang-Vũ truyền mang sổ Uyên hàng lộ tự ra. Giao cho Tư-đồ Đậu Dung đọc. Đậu Dung kính cẩn mở sổ đọc:
Niên hiệu Hồng-Gia thứ ba (18 trước Tây-Lịch), Thế tử Lưu Huyền bị truất vì say mê kỹ nữ tên Chu Mẫu-Đơn. Trường-sa vương truyền Huyền rời vương phủ. Huyền với Mẫu-Đơn ra ở Đào-hoa thôn. Truyền lập thứ tử Lưu Khâm làm thế tử, tháng sáu năm ấy.
...
Tháng tư, ngày 15, niên hiệu Tuy-Hòa nguyên niên (8 trước Tây-lịch) Trường-sa vương hoăng, thế tử Khâm lên kế vị. Phong chính thê Mã Xuân-Hoa làm vương phi.
...
Tháng năm, ngày 13, giờ Mùi, niên hiệu Nguyên-thủy thứ tư (4 trước Tây-lịch). Thứ phi Hàn Tú-Anh sinh thế tử Hiệp. Truyền ban cho hai vòng hồng bảo ngọc.
...
Tháng sáu, ngày 1, giờ Mùi, niên hiệu Cư-Nhiếp nguyên niên (6 trước Tây-lịch). Thứ phi Hàn Tú-Anh sinh thế tử tên Tú. Tháng mười hai, thứ phi họ Hàn bị bức rời vương phủ. Vương truyền lệnh tìm khắp nơi. Thái phi giao thế tử Hiệp, Tú cho Mã vương-phi nuôi dưỡng. Truyền nữ tỳ Dư Thúy-Nham nuôi thế tử Tú.
Hoài-nam vương vẫy tay cho Giả Phục ngưng đọc, tâu:
– Trong Uyên hàng lộ tự không nói thứ phi Hàn Tú-Anh được tuyển cung năm nào. Không nói rõ tại sao người bị bức rời Trường-sa. Sự thể như thế không còn sai được nữa.
Quang-Vũ chưa kịp phán gì, có thái giám vào quì tâu:
– Muôn tâu bệ hạ, thánh giá thái hậu giá lâm.
Quang-Vũ vừa đứng lên, thì Mã thái-hậu đã vào. Có hai cung nữ theo sau.
Quần thần vội quì xuống, phủ phục hành lễ.
Mã thái-hậu quát hỏi:
– Vương nhi! Giữa đêm khuya có việc gì, mà ngươi lại thiết triều khẩn cấp thế này?
Quang-Vũ tâu:
– Thục đánh tới Lâm-đồng, Nam-dương. Các đại thần xin thiết triều khẩn cấp bàn kế sách đối phó.
Mã thái hậu cười nhạt:
– Chứ không phải thiết triều, để mưu chia rẽ tình mẫu tử ư? Này Vương-nhi. Ta mang nặng, đẻ đau, chín tháng mười ngày. Nuôi ngươi khôn lớn. Bây giờ ngươi nghe lời bọn Lĩnh Nam, nhận một kỹ nữ làm mẹ. Không chừng người còn muốn tôn y thị lên làm Thái-hậu, truất phế ta cũng nên.
Bà quay lại bảo Tể tướng Giả Phục:
– Ngươi đưa cuốn sách đó cho ta.
Giả Phục nhìn Quang-Vũ hỏi ý kiến. Quang-Vũ chưa trả lời, thì cung nữ đứng sau bà, thấp thoáng một cái, tay trái xỉa hai ngón đâm vào mắt ông. Tay phải chụp cuốn sách. Giả Phục là quan văn, không biết võ, vội buông sách lùi lại.
Mã thái hậu cầm cuốn Uyên hàng lộ tự đọc. Mặt bà tái nhợt, quát hỏi:
– Quyển sách này do ai viết?
Tể tướng Giả Phục tâu:
– Tâu thái hậu, từ khi đức Cao tổ định thiên hạ, đặt ra chức Thái-sử lệnh coi về Thiên-văn, Lịch-số, chép sử. Mỗi vị vương có một quan Trưởng sử, chép mọi biến chuyển vương phủ, vùng trấn nhậm. Cuốn Trường-sa uyên hàng lộ tự do quan Trưởng sử Vương An chép. Vương An tuẫn quốc trong lúc quân Vương Mãng đánh Trường-sa.
Mã thái hậu cầm quyển sách xé ra từng mảnh, quẳng xuống sân:
– Tên Vương An chép láo. Y chết rồi, chứ nếu còn sống, phải tru di tam tộc.
Bà quay lại nói với Quang-Vũ:
– Sáng mai, ta ban chỉ cho đội thị vệ đến Nghi-dương bắt bọn Vĩnh-Hòa, Chu Thúy-Phượng, Lý Lan-Anh về triều trị tội. Các đại thần, có ai muốn tâu gì nữa không?
Bên ngoài Trần Năng nói sẽ vào tai Phương-Dung:
– Hai cung nữ theo hầu Mã thái hậu chính thị Hồng-Hoa, Thanh-Hoa. Người cướp cuốn sách từ tay Tể tướng Giả Phục là Thanh-Hoa.
Hoài-nam vương nhặt những mảnh giấy của cuốn sách lên, bỏ vào túi. Ông thủng thỉnh nói:
– Muôn tâu Bệ hạ, xin bệ hạ cử người đi đón Hàn thái-hậu, Công chúa Vĩnh-Hòa về đây, sẽ rõ trắng đen.
Mã thái-hậu quắc mắt nhìn Hoài-nam vương. Ông cũng quắc mắt nhìn lại. Nội công của ông tới mức thượng thừa, mắt ông chiếu ra tia hàn quang, làm Mã thái-hậu phải lui lại. Bà bật thành tiếng khóc:
– Thôi! Ta không cần nói nữa! Để hậu thế phán xét vương nhi. Ta đi đây!
Bà cùng Thanh-Hoa, Hồng-Hoa xuống lầu.
Quang-Vũ thở phào hỏi:
– Tên Đô úy Giao-chỉ Lê Đạo-Sinh đâu? Truyền gọi y vào để trẫm hỏi truyện.
Hoài-nam vương hướng ra hô lớn:
– Hoàng thượng truyền gọi Lê Đạo-Sinh, thuộc quận Giao-chỉ vào bệ kiến.
Một lát Lê Đạo-Sinh bước vào, phủ phục xuống điện hô lớn:
– Thần Lê Đạo-Sinh, đất Giao-chỉ, bái kiến thánh hoàng. Kính chúc thánh hoàng vạn tuế.
Quang-Vũ làm lơ, không cho Lê Đạo-Sinh đứng dậy. Y quay lại hỏi:
– Lê Đạo-Sinh! Trẫm đọc biểu của Tô Định tâu rằng: Người có công dẹp phỉ tặc Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại, Trần Công-Minh. Bây giờ lại có công hộ giá Hàn thái- hậu. Không biết nên phong chức tước gì cho xứng tài, xứng công?
Quang-Vũ nhìn Hoài-nam vương nói:
– Hiện còn trống chức nào lớn không?
Hoài-nam vương tâu:
– Lê tiên sinh người Lĩnh Nam, nếu Hoàng-thượng ân thưởng, xin để tiên sinh làm quan tại Lĩnh Nam, gọi là mặc áo gấm về làng. Thần đề nghị thế này: Hoàng- thượng cho họp sáu quận Lĩnh Nam làm Giao-châu. Phong cho Lê tiên sinh làm Thứ sử Giao-châu.
Quang-Vũ gật đầu:
– Trẫm nghe Lê-Đạo-Sinh có mười đệ tử, võ công cao cường. Bảo họ vào đây yết kiến trẫm. Trẫm sẽ phong chức lớn cho.
Tể tướng Giả Phục tâu:
– Lê thứ-sử có mười đệ tử. Trong đó kể cả con gái con rể. Con gái tên Lê-thị Hảo, con rể tên Chu Bá đã phản Hán, theo giặc Lĩnh Nam. Còn bảy người, thì một là nữ. Hiện chỉ có sáu người, phục chỉ ở ngoài.
Giả Phục hô lớn:
– Cho sáu đệ tử của Lê thứ sử vào bệ kiến.
Bọn Đức-Hiệp, Hoàng Đức bước vào phủ phục xuống tung hô vạn tuế. Quang-Vũ phán:
– Các khanh trước đây đã lĩnh chức Huyện-úy. Có công danh dẹp phỉ tặc. Trẫm gia phong Vũ Hỷ làm Bình-nam đại tướng quân, phó tổng trấn Giao-châu. Lê Đức- Hiệp lĩnh Thái-thú Nam-hải. Hoàng Đức lĩnh Thái-thú Quế-lâm. Vũ Nhật-Thăng lĩnh Thái-thú Tượng-quận. Ngô Tiến-Hy lĩnh Thái-thú Cửu-chân, Hoàng Thái-Tuế lĩnh Thái-thú Nhật-nam. Vũ Phương-Anh được phong Đoan-Minh quận chúa.
Quang-Vũ tiếp:
– Lê tiên sinh cùng các đệ tử mau trở lại đón Hàn thái-hậu. Trẫm sẽ bí mật đến Nghi-dương nghênh tiếp thánh giá. Bất cứ ai phạm giá Thái-hậu Lê thứ sử giết không tha. Ngày mai lên đường liền.
Đợi thầy trò Lê-đạo-Sinh lạy tạ lui ra.
Quang-Vũ cười:
– Chỉ cần một tờ giấy, trẫm biến đám thầy trò Lê Đạo-Sinh đang từ người của Mã thái-hậu, thành người của trẫm. Trẫm hẹn nghinh tiếp thánh giá Hàn thái-hậu ở Nghi-dương, cốt dụ người Mã thái-hậu, với đám Lĩnh Nam tới đó chém giết nhau. Trẫm sẽ tung một mẻ lưới bắt hết. Vụ này kết thúc, thầy trò Lê Đạo-Sinh trở về Lĩnh Nam suất lĩnh người Việt đâm chém người Việt. Chúng ta thủng thỉnh đánh Thục, rồi tính tới Lĩnh Nam sau.
Hoài-nam vương hỏi:
–Tâu Hoàng thượng, Hoàng thượng có ngự giá Nghi-dương không?
Quang-Vũ cười:
– Trẫm sẽ bí mật đi Nghi-dương. Trẫm giả làm một thị vệ. Hoàng thúc cho một đội thiết kị ngự lâm sẵn sàng. Khi cần ta bao vây bắt hết tất cả bọn Lĩnh Nam lẫn bọn ngoại thích.
Hoài-nam vương là chú của Quang-Vũ. Trong việc trung hưng nhà Hán, công trạng ông chỉ thua có Nghiêm Sơn. Ông là người trí dũng song toàn. Về võ công, ông nổi danh đệ nhất kiếm thuật. Kiếm thuật của ông chỉ thua có Phật-Nguyệt, Phương-Dung, vì kiếm chiêu của Vạn-tín hầu vốn khắc chế với võ công Trung- nguyên, chứ thực sự kiếm thuật của ông đến chỗ tinh vi tuyệt diệu.
Từ khi nhà Hán trung hưng. Ông tuy lĩnh chức Tướng quốc nắm toàn quyền trong tay, nhưng ông gặp phải đám ngoại thích, họ hàng phía Mã thái-hậu lộng hành. Ông muốn trừ khử, nhưng gặp Mã thái-hậu có bản lĩnh. Mã thái-hậu dùng uy quyền, dùng chức tước, dùng vàng bạc mua chuộc hầu hết các quan trong triều. Tại triều có ba người lớn nhất là Tư-đồ, Tư-không và Tư-mã. Ông lớn hơn họ. Tư-đồ, Tư-không trước đây do ngoại thích, chèn ép ông muốn không ngóc đầu dậy được. May sao hai người đó bị Nghiêm-Sơn quật chết trước mặt Quang-Vũ. Ông gỡ được hai gánh nặng. Hai vị Tư-đồ, Tư-không mới do ông tâu Quang-Vũ đưa vào, cùng ông làm việc hợp tính với nhau. Cả ba nhất quyết tỉa bớt vây cánh Mã thái-hậu. Nhưng họ chưa tìm được dịp. Nay họ nhân vụ Hàn thái-hậu, muốn giết trừ hết phe đảng Mã thái-hậu. Quang-Vũ sai ông mang thiết kị đi Nghi-dương, hầu nhân dịp diệt đám Lĩnh Nam và vây cánh Mã thái-hậu. Nhưng trong lòng ông, ông nghĩ rằng Mã thái-hậu có thể làm mất triều Hán, một mối nguy trong tim trong gan. Còn đám Lĩnh Nam, chỉ là mối lo ngoài da mà thôi. Người Lĩnh Nam chỉ muốn phục hồi cố thổ, chứ đâu có ý muốn xâm lấn Trung-nguyên. Bất quá trả Lĩnh-nam về cho người Việt mọi sự sẽ tốt đẹp.
Ông cúi đầu cáo từ Quang-Vũ, xuống lầu.
Quang-Vũ truyền Cung nữ, Thái giám dọn tiệc rượu, ra lệnh nhạc công tấu nhạc. Phương-Dung thấy không còn gì để dò thám nữa, định rời lầu Thúy-hoa, thì trên không có tiếng Thần-ưng reo. Nàng ngửng đầu lên nhìn: Dưới ánh trăng mờ ảo, Thần-ưng từ trên cao bổ xuống rồi lại vọt lên ở khu vườn Thượng-uyển. Nàng nhìn về phía đó có cỗ xe do bốn ngựa kéo đang đi tới. Phía trước xe, một đoàn cung nữ cầm đèn lồng. Phía sau xe, một đoàn thị vệ theo hầu.
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 21 |