Thằng bé mồ côi
**
Giờ này ngoài cổng trường đông đúc, tấp nập người vào người ra, ai ai cũng vội vã tay cầm dù, người khoác áo mưa chạy vào trong sân trường.
Trời mưa nặng hạt khiến các học sinh không thể tự về nhà nên bố mẹ chúng phải tới đón.
Đứa nhỏ nhỏ thì được bố mẹ cõng trên lưng, ôm vào lòng, đứa lớn hơn thì cố nép sát người bố mẹ tránh những hạt mưa to bằng hạt đậu nối tiếp nhau rơi trên mặt đường bắn tung tóe.
Ở con hẻm nhỏ ngay bên đường, ai ai cũng chỉ quan tâm đến việc nhanh chóng đón con của mình rồi vội vã ra về nên không để ý tới tại cửa sau của một nhà hàng có một thân hình nhỏ bé gầy guộc mặc trên mình bộ quần áo rách rưới mỏng tang đang thu mình nép dưới mái hiên. Cơ thể nó thi thoảng run lên vì lạnh, cơn mưa càng nặng hạt khiến không gian chỗ nó ngồi càng thu hẹp, nó co chân thu người áp sát cánh cửa cố né những hạt mưa bắn vào chân.
Nếu bố mẹ nó không mất sớm, bà nó không vì lam lũ chịu khổ nhặt nhạnh từng đồng xu lẻ để rồi kiệt sức mà chết ngoài đường thì giờ này có lẽ nó cũng được bao bọc bởi vòng tay ấm áp của thứ gọi là gia đình. Nhưng giờ này nó chỉ ngồi nhìn những người khác đang hưởng thụ cái cảm giác ấm áp đó mà ước ao thứ nó đã mất đi từ lâu.
Nó nhìn thấy một đứa trẻ được một bà cụ cõng trên vai khiến nó nhớ lại bà nó, mặt mũi bố mẹ nó tròn méo thế nào nó không biết, bố mẹ nó chết khi nó còn quá nhỏ để có thể nhớ được những thứ bên ngoài, bao gồm cả mặt mũi bố mẹ nó. Nhưng bà nó thì cả đời này chắc nó cũng không quên được khuân mặt phúc hậu, hiền lành.
Hàng ngày bà nó thường ôm nó kể chuyện, hát ru cho nó ngủ. Nhiều hôm nó giật mình tỉnh giấc trong đêm cũng là bà nó âu yếm, dỗ dành giúp nó trở lại giấc ngủ rồi sáng sớm hôm sau lại dậy sớm đi làm.
Hàng ngày bà nó đi nhặt đồng nát kiếm tiền, khi về bà nó thường mang cho nó đồ ăn ngon. Nó vui lắm, nhưng nó không biết rằng để có được một hộp sữa, một vài cái bánh, hoặc là cái kẹo mút bà nó phải vất vả thế nào.
Thế rồi đến năm nó bảy tuổi.
Nó vẫn nhớ như in cái ngày oan nghiệt đó, đang ở nhà chơi, nghịch ngợm mấy món đồ chơi nó bỗng nghe thấy âm thanh ầm ĩ, quát tháo từ bên ngoài vọng vào khiến nó tò mò chạy ra cổng ngó nghiêng nhìn trái nhìn phải. Chẳng bao lâu, một đám người nhanh chóng chạy tới cổng nhà nó, mặc nó đang tò mò nhìn ngó họ đã chạy vào trong sân đặt xuống một cái cáng trên đó nằm một người, đó là bà nó.
Nó lại gần ngân ngô lay người bà nó, không thấy động đậy, nó lại lay thêm vài cái, rồi lại vài cái nữa. Nhưng dù nó lay thế nào đi nữa bà nó vẫn nằm đấy, hai mắt nhắm chặt không nhúc nhích, trên tay vẫn cầm chặt cái túi bóng, bên trong là những thứ hàng ngày nó thích ăn.
Thấy nó lay người bà nó, một người hàng xóm tốt bụng lại gần vuốt ve an ủi, bế nó lên, người đó nói một câu:
“Đừng nghịch nữa con, bà con chết rồi đừng nghịch, để bà nghỉ đi con.”
Chết! Bà nó chết rồi sao. Nhưng nó đâu hiểu chết có nghĩa là gì, thấy bà nó nằm bất động nó tưởng bà nó ngủ, nó nghĩ bà nó sẽ dậy. Nó ngoan ngoãn nghe theo lời cô hàng xóm mà không làm phiền bà nó nữa mà chạy vào trong nhà tiếp tục nghịch mấy con robot cũ hỏng bà nó mang về cho nó.
Nghịch chán chê nó mệt quá nó ngủ gật, khi tỉnh dậy nó đã thấy mọi người bê một cái hòm hình chữ nhật ra sau nhà chôn ở đó. Nó thức dậy điều đầu tiên nó muốn là tìm bà nó. Nó đói, nó muốn ăn. Nó cất tiếng gọi:
"Bà ơi, bà đâu rồi?"
"Bà ơi, cháu đói!"
"Bà ơi, bà ơi... Bà ơi!"
Nó gọi không biết bao nhiêu câu, nó chạy xung quanh nhà, chạy ra ngoài đường đứng đó gọi bà nhưng bà nó không trả lời. Nó vừa đi về vừa khóc, nó hi vọng khóc to lên bà nó sẽ chạy đến an ủi nó như mọi ngày, nhưng dù nó khóc to thế nào bà nó cũng không xuất hiện.
Vừa đi vừa khóc, nó về tới nhà. Vài người hàng xóm thân thiết hàng ngày tốt với bà cháu nó rưng rức nước mắt đi ra bế nó vào, đội cho nó một cái khăn màu trắng lên đầu rồi bảo nó vái bà, nó không hiểu gì cả. Nhưng từ đó nó không còn gặp bà nữa.
Nhớ lại khoảnh khắc đó, mắt nó sưng lên rồi rưng rưng nước mắt, dòng nước ấm mà mặn khẽ chảy trên hai gò má hốc hác. Nhưng bà nó đã đi rồi, ba năm nay nó tự mình bới móc, lục lọi từng thùng rác, thậm chí tranh cướp với những người khác chỉ để lấy được cái vỏ chai, cái xô cũ hay thậm chí là một thùng cát tông đã rách để bán lấy chút tiền lẻ mua cái bánh ăn sống qua ngày.
Từ khi bà nó mất, nó được bà con hàng xóm chung tay nuôi nấng, người cho nó bát cơm, người bát canh. Nhưng họ cũng phải đi làm, cũng phải nuôi con cái, phụng dưỡng cha mẹ già của họ nên ngoài chút thời gian mang đồ ăn cho nó, họ không dành cho nó thêm chút thời gian nào nữa. Mới đầu nó còn ở nhà sống bát cơm, bát canh thi thoảng có chút thịt vụn của những người hàng xóm. Nhưng thời gian trôi qua vì mưu sinh, thời gian họ ghé thăm cho đồ dần ít đi, có khi mấy ngày mới có một người mang cho nó chút đồ ăn thừa.
Nó đói, nó không biết làm gì để có cái ăn. Nó thấy những đứa trẻ khác có đứa lớn hơn nó, có đứa nhỏ hơn nó đang bới móc bãi rác nhặt những thứ mà bà nó từng mang về cho vào bao tải, nó bắt chước làm theo, đi theo chúng, bán những thứ đó rồi lại đi theo chúng mua đồ ăn. Cứ thế, cứ thế nó đi nhặt rác mưu sinh qua ngày.
Ba năm trôi qua, nó từng bị trấn lột, bị ăn hiếp, thậm chí bị đánh vì tranh cướp một cái vỏ lon hay một thùng cát tông. Nhưng nó vẫn sống như thế cho đến ngày hôm nay, ngồi đây nhìn người khác được bao bọc bởi đôi tay êm ái của gia đình.
Thời gian trôi qua phải mưu sinh, trải qua nhiều bất hạnh khiến tâm trí nó cứng cáp hơn nhiều đám bạn cùng tuổi. Nhưng dù nó có cứng cỏi thế nào nó vẫn chỉ là một đứa trẻ, nhìn thấy chúng bạn được bố mẹ, ông bà cưng chiều, bảo vệ từng li nó cũng ghen tỵ, cũng tủi thân.
Nó ngồi đó nhìn dòng người vãn dần, vãn dần rồi chỉ còn lại một con đường vắng tanh mặc cho mưa lớn trút nước xối xả nó vẫn ngồi đó.
Nó cam chịu cái lạnh cơn mưa mang lại, trong lòng lại hoài niệm về người bà đã mất, lúc này nó dường như quên đi cái lạnh, quên đi những hạt mưa nhỏ li ti đang bắn vào đôi chân trần gầy trơ xương của nó.
Đang mơ màng trong hồi ức, cánh cửa phía sau lưng đột ngột bị đẩy mạnh ra khiến nó bị hất văng đi ngã vào vũng nước phía trước mặt, bộ quần áo rách nát ướt sũng, mái tóc dài bết lại do lâu ngày không cắt gội dính đầy bùn đất.
Nó im lặng đứng dậy phủi phủi người rồi lững thững bước đi mặc kệ cơn mưa nặng hạt dường như đang cố tình trút nước thẳng vào người nó. Từ phía sau cánh cửa mở toang, lão chủ quán lùn tịt, đầu hói với thân hình béo ục ịch bước ra đứng chống nạnh chửi đổng.
“Thằng ngu nào để cái gì chặn cửa đấy…”
Lão đưa mắt ngó lên ngó xuống tìm kiếm cái thứ chặn cửa thì nhìn thấy nó, lão biết ngay chẳng phái cái gì chặn cửa cả mà là cái thằng ăn xin kia nó ngồi chặn cửa của lão. Lão nhìn theo nó mà háng giọng xua đuổi:
“Thì ra là mày chặn cửa nhà ông à, cút ngay đừng để tao nhìn thấy mày lần nữa!”
Nếu không phải trời đang mưa, lão sợ ướt bộ quần áo hàng hiệu vừa mặc được vài lần thì có lẽ đã chạy đến đạp cho nó vài cái rồi, lão cau có nhìn thằng bé vừa đi vừa đưa tay phủi bùn đất trên người mà nghiến răng kèn kẹt như cậu bé kia là kẻ thù của lão vậy.
Một thằng bé mồ côi sống bằng cái nghề lang thang ngoài đường nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi đem bán lấy từng đồng từng cắc chỉ mong kiếm được một bữa no như nó thì những người nghèo cũng có thể đánh đập nó nếu muốn, cái thứ như nó ở khu này không có hàng trăm ngàn cũng có vài chục ngàn.
Ở Khu E này, nhiều đứa chỉ đang nằm trong nôi sáng vừa được bố mẹ ẵm bồng thơm má đến chiều lại trở thành trẻ mồ côi xảy ra như cơm bữa. Ban đầu nó đi nhặt rác, bị người ta đánh nó cũng tự ái ngồi đấy khóc, nhưng ai mà thông cảm cho nó, dành cho nó không phải là bàn tay dịu dàng xoa đầu, lau nước mắt rồi những lời dỗ dành âu yếm của bà nó như trước nữa mà là những cái bạt tai, cái cẳng chân của cái lũ người giàu, hơi giàu hoặc có chút của ăn của để. Nhiều hơn là những cú đấm cú đá của mấy đứa trẻ cùng cảnh ngộ xúm vào ăn hiếp nó.
Cơn mưa xối xả dần tạnh, chẳng mấy chốc trời quang mây tạnh khiến cả thành phố như được tắm rửa qua một lần, đi một hồi nó cũng về tới căn lều thân thương, nơi nó và bà từng trải qua một cuộc sống dù khó khăn nhưng cũng ấm áp tình người. Căn lều vẫn thế, khi nhà nó tới đây sống căn lều đã tồn tại rồi, nhà nó chỉ sửa sang rồi vào ở nhưng đến nay cũng hơn hai mươi năm mà chưa cần sửa chữa quá nhiều chứng tỏ chủ nhân trước đây khi xây cũng rất chu đáo, cẩn thận.
Chỗ nhà nó sống là một khu vắng vẻ nằm bên rìa bãi rác, thường ngày chẳng ai thèm lui tới cái chỗ này làm gì vì hàng tuần rác thải thành phố thải ra gây mùi rất khó chịu, cũng không hiểu sao ông bà nó lại chọn nơi đây để ở lại khi mà nhiều người không có nhà cũng không dám kéo nhau ra dựng nhà ở khu vực này vì không thể chịu được mùi hôi.
Đi vào con đường đất hẹp, nó đã nhìn thấy căn lều quen thuộc, hôm nay nó không nhặt được gì bán ra tiền. Bây giờ nó rất đói và mệt nên chỉ muốn về nhà ngủ một giấc cho quên đi cơn đói.
Đi gần đến lều nó đã thấy bóng dáng sáu thằng nhóc đã đợi sẵn trước cửa và ngoài sân. Một thằng cao to hơn hẳn luôn chú ý phía cổng đã thấy nó lại gần, nó tỏ ra vui vẻ đứng dậy tươi cười vẫy tay với nó. Nhìn thì cứ tưởng là bạn bè thân lâu ngày gặp lại nên khi thấy bạn về liền vẫy gọi vậy:
“Mày về rồi à Sơn, làm bọn bố đợi mãi”
Nói xong nó bất ngờ vung tay đấm một phát vào bụng khiến Sơn ngã khụy xuống, thằng này đấm xong cũng không ngạc nhiên gì, nó vô tư ngồi xổm trước mặt Sơn đưa tay túm tóc cậu giật lên rồi gằn giọng hỏi:
“Tao nghe thằng em tao bảo mày cậy đông bắt nạt cướp đồ của nó, thằng còn lại đâu rồi?”
Sơn chịu một cú đấm giữa bụng làm cậu đau thắt, đang thắc mắc không hiểu sao bọn này lại đến tìm mình gây khó dễ nhưng sau khi nghe câu hỏi của thằng cầm đầu này thì cậu đã hiểu.
Mấy hôm trước, vì mới có vài chuyến xe từ trung tâm thành phố chuyển tới một lô rác lớn vào nên Tài rủ Sơn lẻn vào bên trong nhặt nhạnh. Sơn kiếm được một bộ ổn áp nhỏ thì bị một thằng nhìn thấy, khi đó chỉ có mình nó nên dọa dẫm vài câu, lôi tên anh a anh b ra không có tác dụng nên thằng kia hậm hực bỏ đi, ai ngờ thằng này mặt dầy đổi trắng thay đen vu oan Sơn với Tài cướp của nó rồi gọi đàn anh đến đòi.
Tài lớn hơn Sơn ba bốn tuổi gì đó, Tài cũng là trẻ mồ côi như Sơn nhưng có hoàn cảnh éo le hơn. Tài gặp Sơn trong một lần cậu bị lũ trẻ khác quây lại cướp đồ của cậu nên Tài lao vào giải cứu, chẳng hiểu sao từ đấy hai anh em lại rất quý mến nhau đến nỗi mỗi lần Sơn không nhặt được cái gì hoặc không đủ tiền Tài đều chia đôi đồ ăn của mình cho cậu:
“Tao không cướp của đứa nào cả, đồ tao kiếm được, thằng kia ra cướp không thành mày lại bênh nó, mày đáng mặt làm anh không?”
Thằng kia cau mày khó chịu, nó là thằng khỏe nhất nhì trong số đám nhóc mồ côi quanh bãi rác này, trước giờ nó muốn cái gì chỉ cần xắn tay áo là nhiều đứa sợ xanh mặt mà phải đưa cho nó thứ nó muốn mà cái thằng gầy tong teo một đấm thì thiếu một đá thì thừa này lại dám cứng rắn mắng mỏ. Nó cũng không thèm quay sang hỏi thằng em mà giật tóc tát Sơn mấy cái khiến cậu chảy máu mồm rồi nghiến răng nói:
“Bố mày bảo là của nó, mày thích ý kiến gì?”
Thằng này là Rô lớn hơn Sơn năm sáu tuổi gì đó, cậy to khỏe hơn nên thường xuyên bắt nạt những đứa mồ côi phải đi nhặt rác như Sơn. Thằng này to khỏe, dù nó đứng im cho đấm mỏi tay Sơn cũng không làm nó bị thương đừng nói nó còn mấy thằng em nữa đằng sau thì dù đánh bằng niềm tin cũng không thắng.
Sơn biết hôm nay bọn nó tìm chỉ vì giá trị của bộ biến áp kia, cậu thà chịu một trận đòn rồi đợi chúng bỏ đi là coi như xong chuyện. Sau đó đợi Tài tháo tung bộ ổn áp ra lấy được mấy lạng đồng đem bán cũng được ít tiền đủ sống vài ngày.
Sơn biết bọn này hổ báo cáo chồn mức nào cũng không có gan đánh đến mức chết người, cậu cứng họng nói:
“Tao vứt rồi, mày tự đi mà tìm.”
“Vứt rồi à?”
Nghe câu trả lời trẻ con cũng không tin nổi của Sơn, Rô tức giận trả lời mỉa mai rồi đứng dậy sút mấy phát vào bụng, vào ngực Sơn. May mắn Sơn khom người đưa tay che ngực nếu không vài phát đạp này cũng làm Sơn hộc máu miệng.
Đá được vài cái cho bõ tức, Rô túm tóc kéo lê Sơn về phía bọn đàn em ném cậu như ném con gấu bông trước cửa nhà rồi ra lệnh:
“Chúng mày xử nó, thằng nào cậy mồm được nó tao cho năm chục.”
Nghe thằng Rô ra lệnh, Sơn càng không sợ. Bọn đàn em của thằng này là loại nhát chết, đông người còn dám to mồm chứ có một mình chỉ có chạy nhanh là không ai bằng.
An tâm với suy nghĩ đó, Sơn bây giờ vừa đói vừa mệt, lại bị thằng Rô đánh cho ruột gan lộn tùng phèo cậu cũng chẳng còn tý sức nào mà phản kháng, cậu ôm bụng co người chờ đợi trận đòn của bọn nó thì từ bên ngoài một giọng nói quen thuộc đã vọng vào:
“Thằng nào dám động vào em tao!”
Sơn mở to mắt ngạc nhiên nhìn về phía cổng, Tài tay lăm lăm một cây gậy gỗ hùng hổ lao tới nhanh chóng đứng chắn trước người Sơn đối diện với lũ đàn em của Rô, giơ gây chỉ thẳng vào mặt Rô quát:
“Vấn đề gì tìm tao, thằng nào dám đụng vào em tao thì đụng vào tao trước.”
Rô cười khẩy, đứng dậy bình tĩnh nhìn Tài. Thân hình Tài và Rô cũng có chênh lệch khá lớn về chiều cao, dù gì Rô cũng hơn tuổi Tài.
Nhưng dù nhỏ con hơn Tài cũng không tỏ ra sợ hãi chút nào mà đứng thẳng chỉ gậy vào mặt Rô, mấy thằng đàn em của Rô thì quay sang nhìn nhau không biết có nên lao vào hay không. Nhân lúc Tài đang chỉ cây gậy về phía mấy thằng đàn em thì Rô đã tung một chân đạp thẳng vào ngực khiến Tài bất ngờ ngã ra sau đè lên người Sơn:
“Đập cả thằng chó này nữa cho tao, mẹ mày nghĩ tao là ai?”
Đánh lén thành công Rô liền ra lệnh cho đám đàn em.
Thấy có lợi thế, đàn anh lại ra lệnh cả lũ liền lao vào đấm đá túi bụi.
Dù ăn đòn đau nhưng Tài vẫn cố ôm lấy Sơn giơ lưng cho bọn kia đánh. May mắn lũ đàn em này thể lực cũng chỉ nhỉnh hơn Sơn chút xíu, dù bị đánh đau nhưng Tài vẫn chịu đựng được. Đánh một lúc thằng nào thằng đấy mỏi nhừ tay chân mới dừng lại thì Rô mới đứng dậy tiến lại gần nói như ra lệnh:
“Chúng mày dám cướp đồ của em tao, tao kệ chúng mày bán hay chưa thì bây giờ chúng mày vẫn nợ tao ba trăm nghìn, một tuần sau tao đến lấy, nếu không đừng để tao gặp lại lần nào nữa."
Trước khi đi Rô còn giơ chân sút Tài một cú khá đau vào bụng để cảnh cáo, cách này Rô thường làm để bắt chẹt những đứa trẻ khác. Rô khá tự tin vì hắn dùng cách này nhiều lần nhưng không ai dám cãi lại mà phải đúng hẹn ngoan ngoãn giao đủ tiền, không đủ nó sẽ tính lãi nên nhiều đứa nhìn thấy Rô đã tránh mặt đi đường vòng, hoặc ghét nó nhưng cũng chả dám làm gì vì nó to khỏe hơn, lại thêm gần chục thằng em bên cạnh.
Rô và đám đàn em đi rồi Tài mới buông Sơn ra nằm lăn ra đất thở phì phò, Tài quay mặt về phía Sơn thấy cậu cũng nằm lăn ra đất giống mình thì bật cười. Hai anh em nhìn nhau cười ha hả:
“Sao thấy bọn nó mày không chạy qua nhà anh?”
“Bọn nó túm em lại mà, có kịp chạy đâu.”
“Thôi đi bố, tôi lạ gì bố. Người thì như con bọ gậy mà lại còn lại gan lì, không được có lần sau đâu đấy!"
…
…
Hai người cứ nằm đó, người chỉ trích người xin lỗi một hồi thì Tài cười ha hả, ngồi bật dậy như thể trận đòn ban nãy chỉ như bị muỗi đốt rồi kéo cậu em bướng bỉnh dậy thò tay vào túi áo lấy một cái bánh mỳ bẻ làm đôi rồi đưa cho Sơn một nửa.
Sơn cũng không ngại nhận lấy nửa cái bánh đưa lên miệng ăn ngấu nghiến, cả ngày không có gì vào bụng nên Sơn đói cồn cào, chẳng mất mấy giây nửa cái bánh đã chui vào bụng ngoan ngoãn nằm trong dạ dày Sơn. Thấy đứa em ăn hết nửa cái bánh vẫn chưa no, Tài đưa nốt nửa cái bánh còn lại cho Sơn thì cậu xua tay từ chối.
Tài dúi nửa cái bánh vào tay bắt Sơn phải nhận rồi thở dài như ông cụ non nói:
“Ăn đi, coi như quà chia tay của anh tặng chú…”
Thấy tâm trạng “già trước tuổi” của Tài, Sơn ngơ ngác cầm nửa cái bánh còn lại rồi đưa lên miệng cắn vài cái đã hết, thấy cậu em mình quý ăn hết nửa cái bánh còn lại, Tài hài lòng hỏi:
“Em còn nhớ chú Tân mà anh kể cho em không?”
“Em nhớ, trước anh kể cho em suốt còn gì.”
“Đúng rồi, hôm qua anh gặp chú ấy, chú ấy muốn…”
Tài hơi lấp lửng, Sơn vẫn ngơ ngác không hiểu gì. Cậu ngây thơ hỏi:
“Muốn gì thế anh?”
“Chú Tân bây giờ làm ở bãi phế thải, chú muốn đưa anh đến đấy để có tương lai.”
Chưa đợi Tài nói thêm, Sơn đã ngắt lời trịnh trọng nói:
“Anh yên tâm đi đi, cơ hội này không phải ai cũng có, em nghe nói bãi phế liệu kiếm tiền dễ lắm không như ở đây. Anh yên tâm em sẽ sống khỏe, sống thoải mái.”
Thấy vẻ cương quyết của Sơn, Tài tỏ ra hơi áy náy vì không thể cho Sơn đi cùng được. Sơn tiếp tục vỗ vai Tài an ủi:
“Anh cứ yên tâm, sau này thành đạt rồi thì quay lại đón em được mà!”
Dù cứng giọng nói vậy, nhưng khi nghe tin Tài sắp đi Sơn cũng có cảm giác mất mát. Hai anh em dù không cùng một mẹ đẻ ra nhưng bao năm nương tựa vào nhau như anh em ruột mà giờ một người phải rời đi, dù không phải cách biệt quá xa hay là sống chết nhưng Sơn vẫn thấy buồn.
Buồn thì buồn nhưng Sơn cũng biết cứ vật vờ nhặt nhạnh vài cái vỏ lon, vài cái chai nhựa thì tương lai chả có gì mà mong ước cả. Có mong cũng chỉ mong ngày mai no bụng mà thôi, Tài được đến bãi phế liệu làm việc thì đúng là đổi đời rồi. Lý do nào mà Sơn can ngăn chặn đường tương lai của Tài chứ.
Vừa nói Sơn vừa giơ tay lên để lộ bắp tay tong teo rồi cố gồng lên để Tài thấy chuột mà gồng mãi không lên khiến Tài bật cười thành tiếng. Lấy trong túi quần ra một bọc giấy, Tài đưa cho Sơn nói:
“Đây là tiền anh bán cái ổn áp, yên tâm phần của anh đây rồi.”
Dứt miệng Tài vỗ vỗ vào túi quần khẳng định đã cất số tiền mà hai người đã bàn bạc trước trong túi, vẫn lo lắng cho Sơn vì ban nãy bị bọn thằng Rô bắt chẹt, Tài nói thêm.
“Anh có thằng bạn tên là Vang, anh đi rồi nó sẽ ở nhà anh, chú bị bắt nạt cứ tìm nó, thằng này nó còn lì hơn anh nhiều.”
“Đi, anh đưa em đi gặp nó.”
Dứt lời, Tài kéo tay Sơn đi ra ngoài, vài phút sau hai người dừng lại cạnh một căn nhà nhỏ chừng 10m2 ngay đầu đường. Chỗ ở này cũng gần bãi rác nhưng ngược hướng gió nên không ảnh hưởng bởi mùi hôi bốc ra từ bãi rác.
Cánh cửa đang mở, bên trong trống trải chỉ có mỗi cái giường nhỏ, một thiếu niên chừng mười năm tuổi, cao chừng mét sáu có làn da đen nhẻm đang dọn dẹp, thấy Sơn và Tài đi vào thiếu niên kia dừng lại quay sang nhìn Sơn bằng ánh mắt tò mò:
“Nhìn gì em tao nó sợ bây giờ!”
Tài lại gần quát rồi đưa tay vỗ vào đầu thiếu niên kêu lên bốp một tiếng, thiếu niên kêu đau rồi đưa tay xoa đầu, vẫn không ngừng đưa mắt nhìn Sơn bằng ánh mắt u ám, ám chỉ vì mày mà anh bị đánh.
Tài nói tiếp:
“Đây là thằng Sơn em tao, tao đi rồi mày thay tao bảo vệ nó, đây là thằng Vang, bạn anh.”
Tài giới thiệu qua loa hai người với nhau, Vang cũng biết Tài sẽ dẫn một thằng em tới vì Tài đã nói từ trước nên Vang không hề ngạc nhiên, chẳng qua gặp ai lạ mặt cậu ta cũng trưng ánh mắt thăm dò chứ không có ý xấu, nhưng ánh mắt của Vang nhìn chằm chằm cũng khá rờn rợn nên Sơn cũng hơi có cảm giác không tự nhiên.
Nghe Tài giới thiệu xong, Vang giơ tay vỗ ngực nói:
“Mày yên tâm, để thằng cu này cho tao, đảm bảo lúc mày về nó béo trắng.”
Có lời khẳng định của Vang, Tài tỏ ra yên tâm nhưng vẫn nói vài câu châm chọc:
"Mày nhìn cái thân mày đi béo trắng bằng ai không?"
Vang bất giác nhìn lại mình, cậu gãi gãi đầu phản bác:
"Tạng tao thì không béo được, mà thằng cu này béo được."
Tài không trả lời mà quay sang nói với Sơn:
“Có việc gì nhớ phải bảo với thằng Vang, nó nhìn đen đen bẩn bẩn thế này thôi chứ khỏe lắm, thằng Rô bắt nạt ai thì bắt nạt chứ gặp thằng Vang cũng phải né đấy biết chưa?”
Vang bị chê đen đen bẩn bẩn ngay lập tức gồng lên phản bác:
“Thằng lợn này mày bảo ai đen đen bẩn bẩn…”
Sơn thấy Tài và Vang nói cười vui vẻ, cậu không nhịn được mà bật cười khiến Tài cười theo, chẳng mấy chốc, từ căn nhà nhỏ vang ra tiếng cười lanh lảnh của lũ nhóc. Ba anh em nói chuyện một hồi, Tài đi ra cửa cầm túi đồ đã chuẩn bị sẵn khoác lên vài rồi tươi cười nói:
“Hai đứa cứ nói chuyện đi, tôi đi đây, anh đi đây Sơn…!”
Ngập ngừng như muốn nói thêm gì đó, chần chừ một lát Tài cũng quyết định im lặng mà bước ra khỏi cánh cửa.
Sơn định đứng dậy tiễn thì Vang giơ tay kéo cậu lại, Vang biết Tài là người miệng cứng nhưng lòng mềm, có lẽ Tài cũng không muốn đi nhưng vì tương lai Tài phải đi, nếu không thì Tài cũng không cần dàn xếp cho Sơn tỉ mỉ như vậy. Sơn hiểu ý Vang, cậu ngồi xuống rồi nói với ra ngoài:
“Có thời gian thì về thăm bọn em!”
Tài đã đi ra ngoài được mấy bước, nghe tiếng Sơn cậu dừng lại một chút rồi lại tiếp tục bước đi, trên mặt Tài lấm tấm vài giọt nước chảy ra từ khóe mắt.
Tài thật sự không đành lòng, nhưng Tài biết, dù là Sơn hay Vang, nếu cậu mà ở lại hai người kia cũng không đồng ý, với lại đây đúng là cơ hội đổi đời không những của cậu, mà còn là của Sơn và Vang. Tương lai khi có chỗ đứng ở bãi phế liệu, Tài có thể đón hai người tới đó.
Đi được vài chục mét Tài đã thấy một người đàn ông trung niên chừng bốn mươi tuổi mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh còn khá mới, lưng đeo ba lô đứng bên cạnh một chiếc ba bánh, Tài đưa tay lên vẫy vẫy với người trung niên nọ.
Tiếng xe vang lên, người trung niên chở Tài ngồi phía sau nhanh chóng biến mất trong bóng tối mờ mờ.
Tài đi rồi, chỉ còn Sơn và Vang ở lại. Sơn tin tưởng Tài nên cũng tin tưởng Vang, Sơn không tin người anh mà mình ngưỡng mộ lại chơi với loại bạn bè đểu cáng, Sơn rút trong túi quần bọc giấy Tài đưa mở ra, bên trong là sáu tờ tiền mệnh giá hai trăm ngàn và bốn tờ mệnh giá năm mươi ngàn.
Sơn sửng sốt chạy ra ngoài nhìn về hướng Tài đi nhưng không thấy anh ta. Số tiền này đâu phải tiền bán cái ổn áp đâu, dù đồng đắt hơn sắt và nhôm nhưng số đồng trong đó cũng chỉ khoảng hai lạng, bán cả sắt cả đồng của cái ổn áp cũng không quá hai trăm ngàn mà số tiền này lớn hơn nhiều, chắc chắn là tiền Tài nhịn ăn nhịn uống tiết kiệm lại, bây giờ Tài lại đưa hết cho Sơn.
Sơn lắc đầu thầm mắng:
“Đúng là ông anh điên, đưa hết tiền cho em anh đến đấy sống bằng gì?”
Rồi cậu rút một tờ năm mươi ngàn quay sang gọi Vang đang quét nhà nói:
“Anh Vang, em mời anh đi ăn làm lễ gặp mặt nhé.”
Vang đang quét nghe đi ăn thì dừng lại đưa vẻ mặt tươi cười với Sơn nói:
“Hề hề, đúng lúc anh đang đói!”
Tiếng cười lại vang lên trong căn nhà nhỏ.
**
Đăng bởi | lokivalisari |
Thời gian | |
Lượt thích | 1 |
Lượt đọc | 5 |