Tham ô
Bằng vào phương pháp tương tự như lần bắt Tiêu Viêm. Ưng Lịch cho quân sĩ giả làm dân thường đến bắt hết những tên lừa đảo khác. Vài tên lính sẽ giả làm người nhà bệnh nhân, nhờ chúng đến chữa bệnh, khi lũ lừa đảo cắn câu thì sẽ dụ chúng đến chỗ kín như bụi tre hay cánh đồng và bắt lại. Cả đám sẽ bị đưa ra tố cáo hành vi lừa đảo trước dân làng sau đó đập gãy chân rồi đem về giam vào cũi chờ ngày xử chém. Gác lại việc đó, Ưng Lịch đang bận túi bụi về chuyện lo cứu đói cho dân chúng vùng dịch bây giờ. Dân chúng chịu cảnh cách ly lâu ngày, công việc đồng áng cũng bị ảnh hưởng, nhiều vùng phải cho quân lính đi thu hoạch mùa màng giúp dân. Những chiếc xe đạp và xe trượt bây giờ đã phát huy tác dụng. Từng chiếc trong số chúng được gia cố rất chắc chắn để 1 chiếc có thể chở được gần hai trăm cân hàng hóa, một ngàn hai trăm chiếc xe có thể chuyển hơn hai trăm tấn lương thực từ kho tập kết đến các vùng dịch trong một hai ngày. Tiêu chuẩn một người được phát mười cân lương thực một tháng nếu trong vùng bị phong tỏa có lẽ không đủ để họ ăn no nhưng ít nhất cũng cầm cự được đến vụ sau. Với hai mươi ngàn dân trong vùng dịch bị phong tỏa, họ sẽ được cấp đầy đủ theo tiêu chuẩn đó. Những người không trong vùng phong tỏa thì chỉ được cấp một nửa. Để chuẩn bị cho 3 tháng chống dịch, Ưng Lịch đã thu mua hơn một ngàn năm trăm tấn lương thực, ba tấn hạt giống củ đậu, ba tấn giống khoai lang, 2 tấn giống sắn, hai tấn giống khoai tây. Hai ngàn dân phu được phân ra gieo trồng và chăm sóc cho những loại lương thực này. Hơn một tháng trồng trọt dưới sự hướng dẫn của Ưng Lịch, những mầm cây đầu tiên đã trồi lên. Mọi người ai cũng nghĩ đến một vụ mùa bội thu, xua tan đi bao buồn đau vì dịch bệnh. May mà đây chỉ là một dạng cúm gia cầm, khả năng lây lan từ người sang người cũng chỉ giống cúm thường nên sau hơn 2 tháng cách ly, một số làng đã được phép họp chợ trở lại mặc dù có rất ít hàng hóa buôn bán, người dân cũng không có tiền mua hàng sau dịch. Ưng Lịch còn huy động lính và phu xây dựng cho mỗi làng 2 hệ thống lọc nước sạch, máy bơm được dùng loại mới nhất có tay quay, bể lớn chứa được 80 mét khối nước đã qua lọc. Chi phí làm được lấy từ tiền tang vật của đám đạo sĩ lừa đảo. Mọi người dân trong làng đều có quyền lấy nước miễn phí trong 2 chiếc bể này, nếu muốn dùng riêng thì có thể làm theo kiểu những chiếc chum lọc nước giống với loại mà Ưng Lịch cho mang theo.
Ưng Lịch cùng Hoàng Diệu đang ngồi bàn chuyện trong đình, bỗng nhiên có một tên lính hớt hơ hớt hải chạy vào. Hoàng Diệu lấy làm lạ bèn hỏi:
- Có việc gì mà mày chạy vào đây?
- Bẩm quan, bẩm cậu ở vài vùng bị thiếu lương thực ạ. Dân chỗ đó đang kêu ghê lắm.
- Láo toét! Bọn ta đã chia đủ lương thực cho dân trong các vùng rồi, sao có thể thiếu được.
- Có mấy tên cai tổng bảo thóc gạo để lâu bị hỏng, chúng phải đem đổ bỏ.
- Lương thực đều là loại mới mà ta cho người đi mua từ 3 tháng trước, sao mà hỏng được chứ! Ưng Lịch nói.
- Bắt hết đám chức sắc ở mấy chỗ đó lại! Giải lên đây cho ta. Hoàng Diệu quát.
- Có lẽ bọn nó nó lại giở cái trò tham ô ra rồi. Năm nào cứu trợ thiên tai cũng vậy, toàn một lũ khốn nạn.
- Đại nhân an tâm, đợi chúng nó lên đây ta sẽ có cách cho bọn này không cãi được.
- Thế cậu định làm thế nào vậy?
- Bí mật! Lúc nào ngài bắt đám kia đến thì sẽ rõ.
Ngày hôm sau, 3 tên cai tổng, 6 tên lý trưởng bị giải đến doanh trại. Mặt tên nào tên nấy tái mét, bầu không khí nặng nề bao trùm cả doanh trại. Ngoài cửa, có mấy trăm người dân đến chứng kiến xử án. Hoàng Diệu quát:
Các ngươi hãy trả lời cho ta, tại sao lương thực triều đình phát xuống lại xảy ra thiếu hụt.
- Bẩm quan, bọn con được nhận bao nhiêu thì chỉ có thể phát gạo từng đó thôi.
- Thế còn chuyện gạo mốc không ăn được thì chúng bay nói thế nào?
- Bẩm quan, có lẽ thóc gạo đó để lâu ngày nên bị hỏng ạ.
Đám cai tổng, lý trưởng cứ viện dẫn đủ loại lý do. Ưng Lịch ngồi cạnh Hoàng Diệu từ tốn nói:
- Tâu đại nhân, đám gia nhân nhà ta có ghi chép hết chứng từ sổ sách về việc xuất lương thực cho các địa phương. Chi bằng để ta gọi chúng nó lên để đối chất với các vị này.
- Được, cậu hãy bảo chúng mang sổ sách lên đây!
Đám chức sắc mặt tái mét rối rít kêu oan. Mặc kệ mấy tên này, Hoàng Diệu bắt đầu xem sổ sách và đối chất với từng tên một. Giấy trắng mực đen, điểm chỉ rõ ràng khiến cho bằng chứng phạm tội của bọn này lộ hết. Như là lão cai tổng Tín, kẻ kêu gạo phát chỉ có hai tấn rưỡi không đủ ăn nhưng thực tế trong chứng từ, tổng của lão đã nhận đến 5 tấn gạo. Còn lão cai tổng Cót em trai tri huyện Vạc thì lại có trò khôn lanh hơn, lão cùng bọn nhà giàu lĩnh hết số gạo hộ đám tá điền nhà chúng rồi lại sai từng tên tá điền đi lãnh gạo, số gạo còn lại cho dân chúng thì chẳng còn bao nhiêu. Lão còn gọi cả đám người ở nhà ông anh tri huyện của lão sang để lãnh gạo mặc dù chúng không có hộ khẩu của tổng đó. Riêng lão cai Hào là khốn nạn nhất, gạo triều đình phát xuống lão đổi thành gạo hẩm nhà lão, lại còn trộn thêm cát sỏi vào để cho đủ cân rồi cứ thế mà phát xuống. Đám lý trưởng cũng không vừa, đấu phát gạo loại một kg thì chúng đổi thành loại có sáu-bảy lạng rồi cứ thế mà phát đúng mười đấu cho mỗi người dân hoặc lấy cớ không cho người trong nhà nhận thay rồi cứ thế mà hạch sách dân nghèo. Tất cả những bằng chứng đó đều được người của Ưng Lịch điều tra và ghi lại, có dấu tay làm chứng của hàng trăm người dân. Bọn chức sắc nghe vậy sợ quá đành phải khai hết ra kẻ chủ mưu là lão tri huyện Vạc, sáu mươi phần trăm số lương thực tham ô sẽ phải bán đi để biếu lão, số còn lại thì bọn chúng sẽ chia nhau. Hoàng Diệu nghe vậy bèn quát:
- Lính đâu! Đi bắt chi huyện Vạc ngay cho ta. Kẻ nào chống cự cũng giải lên đây cùng.
Hơn hai giờ sau, tri huyện Vạc cùng vài tên thân tín bị giải tới. Sau một hồi tra hỏi và cãi nhau với đám chức sắc trong đó có em trai lão cuối cùng lão Vạc cũng phải nhận tội. Hoàng Diệu bàn bạc một lúc với Ưng Lịch rồi phán quyết tất cả đám quan lại, cường hào chức sắc tham ô lương thực trong đợt này đều chịu tội chém đầu. Tài sản của chúng sẽ bị sung công vào chi phí hoạt động chống dịch lần này. Ruộng đất được chia hoặc bán lại với giá rẻ cho dân chúng. Đám tội nhân này sẽ bị hành quyết vào năm ngày sau, khi công văn phê chuẩn của bộ Hình đưa tới. Hiện tại thượng thư bộ Hình là Nguyễn Văn Tường nên việc xin công văn này cũng chẳng khó khăn là bao. Nhờ có xe đạp, tên lính chuyển công văn chỉ cần đi một ngày đường là đã về đến kinh thành, cũng chỉ cần một ngày đường là đi được từ kinh thành đến đây.
Khu nhà lao tử tù bây giờ chật kín người, từ tri huyện Vạc đến mấy lão chức sắc cường hào, đám đạo sĩ lừa đảo cùng mấy tên vi phạm lệnh cách ly mà đánh chết lính canh. Tử tù oan uổng nhất trong đợt này có lẽ là tú tài Vinh, con cả bá hộ Hải. Vì cha anh ta dù không cố ý nhưng thực tế đã làm lây lan dịch bệnh cho cả làng và gián tiếp gây ra cái chết của mấy trăm người trong đợt dịch này. Dù ông ta đã chết nhưng theo luật phải chém cả nhà, mà trong anh em nhà anh ta bây giờ chỉ còn mình anh là chưa bị cái căn bệnh này quật chết. Vì Vinh là người bệnh nên anh ta được hưởng đãi ngộ phòng riêng và có thầy lang chăm sóc, mặc dù anh ta cũng bị căn bệnh này tàn phá hết thân thể và chắc cũng không sống nổi 1 tuần nữa. Ưng Lịch nghe chuyện này bèn quyết định đến gặp con người xấu số này một lần.
Tên cai ngục đứng ngoài cửa buồng giam hét lên:
- Tú Vinh! Có quan lớn đến hỏi chuyện.
- Thôi! Anh ta bệnh thì cứ để anh ta nằm đó. Ưng Lịch từ tốn nói.
Tú tài Vinh quay mặt lại nhìn, thấy một thằng bé tuổi còn nhỏ hơn 2 đứa con anh ta cùng hai tên lính hầu đi vào trong buồng giam. Cả 3 người đều đeo khẩu trang che kín mặt. Tên cai ngục cầm theo chiếc ghế dựa đặt xuống mời thằng bé kia ngồi rồi nói:
- Đây là cậu Ưng Lịch, con trai của Kiên Quốc Công, cậu cùng quan tham tri chỉ huy đợt chống dịch lần này đấy.
Tú Vinh nghe vậy định ngồi dậy vái chào. Ưng Lịch xua tay nói: “Không cần! Ta cho phép anh nằm tiếp chuyện”. Tú Vinh vội chấp tay bái tạ. Ưng Lịch lại nói:
- Nhờ vợ anh mà ta tìm ra được nguyên nhân dịch bệnh, nhưng tiếc rằng luật pháp triều đình không thể làm khác được. Trước khi chết anh có nguyện vọng gì không, ta có thể giúp cho 1 chút.
- Thưa cậu, cha tôi vì vô ý đã gây hại đến xóm làng, tôi thân mang bệnh tật cũng chẳng ngại sống chết chi nữa, chỉ xin cậu minh ý chỉ lộ cho tôi cách nào để cứu vợ con khỏi cái họa tù đày.
- Theo luật pháp triều đình gia sản nhà anh đã bị sung công. Vợ con anh thì sẽ phải bán đi làm nô tỳ. Nhưng ta có thể nhận bọn họ làm người hầu trong nhà ta. Để họ sống ở tại làng thì rất nguy hiểm đấy, dân các làng bên có thể sẽ sang trả thù họ.
- Xin đội ơn cậu ạ! Cậu có thể cho phép họ đến gặp tôi lần cuối không?
- Điều đó có khó gì! Lính đâu, gọi họ đến đây.
Lúc nãy khi Ưng Lịch đến cửa nhà lao đã gặp ba mẹ con này van xin đám cai ngục cho gặp anh Vinh lần cuối nhưng vì không có tiền đút lót cho chúng nên không được vào. Ưng Lịch bèn bảo họ đợi một chút rồi hắn sẽ giúp cho. Cả gia đình họ khi gặp được nhau bèn ôm nhau mà khóc. Khi được anh Vinh nói về việc trở thành người hầu trong phủ Quốc công, họ có vẻ bất ngờ nhưng sau khi nghe kỹ chồng mình giải thích, ba mẹ con ứa nước mắt quỳ xuống tạ ơn Ưng Lịch. Để cho gia đình họ hai tiếng đồng hồ an ủi dặn dò nhau xong, Ưng Lịch cùng hai tên lính hầu dẫn ba mẹ con kia ra về.
Đăng bởi | tyrantX |
Thời gian | |
Lượt thích | 8 |
Lượt đọc | 170 |