Nhân vật đề tài màu hồng phấn (1)
Lý Hựu được tri huyện và Hoàng sư gia dặn dò bèn đi ra ngoài gọi vài tên bộ khoái, nha dịch. Bởi vì quan lớn dặn không được tuyên dương rộng rãi, cho nên không dám để đám bang dịch miệng rộng như chum ấy đi.
Lũ bang dịch này còn được gọi là bạch dịch, chính là đám du dân tụ tập xung quanh bộ khoái, một mặt hỗ trợ nha dịch chạy việc vặt, nhưng không lĩnh bổng lộc từ nha môn; mặt khác ỷ vào quan hệ gần gũi với công môn, làm chút việc, thu chút lợi lộc qua ngày. Nói theo kiểu thế kỷ 21, chính là lao động thời vụ, toàn huyện Hư Giang chỉ có mười mấy tên bộ khoái, bang dịch lại có đến hơn trăm tên.
Lý Hựu dẫn theo bốn nha dịch và hai lao bà tử đi thẳng đến Quan Âm am ở phía đông thành, đến nơi gọi mở cửa rồi ùa vào. Không bao lâu sau áp giải ra một ni cô, vừa nhìn thấy Lý Hựu, sắc mặt ả ta trắng bệch, thân thể run rẩy như cầy tằm sàng gạo, gần như không thể bước đi.
Hai tên nha dịch đành phải dìu ni cô, cũng biết ni cô này không phải hạng tốt lành gì, nhân tiện thò tay sờ mó, chiếm chút tiện nghi.
Đợi thêm một lát, lao bà tử dìu Nghiêm nương tử ra, quả nhiên là liễu yếu gió lay, hoa tàn mưa đổ. Lão bà tử giàu kinh nghiệm, mang theo nón lá, khăn che mặt các thứ, đưa cho Nghiêm nương tử dùng.
Cả đoàn người hộ tống trở về nha môn, Trần tri huyện bèn thăng đường, chỉ có Hoàng sư gia ở bên cạnh hầu hạ kiêm luôn thư lại, không còn ai khác. Đầu tiên đưa Nghiêm nương tử đến phòng bên cạnh nghỉ ngơi, liền bắt đầu thẩm vấn ni cô. Ni cô gặp quan, thần sắc càng thêm hốt hoảng. Bị đánh mấy gậy, liền khai báo toàn bộ.
Hóa ra có một khách thương họ Vương đến từ Hồ Châu, vốn tư thông với ni cô từ lâu. Vương khách thương buôn bán tơ lụa, đi lại giữa Hồ Châu và Hư Giang, mỗi lần đến Hư Giang, nhất định phải đến gặp ni cô. Hôm đó hai người đang ở trong am, đột nhiên trời nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng rồi mưa như trút nước, có một nương tử đến trú mưa. Vương khách thương thấy sắc nảy lòng tham, cùng với ni cô giam cầm Nghiêm nương tử, cưỡng bức nàng. Tự cho là làm việc kín đáo, không ai hay biết.
Sau đó, Vương khách thương tìm một cái hòm gỗ, định nhét tiểu nương tử vào trong, vận chuyển lên thuyền, bán đi nơi khác. Chỉ là tiếc nuối số hàng hóa của y, kinh doanh mua bán nán lại mấy ngày nay, cuối cùng dặn dò với ni cô ngày mai, tức ngày 19, sẽ đến đưa người đi.
Trần tri huyện nghe xong tức đến mặt đỏ tía tai, dưới lãng lãng càn khôn, trên địa bàn của hắn lại có kẻ phạm pháp như vậy! Lập tức sai người đánh đập ni cô rồi tống giam, phái người đi bắt Vương khách thương.
Lúc này Nghiêm tú tài chạy đến, hai vợ chồng ôm nhau khóc lóc một trận, trên công đường năm sáu người không ai là không xúc động. Chỉ nghe Nghiêm nương tử khóc đến mưa như trút, run rẩy nói: “Nô gia hổ thẹn, còn sống trên đời chỉ là ô nhục. May mắn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, gặp lại phu quân, kiếp này không còn gì luyến tiếc. Chia tay tại đây, kiếp sau lại hầu hạ quan nhân”.
Nói đoạn, nàng ta lao đầu vào cột muốn tự sát... Lý Hựu dựa theo vô số vở kịch, tiểu thuyết phán đoán, âm thầm di chuyển bước chân, lặng lẽ tiến lại gần cây cột gần Nghiêm nương tử nhất.
“Đừng dại dột! Chuyện này nào phải nương tử tự nguyện, rõ ràng là do người khác gây ra, nương tử có lỗi gì? Mau theo ta về nhà phụng dưỡng mẹ già”. Nghiêm tú tài vội vàng kéo nương tử lại, không biết tại sao lại không giữ được, bị Nghiêm nương tử vùng ra.
Đúng như dự đoán, Nghiêm nương tử lao đầu vào cột gỗ bên cạnh, Lý Hựu lắc mình chắn ngang. Nghiêm nương tử chỉ lo cúi đầu đâm vào cột, nào hay biết trước mắt có người, kết quả đâm sầm vào lòng Lý Hựu. Nhưng Lý Hựu lách người sang cũng không đứng vững, bị Nghiêm nương tử đâm mạnh, theo bản năng ôm lấy nàng ngã xuống đất.
Chỉ thấy Lý Hựu và Nghiêm nương tử lăn lộn trên đất, bốn mắt nhìn nhau, gần trong gang tấc, nhất thời đều ngây người.
Mọi người trên công đường im lặng, đây là tiết mục gì... chưa từng thấy bao giờ.
Nói ra thì những vụ án mất trinh tiết như thế này, các tiểu nương tử đều phải tỏ rõ tâm ý, nói là diễn trò cũng được, thật tâm cũng được, đều phải diễn một màn lấy cái chết để chứng minh trong sạch. Ví dụ như đâm đầu vào cột, quả thật có người dám liều mạng tự sát, người đó chắc chắn sẽ được ca ngợi là liệt nữ, sau khi chết nói không chừng còn được dựng bia. Nhưng thật sự chết đi rất hiếm thấy, đa số là đập đầu chảy chút máu rồi giả vờ hôn mê được cứu, sau đó cho qua chuyện, coi như đã lấy cái chết để tỏ lòng trung trinh.
Cũng chẳng trách ai được, người xưa chính là khí phách như vậy, chẳng phải sao, ngay cả hoàng đế lên ngôi cũng phải tam khước tam nhượng, mọi người cùng nhau giả ý một phen mới có thể đường đường chính chính đăng cơ, chẳng khác gì tiết mục đâm đầu vào cột.
Loại quy tắc ngầm của xã hội này, mọi người đều rõ ràng, cho nên không ai ngăn cản, ngay cả Nghiêm tú tài nói không chừng cũng là cố ý buông tay. Duy chỉ có Lý Hựu, mang theo ý thức của kiếp trước, nhất thời trẻ tuổi bốc đồng liền gây ra trận ô long này, khiến cho trên dưới công đường nhìn nhau, tiếp theo phải làm sao?
Người đầu tiên phản ứng lại là Nghiêm tú tài, bước lên đỡ nương tử dậy, gật đầu với tri huyện, vội vàng dẫn nương tử rời khỏi nha môn, đi rất vội vàng. Hắn cũng hiểu, ở lại dù thế nào cũng là mất mặt, trong ba mươi sáu kế, chuồn là thượng sách.
Một phen hỗn loạn, Trần tri huyện lắc đầu, lui đường.
Ý thức được điều gì đó, Lý Hựu bò dậy, cười gượng gạo vài tiếng, cũng vội vàng bỏ đi. Phía sau, mọi người trên công đường xôn xao bàn tán, kết luận chung là - Lý Hựu cố ý sàm sỡ, giả vờ cứu người để chiếm tiện nghi của Nghiêm nương tử. Cùng nhau cười mắng một câu: "Thật là tên háo sắc! Ngay trên công đường cũng dám làm càn, chẳng sợ gậy của tri huyện đại lão gia sao". Chắc Nghiêm tú tài nghĩ lại cũng sẽ nghĩ như vậy, nếu không mọi người thật sự không cách nào giải thích được hành vi của Lý Hựu.
Đăng bởi | truyenlichsu |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt thích | 2 |
Lượt đọc | 101 |