Tình không lựa tuổi
Nếu trong thành nhiều chỗ nhiệt náo, tựu điếm trà đình, chợ quán dập dìu, luân lưu không dứt, thì cửa thành là một nơi dành để cho những lúc xả hơi.
Hơn tất cả những cửa thành nào khác, những cửa của Trường An thành, nhứt là cửa Đông, sáng chiều gì cũng tấp nập.
Buổi sáng, trời lạnh, mặt trời đang lên, hơi ấm tràn đầy, không còn gì thú bằng ngồi hoặc đứng dọc theo cửa thành sưởi ấm là thứ hơn đâu hết.
Biết được lợi thế đó, quan nha bèn đem những thông tri, cáo bạch dán nhiều vào ở cửa đông, nhân đó, khách tại cửa này càng đông hơn nữa.
Những người buôn bán không bao giờ không ghé mắt, họ mở ngay những sạp, những quán cốc, những hàng rượu, cũng tại cửa Đông.
Những cửa khác cũng thế, nhưng đông không bằng.
Bây giờ thì đông đủ, hạng nào cũng có.
Những kẻ giang hồ, ngồi nghĩ chân sau một khoảng đường xa, những khách nhàn du dừng chân để ngắm người qua kẻ lại và cũng để sưởi ấm ở ánh nắng ban mai.
Những cặp tình nhân trẻ tuổi đứng nép vào góc vắng rì rào.
Những vị ăn mày lẫn lộn để hành nghề độ nhựt và những lão thầy bói, du phương, cũng nhờ vào chỗ đông người mà thiết lập những phòng xủ quẻ lưu dộng đó đây.
Nói chung, tại cửa thành, không có giới nào không góp mặt.
Lý Đức Uy chấp tay sau đít đứng dựa cửa thành để vừa sưởi nắng, vừa ngắm thiên hạ cho vui cùng... thiên hạ.
Từ trong đám đông lách ra một lão hòa thượng vóc dáng nhỏ thó trong bộ áo đạo bạc màu, lão tay chấp tay cúi đầu bước đi, y như giờ nào cũng đang “thương thuyết” với Phật về chuyện “quãng độ chúng sinh”.
Lão xăm xúi đi ngay lại trước mặt Đức Uy :
- A di đà Phật, xin thí chủ cho bần tăng chút hóa duyên.
Đức Uy hỏi :
- Lão hòa thượng cần chi?
Lão hòa thượng đáp :
- Mô Phật, lão tăng xuất gia, một không vì Phật, hai không vì chúng sanh, mà chỉ vì mình, xin thí chủ cho ít tiền để độ nhựt.
Đức Uy mỉm cười :
- Phật môn đệ tử thì bất cứ ai cũng nên chiếu cố.
Hắn rút một tay ra phía trước lấy một ít bạc vụn đặt vào tay lão hòa thượng và lại mỉm cười...
Một tay nhận tiền, một tay nhà sư vẫn xòe dựng lên ngay ngực và cúi đầu thật thấp...
Từ trong bàn tay xòe của lão vụt xẹt ra mấy làn khói đen thật mỏng và lợt, nếu không tinh mắt thì không làm sao thấy được, thế nhưng Đức Uy đã thấy.
Cánh tay còn chấp sau đít của hắn vụt đưa ra, trên tay, cây quạt ngọc đã xòe sẵn tự bao giờ.
Mấy làn khói đen chạm vào cánh quạt dồn nhanh trở ra, lão hòa thượng hự lên một tiếng nho nhỏ loạng choạng thối lui.
Đức Uy nhìn theo nói nhỏ :
- Hòa thượng, ông vì ông, còn tôi vì người khác, không ai dễ dàng gì cả, cần chi phải làm như thế? Hy vọng đừng cho chạm mặt.
Lão hòa thượng quày quả bỏ đi, sau khi ném vào mặt Đức Uy một cái lườm căm hận.
Lão không còn đi nhanh như lúc nãy, bước đi chậm chạp nặng nề, dáng đi y như một kẻ chưa hề biết đến võ công.
Vân Tiêu lách mình tới hỏi nhỏ :
- “Khốc hòa thượng”, một trong “Tứ đại môn đồ” của Văn Hương giáo chủ.
Đức Uy gật đầu :
- Kệ để cho lão đi, cái độc của lão tung ra dội ngay về lão, ít nhất nội lực võ công của lão đã bị phế rồi, nếu lão không chết, không còn ích gì cho Bạch Liên giáo nữa đâu.
Đưa mắt nhìn quanh, Đức Uy nói tiếp :
- Có điều tôi chưa hiểu là Bạch Liên giáo ngưng động tịnh khá lâu, không hiểu tại sao hôm nay nhắm thẳng vào tôi như thế ấy?
Vân Tiêu nói :
- E rằng chúng thay đổi cách hoạt động, có thể chúng rút vào bí mật và phân tán mỏng.
Đức Uy nói :
- Dã tâm của chúng không lớn, chúng chỉ nhắm vào cá nhân Dương đô đốc, chúng không giống như bọn Mãn Châu, Cúc Hoa đảo hay Lý Tự Thành.
Vân Tiên nói :
- Thiếu hiệp hãy đề phòng, chúng không từ một người đâu, rất có thể “Tử Kim Đao” cũng đến.
Đức Uy lắc đầu :
- “Tử Kim Đao” không còn trong bàn tay khống chế của chúng nữa đâu.
Vân Tiêu hỏi :
- Sao thiếu hiệp biết?
Đức Uy thuật lại chuyện trước về Mông Bất Danh và chuyện mới đây trong tòa trang viện...
Vân Tiêu sáng mắt :
- Nếu quả như vậy thì món nợ cánh tay này tôi sẽ không còn lo phải đi đòi nữa.
Đức Uy nhìn vào mặt Vân Tiêu :
- Đa tạ Vân phân đường chủ...
Vân Tiêu nghiêm mặt :
- Đó là chuyện riêng, nhưng món nợ của anh em Phân đường nếu chưa có chỉ thị mới của Tổng đường, tại hạ không thể không hành động, mong thiếu hiệp lượng tình.
Đức Uy nói :
- Điều ấy tôi biết, Vân phân đường chủ có thể bỏ mối thù riêng của mình, bao nhiêu đó, tôi cũng đã thỏa mãn đầy đủ rồi, chuyện của Tổng đường là lẽ tự nhiên, bây giờ phải chờ kết quả chắc chắn rồi sẽ tính sau.
Vân Tiêu nói :
- Đa tạ đại hiệp.
Hắn lách mình len lỏi qua hướng khác, Đức Uy đi thẳng vào thành.
* * * * *
Trong thành giờ này thiên hạ dập dìu.
Người buôn bán có, người đi đường có, người thành thị cũng đầy mà người từ thôn quê xa xôi đến đây cũng không ít.
Mỗi người có một công chuyện riêng của họ.
Nếu có một chỗ đứng có thể dòm thấy hết cả sinh hoạt trong một thành thị lớn như thế này, người ta sẽ rất ngạc nhiên, không hiểu người ở đâu đông quá, không hiểu họ làm cái giống gì,không hiểu họ đang gấp rút chuyện gì mà thấy họ lăn xăn lít xít từ đầu này qua đầu khác.
Có những người nếu nhìn thấy suốt hành trình của họ thì sẽ không biết làm sao giải thích.
Có người ba hồi đi nhanh như gấp lắm nhưng ba hồi họ đi thật chậm, có nhiều lúc họ dừng hẳn lại, trông họ thật ngơ ngơ ngác ngác.
Nhưng nếu chỉ theo một người thôi, chuyện sẽ không có gì lạ cả.
Họ có thể người mua bán, họ có thể người dạo chơi, họ có thể là người đi làm, nhưng không thể nhất thiết bước chân họ lúc nào cũng đều.
Người mua bán khi thấy vật trúng vào nghề họ, họ có thể dừng chân, người đi dạo chỗ không thích họ đi nhanh, chỗ thích họ đi chậm, chỗ nào hấp dẫn mắt họ thì họ dừng đứng lại, hoặc quay đầu đi ngược khi họ vừa thấy một cái gì cần nhìn cho kỹ.
Người đi làm khi chưa đến giờ, họ có quyền thong thả, nhưng khi thấy sắp đến giờ họ phải đi nhanh...
Chuyện chỉ có thế thôi.
Nhưng người thiếu phụ này phải chú ý.
Nàng trạc ba mươi tuổi, hơn hay kém đôi chút, nhưng thật đẹp, đẹp não nùng.
Nàng ăn vận theo người ở làng quê lên tỉnh, nhưng dáng cách của nàng thì không “quê” một chút nào.
Đôi mắt nàng thật sáng thật trong và thật lanh, nhứt định không phải đôi mắt nhà quê, bàn tay, bàn chân nàng thật nhỏ, ngón búp măng, nõn nà còn hơn cô gái mười tám, mà không phải ở thành, nước da nàng thật trắng, mịn, ửng hồng, không phải nước da mét vì thiếu máu, đen vì xạm nắng...
Như vậy, người thiếu phụ này không phải nhà quê, mặc dầu ăn vận thật quê.
Không phải gương mặt không, vóc dáng của nàng thật đẹp, một cô gái, một thiếu phụ chừng mười chín hai mươi, nhưng nếu đã có một vài đứa con, nhứt là thiếu phụ nhà quê, đứng với nàng, họ sẽ già quá năm mươi.
Ngực nàng vun cao, eo nàng thắt lại, mông nàng thật nở nang tay chân nàng tròn dài, không có một chút nào có thể gọi là không đẹp.
Người thiếu phụ từ bên kia ngõ hẻm, sát phía ngoài cửa thành băng qua nhanh nhẹn và theo sau Đức Uy.
Vẫn với bước đi thong dong, Đức Uy làm như không hay biết có người đẹp theo sau.
Qua một khoảng vắng, người đẹp lên tiếng :
- Lý thiếu hiệp, xin thiếu hiệp đừng quay lại, cứ đi tự nhiên, thiếp có chuyện mong chờ thiếu hiệp.
Y như lời nàn,g Đức Uy không quay lại và tiếp tục đi như hồi nãy đến giờ, nhưng miệng hắn nói :
- Băng mỹ nhân!
Người thiếu phụ nói thật tỉnh :
- Thiếu hiệp nhãn lực thật cao, chỉ thấy Tam sư huynh của thiếp là nhận ra được thiếp, riêng cái danh hiệu đó thật tình thì chỉ mong Bạch Liên giáo họ cố ý tặng để mua lòng, chớ thiếp đâu xứng đáng, huống chi, bây giờ cũng đã già rồi còn đâu nữa mà gọi là “mỹ nhân”.
Đức Uy nói :
- Vừa rồi lịnh sư huynh chực ngoài cửa thành để ám toán tôi, kết quả bao nhiêu năm trui rèn võ công của người tiêu thành bọt nước.
Băng mỹ nhân nói :
- Thiếp thấy điều đó thật không dám giấu, thiếp cũng được lịnh theo ám hại Lý thiếu hiệp và khi mà Lý thiếu hiệp chưa đến đây thiếp vẫn còn ý chí quyết giết, nhưng khi thấy Lý thiếu hiệp thì thiếp đã hoàn toàn thay đổi ý định.
Đức Uy ngạc nhiên :
- Sao? Bây giờ cô nương không định giết tôi nữa à?
Băng mỹ nhân đáp :
- Phải, có lẽ lương tâm của tôi chợt bừng dậy mà thật ra thì tôi cũng biết cái thứ tiểu xảo của Bạch Liên giáo dùng để hại người đó, đối với Lý thiếu hiệp nào có ra chi.
Lý Đức Uy hỏi :
- Thế cô nương theo tôi?
Băng mỹ nhân nói :
- Vừa rồi tôi có nói, mục đích để chờ Lý thiếu hiệp giúp cho.
Đức Uy cau mày :
- Nhờ tôi giúp? Tôi có thể giúp được sao?
Băng mỹ nhân nói :
- Tiện thiếp yêu cầu Lý thiếu hiệp cho tiện thiếp gặp chàng...
Đức Uy sửng sốt, nhưng ngay sau đó hắn biết “chàng” mà nàng nói đó là ai, hắn hỏi :
- Cô nương muốn nói “Tử Kim Đao” La Hán?
Băng mỹ nhân đáp :
- Đúng rồi, xin Lý thiếu hiệp giúp cho tiện thiếp đạt thành tâm nguyện.
Đức Uy cảm nghe lời lẽ của nàng có chỗ... không ổn, hắn hỏi :
- Cô nương còn muốn gặp hắn để làm chi?
Tiếng “còn” của hắn trong câu nói có một ý nghĩa rất rõ ràng.
Nàng đã gặp La Hán rồi, có lẽ nàng đã làm cho hắn thất điên bát đảo vì tà mỵ như thế còn chưa đủ tổn đức hay sao? Như vậy còn chưa đủ ác hay sao, bây giờ còn muốn gặp lại làm chi nữa? Nàng hại hắn như thế còn chưa thỏa mãn?
Có lẽ Băng mỹ nhân thừa thông minh để hiểu câu hỏi ấy, thừa trí óc để nghe tiếng “còn” thống trách nặng nề, thế nhưng nàng vẫn nói tự nhiên :
- Nói ra chắc Lý thiếu hiệp không tin, không ai tin cả, kể luôn chàng nhứt định cũng không tin, nghe ra người ta sẽ cười khinh bỉ, nhưng sự thật vẫn ngàn đời là sự thật. Tiện thiếp mong gặp được chàng đối diện cầu xin, miễn chàng thuận lòng thì thiếp sẽ bỏ tất cả, thiếp bỏ Bạch Liên giáo để trọn đời làm tôi mọi cho chàng Đức Uy gần như không tin thính giác của mình chính xác, hắn hỏi :
- Cô nương muốn theo hắn.
Băng mỹ nhân nói :
- Nói ra, chính tiện thiếp cũng tức cười cho mình, bây giờ niên kỷ đã cao rồi, có lẽ tiện thiếp đã lớn hơn chàng gần mười tuổi, tiện thiếp biết không nên mà cũng không xứng, thế nhưng...
Ngưng một chút như để chế ngự nỗi lòng nông nổi, như để trấn áp những gì rộn rã trong lòng, giọng nàng nói thật tha thiết :
- Thật không dám không nói thật tình, ban đầu tiện thiếp đối với chàng chỉ vì dục vọng chớ hoàn toàn không có một chút tình nào cả, nhưng mãi cho đến sau khi hắn đi khỏi rồi, tiện thiếp mới nhận ra rằng mình có tình đã quá sâu.... Tiện thiếp đã bao ngày đêm suy nghĩ cân nhắc cuối cùng không làm sao được nữa, tiện thiếp quyết định ly khai Bạch Liên giáo đệ theo chàng, quyết đem tấm chân tình chưa bao giờ có đối với ai mà dâng hiến cho chàng. Tiện thiếp chỉ tìm gặp Lý thiếu hiệp là biện pháp duy nhứt để thoát ly Bạch Liên giáo, chỉ có chàng là cơ hội duy nhứt để cho tiện thiếp làm lại cuộc đời. Tiện thiếp muốn được tận mặt chàng để khẩn cầu chàng cứu thiếp, chàng gật đầu thì trọn đời thiếp sẽ là của chàng, nhưng nếu chàng từ chối thì... thì...
Nàng ngưng ngang câu nói, nhưng thật ra thì cũng không cần nói nữa.
Đức Uy chợt cảm thấy lỡ cười lỡ khóc.
Một con người, đã nổi danh băng giá, nổi danh chỉ biết có nhục dục, nổi danh tim óc bằng sắt đá ấy lại có lúc cũng nói đến chuyện tình như thế hay sao?
Một con người đã đến ba mươi mà lại đi yêu một cậu trai chỉ đáng bằng đứa em út của mình như thế hay sao?
Dục hay tình?
Không, trong trường hợp này, với con người đó bằng vào cung cách như thế thì không thể gọi là dục được. Thế nhưng nếu bảo là tình thì... thật khiến cho không ai có được một niềm tin.
Đức Uy không dám bộc lộ một cử chỉ nào sơ suất, nàng đang nói với tất cả sự thành khẩn, tất cả sự trang nghiêm đầu tiên của con người nàng, có thế nào đi nữa hắn cũng phải tôn trọng sự thành khẩn trang nghiêm đó.
Hắn không có quyền tạt một gáo nước lạnh vào khối nhiệt tình. Có thể một con người nào đó không tin, nhưng với Đức Uy với trực giác bén nhạy về tình người của hắn, hắn tin nàng nói bằng tiếng lòng chơn thật nhứt trong đời.
Đối với hắn, đó là lời xé ruột banh gan, hắn không thể không tin.
Nhưng sự gian hiểm của Bạch Liên giáo tâm địa hại người để lấy làm vui của những con người ấy, có nên tin được như thế hay không?
Băng mỹ nhân nói ngay :
- Tiện thiếp biết Lý thiếu hiệp không làm sao tin được, thật ra thì chính tôi cũng không tin rằng tôi lại có chân tình đối với chàng như thế ấy, lúc ôm ấp chàng trong tay, tiện thiếp đã xem chàng như một món đồ chơi ngồ ngộ, một món giải trí không có linh hồn, nhưng bây giờ thì không những có linh hồn mà linh hồn đó đã nằm trọn linh hồn của thiếp...
Như sợ không hết ý, nàng nói tiếp một cách vội vàng :
- Đối với một người con trai chỉ bằng tuổi đứa em út của mình mà đi nói chuyện tình quả là trò cười cho thiên hạ, là tự sỉ nhục trước mọi người, nhưng tiện thiếp lại thấy khác, tiện thiếp thấy tình yêu không phải trò cười, tình yêu không phải là cái nhục.
Đức Uy buột miệng nói lên câu mà chính hắn không biết nói như thế để làm gì?
Nói để nàng được an ủi hay nói để làm một cuộc tự xác nhận những truân chuyên trong chỗ sâu kín nhứt của lòng mình, hắn nói :
- Cô nương, tôi biết, tình là một sự kỳ diệu và thanh khiết.
Hắn chợt nghe hối hận.
Tại làm sao trong hoàn cảnh này, hắn lại buông một câu như thế? Tán đồng chăng? Mà có thể tán đồng như thế được chăng?
Băng mỹ nhân nói :
- Cho dầu Lý thiếu hiệp không tin thì cũng không có gì đáng trách, tại vì giáo đồ của Bạch Liên giáo toàn là những người dâm tà ác độc...
Nàng vụt ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào Đức Uy và nói bằng một giọng lạ lùng :
- Lý thiếu hiệp, thiếu hiệp có thể khống chế huyệt đạo của tôi, chỉ chừa á huyệt để tôi có thể nói chuyện được với chàng.
Lý Đức Uy rúng động không phải rúng động vi câu nói mà vì sắc đẹp của nàng.
Từ lâu, hắn chỉ nghe tiếng chớ chưa từng gặp mặt, nãy giờ cũng chỉ nói chuyện chớ không nhìn rõ, nhưng bây giờ thì hắn đã thấy rồi.
Nếu không biết, hắn không bao giờ có thể tin người thiếu phụ đứng trước mặt mình là một người tuổi đã đến ba mươi.
Nàng đẹp quá, trẻ quá...
Lần gặp nàng và La Hán dưới hầm sâu trong cựu Hoàng cung, hắn không nhìn rõ, hắn chỉ nhớ đôi mắt đầy dục vọng của nàng, bây giờ cũng đôi mắt ấy, nhưng là đôi mắt trang nghiêm thành khẩn, hắn không làm sao tìm thấy được cái dục, cái ác trong đôi mắt thật đẹp của nàng.
Giá như nàng đừng có một dĩ vãng, giá như nàng đừng phải là người trong Bạch Liên giáo đi ra...
Hắn nhớ đến Triệu Nghê Thường, nàng cũng từ Bạch Liên giáo mà ra, nhưng nàng chưa bị bùn nhơ làm hoen ố và hắn bất giác nghĩ đến một vấn đề khác biệt.
Giữa hai người, Triệu Nghê Thường và Băng mỹ nhân, sự khác biệt đó là gì? Cả hai cùng từ Bạch Liên giáo đi ra, cả hai cũng đều thấy được con đường phải trái, cả hai đều muốn trở lại con đường chánh đáng, thế nhưng họ vẫn khác nhau, mà khác nhau cái gì?
Phải chăng Triệu Nghê Thường còn trinh trắng, còn Băng mỹ nhân đã dày dạn phong hoa?
Nhưng vấn đề đặt ra bây giờ là tinh thần hay thể xác? Thể xác của nàng hoen ố, nhưng tinh thần của nàng có bị hoen ố hay không?
Con người thật là phức tạp, ý nghĩ của con người thật khó lòng giải thích. Người ta thường nói “buông cây đao giết người là thành Phật”, người ta thường khuyên những người làm ác hãy quay về với lẽ phải, người ta nói tất cả cái dĩ vãng xấu xa sẽ nhờ hiện tại và tương lai tốt đẹp bôi xóa, nhưng có thật bôi xóa được hay không? Người ta có quên được hay không? Có được bao nhiêu người sẵn sàng và thật tình bỏ qua dĩ vãng?
- Thiếu hiệp...
Tiếng tha thiết của Băng mỹ nhân làm cho Đức Uy nhớ về hiện tại, hắn nói :
- Cô nương nghĩ rằng tôi đã cứu hắn sao?
Băng mỹ nhân sửng sốt :
- Sao? Không phải Lý thiếu hiệp...
Đức Uy lắc đầu :
- Không phải tôi.
Băng mỹ nhân trố mắt :
- Như vậy... nhưng cuối cùng chàng vẫn ở chung chỗ với Lý thiếu hiệp?
Đức Uy lắc đầu :
- Không, hắn không có ở chung với tôi, chính tôi cũng không biết hắn ở đâu và cũng đang đi kiếm. Tuy nhiên, vừa rồi hắn có giúp cho tôi một chuyện, nhưng hắn không ra mặt.
Băng mỹ nhân biến sắc :
- Như vậy... thì...
Đức Uy nói :
- Cô nương, tôi nói thật tình.
Băng mỹ nhân vội nói :
- Không, tôi không có ý nói rằng thiếu hiệp không thật nhưng tôi không biết bây giờ tôi phải làm sao...
Đức Uy nói :
- Hắn không có ở trong thành, hắn ở ngoài thành, nhưng chắc chắn là không xa, cô nương có thể ra ngoài tìm được.
Băng mỹ nhân lắc đầu cười khổ sở :
- Nếu chàng không xa lắm thì thiếp có thể tìm chàng chỉ có điều Lý thiếu hiệp không biết là bây giờ thiếp không thể tuỳ tiện lộ mặt được đâu.
Lý Đức Uy cau mày :
- Sao vậy?
Gương mặt như đóa hoa rạng rỡ của Băng mỹ nhân vụt héo xèo, nàng nói :
- Thiếp đã quyết định thoát ly Bạch Liên giáo, ra đi lần này thiếp quyết không trở lại. Chuyến đi này là do mạng lịnh của đại sư huynh, đến đây tìm hại Lý thiếu hiệp. Bây giờ Lý thiếu hiệp bình yên mà thiếp thì trở về cũng bình yên, là con người đa nghi, nhứt định đại sư huynh sẽ bảo rằng thiếp manh tâm phản giáo. Bất cứ tổ chức nào cũng có điều cấm kỵ, nhứt là Bạch Liên giáo đối với phản đồ tàn ác lắm họ không hề thương tiếc, không hề nghĩ đến công lao. Thiếp không sợ ai cả, nhưng thiếp không sợ, chống lại nổi đại sư huynh, nếu bị bắt thì mạng thiếp còn chi? Thật thì thiếp cũng không làm sao thấy được mặt chàng...
Không sợ chết, nhưng chỉ sợ không thấy được mặt chàng. Lập luận nghe thật ngộ, Đức Uy thiếu chút nữa đã bật cười, nhưng gương mặt nghiêm trang , gịong nói thành khẩn tha thiết của nàng làm cho hắn không cười được, vả lại, hắn biết nàng nói thật, hắn biết nếu gặp được La Hán mà phải chết, nàng cũng không hề sợ.
Đức Uy trầm ngâm và hỏi :
- Nếu thế thì bây giờ tôi có thể giúp được gì cho cô nương?
Băng mỹ nhân thở ra :
- Có thể tôi đã đi hơi quá, nhưng xin thiếu hiệp niệm chút lòng thành mà giúp cho...
Hơi do dự một giây, nàng nói tiếp :
- Xin Lý thiếu hiệp, vì chút tình thương của một người lở dở, tấn thối lưỡng nan mà cho tôi về tá túc trong Đô đốc phủ.... Thiếp không dám khuấy nhiễu lâu ngày, chỉ khi nào thiếp nghe chắc tin chàng thì thiếp sẽ ra đi.
Đức Uy suy nghĩ và chắc lưỡi :
- Cô nương, không phải tôi không muốn giúp, nhưng tôi chỉ là một kẻ giang hồ, không có quyền và cũng không dám thay Dương đô đốc mà chủ trương...
Băng mỹ nhân khẩn khoản :
- Vừa rồi thiếp đã có nói, Lý thiếu hiệp có thể khống chế huyệt đạo...
Đức Uy lắc đầu :
- Không phải tôi không tin Cô nương mà thối thoát, nhưng thật thì Đô đốc phủ vốn là trung khu hiệu lịnh của Tây ngũ tỉnh...
Nàng vụt thấp giọng nghẹn ngào :
- Khẩn cầu Lý thiếu hiệp thương xót cho tình này, giúp cho thiếp được có cơ hội ngộ có cơ hội làm lại cuộc đời...
Lặng thinh một lúc thật lâu, Đức Uy hỏi lại :
- Có một việc khá quan trọng, không biết cô nương đã có biết hay không?
Băng mỹ nhân nói :
- Xin thiếu hiệp chỉ giáo...
Đức Uy thở dài :
- La Hán đã có một người bạn thích hợp, cả hai đã có nặng mối tình...
Băng mỹ nhân nói :
- Thiếp biết, thiếp biết đó là Triệu Nghê Thường, nàng là đệ tử của đại sư huynh của thiếp, luận về bối phận, nàng là sự diệt nữ của thiếp, nhưng nàng sớm giác ngộ ly khai khỏi tổ chức dâm ác đó, chính tiện thiếp khâm phục vô cùng, chính quyết định thoát khỏi Bạch Liên giáo của thiếp đã chịu hơn phân nửa ảnh hưởng của nàng...
Đức Uy chợt nhớ lại hai câu phú cũ, không biết của ai: “Thanh kỷ vãn cảnh tòng lương, nhứt thế chi yên hoa vô ngại; trinh phụ bạch dầu thất thủ, bán sanh chi thanh bạch câu phi”...
Phải rồi, gái điếm về già chợt biết hoàn lương một kiếp bùn nhơ coi chẳng có, trinh phụ bạc đầu bỗng làm thất tiết, nửa đời trong trắng kể như không...
Phải rồi, nên nhìn vào hiện tại và tương lai, đừng cố chấp con người trong cuộc đời thuộc về dĩ vãng, nhưng hoàn cảnh của nàng thật quá éo le... Đức Uy áy ngại :
- Cô nương, tôi muốn nói...
Băng mỹ nhân gật đầu :
- Tôi biết ý của Lý thiếu hiệp, nhưng tôi có thể nói thẳng mà không ngượng ngùng, tôi đâu lại không biết phận mình, tôi đâu dám cao vọng, chỉ cần gần được bên chàng, dầu tỳ thiếp, dầu tôi đòi cũng đã là thỏa nguyện.
Đó là thành tâm thật ý, nhưng thực tế có được như vậy hay không?
Mặc cảm tự tôn của con người đó sẽ vì tình mà gạt bỏ được hay không?
Đức Uy chắc lưỡi :
- Còn một điều khá quan trọng, tôi muốn nhắc cô nương...
Băng mỹ nhân thành khẩn nhìn hắn :
- Xin Lý thiếu hiệp cứ dạy...
Đức Uy nói :
- Trong khi hắn ở trong tay của cô nương, là tâm trí hắn bị khống chế, hắn không phải gặp cô nương trong phút bình thường, khi hắn hoàn toàn thanh tĩnh, đối với cô nương, hắn chỉ còn là thù hận chớ không phải là tình thâm, nếu cô nương đến trước mặt hắn, hắn sẽ làm cho cô nương tổn thương...
Vẻ mặt của Băng mỹ nhân như bị án bởi một lớp mây u ám, nàng nói :
- Việc đó thiếp cũng đã có nghĩ qua, nhưng yêu chàng, thiếp đã liều tất cả, cho dầu vì giận mà chàng giết thiếp, thiếp cũng cam lòng.
Đức Uy không thể nào chịu nổi trước tâm tình tha thiết đó, hắn gật đầu :
- Được rồi, tôi bằng lòng để đưa cô nương về Đô đốc phủ, cũng bằng lòng để cô nương ở lại đó...
Một nỗi mừng vô hạn ngập vào ánh mắt của Băng mỹ nhân, nàng vội nói :
- Đa tạ Lý thiếu hiệp, trọn kiếp này Trầm Ngọc Hà sẽ nguyện làm thân trâu ngựa...
Đức Uy khoát tay :
- Cô nương đã quá lời.. à, cô nương vừa nói tên là..
“Băng mỹ nhân” Trần Ngọc Hà gật đầu :
- Vâng, từ nay để cho có vẻ lần lần gột rửa bùn nhơ, xin Lý thiếu hiệp gọi thẳng tên chớ đừng gọi cái danh hiệu xấu xa...
Nàng ngưng lại và nhích tới :
- Xin thiếu hiệp khống chế huyệt đạo của thiếp đi.
Đức Uy lắc đầu :
- Tôi tin cô nương, nếu không thì tôi không chấp nhận, không cần phải làm như thế.
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 15 |