Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)
1824 chữ

Cái tiệc đơn sơ cử hành trong một bầu không khí đầm ấm khiến cho cô Ngọc nô nức mừng thầm về nền phúc đức nhà chồng. Và cô không khỏi băn khoăn cho cảnh vắng vẻ của nhà mình. Xong bữa nước, trời vừa đúng trưa. Chị cả, chị hai, ai đi làm việc nấy. Cô và chị tú cùng xuống bếp nấu cơm.

Mặt trời tà tà, cô vào xin phép bà cống cho mình và mấy đứa cháu nhỏ đi thăm mấy ông chú bác và vài chị em trong họ. Lân la hết nhà này đến nhà khác, khi cô trở về thì trời vừa tối.

Trong nhà hãy còn đầy những khách khứa, bà con trong họ nghe tin Vân Hạc mới về, người ta rủ nhau đến chơi để hói thăm về chuyện thi cử của chàng.

Mặc chồng tiếp khách ở nhà trên, cô xuống nhà dưới, ngồi chuyện văn với mấy người chị dâu. Một lát sau khách khứa về hết. Vân Hạc cũng cùng đi chơi với họ. Bà cống cho gọi cô và mấy người kia lên cả trên nhà. Rồi bà bắt cô thắp đèn, đem truyện phật bà Quan âm kể cho cả nhà cùng nghe. Lâu nay bà vẫn thèm nghe truyện ấy, nhưng mà không có ai kể. Vả lại, bà vẫn nghe nói dâu mình biết chữ, nhưng bà chưa tin, nên muốn thử xem cô có biết chữ thật không.

Thây cô đọc được trôi chảy, đúng vần, dứt mạch, không bị ngắc ngứ chỗ nào, thì bà rất lấy làm mừng.

Chị hai như cũng ngạc nhiên về sự thông thái của em dâu, ngơ ngẩn nét mặt sẽ hỏi:

- Thím đi học được bao nhiêu năm?

Cô bấm đốt rồi đáp:

- Tám năm tất cả. Em đi học từ năm lên sáu. Vì thầy mẹ em hiếm hoi, lúc đẻ em, thầy mẹ em không xâu lỗ tai. Đến năm em lên sáu tuổi thầy mẹ em lại bắt em để hồng mao, mặc quần trắng, giả làm con trai, học chung lớp với học trò trẻ con. Em học lẽo đẽo đến năm đã mười bốn tuổi, phải đi chợ coi hàng cho mẹ em, bấy giờ mới nghỉ.

Chị em tươi cười hỏi tiếp:

- Thế thím đã đọc được những sách gì?

Cô thỏ thẻ trả lời:

- Cũng như những học trò con trai, vỡ lòng em học Tam tự kinh, rồi đến Sơ lọc vấn tân, rồi đến Minh đạo gia huấn, rồi đến ấu học ngũ ngôn thi, rồi đến Hiếu kinh, rồi đến Luận ngữ chính văn. Năm em mười tuổi, thày em mới cho em học kinh Lễ, nhưng chỉ học thiên Khúc lễ, và thiên Nữ tắc mà thôi. Hết hai thiên ấy, mỗi ngày em chỉ được viết một tờ phóng và học mấy bài thơ trong quyển Đường thi. Vì lúc ấy mà đi, ngày nào em cũng phải đánh ống, đánh suốt, tập nghề dệt vải.

Chị cả ra bộ tần ngần:

- Thuở nhỏ tôi cũng đi học như thím, nhưng chỉ học đến quyển Hiếu kinh thì thôi Thế mà bây giờ không nhớ một chữ nào cả. Tôi tối dạ quá.

Đêm đã khuya, bà cống thấy mình hơi mệt. Cuộc kể truyện bị tan giữa lúc nhiều người còn thèm. Chị cả, chị hai, chị tú rục nịch ai vào buồng riêng của người nấy. Những đứa cháu nhỏ chầu chực từ tối đến giờ tranh nhau đòi được ngủ với thím tư. Vân Hạc vẫn chưa về. Bà cống bảo cô đem cả lũ cháu vào trong phòng mình cùng ngủ.

Vừa lạ nhà, lại vừa băn khoăn không biết chồng mình bê tha ở đâu, cô trằn trọc đến hết canh ba mới chợp mắt được một lát. Mấy con gà trống phành phạch vỗ cánh thi nhau gáy ở sau nhà, làm cô giật mình thức giấc. Ngoài sân đã thấy có tiếng nồi xanh lạch cạch và tiếng vo gạo sàn sạt. Những người chị dâu đã dậy làm việc cả rồi. Cố nhiên cô cũng không thể nằm nữa. Sợ động giấc ngủ cua mẹ chồng, cô sẽ rón rén xuống đất và sẽ ngỏ cửa ra sân để cùng các chị bắc chõ thổi xôi, đun nước làm thịt gà.

Bấy giờ Vân Hạc mới về. Cô toan hỏi chồng đi đâu suốt đêm. Nhưng sợ mấy người chị dâu cười mình ghen bóng ghen gió, nên cô lại thôi. Trời rạng đông, tiếng gà giục giã gáy dồn. Bà cống trở dậy và xuống ngồi ở, nhà bếp xem xét công việc.

Sáng rõ. Xôi, gà đều chín. Các thức cơm canh cũng vừa làm xong. Theo lời dặn của bà cống, cơm canh để cúng ở nhà, còn xôi gà thì đem cúng đình và cúng nhà thờ đại tôn. Sau khi hai chõ xôi và hai con gà được đóng làm hai mâm, bà bảo cô Ngọc sắp đủ trầu rượu vào đó và đi lấy hai bông hoa hồng cắm vào hai cái mỏ gà, rồi cho người nhà bưng đi.

Bởi vắng anh cả, Vân Hạc phải chỉnh đốn khăn áo để thắp đèn hương khấn cụ. Rồi chàng đi theo hai mâm xôi gà đi ra đình lễ thánh và vào nhà thờ đại tôn lễ tổ. Bà cống dặn với:

- Con nhớ nói với ông từ, ông trưởng khấn cho anh hai, anh tú nữa đấy.

Vân Hạc tủm tỉm cười nụ:

- Vâng, con đã nhớ. Nhưng không biết. con chỉ lễ đủ phận con hay phải lễ thay cả hai anh ấy?

Bà cống cau mày:

- Đừng nói trẻ con! Việc quỷ thần không phải chuyện đùa.

Vân Hạc im lặng ra cổng. Bà cống cung kính đến trước bàn thờ, rẽ ràng ngồi xuống chiếc sập kê liền hương án, sẽ xổ. nửa vành khăn vấn, hạ xuống ngang với sống mũi, và chìa hai tay nâng vành khăn ấy cho nó khòng khòng ở trước hai mắt, bà vừa lễ vừa khấn ông cống phù hộ các con khoa này thi cử cho may. Một hồi lầm rầm đã dứt mạch bằng ba cái gật đầu trịnh trọng, bà nghiêm. trang quay ra bảo các nàng dâu cùng vào lễ thầy và đi đánh thức lũ trẻ trở dậy, để cho chúng nó lễ ông. Ngoài cổng có tiếng chó sủa. Cả nhà đồng thời ngó ra.

Cụ Năm, chú ruột Vân Hạc, lù lù chống gậy bước vào trong cổng với hai quan tiền vắt vai.

Chị hai tất tả chạy ra trông chó và đón ông chú vào thềm. Bà cống chào hỏi bằng giọng vui vẻ:

- Ông đem tiền đi đâu? Hay định cho cháu đấy chăng?.

Cụ Năm lễ phép trả lời:

- Vâng. Cái nghĩa làm chú thì phải thế chứ.

Rồi cụ đặt hai quan tiền xuống chức án thư giữa đôi tràng kỷ và tiếp:

- Thưa bác, anh tư đi đâu? Bác đã cúng ông cống chưa đấy?

Bà cống đáp:

- Cháu nó ra đình lễ tổ. Tôi khấn ông cháu rồi ạ!

Cụ Năm lật đật đến trước bàn thở và nói:

- Xin vái ông anh vậy thôi, mỏi lắm, không lễ được nữa.

Rồi cụ chắp tay cúi đầu, vái luôn năm cái. Vân Hạc vừa về, chàng mời ông chú sang ngồi ở bên tràng kỷ. Rót một chén nước đệ đến trước mặt cụ Năm, rồi chàng chắp tay đứng hầu bên cạnh. Cụ Năm cầm chén nước lên và hỏi:

- Hôm nào thì anh trẩy trường.

- Thưa chú hai nhăm tháng này!

- Mồng một tháng sau đã phải vào trường, mà đến hai nhăm tháng này mới đi, e rằng chậm quá, anh nên đi sớm thì hơn. Bởi vì tới nơi còn phải đì tìm nhà trọ và phái sắp sửa các đồ cần dùng. Xong rồi cũng phải nghỉ ngơi vài ngày cho tinh thần khoan khoái, thì khi viết văn mới được linh lợi..

- Thưa chú, đồ đạc cháu đã sắp sẵn ở nhà, còn nhà trọ thì cháu đã có chỗ quen mọi năm,. Không phải tìm nữa. Hai nhăm tháng này đi cũng vừa.

Cụ Năm chỉ tay vào hai quan tiền:

- Nếu được thế thì hay lắm. Đây chú đỡ cho vài quan, đề khi tới trường mà cho... nhà trò.

Bà cống nói xen:

- Chết nỗi. Sao ông lại nuông cháu quá như vậy!

Cụ Năm vừa cười vừa nói:

- Chẳng nuông cũng đến thế thôi! Ai theo chân mà giữ chúng nó!

Rồi cụ quay sang Vân Hạc:

- Nhưng chơi thì chơi, cũng phải để bụng vào việc thi cử mới được, chớ có lu bù thái quá. Bây giờ chú đã già rồi, nghiệp nhà trông vào các anh: Các anh còn đương niên thiếu lực cường, phải cố nối lấy gia thanh, đứng có lẹt đẹt như chú. Hễ khi tới trường, có gặp anh hai, anh tú, cũng bảo chú dặn như vậy.

Vân Hạc vâng lời, rồi xách cả hai quan tiền đem đặt sang phản bên kia.

Ngoài cổng lại có bóng người thập thò, chị cả vội vàng chạy ra đón tiếp. Bà bác, bà thím, bà cô, một lũ lô nhô tiến vào trong sân. Sau khi đã chào bà cống, cụ Năm và ghé ngồi vào chiếc phản cạnh, mỗi bà mở bọc giở ra một chuỗi tiền đen và bảo Vân Hạc:

- Nghe tin anh sắp trẩy trường, gọi là chúng tôi mỗi người giúp anh một quan để anh thêm tiền đò giang.

Vân Hạc chưa kịp nói sao thì một bọn nữa độ năm sáu người, vừa họ nội, vừa họ ngoại, lũ lượt kéo đến. Cũng như các bà kia, những người này cũng đem tiền đến cho Vân Hạc: người một hai quan, người năm bảy tiền. Vân Hạc cảm ơn khắp lượt rồi chàng vừa cười vừa nói:

- Giả sử mỗi tháng đi thi một lần, thì trong một năm, tôi có thể cưới được một người vợ nữa.

Rồi chàng thu xếp các món tiền đó chồng làm một đống.

Hai người nhà bưng cỗ đì cúng lúc nãy đã đội cỗ trở về, bà cống giục các nàng dâu sắp sửa mâm bát để mời họ mạc uống rượu. Đàn bà con gái hết thảy đều chối là mới ăn cơm xong. Chỉ có đàn ông nhận lời. Chừng nửa buổi bữa rượu mới tan. Họ mạc lẻ tẻ ra về với câu ân cần chúc cho Vân Hạc khoa này nhất cử. Trông thấy chiều trời đã trưa, bà cống liền sai cô Ngọc đem cả số tiền bà con giúp đỡ, lấy mo bó làm hai bó. Rồi bà thúc giục con dâu, con trai phải về Vân Trình vì ngày mai còn phải lễ thờ ở bên ấy nữa.

Bạn đang đọc Lều Chõng của Ngô Tất Tố
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi duongveam
Phiên bản Convert
Thời gian
Lượt đọc 5

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.