Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Khó Xử

Phiên bản Dịch · 1618 chữ

Dịch giả: Nguyên Dũng

Vị khách hàng vốn muốn phục chế lại để đem bán đấu giá, nghe nói tới khả năng được bồi thường gấp đôi bèn lập tức đồng ý:

- Nói miệng không đáng tin, chúng ta ký hợp đồng đi.

- Được.

Sau khi thẩm định giá và ký hợp đồng, Tô Họa liền mang bức tranh cổ lên phòng phục chế trên lầu.

Cô đẩy cửa vào, bên trong phòng có hai chiếc bàn gỗ nguyên khối màu đỏ cao nửa người, dụng cụ có đủ như cọ vẽ, dao, khăn lông cừu, bút lông cừu, giấy Tuyên… đều có sẵn.

Việc bồi tranh và phục hồi thư họa cổ chủ yếu bao gồm bốn quá trình: Làm sạch, bóc gỡ, tu sửa, tút lại.

Tô Họa bảo người đun một nồi nước rồi bắt đầu dùng cọ vá lỗ, sửa chỗ hư tổn của bức tranh.

Công đoạn này là thử thách cực lớn đối với đôi mắt. Mỗi nét vẽ đều được thực hiện cẩn thận, không chỉ để rửa sạch vết bẩn mà còn không để nước chảy quá nhiều làm hỏng những sợi giấy mỏng manh của bức họa cổ.

Cô miệt mài gỡ từng trang giấy, rồi cắt đoạn giấy màu trắng rất mỏng, mỏng đến mức khi cô quết nước hồ lên, tờ giấy trong suốt như tấm kính. Chiếc chổi quết hồ vẫn theo đôi bàn tay cô gái nhẹ nhàng lướt đi lướt lại trên tấm giấy bồi cho tới khi cảm nhận được sự trải đều của nước hồ trên khắp bề mặt giấy bồi, thì mới nhẹ nhàng đặt trang giấy đã rách, thủng rất nhiều ở giữa gáy lên phần giấy bồi. Cứ tỉ mẩn như vậy, Tô Họa biến từng trang giấy cũ, rách trở nên lành lặn, trước lúc cô xếp chúng sang bàn bên cạnh để cho khô.

 

Do bức tranh trải qua rất nhiều thăng trầm của thời gian cho nên việc tháo gỡ không hề dễ dàng, buộc cô phải cẩn thận từng chi tiết nhỏ vì chỉ sơ sảy một chút là bức tranh lại càng nát thêm. Công đoạn này phải ngồi hàng giờ trước bàn làm việc, mà nếu nhìn bên ngoài tất cả sẽ tưởng như Tô Họa không động đậy gì.

Nói dễ hơn làm nhiều.

May mà Tô Họa đã cùng ông nội phục chế những bức tranh cổ từ khi còn nhỏ nên vô cùng thành thạo.

Ông bà của Cố Bắc Huyền cũng thích sưu tầm đồ cổ. Trong hai năm qua, cô gần như đảm nhận công việc tu bổ những bức tranh và thư pháp cổ của gia đình họ.

Chưa kể những bức tranh cổ hư hỏng hơn bức này cô đều đã từng phục chế.

Do thời gian cấp bách, Tô Họa bận rộn mấy ngày tới mức không thể ngóc đầu lên được.

Bận rộn cũng tốt, như thế có thể tạm thời quên đi Cố Bắc Huyền, nỗi buồn cũng vơi dần đi.

Ba ngày sau, khách hàng đến nhận tranh.

Tô Họa mang bức tranh cổ đã được khôi phục lên tầng một.

Vị khách đó đã vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy bức tranh hoàn toàn khác trước đó:

- Đây là bức họa tôi mang đến sao? Cô có đổi bức khác không đấy?

Thôi Thọ Sinh, quản lý cửa hàng và nhân viên lần lượt bước tới xem và cũng rất ngạc nhiên.

Những ngọn núi trùng điệp, cây cối xanh tươi trên núi sống động như thật. Tô Họa đã biến bức tranh tưởng như có thể vứt đi thành một bức tranh gần như mới và vẫn giữ được sắc màu xưa cũ.

Tô Họa nhàn nhạt nói: 

- Có thể dùng dụng giám định để xác thực.

Sau khi kiểm định xong, vị khách giơ ngón cái ra hiệu cho Tô Họa rồi hài lòng cầm bức họa ra về.

Kể từ đó, tin lành lan xa, toàn bộ khu phố cổ đều biết rằng có một chuyên gia phục chế tranh cổ trẻ đẹp ở Cổ Bảo Trai. Tuổi chỉ mới ngoài hai mươi, nhưng kỹ năng của cô có thể sánh ngang với những chuyên gia phục chế cấp quốc gia!

Vào lúc xế chiều, Cố Bắc Huyền bất ngờ gọi:

- Xe của anh đậu trước cửa tiệm của em, ra ngoài đi.

Nghe thấy giọng nói quen thuộc, tim Tô Họa bất giác đập nhanh hơn, nỗi đau đớn cũng kéo về.

Cô đưa tay lên nhìn đồng hồ, nhẹ nhàng nói:

- Trời tối rồi, bây giờ đến Cục Dân Chính cũng đã muộn, sáng mai chúng ta đi được không?

Cố Bắc Huyền trầm mặc một lát, đáp:

- Là bà nội muốn gặp chúng ta, nói có chuyện rất quan trọng.

Tô Họa đi ra ngoài, lên xe và ngồi xuống, kéo dây an toàn và thắt chặt.

Mới mấy ngày không gặp, Cố Bắc Huyền tựa hồ gầy đi một chút, đường nét trên mặt vốn đã đậm càng trở nên góc cạnh hơn, đôi lông mày đẹp đến mức khiến người ta không thể rời mắt.

Tô Họa phát hiện mình vẫn rất yêu anh, một chút cũng không thể quên được.

- Đây, quà cho em.

Cố Bắc Huyền nói rồi đưa ra một hộp trang sức nhung màu xanh đậm rất đẹp.

Tô Họa cầm lấy mở ra và bất ngờ khi thấy đó là một chiếc “Ngọc Ông Trọng” (1) được chạm khắc từ ngọc trắng muốt.

Ngọc Ông Trọng là một tác phẩm điêu khắc bằng ngọc nổi tiếng có tác dụng xua đuổi tà ma từ xa xưa.

Chiếc áo trường bào chạm ngọc, ngũ quan và phục trang chỉ được khắc bằng những đường nét đơn giản, gọt giũa tinh tế, tuy không phức tạp nhưng rất có hồn.

Chất lượng của ngọc nhẹ nhàng, mướt tay, thanh lịch và trong trẻo, vừa nhìn liền biết đây là loại ngọc tốt nhất.

Tô Họa nhận lấy hộp trang sức, nghiêng đầu nhìn anh, cười nhẹ: 

- Sao anh lại tặng em món quà đắt tiền như vậy?

Cố Bắc Huyền mỉm cười, nhìn sâu vào mắt cô:

- Khi khôi phục tranh cổ và thư pháp, chắc chắn sẽ tiếp xúc với đồ vật trong cổ mộ, đem theo đồ gì đó để xua đuổi tà ma cũng tốt, để anh đeo cho em.

Anh cầm lấy miếng ngọc và đeo nó lên cổ cho Tô Họa.

Khi anh dùng ngón tay vén tóc cô lên, đầu ngón tay anh vô tình chạm vào cổ cô. Cái chạm lạnh lẽo nhưng sảng khoái đến nỗi làn da Tô Họa khẽ run lên, trái tim cô cũng run lên.

Cô luôn nhạy cảm với từng sự đụng chạm của anh.

Nghĩ đến mối quan hệ hiện tại của hai người, Tô Họa cảm thấy chua xót trong lòng, cười khổ nói: 

- Sau này đừng tặng quà cho em nữa.

Như vậy sẽ khiến cô hiểu lầm rằng anh vẫn còn tình cảm với cô, làm cô nghĩ lung tung, thậm chí sẽ khao khát nhiều hơn nữa.

Cố Bắc Huyền thu ngón tay thon dài về và đặt lên vô lăng, nhẹ nhàng nói: 

- Chỉ là một mảnh ngọc chạm khắc nhỏ thôi, đâu có gì to tát.

Nói rồi anh khởi động xe.

Nửa giờ sau, cả hai đã đến khu biệt thự của Cố gia.

Vừa vào nhà, Cố lão thái thái tóc bạc phơ run rẩy tiến tới ôm chầm lấy Tô Họa.

- Ôi, cháu dâu quý giá của bà, mấy ngày không gặp nhớ quá đi thôi!

Tô Họa cảm thấy biểu hiện hôm nay của bà nội có chút cường điệu, nhưng cô vẫn cư xử đúng mực, cười hỏi: 

- Bà nội, bà muốn gặp cháu nói chuyện quan trọng gì?

Lão thái thái nắm lấy tay cô, liếc nhìn Cố Bắc Huyền rồi nói:

- Ăn trước rồi nói sau.

Bữa ăn được chuẩn bị rất thịnh soạn, tươm tất, trên bàn bày nhiều sơn hào hải vị trang trí đẹp mắt.

Lão phu nhân không ngừng gắp đồ ăn cho Tô Họa, mỉm cười nhìn cháu dâu:

- Ba năm trước, ta từ khắp thành phố chọn vợ cho Bắc Huyền, ảnh các cô gái đưa tới nhiều không đếm xuể, thế nhưng vừa nhìn con ta đã ưng mắt. Con có khuôn mặt thanh tú, đường nét xinh đẹp, đôi mắt sáng, vành tai dày, nhìn thấy ngay nét vượng phu. Đúng như dự đoán, Bắc Huyền cưới con về, hai năm sau đôi chân đã khỏi, công ty cũng ngày càng khấm khá hơn.

Nói đến đây bà lão đột nhiên bịt miệng và ho dữ dội.

Tô Họa vội vàng vuốt lưng cho bà.

Sau khi bà lão ho xong liền nắm lấy tay cô và nói: 

- Khó tìm người nào khác như con lắm, vừa hiền lành, điềm tĩnh, biết chịu khổ lại còn rất có tình có nghĩa. Trong hai năm Bắc Huyền bị bệnh không thể đứng dậy, tính khí cáu kỉnh khó chiều, có biết bao nhiêu y tá và người giúp việc đều không chịu nổi mà phải bỏ đi. Nếu không có con cùng nó vượt qua khó khăn, có lẽ cuộc đời cháu trai ta đã bị hủy hoại rồi.

Nói đến đây bà liền bật khóc.

(1) Ngọc Ông Trọng có nghĩa là “Ông Trọng được tạc bằng ngọc bích”. Nguyên là một trang sức đeo hông (móc vào đai áo bằng một đoạn dây thao) nam giới, tạc một quan viên chắp tay. Ngoài chức năng làm đẹp còn để tịch tà.

Bạn đang đọc Hậu Ly Hôn Kinh Diễm Thế Giới (Dịch) của Minh Họa
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi NguyênDũng
Phiên bản Dịch
Thời gian

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.