Giới Thiệu
Trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, trải dài từ thời phong kiến cho đến hiện tại, Việt Nam và Trung Hoa không chỉ gần nhau về mặt địa lý, mà còn có rất nhiều những điểm tương đồng trong văn hóa. Thế nhưng trong hàng ngàn năm lịch sử đấy, dân tộc Bách Việt và tộc Hoa Hạ cũng có không ít những trận thư hùng rực lửa. Trong hàng ngàn năm chịu cảnh nô lệ đó, con người Việt Nam chưa từng một lần chịu khuất phục với hàng trăm cuộc kháng chiến lớn nhỏ...
Những cuộc đao binh chém giết thì khắp đất Việt từ người già tới trẻ nhỏ không có ai là chưa từng nghe qua một lần. Thế nhưng suốt mấy ngàn năm lịch sử đó còn có những cuộc chiến tâm linh cũng kinh thiên động địa chẳng kém mà không phải ai cũng biết. Người không biết tức là không biết chứ chẳng có ai kể lại cho mà nghe cả, trong sách sử thì lại càng không chép tới.
Trong số đó nổi tiếng và được nhiều người nhắc đến nhất có lẽ là Cao Biền, vừa là một tướng quân nhưng cũng là một đạo sĩ dưới triều Đường. Trong thời gian làm Tiết độ sứ tại An Nam, hắn đã tìm đủ mọi phương cách để trấn yểm long mạch nước Nam ta. Độc ác nhất có lẽ là nghi lễ lấy một thiếu nữ vừa tròn mười bảy tuổi mà vẫn còn trinh trắng rồi giết đi, sau đó lấy hết nội tạng ra rồi nhồi rơm vào, xong xuôi thì cho ngậm một đạo bùa rồi mặc trường bào lên, cho ngồi ghế cao mà giả thần giả quỷ... Nhưng Đại Việt cũng có vô số người tài nên trải qua không biết bao nhiêu lần chinh chiến thì người Hán cũng chẳng thể thôn tính được nước Việt. Tuy vậy thì cuộc chiến huyền thuật cũng chẳng phải dễ dàng, nghe nói vài trăm năm về trước, có khi là hàng ngàn năm các đại gia tộc lớn nhất trong giới huyền thuật đã bí mật cùng nhau lập lên một hội kín nhằm bảo vệ các yếu huyệt cũng như hóa giải những trấn yểm của phương bắc, thậm chí còn đích thân tham gia vào chiến trận... Sau hàng trăm năm bãi bể nương dâu, hội thống nhất lấy tên là Liên Hoa Hội với sự lãnh đạo của 9 đại gia tộc được đặt tên theo Cửu tinh đồ
- Nhất Bạch: là các pháp sư, phù thủy trấn giữ ở vùng núi phía Bắc, có tài luyện âm binh, hô mưa gọi gió...
- Nhị Hắc: những người trong nhóm này đều là những bậc thầy về Phong thủy, Kinh Dịch, Kỳ môn... Về sau học thêm các phép của hai phái lớn của Trung Hoa là Mao Sơn và Lỗ Ban. Mỗi người đều giỏi bày binh bố trận, thông thạo tầm long điểm huyệt...
- Tam Bích: Đứng đầu là các sư thầy tu luyện theo Mật giáo Bắc Tông, hầu hết đã đạt tới tầng thiền thứ tám Phi phi tưởng xứ.
- Tứ Lục: Được lãnh đạo bởi các sư thầy tu luyện mật giáo Nam tông, chủ yếu từ Huế đổ vào miền trong. Những người theo Tứ Lục hầu hết cũng đạt đến Tứ Thiền Hữu Sắc
- Ngũ Hoàng: Bao gồm các thầy đồng bên Tứ Phủ, chủ yếu trừ tà, bắt quỷ chữa bệnh, sai sử âm binh...
- Lục Bạch: Là những bậc chân tu khí công Phật giáo, hầu hết đều bế quan khổ tu, chỉ những khi đất nước gặp đại họa mới ra tay cứu nhân độ thế
- Thất Xích: pháp môn của họ là Thần quyền, chuyên về luyện bùa ngải, độc trùng, thiên linh cái...
- Bát Bạch: đứng đầu là các học giả uyên thâm, văn chương chính sử đều tài năng hơn người. Tuy không có Pháp thuật nhưng hết thảy đều là những quan lại trong triều có phẩm cấp rất cao
- Cửu Tử: Đây chính là xương sống của hội, là những bậc thương gia giàu có, vừa cung cấp tiền tài cho Hội Liên Hoa hoạt động, và cũng là cầu nối liên lạc giữa các nhánh của hội với nhau. Chỉ có thủ lĩnh Cửu tử - là người sở hữu Cửu Tử Ấn mới có quyền ra lệnh cho các nhánh Liên Hoa còn lại. Trong tay thủ lĩnh Cửu tử cũng có danh sách của tất cả thành viên trong hội. Tương truyền rằng thủ lĩnh Cửu Tử cũng có một tấm bản đồ dẫn đến kho báu ngàn đời của tộc Việt. Nhưng những sự đó có thật hay là không thì cũng chẳng ai có thể kiểm chứng, trong sử sách cũng chẳng ghi chép lại nên Long Hoa Hội mãi mãi vẫn là một bí ẩn bị vùi sâu trong dòng thời gian. Chỉ biết vị thủ lĩnh cuối cùng của Cửu Tử, cuối thời Tây Sơn chiến loạn, để bảo toàn tính mạng và sự an toàn của Hội, đã thay đổi danh tính rồi bỏ trốn đi đâu không một ai hay biết. Từ đó Cửu Tử Ấn và Liên Hoa Hội mãi mãi chỉ là truyền thuyết...
Nếu Đại Việt ta có Liên Hoa hội thì ở bên Tàu cũng có một hội kỳ môn tên gọi Thiên Lang hội. Người ở trong hội này tôn thờ sao Thiên Lang, tự gọi mình là Thiên Lang tiên sinh, người đứng đầu hội thì gọi là Thiên Lang tướng quân. Vào đầu nhà Tấn ở Trung Quốc, Tấn Vũ Đế tên gọi là Tư Mã Viêm, là cháu đích tôn của Tư Mã Ý. Người này thiên tư thông tuệ, văn võ đều toàn tài, nhưng lại vô cùng đa nghi. Hắn đã triệu tập rất nhiều những bậc pháp sư phù thủy trong khắp thiên hạ, đứng đầu là Cao Thâm, đệ tử chân truyền của Trương Giác năm xưa, lập ra Thiên Lang hội. Mục đích của hội là đi khắp chân trời góc bể, tìm những đứa trẻ có ngày giờ sinh bát tự phạm vào "Tử Vi mệnh cách" – tức là những đứa trẻ có số làm vua hay còn gọi là "chân mệnh thiên tử" mà giết đi đề phòng hậu hoạn sau này. Về sau hội còn lo thêm việc dò tìm mạch đất phong thủy, tầm long điểm huyệt, tìm những mảnh đất tốt để an táng vua chúa sau này... Sau đó dưới triều nhà Đường, Võ Hậu – Võ Tắc Thiên còn sai mật thám của Thiên Lang Hội đi sang các nước xung quanh như Thổ Phồn, Đột Quyết, Cao Ly... và cả Đại Việt nhằm tìm cách trấn yểm, phá hủy long mạch của các nước lân bang khiến cho các nước đó không thể sinh ra người tài nữa... Cho đến nhà Mãn Thanh, người Mãn bắt ép người Hán phải ăn mặc theo lối Mãn, tóc phải tết bím theo phong tục người Mãn, từ đó về sau không còn thấy những ghi chép gì về Thiên Lang Hội nữa.
Đăng bởi | Cyborg92 |
Thời gian | |
Cập nhật | |
Lượt đọc | 29 |