Chương 98
( Công Tôn Cửu Nương)
Vụ án Vu Thất dậy giặc, làm người ta vị vạ lây mà chết, nhiều nhất là người ở hai huyện Thế Hà và Lai Dương. Có ngày bị bắt mấy trăm người, điều ra trường tập võ chém tất, máu đào lênh láng, xương trắng ngổn ngang. Quan trên động lòng từ bi, giúp tiền mua hòm; các tiệm đồ gỗ ở Thế Thành, đóng hòm tới đâu, bán sạch tới đó. Những người bị xử tử, phần nhiều bị chôn vùi ở Nam Giao.
Khoảng năm Giáp Dần, có người học trò người huyện Lai Dương, có việc đến phủ Tế Nam chơi; vì chàng có hai ba bạn thân cũng ở trong đám chém, nên nhân dịp mua vàng hương đi viếng mộ bạn, rồi thuê một căn phòng ở trong chùa trọ.
Sáng hôm sau, vào trong thàh có công việc mãi đến trời xế chưa về.
Bỗng có một thiếu niên đến buồng trọ của chàng thăm viếng, nhưng thấy chàng đi khỏi, liền bỏ mũ leo lên giường, chân để nguyên giày mà nằm ngửa mặt. Tên đầy tớ chàng hỏi là ai, khách nhắm mắt làm thinh không trả lời.
Đến lúc chàng về thì trời đã nhá nhem tối, nhìn mặt người không rõ, đến bên giường hỏi khách; khách trừng mắt nói:
- Ta đã bảo rằng đến viếng ông chủ mi, sao cứ phải hạch hỏi lôi thôi mãi, bộ ta ăn cướp ăn trộm gì ư?
Chàng cười nói:
- Chủ nhân chính là tôi đây.
Thiếu niên vùng dậy, đội mũ mặc áo mà ngồi, vồn vã hỏi thăm. Chàng nghe tiếng nói như người quen , liền hô thắp đèn cho sáng, nhìn mặt hoá ra Châu sinh, người đồng hương chết vì tai nạn Vu Thất. Chàng sợ hãi khiếp vía, toan chạy. Châu sinh níu lại và nói:
- Tôi với anh là bạn văn chương, sao lại vô tình với nhau như thế? Bây giờ tôi đã chết thành quỷ, nhưng cái tình bạn cũ vẫn canh cánh bên lòng. Nay có một chuyện đến làm rầy anh, xin chớ coi nhau là dị vật mà ra chiều bạc bẽo.
Chàng mạnh dạn ngồi xuống, hỏi muốn chuyện chi, Châu sinh nói:
- Người cháu gái của anh hiện còn ở goá chưa lấy ai; tôi cần một người nội trợ đôi ba phen cậy mối đến dạm hỏi, nhưng cô ta khăng khăng từ chối, lấy cớ không có mạng lệnh bề trên cho phép. Vậy xin anh, anh nghĩ tình bạn cũ, tán thành cuộc nhân duyên này giùm tôi.
Nguyên trước chàng có đứa cháu gái, kêu chàng bằng cậu, từ nhỏ mồ côi mẹ nên chàng đem về nuôi nấng, mười lăm tuổi mới về ở với cha. Nó bị bắt giải tới Tế Nam, nghe tin cha vừa bị tử hình, thương xót quá đỗi, kêu thét lên mà đứt hơi chết luôn. Nay Châu sinh muốn cưới người cháu gái đó về làm vợ.. Nhưng chàng lưỡng lự nói:
- Ủa! Con bé đó thì nó có cha nó làm chủ, sao anh phải cầu đến tôi?
Châu sinh đáp:
- Ông thân sinh cô ta đã được thằng cháu lấy xương cốt đi cải táng chỗ khác cho nên hiện thời không có mặt tại đây.
- Vậy thì con bé ở với ai?
- Cô ta sống chung với mụ hàng xóm.
- Nhưng tôi là người, làm sao mối lái cho ma được?
- Được, hễ anh bằng lòng thì xin theo tôi.
Châu sinh đứng dậy, nắm tay chàng kéo đi. Chàng cố từ chối và hỏi đi đâu.
Châu nói:
- Cứ việc đi với tôi sẽ thấy.
Chàng phải miễn cưỡng ra đi. Châu dẫn đi về hướng bắc độ một dặm, thấy một xóm làng to, chừng mấy trăm nóc nhà. Đến căn nhà thứ nhất, Châu gõ cửa, tức thời có mụ già chạy ra mở cửa, hỏi Châu muốn hỏi ai?
Châu nói:
- Bà làm ơn nói cô ở trong nhà rằng có ông cậu của cô đến đây.
Mụ trở vô giây lát, ra mời chàng vào, day lại nói với Châu sinh:
- Nhà tôi chật quá, phiền công tử đứng đợi ở bên ngoài một lát nhé.
Một mình chàng theo gót mụ vào, thấy nửa mẫu sân rêu, hai túp nhà nhỏ. Cháu gái đứng trước cửa đợi cậu, vừa chào vừa khóc sụt sùi. Trong nhà đèn thắp li ti, sắc mặt cháu xinh xắn như lúc còn sống. Nàng gạt nước mắt hỏi thăm cô thím ở nhà làm ăn có mạnh giỏi không? Chàng đáp:
- Mạnh giỏi tất cả. Duy chỉ có mợ cháu tức là vợ chàng thì đã qua đời rồi.
Nàng lại khóc nức nở và nói:
- Hồi bé, cháu nhờ cậu mợ nuôi nấng dạy bảo, công đức ấy cháu chưa đền đáp được một chút nào thì không may đã chết trước, nghĩ thật ân hận trong lòng. Năm nọ người anh con nhà bác đã dời xương cốt cha cháu đi nơi khác chứ không nghĩ đến cháu, thành ra ngoài mấy trăm dặm, chiếc thân bơ vơ côi cút như én lạc đàn. Nhờ cậu có lòng đoái tưởng đến, đốt vàng mã cho, cháu đã nhận được rồi.Sau hết, chàng nói chuyện với Châu sinh cầu hôn, nàng cúi mặt làm thinh, mụ già đứng bên đỡ lời:
Ấy, hôm trước Châu công tử cậy bà Dương đến dạm hỏi năm ba phen, già bảo là việc rất nên, nhưng cô em không chịu lấy chồng một cách gần như lén lút, nay có ông cậu đến chủ hôn cho, thì thật là danh chính ngôn thuận. Mụ đang nói thì có một cô mười bảy, mười tám tuổi, có con tớ gái theo hầu, ở đâu phăng phăng bước vào, trông thấy chàng liền day mình toan chạy. Nàng nắm chéo áo lại và nói:
- Chị đừng ngại. Đây là ông cậu ruột tôi, không phải ai lạ.
Chàng vái chào, thiếu nữ bẽn lẽn đáp lễ. Người cháu gái giới thiệu:
- Cô này là Cửu Nương, họ Công Tôn ở huyện Thái Hà. Ông thân cô là người dòng dõi, nhưng nay cũng bị sa sút, cô không thích chơi với ai, sớm tối chỉ đánh bạn với cháu.
Chàng liếc thấy vẻ người tươi tắn, bẽn lẽn mà tuyệt đẹp, gật đầu khen ngợi.
- Phải trông người đủ biết là đại gia, chứ lều tranh vách đất làm gì có sắc mỹ miều đến thế.
Cháu cười và nói:
- Đã đẹp lại là thi sĩ nữa, cậu ạ! Thơ phú làm hay đáo để, cô thường dạy bảo cháu luôn.
Cửu nương mỉm cười:
- Con nhỏ này khi không bêu rếu người ta làm cho ông cậu cười chết!
Cháu cũng cười nói tiếp:
- Mợ cháu qua đời, mà cậu chưa lấy ai. Cậu xem cô này có vừa lòng không?
Cửu Nương cười thẹn vừa chạy vừa nói:
- Ranh con này phát khùng nói nhảm rồi đó.
Nói đoạn đi thẳng.
Lời nói tuy gần như đùa bỡn, nhưng chàng nghe lấy làm thích ý. Cháu dòm thấy ý cậu bèn nói:
- Tài mạo Cửu Nương thiên hạ không ai sánh kịp. Nếu cậu không chê là dị loại, thì cháu xin nói giùm với bà mẹ cô ta.
Chàng bằng lòng lắm, nhưng sợ người với ma làm sao kết thành vợ chồng được, cháu biện bạch:
- Không hề chi đâu cậu ạ! Cậu với cô ta vốn có lương duyên túc thế với nhau.
Chàng từ biệt ra về, cháu tiễn chân và nói:
- Năm bữa nữa, trăng thanh người vắng có người đến rước.
Chàng ra ngoài cửa, không thấy Châu sinh đâu cả,nghểnh cổ nhìn về hướng tây, bóng trăng lờ mờ, nhận ra con đường cũ mà đi, thấy một toà nhà ở mé nam. Châu ngồi trên bệ đá ngoài cửa, lật đật đứng dậy đón chào:
Tôi ngồi đợi anh đã lâu. Đây là nhà tôi, mời anh quá bộ vào chơi.
Nói đoạn dắt tay chàng vào, ân cần cảm tạ, rồi đưa ra một cái chén vàng, trăm hột trân châu, và nói:
- Thưa anh, tôi xin nộp mấy vật mọn này để làm lễ cưới. Kế đó nói tiếp ngay:
- Nhà tôi có rượu đây, nhưng đó là vật dưới âm ty, không muốn đem mời khách quý, xin anh lượng cho.
Chàng xin cáo thoái, Châu tiễn ra đến cửa đường mới trở lui.
Về chùa, nhà sư và người tùy tùng xúm hỏi, chàng giấu giếm và nói:
- Bảo tôi gặp ma, ấy là nói xam. Vừa rồi tôi đến nhà bạn nhậu chơi đó thôi.
Sau năm hôm, quả thấy Châu đến, gương mặt rất vui vẻ, mới vào tới sân đã chào hỏi cười nói:
- Việc cui mừng của anh đã xếp đặt xong rồi, động phòng ngay trong đêm nay.
Đoạn, ngồi lại đợi anh sửa soạn cùng đi. Chàng tỏ vẻ sửng sốt:
- Quái lạ, tôi vì chưa nhận được hồi âm, cho nên chưa nộp lễ cưới gì cả, sao anh lại bảo là xong việc rồi?
Châu nói:
- Tôi đã thay mặt anh mà nộp đâu đó cả rồi.
Chàng hết sức cảm tạ, rồi theo Châu tới nhà Châu vào thẳng trong buồng, thấy có cháu gái y phục sang trọng, chờ đón rước cậu. Chàng nói:
- Cưới nhau hồi nào?
Châu trả lời:
- Đã ba hôm nay.
Chàng đưa ngay số hột ngọc của bạn tặng riêng cho hôm trước, cho cô cháu gái để thêm vào của hồi môn. Cô từ chối đôi ba lần rồi mới chịu lãnh, rồi kể chuyện lại cho cậu nghe:
- Cháu đem ý muốn của cậu bày tỏ với Công Tôn lão phu nhân; bà bằng lòng lắm, nhưng chỉ lấy cớ mình già nua, mà đường con cái hiếm hoi, ngoài Cửu Nương không có cốt nhục nào khác cho nên không muốn gả nàng đi lấy chồng xa. Phu nhân hẹn đêm nay cậu đến gửi rể tại nhà. Nhà không có ai là đàn ông, vậy để nhà cháu dẫn cậu đi.
Châu liền dẫn chàng đi, tới cuối xóm, thấy một nhà mở cửa sẳn sàng. Hai người vào trong nhà, ngồi giây lát thì gia nhân báo tin phu nhân đến. Hai nàng thanh y nâng đỡ bà cụ bước lên thềm nhà, chàng muốn lạy chào, nhưng bà cụ gạt đi:
- Tôi già yếu lọn khọm đáp lễ không đặng, vậy xin khước đi nhé.
Nói rồi, truyền thanh y bày tiệc rượu mừng. Châu cũng gọi gia nhân đem cỗ bàn riêng ở nhà mình lại và một hồ rượu riêng, để chuốc chén mừng chàng. Trong tiệc ăn uống không khác trần gian, duy có chủ nhân tự uống tự ăn, chứ không vồn vã mời khách. Tiệc tan, Châu ra về.
Thanh y dẫn đường cho chàng vào nhà trong, Cửu Nương diện sang, ngồi bên đuối hoa đợi sẵn. Trai tài gái sắc, cá nước duyên ưa, cuộc gặp gỡ nhau vui sướng thế nào, không cần phải nói ra.
Nguyên lúc trước, mẹ con Cửu Nương bị bắt, người ta định giải về kinh đô, nhưng khi đến quận Tế Nam thì bà mẹ chết vì không chịu nổi cực khổ, Cửu Nương cũng tự vẫn chết theo mẹ. Nay cùng tân lang đầu ấp tay gối kể chuyện thân thế đã qua mà thổn thức không tài nào ngủ được, bèn khẩu chiếm hai bài thơ tứ tuyệt:
I
Áo lụa hồi xưa hóa bụi trần
Luống đem nghiệp chướng trách tiền thân
Mười năm bóng chiếc sương khuya lạnh
Gác tía đêm nay mới thấy xuân.
II
Nấm mồ côi cút gió mưa vây
Ai ngỡ dương đài lại hóa mây?
Chợt nhớ rương xưa đem vật cũ
Quần là vấy máu hãy còn đây.
Trời gần sáng, nàng hối thúc chồng:
- Mình nên về sớm đi chớ để bọn tôi tớ bàn tán khó chịu.
Từ đó ngày tới đêm đi lại ái tình hết sức gắn bó. Một đêm chàng hỏi vợ:
- Làng này tên chi?
- Tên là Lai Hà Lý. Nàng đáp- Trong làng phần nhiều là ma mới, vốn là người hai huyện Lai Dương, Thế Hà cho nên thành tên.
Chàng nghe bùi ngùi khôn xiết, nàng cũng bi cảm nói:
- Cô hồn bơ vơ, ngàn dặm trôi nổi, tình cảm hai má con tôi, nói ra đau lòng xót ruột. Nếu chàng nghĩ đến ân nghĩa một đêm, thì lấy cốt em mà táng bên mộ ông bà để cho em có chỗ nương tựa muôn đời không còn ân hận gì nữa.
Chàng nhận lờ, nàng lại nói:
- Âm dương cách trở, người quỷ khác nhau, mình cũng không nên bịn rịn ở chốn này lâu.
Nói rồi đưa tặng chàng cái khăn lụa để làm kỷ niệm và gạt lệ giục chàng lên đường. Chàng rầu rĩ ra đi, trong lòng còn thương tiếc không đành, bèn tiện đường gõ cửa nhà họ Châu.
Châu chạy chân không ra đón, vợ cũng trỗi dậy, đầu tóc rũ rượi, thấy cậu nửa đêm đến nhà mình, có ý sửng sốt hỏi gạn căn do. Chàng ngẩn người giây lát, mới thuật lại lời nói của Cửu Nương. Châu nói:
- Mợ cháu không nói với cậu thì cháu cũng định nói, vì mấy hôm nay cháu suy nghĩ đêm ngày đã tính đến việc đó. Chốn này không phải là trần gian, thiệt tình cậu chẳng nên ở lâu.
Hai cậu cháu ngó nhau trào nước mắt. Một lúc chàng mới gạt lụy, từ biệt lên đường.
Trở về gõ cửa nhà trọ nằm trằn trọc tới sáng.
Thức dậy, muốn đi tìm mộ Cửu Nương ngay, nhưng lại quên hỏi dấu tích thì biết mộ nàng ở đâu mà tìm. Mong cho mau tới đêm tối lại đi nhưng mồ mả lố nhố ngổn ngang không đường nào xóm cũ đành phải thở dài bỏ về.
Chàng nhớ chiếc khăn nàng tặng, lấy ra xem, gặp gió thổi rách tả tơi, nát như tro tàn.
Thầy trò sửa soạn hành lý trở về quê quán, luôn nửa năm trời bứt rứt trong tâm, không sao chịu nổi, lại cưỡi ngựa đến trước cửa thành Tế Nam, may ra gặp được nàng chăng? Khi đến Giao Nam, trời đã chạng vạng, liền buộc ngựa gốc cây trước sân, rồi lần mò vào bãi tha ma.
Nhưng chỉ thấy mồ con mả lớn, gai góc um tùm, lập loè lửa ma. Tê lòng sởn óc, đành bóp bụng trở về quán trọ, rồi ngày hôm sau rầu rĩ lên đường hồi hương.
Đi chừng một dặm, xa trông thấy một thiếu nữ đi thơ thẩn một mình trong đám mồ mả, nhìn cách ăn mặc đi đứng thật giống Cửu Nương, vội vàng xuống ngựa để nói chuyện với nàng. Nhưng nàng bỏ chạy, làm như không từng quen biết. Chàng lại muốn tới gần mữa, thì nàng nhăn mặt trừng mắt tỏ vẻ giận dữ, đưa tay áo lên che mặt. Chàng kêu Cửu Nương mấy tiếng, nàng biến đâu mất.
ĐÀO TRINH NHẤT dịch
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 16 |