Quyển 4 Chương 26: Gái Nhà Nghèo Bích Ngọc
Độ này thời tiết nóng nực, tôi liền búi tóc theo kiểu Thái hư. Tôi không cắt tóc, vì vâng theo ý chỉ xuất gia để tóc tu hành. Có điều, từ khi vào cửa Phật tới giờ, mỗi ngày tôi không còn phải mất thời gian trang điểm nữa, ngày ngày chỉ rửa mặt bằng nước suối, nếu trời không nóng quá thì mái tóc vẫn chỉ tùy ý buông xõa, cũng chẳng tỉa cho ngắn bớt, thế là càng ngày càng dài.
Nghĩ lại việc xưa, tôi bất giác cười, nói với Cận Tịch: “Trước đây mỗi ngày ngủ dậy, việc trang điểm là mất nhiều thời gian nhất, cứ phải cài biết bao thứ đồ vàng ngọc lên đầu, làm ta cảm thấy đầu to như cái đấu, nặng nề quá thể.”
Hoán Bích cũng khẽ cười. “Trước đây, số chỉ vàng trên quần áo tiểu thư tính ra phải nặng tới vài cân, xương cốt nào mà chịu cho nổi, chẳng trách các nương nương trong cung ai nấy đều đi lại khoan thai, kỳ thực là chẳng thể đi nhanh được.”
Tôi suy nghĩ một chút rồi không kìm được bật cười thành tiếng. “Như chúng ta bây giờ quả đúng là được tự do hơn.”
Hoán Bích cười tủm tỉm, đi tưới nước cho dãy tịch nhan trước cửa, tư thế khoan thai mà dịu dàng, khẽ nói: “Ở trong cung phải giữ quy củ trong cung, ở trong chùa Cam Lộ phải giữ quy củ của nhà chùa, bây giờ chúng ta bị đuổi đến đây, thành ra chẳng phải giữ quy củ gì nữa, cũng chẳng cần nghĩ tới mấy việc không đâu.”
Ánh mắt tôi bị dãy tịch nhan thu hút, giọng nói bất giác trở nên dịu dàng: “Ngược dòng đi khắp hang cùng ngách, thư thả ngồi nhìn áng thanh thiên[1]. Cuộc sống như chúng ta bây giờ mới đúng là an nhàn, thư thái.”
[1] Trích Chung Nam biệt nghiệp, Vương Duy, dịch thơ Phí Minh Tâm. Nguyên văn Hán Việt: Hành đáo thủy cùng xứ, tọa khán vân khởi thời – ND.
Thế là trong cuộc sống bình lặng về sau, chỉ còn Ôn Thực Sơ và Huyền Thanh là thường xuyên tới thăm tôi. Có điều, Ôn Thực Sơ và Huyền Thanh thường chỉ vừa gặp mặt là sẽ tách ra ngay, do đó cũng chẳng trò chuyện gì nhiều với nhau. Huyền Thanh cứ độ dăm ba ngày lại tới một lần, cùng tôi bàn luận chuyện cổ kim, đánh cờ đối thơ, tìm một vài thú vui tao nhã, có lúc còn mang tới cho tôi một số tin tức về My Trang và Lung Nguyệt. Mấy tin tức ấy đều rất ít ỏi, không đến nỗi khơi dậy sự thương tâm của tôi nhưng cũng đủ để xoa dịu nỗi nhớ nhung và quan tâm nơi đáy lòng tôi.
Huyền Thanh thường tỏ ra áy náy với tôi, nói rằng dăm ba ngày y mới tới được một lần, không thể ngày ngày bầu bạn bên tôi. Thế rồi y sai A Tấn huấn luyện một con bồ câu mang tới cho tôi, lại cười, nói: “Như vậy chúng ta có thể dùng bồ câu gửi thư cho nhau, cho dù không thể gặp mặt thì cũng có thể trò chuyện với nhau mấy lời.”
Tôi cố ý trêu y: “Muội không cần đâu, nhận lấy bồ câu rồi đưa thư chưa được mấy lần, chỉ e đã dẫn mèo rừng tới, như thế muội sẽ sợ chết khiếp mất.”
Huyền Thanh bật cười, nhéo mũi tôi, nói: “Nàng cho rằng bồ câu ngốc đến mức cứ ở yên trong lồng chờ mèo rừng đến ăn thịt sao? Thường ngày nó sẽ tự bay đi kiếm mồi, nàng muốn tìm nó về để gửi thư thì chỉ cần huýt sáo một cái là được.”
Có lúc tôi không kìm được thầm nghĩ, tại sao y luôn có thể đoán biết tâm sự của tôi rõ ràng như thế, hơn nữa lần nào cũng vừa khéo giúp tôi hóa giải những nỗi băng giá trong lòng.
Hỏi y, y lại chỉ nhìn tôi mà mỉm cười hòa nhã nhưng không trả lời.
Thế là tôi không hỏi thêm nữa, chỉ lẳng lặng cảm nhận sự chu đáo của y cùng những khoảnh khắc bình yên mà y đem lại.
Chiều hôm ấy, tôi và y vừa đánh xong ván cờ bên dưới ô cửa sổ phía tây, bên ngoài trời nóng nực, ve sầu kêu ầm ĩ, nghe cứ như tiếng mưa rơi, toát ra một vẻ mênh mang mà hỗn tạp. A Tấn thì đang ngồi ngủ gật dưới gốc cây, đầu cứ gật gà gật gù.
Lúc này, Cận Tịch bưng hai chén canh đậu xanh tới, tôi hòa nhã nói: “Uống thứ này để giải khát là tốt nhất đấy, vừa rồi giữa trưa trời nóng như thế mà huynh còn phi ngựa tới, đúng là đầu óc có vấn đề.” Nói rồi tôi cầm một chén lên, dùng nắp gạt đi phần bọt, chậm rãi uống lấy hai ngụm.
Huyền Thanh ngẩng đầu uống một hơi cạn sạch chén của mình, lại nhìn bóng trúc xanh biếc bên ngoài. “Chỗ này của nàng mát mẻ, do đó ta mới cố tình phi ngựa đến, bây giờ còn được uống canh giải khát nữa chứ!” Rồi y ngoảnh đầu, nói với Cận Tịch: “Cận Tịch, canh đậu xanh cô nấu càng ngày càng ngon hơn rồi.”
Tôi cười bảo: “Cận Tịch, miệng lưỡi y thực ngọt ngào quá chừng, thôi thì hãy thưởng thêm cho y một chén nữa đi.”
Cận Tịch tươi cười hòa nhã, lại bưng một chén canh nữa tới. “Vương gia muốn uống bao nhiêu thì có bấy nhiêu.”
Vừa khéo lúc này Hoán Bích ngừng việc may vá trong tay, nở nụ cười dịu dàng, để lộ hàm răng trắng muốt. “Bên ngoài trời đang nóng như thế, lát nữa Vương gia bất kể là về vương phủ hay Thanh Lương Đài ắt sẽ ra đầy mồ hôi, chi bằng hãy ở lại đây dùng bữa tối.”
Huyền Thanh mỉm cười, liếc mắt qua phía tôi. “Người hầu đã có lời lưu lại, chẳng biết ý tứ chủ nhân ra sao?”
Tôi cầm chiếc quạt tròn lên phe phẩy mấy cái, miệng cười, nói: “Hoán Bích đã có lời giữ huynh lại, muội còn tiện đuổi huynh đi nữa sao, chỉ cần huynh không chê nơi đây cơm canh nhạt nhẽo là được.”
Huyền Thanh ung dung cất tiếng: “Ăn cái gì cũng vậy thôi, tùy tâm là được.”
Tôi phủi áo đứng dậy, mỉm cười, nói: “Đã như vậy, hôm nay tiểu nữ sẽ đích thân xuống bếp, nấu cho Vương gia một bát canh.”
Khi mặt trời đã ngả về tây, chúng tôi kê một chiếc bàn dài dưới giàn mướp ngoài sân. Tôi bưng một bát cơm và bát canh tới, nói: “Vương gia nếm thử đi, canh này phải ăn cùng cơm trắng mới ngon.”
Nước canh ánh lên màu xanh biếc, kết hợp với màu sứ trắng ngần, lại thêm mấy miếng măng và nấm hương nằm im nơi đáy bát, quả thực ngon mắt vô cùng. Huyền Thanh cười, nói: “Mới nhìn thôi đã khiến ngón tay trỏ của ta mấp máy rồi!” Rồi y múc một thìa canh lên, nhắm mắt thưởng thức. “Có mùi thơm của lá sen, có hạt thông, có mùi nấm hương, hình như còn có cả măng nữa.” Đôi hàng lông mày của y hơi cau lại. “Còn có một chút mùi thơm thoang thoảng, rất đặc biệt, ta cũng chưa rõ là thứ gì.”
Tôi cười, nói: “Là thứ của Thanh Lương Đài đấy, vậy mà huynh lại không biết. Đây là nước tuyết trên mai xanh mà muội gom được lúc dưỡng bệnh ở Thanh Lương Đài của huynh năm ngoái. Mùi thơm của mai xanh khác hẳn mai thường, vừa trong trẻo lại vừa thoát tục, thế mới xứng dùng để nấu canh cùng lá sen non và hạt thông.”
Y nghiêng đầu, cười nói: “Có nước tuyết trên hoa mai, có lá sen, hạt thông, lại có cả nấm và măng, toàn là những vật thanh tịnh trong thiên nhiên, thảo nào mùi vị lại thanh tân như thế.”
Tôi khẽ mỉm cười. “Nếu là vật tầm thường, muội đâu dám mang ra cho huynh nếm thử.”
Huyền Thanh hỏi: “Món này tuyệt vời như vậy, nàng đã đặt cho nó cái tên gì chưa?”
Tôi đáp giọng ung dung: “Hoa mai, hạt thông, nấm hương và măng đều là vật trên núi, hoa sen thì dưới sông mới có, mấy vật này cùng ở chung một bát, có cả nước lẫn non, cái tên tất nhiên là vô cùng đặc biệt và thú vị rồi.”
Y khẽ “ồ” một tiếng, trầm ngâm phán đoán: “Có phải tên là ‘Sơn quang thủy sắc’ không?”
Tôi chậm rãi nói: “Nước non chỉ là thứ yếu thôi, điều đáng quý là phẩm cách của mấy vật này, tất thảy đều là loại rất có khí tiết”, rồi liền cất tiếng cười sảng khoái. “Nên nó tên là Thanh khí trường tồn.”
Y vỗ tay cười, nói: “Đầu óc nàng đúng là điêu ngoa, cổ quái, đến ta cũng phải tự than không bằng.”
Tôi hơi nhướng mày, nói: “Chẳng qua là trong lúc rảnh rỗi, muội để ý một chút tới chuyện ẩm thực thôi, vậy cũng bị coi là điêu ngoa, cổ quái sao?”
Y hưng phấn nói: “Thanh khí trường tồn, nghe cứ như tên của ta vậy.”
Tôi đập quạt mấy cái, lại đưa tay che miệng cười. “Đúng là người đâu vô lý quá chừng, muội làm một bát canh, huynh lại cố nói rằng nó giống tên mình, có biết xấu hổ không vậy?”
Nơi khóe mắt Huyền Thanh thấp thoáng nét cười vui vẻ. “Dù nàng có phủ nhận, ta vẫn coi đó là sự thực.”
Gió đêm mùa hạ mang theo hơi nước ẩm ướt, nhưng khi phả thẳng vào mặt lại khiến người ta cảm thấy mát rượi. Dưới ánh tà dương, những bông tịch nhan ngoài sân nhỏ nhắn, yêu kiều tựa cánh bướm, vừa hàm súc lại vừa dịu dàng, chậm rãi nhả hương khiến người ta quên hết mọi phiền ưu. Sau một thoáng sững sờ, tôi khẽ nói: “Sao huynh lại hiểu rõ lòng muội như thế chứ?”
Y vừa cầm đũa lên, nghe thấy lời này của tôi thì ngây người, để lộ vẻ mừng rỡ như trẻ con, sau đó liền không kìm được cười rộ. “Chỉ vì cái tên này thôi ta cũng không nên phụ lòng nàng, ta muốn một hơi uống cạn bát canh.”
Tôi thấy y cầm bát lên định uống, vội bật cười ngăn lại. “Nếu huynh chỉ uống canh mà không ăn cơm, vậy thì đúng là một kẻ ngốc rồi!” Tôi đứng dậy mang tới thêm một đĩa chân giò hun khói và một đĩa đậu phụ hạnh nhân, nói: “Canh này ăn cùng cơm mà có thêm chân giò hun khói thì càng tuyệt, còn mùa hè mà ăn đậu phụ sẽ mát ruột lắm.”
Trong mắt y thoáng qua một tia mừng rỡ và cảm động, tựa như áng mây hồng rực rỡ nơi đỉnh núi. “Kể từ khi quen biết đến nay, đây là lần đầu tiên nàng xuống bếp vì ta, lại cẩn thận chuẩn bị đồ ăn cho ta như thế, thực làm ta cảm động không thôi.”
Tôi đưa mắt liếc y. “Ăn thì cứ ăn, nói nhiều như thế làm gì, lẽ nào huynh có dự định sau này thường xuyên tới đây ăn cơm?”
Y chỉ cười không nói, loáng cái đã ăn hết sạch hai bát cơm và toàn bộ thức ăn.
Tôi thấy y ăn ngon lành, không hiểu tại sao, trong lòng trào dâng cảm giác mừng rỡkhôn cùng. Có lẽ khi đồ ăn mình nấu được người khác yêu thích, ai cũng có cảm giác như tôi lúc này.
Một mùi thơm ngọt ngào bỗng từ đâu bay tới, dường như đó là sự kết hợp giữa mùi hoa hồng và mùi rượu. Ngay đến tôi cũng bị thu hút, không kìm được ngoảnh đầu nhìn lại, thấy Hoán Bích đang chậm rãi bước tới, mặt đầy nét cười. “Nô tỳ vừa xuống bếp nấu một bát canh rượu nếp hoa hồng, dùng làm điểm tâm thì rất hợp, xin Vương gia hãy nếm thử xem sao.”
Đó là một bát canh rượu nếp màu trắng sữa, tỏa hương nồng nàn, bên trên còn rắc cánh hoa hồng, trông rất bắt mắt.
Tôi cười, nói: “Mới ngửi đã thấy thơm rồi, tay nghề của Hoán Bích quả là không tệ.”
Huyền Thanh thoáng lộ vẻ khó xử, cười nói: “Hôm nay ta quả thực đã no rồi, mà rượu nếp lại ngọt, ta ăn thêm không nổi.”
Hoán Bích nhìn chỗ bát đĩa đã được ăn sạch bách trên bàn, có chút thất vọng, nói: “Vậy, chỉ nếm thử một chút thôi được không?”
Nhìn muội ấy tay bưng bát canh thơm nức đứng ngay trước mặt, dáng vẻ hết sức đáng thương, người khác thực khó lòng cự tuyệt. Huyền Thanh cười tủm tỉm, nói: “Tay nghề của Hoán Bích vừa nhìn đã biết là rất tuyệt rồi, chỉ là hôm nay ta thực sự không thể ăn thêm được nữa, chi bằng để hôm khác đi.”
Hoán Bích có chút ủ rũ, tiến thoái lưỡng nan, chỉ biết thấp giọng nói: “Vậy cũng được!”
Tôi biết Huyền Thanh không thích ăn đồ ngọt nhưng thực không nên vì việc này mà làm Hoán Bích khó xử quá. Thoáng suy nghĩ, tôi bèn cười, nói: “Vừa rồi không phải huynh nói muốn tới An Tê quán thăm Thái phi sao, đừng đi muộn quá kẻo Thái phi lại lo, tranh thủ khi trời còn chưa tối hẳn mà đi mau thôi!” Tôi một lòng mong y đi mau cho, không hề phát hiện Hoán Bích đứng sau lưng mình, mặt đầy vẻ hụt hẫng.
Huyền Thanh hiểu ý. “Vậy, mấy ngày nữa ta sẽ lại t۩.”
Vì y thường xuyên tới đây nên tôi cũng không ra ngoài tiễn, đợi y đi rồi, thấy Hoán Bích đang lẳng lặng thu dọn bát đĩa trên bàn, tôi bèn dịu dàng khuyên giải: “Chẳng qua chỉ là một bát canh rượu nếp hoa hồng mà thôi, muội đã tốn công làm rồi, lúc khác Thanh nhất định sẽ ăn, hà tất phải buồn bã ủ ê như vậy.”
Hoán Bích cúi đầu lau mạnh mặt bàn, thấp giọng nói: “Vương gia sẽ không ăn đâu.” Thoáng dừng một chút, trong mắt muội ấy ánh lên những tia ảm đạm. “Vừa rồi khi Vương gia thoái thác, ánh mắt chẳng nhìn về phía bát canh lần nào, có thể thấy y không hề thích ăn.”
Tôi khẽ thở dài. “Hoán Bích, kỳ thực muội nhìn người rất tinh tế.”
“Vậy sao?” Ánh tà dương chiếu xuống một bên mặt Hoán Bích, phủ lên đó một tầng ánh sáng màu hồng, chẳng hề ăn nhập với vẻ mặt của muội ấy lúc này. “Nô tỳ vốn thấy Vương gia khi rảnh rỗi thích uống chút rượu, do đó mới làm một bát canh rượu nếp hoa hồng, không ngờ dụng tâm lại không đúng chỗ.” Nói rồi liền đưa tay đổ bát canh vào thùng nước, sắc mặt bình thản, không hề có chút tiếc nuối.
Tôi ngây ra. “Dù Thanh không muốn ăn thì muội cũng cứ để đó, việc gì phải đổ đi.”
Hoán Bích vẫn thản nhiên như thường, mỉm cười, nói: “Nô tỳ làm là để cho Vương gia ăn, y không ăn thì nô tỳ đổ đi thôi, cũng không định để lại cho người khác. Nếu tiểu thư và Cận Tịch thích ăn, nô tỳ làm lại là được.”
Tôi thầm thở dài một tiếng, tính cách của Hoán Bích dường như ngày càng cổ quái thì phải.
Nhìn theo bóng lưng gầy guộc của muội ấy, tâm trạng tôi tựa như bầu trời đêm lúc này, dần bị nhuốm một tầng mờ mịt.
Hoán Bích vẫn tiếp tục ít nói và trầm lặng như xưa, chỉ là ánh mắt của muội ấy khi nhìn về phía tôi đã dần có thêm một tầng sương mỏng. Nhưng muội ấy đã không muốn nói, tôi cũng không chủ động đi hỏi, chỉ coi như không biết.
Rốt cuộc có một ngày, khi tôi đang cầm bình nước tưới cho dãy hoa tịch nhan, Hoán Bích đứng bên cạnh, chậm rãi nói: “Tiểu thư xưa nay vốn thông minh hơn người, tại sao lại đi hỏi Vương gia một câu nông cạn…” Muội ấy thoáng do dự rồi mới tiếp: “Hoặc có thể nói là ngốc nghếch như thế?”
Hoán Bích nói chuyện trước giờ vẫn luôn cẩn thận, hôm nay lại dùng những lời lẽ sắc bén như thế với tôi, thực là kỳ lạ vô cùng.
Tôi xoay người lại, trong mắt hiện lên một tầng nghi hoặc.
Hoán Bích không hề sợ hãi, cũng không cúi đầu như thói quen thường ngày, chỉ lặng lẽ nhìn tôi bằng đôi mắt ngày một sâu thẳm, khẽ cất tiếng: “Tại sao Vương gia lại hiểu tâm tư của tiểu thư như vậy, tiểu thư thực sự không biết sao?” Thực sự không biết sao? Tôi tự vấn bản thân, thầm ngẫm nghĩ về câu hỏi này của Hoán Bích. “Bởi vì tất cả tâm tư của Vương gia đều đặt vào những sự buồn vui, mừng giận của tiểu thư rồi, do đó, tâm tư của tiểu thư, sao Vương gia có thể không biết kia chứ?”
Đúng thế, tôi đã từng cảm thấy mình và Huyền Thanh tâm ý tương thông, nhưng nếu không hữu ý, nếu không đặt toàn bộ tâm tư của mình lên người đối phương, cái gọi là tâm ý tương thông kia làm sao mà có được?
Tâm ý tương thông! Thì ra, tôi cũng hiểu rõ tâm tư của y, chỉ là suốt một thời gian dài trước đây, tôi luôn tự dối lòng, cho rằng mình không hay biết gì đó thôi.
Hoán Bích không hề dời mắt khỏi người tôi, đã thế còn có mấy phần bức bách, giọng nói thoáng vẻ lạnh lùng: “Tiểu thư, kỳ thực tiểu thư đều biết cả, nhưng đã biết rồi tại sao còn phải hỏi như vậy?”
Ánh mắt tôi dừng lại mãi trên một cành tịch nhan có những bông hoa vừa chớm nụ, hồi lâu sau vẫn chẳng thể dời đi. Những bông hoa đó thực trắng ngần thuần khiết, tựa vô số ngôi sao sáng rực trên trời, soi sáng trái tim vốn luôn mơ hồ và ảm đạm của tôi.
Những tia tình cảm mơ hồ thuở ban đầu của y, kỳ thực ngay từ lúc ngắm hoa tịch nhan ở đài Đồng Hoa tôi đã lờ mờ hiểu được một chút.
Vậy mà mãi đến lúc này, tôi còn hỏi y: “Sao huynh lại hiểu rõ lòng muội như thế chứ?”
Tôi đã biết được đáp án từ sớm, chẳng qua chỉ không muốn tự tay mình vén mở nó ra mà thôi. Hoặc có lẽ, tại nơi sâu thẳm tâm hồn, tôi vẫn luôn mong y sẽ tự nói với tôi, chính miệng nói với tôi, rằng tất cả là vì tôi.
Dường như chỉ có như vậy, tôi mới có thể hoàn toàn tin đây là sự thật, tin y thực sự yêu tôi, dù thân phận của tôi có thay đổi thế nào.
Không biết tự bao giờ, tại nơi sâu nhất nơi đáy lòng tôi, những bông tịch nhan đêm đó sớm đã vượt hẳn lên mọi thứ kỳ hoa dị thảo trên thế gian này, không gì so sánh được.
Ngay từ lúc tôi còn chưa biết gì, ngay từ lúc tôi còn dùng tư thái ngấm ngầm cự tuyệt để đối mặt với tình cảm của y, những bông hoa tịch nhan không thể nở rộ dưới ánh mặt trời và bị người đời gọi là “hoa bạc mệnh” kia đã đâm chồi nảy lộc trong trái tim tôi, nở ra một biển hoa trắng lóa.
Thì ra, nó sớm đã biến thành một vầng trăng sáng trong trái tim tôi, đến lúc này mới hiện ra để soi đường chỉ lối.
Tôi chỉ khẽ mỉm cười. “Hoán Bích, muội càng ngày càng thích phán đoán tâm tư của người khác rồi đấy!” Ngoảnh đầu lại, mùi thơm dìu dịu của tịch nhan thoảng qua bờ má, bên khóe môi tôi như nở ra một bông hoa.
Hồi lâu sau, lời của Hoán Bích mới bật ra khỏi miệng: “Trước đây khi cự tuyệt Vương gia, tiểu thư đã từng dùng bài Bích Ngọc ca.” Thoáng dừng lại, Hoán Bích khẽ ngâm: “Gái nhà nghèo Bích Ngọc, đâu dám với cành cao. Tạ ơn chàng hữu ý, thẹn không sắc khuynh thành.”
Tôi ngẩng lên nhìn muội ấy. “Thì sao?”
Hoán Bích vẫn cười, nhưng nụ cười ấy lại có vẻ lạnh lùng, hờ hững, tựa như một giọt sương đậu trên bông tịch nhan. “Khi cự tuyệt Vương gia, tiểu thư có từng nghĩ đến mấy câu Bích Ngọc ca kế tiếp không, chỉ khác nhau một chút thôi, nhưng ý nghĩa lại hoàn toàn khác biệt.”
Tôi suy nghĩ một chút, chậm rãi ngâm: “Gái nhà nghèo Bích Ngọc, đâu dám với cành cao. Cảm tạ chàng nghĩa nặng, nay xin kết kim lan[2]. Hoán Bích, muội muốn nói tới mấy câu này sao?”
[2] Trích Bích Ngọc ca, Tôn Xước. Nguyên văn Hán Việt: Bích Ngọc tiểu gia nữ, bất cảm phàn quý đức. Cảm lang ý khí trọng, toại đắc kết kim lan – ND.
Hoán Bích khẽ gật đầu, chiếc váy màu xanh nhạt bị làn gió thổi bay lất phất, như thể đã hòa vào mảng cành lá tịch nhan kia. “Tiểu thư, khi đó tiểu thư có từng nghĩ đến điều này không?”
Tôi tỉ mỉ ngẫm lại, có lẽ thực sự có vài phần trùng hợp, thế là bèn trịnh trọng lắc đầu. “Thực sự là không.” Thế nhưng khi tôi trả lời, biến hóa đã xảy ra, giống như sự thay đổi trong Bích Ngọc ca vậy, tình cảm biến chuyển hết sức bất ngờ, thành ra trong câu trả lời trịnh trọng của tôi bỗng dưng xuất hiện một tia mềm mại.
“Cảm tạ chàng nghĩa nặng, nay xin kết kim lan.” Hoán Bích khẽ nở nụ cười, ngón tay quấn lấy dải dây lưng xanh biếc trên chiếc áo, lẩm bẩm nói: “Tiểu thư, nô tỳ sớm đã biết được tiểu thư và Vương gia rồi sẽ…”
Tôi hết sức ngạc nhiên trước những lời này, bất giác trầm tư, hỏi: “Hoán Bích, muội rốt cuộc muốn nói gì?”
Nụ cười hờ hững của Hoán Bích tựa như bông tịch nhan khẽ rung rinh giữa làn gió thu. “Nô tỳ chỉ hay nghĩ, ngày đó tuy tiểu thư đã cự tuyệt Vương gia nhưng tại đáy lòng, có lẽ vẫn mang một chút suy nghĩ ‘cảm tạ chàng nghĩa nặng, nay xin kết kim lan’. Chẳng lẽ ngày đó khi nói lời cự tuyệt, tiểu thư thực sự không có chút tâm ý nào với Vương gia sao?”
Tôi nói chẳng thành lời, có lẽ là có nhưng lúc đó, tôi vẫn còn vô cùng chần chừ, do dự.
Còn Hoán Bích, muội ấy đã trở nên nhạy cảm và tinh tế thế này từ bao giờ vậy?
Hoán Bích dường như biết được nỗi nghi hoặc của tôi, liền khẽ nói: “Nô tỳ cảm thấy hiểu được nhiều hơn một chút là việc tốt. Đi theo tiểu thư được nghe nhiều rồi, thành ra cũng hiểu nhiều hơn, nhìn người, nhìn việc thấu triệt hơn.” Thoáng dừng lại, Hoán Bích mỉm cười, nói tiếp: “Hoán Bích có thể hiểu nhiều điều như vậy, thực sự phải cảm ơn tiểu thư. Tiểu thư thường xuyên giảng giải về thi thư cho nô tỳ nghe, nhờ thế nên nô tỳ mới không đến nỗi đần độn chẳng biết gì.”
Muội ấy nói rất nhẹ nhàng, chỉ một lời đã lược qua mọi việc, sau đó liền xoay người đi luôn, thân hình nhẹ nhàng, tha thướt nhưng bước chân lại thấp thoáng nét nặng nề, hoàn toàn không phù hợp với dáng vẻ bề ngoài của muội ấy.
Tôi nhìn theo bóng lưng Hoán Bích, chút nghi hoặc nơi đáy lòng dần trở nên rõ rệt.
Khi tôi thổ lộ với Cận Tịch về sự nghi hoặc của mình, Cận Tịch chỉ nói: “Nương tử đừng hỏi gì Hoán Bích, cũng đừng để lộ chút ý tứ đó, cứ coi bản thân như một người hồ đồ là được.”
Thấy tôi lộ vẻ khó hiểu, Cận Tịch nói thẳng: “Mọi người đều thấy rõ tình cảm giữa nương tử và Vương gia, nô tỳ chỉ hỏi một câu thôi, nương tử có định học theo Nga Hoàng, Nữ Anh[3] thời cổ không?”
[3] Nga Hoàng và Nữ Anh là hai người con gái của vua Nghiêu, cùng gả về làm vợ của vua Thuấn. Điển tích này chủ yếu nói về việc hai chị em ruột cùng thờ một chồng – ND.
Tôi không chút nghĩ ngợi đáp ngay: “Không! Mà dù ta có tâm tư này, Thanh cũng quyết không chịu.”
“Vậy thì phải rồi. Hoán Bích hầu hạ bên cạnh nương tử nhiều năm, suy nghĩ này của nương tử, cô ấy tất nhiên hiểu rõ. Nô tỳ thấy cô ấy rất để tâm đến Thanh Vương gia, như thế tâm tư của Vương gia, cô ấy hẳn nhiên cũng biết. Mà vì cô ấy đã biết cả, một khi cô ấy không nói, nương tử cũng đừng nên hỏi gì. Trừ phi nương tử muốn hai bên rơi vào cảnh khó xử, hoặc là đang nghĩ cách để đuổi Hoán Bích đi.”
Tôi nôn nóng nói: “Tình cảm giữa ta và Hoán Bích đâu phải tầm thường, bên cạnh ta chỉ có muội ấy thôi, muội ấy cũng chỉ có thể nương tựa vào ta, ta sao nỡ để muội ấy phải khó xử hoặc đuổi muội ấy đi chứ.”
Cận Tịch thở phào một hơi. “Vậy thì đúng rồi. Cứ như nô tỳ thấy, Hoán Bích cô nương cũng là người hiểu chuyện, cô ấy hiểu rất rõ tình cảm giữa nương tử và Vương gia, do đó ắt sẽ không mở miệng nói gì đâu. Hai ngày nay, cô ấy như vậy, chỉ có thể nói là đang nổi tính con gái thôi. Nếu nương tử để tâm quá thì chỉ tự làm khổ mình.”
Lời của Cận Tịch giống như dòng nước mát lạnh giội xuống đầu tôi, tôi lập tức tỉnh táo hẳn ra. “Vậy theo ý của ngươi thì bây giờ ta nên giả bộ chẳng hay biết gì.”
“Phải, như thế hai bên còn có thể tiếp tục ở bên nhau.” Cận Tịch chậm rãi nói: “Kỳ thực Vương gia cũng không phải người hồ đồ, tâm tư của Hoán Bích cô nương, ngài ấy chưa chắc đã không nhìn ra. Có điều, nhìn bộ dạng đó của Vương gia, ngài hẳn cũng đang giả bộ không biết, như thế việc gì nương tử phải chọc thủng lớp giấy dán cửa sổ đó. Nếu thực sự đến ngày phải bộc bạch mọi điều, tất nhiên Vương gia sẽ nói, nương tử không cần bận tâm đâu.”
Lòng tôi lúc này sáng tỏ như gương, khẽ nở một nụ cười mỉm. “Cận Tịch, ngươi lúc nào cũng có thể nhìn sự việc một cách thấu triệt như thế, thật khiến ta yên tâm.”
Cận Tịch cúi đầu, cười đáp: “Trong việc này, cả nương tử, Bích cô nương và Vương gia đều là người trong cuộc, chỉ có nô tỳ đứng ngoài nên thấy rõ thôi. Huống chi cả ba vị đều là người thông minh, hãy coi như đây là một lần hồ đồ hiếm có vậy.”
Thế rồi sau đó tôi liền làm bộ thản nhiên, coi như chẳng hay biết gì, thái độ ấy của tôi đã khiến tâm tư Hoán Bích dần trở nên bình lặng.
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 2 |