Tung Hoành Câu Đảng Thanh Lưu Họa-tiêu Thiến Phong Kỳ Nguyệt Đán Bình (2)
Ngô Chi Vinh lên đến Bắc Kinh, liền viết ngay một tờ trình, cáo giác với bộ Lễ, Đô Sát Viện và Thông Chính Ty ba nơi, nói rõ họ Trang đút lót các nơi thế nào để đổi bản in mới.
Ngờ đâu y ở kinh thành chờ đến hơn một tháng, cả ba nơi đều trước sau trả lời, nói là đã xem kỹ Minh Thư Tập Lược của Trang Đình Long, nội dung không có chỗ nào phạm cấm, những điều tri huyện bị cách chức là Ngô Chi Vinh cáo buộc, không phải chuyện thực, hiển nhiên chỉ vì thù ghét mà vu oan cho người ta, còn như quan lại ăn của đút gì gì đó, đều chỉ là những chuyện vu vơ đặt điều không nói thành có. Tờ phúc đáp của Thông Chính Ty còn gay gắt hơn nói rằng:
"Tên Ngô Chi Vinh vì tham ô mà bị cách chức, cứ tưởng quan lại trên đời này ai ai cũng như y cả."
Thì ra Trang Duẫn Thành đã được Trình Duy Phiên chỉ bảo nên đã đem bộ Minh Sử mới gửi lên tặng bộ Lễ, Đô Sát Viện và Thông Chính Ty rồi, các quan lại sư gia người nào cũng đều đã được tặng hậu lễ.
Ngô Chi Vinh lại bị thêm một vố đau nữa, thấy dẫu có về quê cũng chẳng xong, chỉ còn có nước lưu lạc ăn nhờ ở đậu nơi đất lạ. Thời đó người Thanh đối với văn nhân người Hán cực kỳ khắc nghiệt, nếu viết gì có chút cấm kỵ là xử tử ngay, Ngô Chi Vinh nếu như tố cáo một kẻ tầm thường thì đã xong rồi, có điều đối thủ lại là một gia đình giàu có, thành ra mới khó khăn đến thế. Có điều đã đến nước cùng không còn đường lui, thôi thì dẫu có ngồi tù thì cũng phải theo đuổi cho đến đầu đến đũa, thành thử viết thêm bốn tờ bẩm thiếp nữa, trình lên bốn vị cố mệnh đại thần, rồi lại ngồi trong khách điếm viết thêm mấy trăm tờ truyền đơn, kể rõ khúc nhôi đem dán khắp thành Bắc Kinh.
Việc đó của y quả là làm liều, nếu như quan phủ truy ra gán cho cái tội ăn càn nói rỡ, ưu loạn nhân tâm thì không tránh khỏi cái tội sát thân.
Bốn viên cố mệnh đại thần đó tên là Sách Ni, Tô Khắc Tát Cáp, Át Tất Long, Ngao Bái[1] đều là khai quốc công thần của nhà Mãn Thanh. Khi vua Thuận Trị từ trần đã để di chiếu ủy thác cho bốn người này phụ chính. Trong bốn người đó thì Ngao Bái là kẻ bạo ngược nhất, trong triều phe đảng của y cực đông, đại quyền nhà Thanh dường như một tay y nắm hết. Y sợ rằng đảng đối nghịch gây chuyện bất lợi cho mình cho nên sai ra rất nhiều thám tử, trong ngoài kinh thành dò xét động tĩnh.
Hôm đó y được mật báo, nói là trong thành Bắc Kinh xuất hiện vô số truyền đơn, tố giác tên dân họ Trang ở Chiết Giang viết sách mưu phản, đại nghịch bất đạo nhưng quan lại Chiết Giang ăn của đút nên ém nhẹm đi không lý đến.
Ngao Bái nhận được tin đó lập tức tra xét, cũng vừa lúc tờ cáo trạng của Ngô Chi Vinh vào đến phủ, phong ba bão tố nổi lên. Y cho đòi Ngô Chi Vinh vào gặp, hỏi han ngọn ngành đầu đuôi rồi cho bọn thủ hạ người Hán xem kỹ nguyên bản Minh Sử, những lời nói ra quả nhiên là thật.
Ngao Bái vốn do công lao trận mạc mà được phong đến tước Công, làm quan to, trước nay vẫn ghét bỏ người Hán và bọn nho sĩ, bây giờ chấp chưởng đại quyền đang rình rập để lập vài vụ đại án, trấn nhiếp nhân tâm, để người Hán không dám có bụng phản loạn, lại khiến những kẻ đối nghịch trong triều chẳng dám ho he. Y lập tức phái khâm sai xuống Chiết Giang tra cứu.
Chuyện như thế, lẽ dĩ nhiên toàn gia họ Trang bị giải về kinh, mà cả tướng quân Hàng Châu là Tùng Khôi, tuần phủ Chiết Giang Chu Xương Tộ cùng quan viên lớn bé, đều bị cách chức để điều tra. Những danh sĩ được liệt kê trên cuốn Minh Sử, không ai là thoát khỏi cảnh tù đày.
Cố Viêm Võ, Hoàng Tông Hi hai người ở trong nhà Lã Lưu Lương kể lại từ đầu chí cuối nguyên do vụ án rồi, Lã Lưu Lương chỉ còn nước thở dài sườn sượt. Đêm hôm đó ba người kê giường cạnh nhau bàn tán, nghị luận chuyện đời, nhắc đến thời Minh mạt bọn thái giám Ngụy Trung Hiền hãm hại trung lương, lũng đoạn triều chính, làm chuyện trái tai gai mắt, đến nỗi Minh thất bị sụp đổ. Trung Quốc rơi vào tay người Mãn Thanh rồi, người Hán càng bị chém giết thảm khốc hơn, tai họa càng sâu không ai không khỏi chau mày nghiến răng.
Sáng sớm hôm sau, toàn gia Lã Lưu Lương và Cố Hoàng hai người xuống thuyền đi về hướng đông. Ở Giang Nam những nhà khá giả đều có sẵn thuyền, đường thủy giăng mắc tứ phía, dày đặc như mạng nhện nên ai ai cũng đi bằng thuyền, thành thử mới có câu "người Bắc đi ngựa, người Nam đi thuyền", từ xưa đã thế.
Đến Hàng Châu, theo Vận Hà đi thuyền ngược lên mặt bắc. Tối hôm đó ở ngoài thành Hàng Châu nghe ngóng tin tức, Thanh triều nhân vụ án này chém giết rất nhiều quan viên bách tính; Trang Đình Long chết rồi cũng bị quật mồ lên, còn Trang Duẫn Thành ở trong ngục chịu khảo đả không nổi cũng đã từ trần, nhà họ Trang mấy chục người, từ mười lăm tuổi trở lên đều bị xử trảm, vợ con thì bị đày đi Phiên Dương, làm nô tì cho các kỳ binh Mãn Châu. Tiền Lễ Bộ thị lang Lý Lệnh Triết là người đề tựa thì bị lăng trì xử tử, bốn người con bị xử trảm. Đứa con út của Lý Lệnh Triết mới mười sáu tuổi, pháp ty thấy giết nhiều người quá trong dạ cũng xót xa nên bảo y khai thụt đi một tuổi, chiếu theo luật nhà Thanh, từ mười lăm tuổi trở xuống được miễn tội chết mà chỉ phải sung quân. Thiếu niên đó nói:
- Cha tôi anh tôi đều chết cả rồi, tôi cũng chẳng muốn sống một mình.
Y nhất định không đổi lời khai nên cũng bị chém đầu. Tùng Khôi, Chu Xương Tộ bị giam trong ngục chờ thẩm vấn, còn mạc khách Trình Duy Phiên thì bị lăng trì bỏ ngoài chợ. Hai học quan ở Qui An, Ô Trình đều bị chém. Vụ án cứ thế mà lan ra, những người vô tội bị giết không biết bao nhiêu mà kể. Tri phủ Hồ Châu là Đàm Hi Mẫn mới nhận chức chưa đầy nửa tháng, triều đình kết tội biết mà không tâu lên, ăn tiền che đậy, cùng với án sát Lý Hoán, huấn đạo Triệu Trinh Đồng bị tội treo cổ.
Ngô Chi Vinh thù hận phú hộ Nam Tầm là Chu Hựu Minh sâu cay hơn cả vì hôm đó đến vòi vĩnh bị y chửi cho một trận, tống cổ đuổi đi nên cung khai với pháp ty phụ trách vụ án rằng cuốn sách có ghi rõ chiếu theo "Chu thị nguyên cảo thêm bớt nhuận sắc mà thành", họ Chu đây chính là Chu Hựu Minh đó. Y còn tán thêm là cái tên Chu Hựu Minh, hiển nhiên lòng vẫn còn nhớ về thời trước, nguyền rủa bản triều. Chỉ vì thế mà Chu Hựu Minh cùng năm đứa con trai đều bị chém, tài sản hơn chục vạn của nhà họ Chu, Thanh đình hạ lệnh thưởng cả cho Ngô Chi Vinh.
Thảm khốc hơn hết, những công nhân khắc bản, ấn loát, bọc bìa, cho chí cả đến những lái buôn, chủ tiệm sách, người làm luôn cả kẻ mua người đọc, tra xét ra cũng bị chém đầu hết. Cứ theo sách sử còn ghi chép, thời đó ở Tô Châu, Hử Thự Quan có một chủ sự thuế khóa tên là Lý Thượng Bạch, tính thích đọc sử, nghe nói nhà sách Xương Môn ở Tô Châu có một bộ Minh Sử mới in, nội dung rất hay nên sai một công dịch sang mua. Người công sai đó đến nơi thì chủ nhân của thư cục đó đi ra ngoài nên y bèn sang nhà một ông lão họ Chu ở bên cạnh ngồi chờ cho tới khi người chủ trở lại mua sách mang về. Lý Thượng Bạch đọc được mấy quyển, cũng không để ý. Ngờ đâu, mấy tháng sau vụ án nổ ra, tra cứu các nhà sách xem những ai mua. Khi đó Lý Thượng Bạch đang công cán tại Bắc Kinh, bị khép vào tội đọc nghịch thư, trảm quyết ngay tại chỗ. Chủ nhân nhà sách và gã công dịch bị sai đi mua cũng bị chém đầu. Đến cả ông già họ Chu kế bên cũng bị liên lụy về tội biết kẻ đi mua nghịch thư mà không báo ngay lại còn để cho y ngồi trong nhà chờ đáng lý tội phải chết chém nhưng nghĩ tình tuổi đã bảy mươi nên miễn cho, chỉ bị cùng vợ con đày ra biên ải.
Còn như danh sĩ Giang Nam là bọn Mao Nguyên Tích, vì Trang Đình Long ngưỡng mộ đại danh, trong sách có liệt kê tên tham hiệu, nhất loạt đều bị lăng trì cả thảy mười bốn người trong một ngày. Lăng trì xử tử là bị cắt từng nhát dao trên khắp người để cho phạm nhân chịu mọi đau khổ, lúc ấy mới chết. Chỉ vì một bộ sách mà không biết bao nhiêu gia đình nhà tan người mất.[2]
Bọn Lã Lưu Lương ba người nghe tin đó hết sức phẫn nộ, nghiến răng chửi rủa. Hoàng Tông Hi nói:
- Y Hoàng tiên sinh có tên trên danh sách những người tham hiệu e rằng khó thoát khỏi tai kiếp này.
Ba người với Tra Y Hoàng trước nay giao tình cực kỳ thân thiết thành thử ai nấy hết sức lo âu. Hôm đó thuyền đến Gia Hưng, Cố Viêm Võ mua được ở trong thành một tờ công báo[3] trên đó có liệt kê tất cả những những người có liên can đến vụ án Minh Sử, thấy trong bài luận có viết: "Tra Kế Tá, Phạm Tương, Lục Kỳ ba người, tuy có tên trên bảng tham hiệu nhưng vì chưng chưa từng đọc sách này nên miễn tội không bị tra cứu". Cố Viêm Võ đem tờ báo xuống thuyền cùng Hoàng Tông Hi và Lã Lưu Lương ba người cùng xem, ai nấy chắc lưỡi lấy làm lạ lùng. Hoàng Tông Hi nói:
- Việc này chắc là do Đại Lực tướng quân làm đấy thôi!
Lã Lưu Lương hỏi:
- Đại Lực tướng quân là ai? Xin được thỉnh giáo.
Hoàng Tông Hi nói:
- Hai năm trước đây, huynh đệ có đến thăm Y Hoàng tiên sinh, thấy nhà cửa của ông ta mới cất, sân trước vườn sau khang trang, trần thiết rực rỡ, so với trước thật khác xa. Trong nhà lại còn nuôi một đội diễn viên Côn Khúc, dìu dặt nhặt khoan, Giang Nam ít thấy. Huynh đệ và Y Hoàng tiên sinh xưa nay giao tình thân thiết, có chuyện gì cũng chẳng dấu nhau nên mới hỏi cho biết. Y Hoàng tiên sinh mới kể ra, thật đúng là kỳ ngộ trong một cơn gió bụi.
Sau đó ông ta liền thuật lại cố sự sau đây.
Tra Kế Tá, tự Y Hoàng. Vào một ngày cuối năm y ngồi buồn gọi đem rượu ra uống, mới một lúc trời đổ tuyết, càng lúc càng to. Tra Y Hoàng độc ẩm mãi cũng buồn nên bước ra cửa xem phong cảnh, thấy một gã ăn mày đứng ở dưới hiên trú lạnh. Gã ăn mày đó thân hình cao to, thể lực hùng vĩ, chỉ mặc trên người một manh áo đơn, vậy mà gió lạnh ù ù y chẳng sao cả, có điều vẻ mặt dường như bực bội uất ức chuyện gì. Tra Y Hoàng lấy làm lạ bèn nói:
- Tuyết rơi chắc không hẳn tạnh ngay đâu, mời bằng hữu vào trong uống chén rượu, được chăng?
Gã ăn mày đáp:
- Hay lắm!
Tra Y Hoàng liền mời y vào trong, bảo thư đồng dọn thêm bát đũa, rót một chén nói:
- Xin mời.
Gã khất cái nâng chén uống cạn, khen:
- Rượu ngon lắm.
Tra Y Hoàng mời y uống liền ba chén, gã ăn mày kia uống thật tự nhiên. Họ Tra xưa nay vốn thích người bụng dạ rộng rãi, trong lòng rất vui nói:
- Huynh đài tửu lượng khá lắm, không biết uống được bao nhiêu?
Gã kia đáp:
"Rượu gặp tri giao nghìn chén - ít,
Chuyện không hợp ý nửa câu - nhiều.[4]"
Hai câu đó vốn chỉ là sáo ngữ đầu môi chót lưỡi ai cũng biết, thế nhưng từ miệng một gã ăn mày nói ra khiến Tra Y Hoàng không khỏi ngạc nhiên, lập tức gọi thư đồng mang ra một vò rượu Thiệu Hưng Nữ Nhi Hồng lớn cười nói:
- Tại hạ tửu lượng có hạn, mới rồi lại đã uống rồi, không thể nào cùng huynh đài uống cho thoải mái. Thôi thì lão huynh uống bằng tô, còn ta bồi tiếp bằng chén nhỏ có được không?
Gã khất cái đáp:
- Thế cũng được.
Thế là thư đồng đem rượu hâm lên, rót đầy kẻ tô người chén. Tra Y Hoàng uống một chén, gã ăn mày cạn sạch một tô, đến khi y uống đến hơn hai chục bát lớn mặt vẫn như không chẳng có vẻ gì say cả, còn Tra Y Hoàng thì túy lúy lăn kềnh ra.
Cũng nên biết thứ rượu Thiệu Hưng Nữ Nhi Hồng này khi vào miệng thì ngon ngọt nhưng tửu tính cực kỳ lợi hại. Người Thiệu Hưng mỗi khi sanh con gái liền cất vài ba cho chí vài chục vò đem chôn xuống đất, đợi đến khi con gái lớn gả chồng mới đào lên đãi khách, khi đó rượu màu sánh như hổ phách, gọi là "Nữ Nhi Hồng". Thử nghĩ rượu chôn mười bảy, mười tám có khi hơn hai chục năm thì đậm đà phải biết. Còn như sinh con trai thì rượu chôn gọi là "Trạng Nguyên Hồng", mong sau này con thi đỗ Trạng Nguyên để đem ra làm tiệc. Trạng Nguyên chẳng mấy người đạt được nên phần lớn cũng chỉ đãi khách dịp dựng vợ cho con, nhưng các tửu phường nấu rượu bán cũng dùng nhãn hiệu Trạng Nguyên Hồng, Nữ Nhi Hồng.
Thư đồng mới đỡ Tra Y Hoàng vào trong nằm ngủ còn gã ăn mày lại ra đứng ngoài hiên. Sáng hôm sau Tra Y Hoàng tỉnh dậy, vội vàng ra xem thấy y khoanh tay đứng đó, đang thưởng thức cảnh tuyết đổ. Vừa lúc một cơn gió bấc thổi qua, Tra Y Hoàng thấy lạnh buốt thấu xương, vậy mà gã ăn mày vẫn thản nhiên như thường. Tra Y Hoàng nói:
- Trời rét cóng thế này, huynh đài quần áo thế có đơn bạc quá không?
Y mới cởi chiếc áo lông cừu trên người khoác lên vai gã kia, lại lấy mươi lượng bạc hai tay đưa ra nói:
- Chút tiền mua rượu, huynh đài đừng từ chối. Khi nào có hứng thì mời quay lại uống với nhau. Tối hôm qua huynh đệ quá chén nên không dọn giường lưu khách, quả là giản mạn.
Gã khất cái cầm tiền nói:
- Huynh ông nói quá lời.
Y không cảm ơn, chỉ lặng lẽ ra đi.
Mùa xuân năm sau, Tra Y Hoàng đến Hàng Châu du ngoạn. Hôm đó đi ngang một cái miếu cũ, nhìn thấy một chiếc chuông cổ cực lớn, ít ra cũng phải bốn trăm cân, còn đang đứng ngắm nghía hoa văn chữ khắc, bỗng thấy một gã ăn mày hăng hái đi vào Phật điện, cầm tai chuông nhắc bổng lên cao đến mấy thước. Gã ăn mày thò tay vào dưới đáy lôi ra một bát thịt và một bát rượu, bỏ sang một bên rồi để lại chiếc chuông vào chỗ cũ. Tra Y Hoàng thấy y thần lực như thế, không khỏi kinh hãi, nhìn kỹ lại, hóa ra chính là gã khất cái uống rượu cùng mình năm ngoái bèn cười hỏi:
- Huynh đài có nhận ra ta chăng?
Người ăn mày nhìn lên cười nói:
- Ồ, thì ra là các hạ. Hôm nay để tôi mời lại, hai người mình uống một trận cho thỏa thuê, lại đây, lại đây! Uống nào!
Y vừa nói vừa đẩy chiếc bát rượu ra. Tra Y Hoàng cầm bát rượu, uống một ngụm lớn cười nói:
- Rượu này cũng được đây!
Gã khất cái thò tay nhón một miếng thịt trong chiếc bát mẻ đưa ra:
- Thịt này là thịt chó, dám ăn không?
Tra Y Hoàng quả cũng hơi gớm ghiếc nhưng lại nghĩ: "Mình đã nhận y làm bạn nhậu rồi, nếu không ăn, hóa ra coi thường y sao?". Ông thò tay ra cầm lấy cắn một miếng, nhai trệu trạo thấy quả là ngon. Hai người liền ngồi bệt xuống đất, anh một tợp, tôi một tợp, đưa qua đưa lại, ăn thì thò tay vào bát bốc ra, chẳng mấy chốc cả hai món đều hết nhẵn. Gã ăn mày cười ha hả nói:
- Tiếc thay rượu ít quá, không làm say nổi ông Hiếu Liêm.
Tra Y Hoàng nói:
- Mùa đông năm ngoái mình giải cấu nơi tệ xứ, hôm nay lại vô tình gặp nhau, quả là có duyên. Huynh đài thần lực kinh người, thì ra là một kỳ nam tử, được kết giao bằng hữu, tiểu đệ hết sức hoan hỉ. Huynh đài nếu có hứng thì mình đi kiếm một tửu lâu uống thêm một trận nữa có được chăng?
Gã ăn mày đáp:
- Hay lắm! Hay lắm!
Hai người cùng đến Lâu Ngoại Lâu tửu quán ở bở hồ Tây, gọi rượu uống tiếp, chẳng mấy chốc Tra Y Hoàng lại lăn kềnh ra. Đến khi tỉnh dậy thì gã ăn mày đã đi đâu mất rồi.
Đó là hồi mạt niên của Minh triều đời Sùng Trinh, qua mấy năm sau, Thanh binh nhập quan, nhà Minh bị diệt. Tra Y Hoàng không còn có ý tiến thủ nữa, chỉ sống nhàn nhã ở nhà, một hôm bỗng có một viên quan cùng với bốn tên lính, đến nhà họ Tra.
Tra Y Hoàng kinh hãi, những tưởng họa đổ lên đầu gia đình mình, ngờ đâu viên quan đó hết sức cung kính nói:
- Phụng mệnh Ngô quân môn tỉnh Quảng Đông, có chút lễ bạc kính tặng.
Tra Y Hoàng đáp:
- Tại hạ và quí bề trên chưa hề quen biết, chắc là lầm người rồi.
Gã quan quân mở chiếc hộp lấy ra một trương danh thiếp đại hồng nê kim, trên viết:
Bái thượng Tra tiên sinh Y Hoàng, húy Kế Tá
Bên dưới đề:
Vãn sinh Ngô Lục Kỳ cúi đầu trăm lạy
Tra Y Hoàng nghĩ thầm: "Đến cái tên của gã Ngô Lục Kỳ này ta cũng chưa từng nghe bao giờ, sao lại đem lễ đến tặng ta?". Nghĩ thế bèn trầm ngâm không đáp. Viên quân quan nói:
- Tệ thượng có nói rằng, chỉ có chút lễ bạc mong Tra tiên sinh không chê cười.
Nói xong để lên trên bàn hai chiếc hộp tròn sơn mài màu đỏ, khom lưng từ biệt rồi đi mất. Tra Y Hoàng mở hộp ra, trong đó là năm mươi lượng vàng còn hộp kia đựng sáu chai rượu Tây Dương, vỏ ngoài nạm minh châu phỉ thúy trông thật đẹp. Tra Y Hoàng lại càng kinh ngạc, vội chạy ra đuổi theo gã quan quân để bảo y quay lại đem lễ vật đi nhưng con nhà võ đi đứng nhanh nhẹn, đã xa lắm rồi.
Tra Y Hoàng trong lòng lo lắng, nghĩ thầm: "Tiền trên trời rơi xuống đâu phải là phúc mà là họa không chừng, chẳng lẽ có kẻ nào muốn hại mình chăng?". Nghĩ thế y bèn lấy dây buộc lại, dấu kỹ một nơi. Họ Tra gia cảnh cũng không đến nỗi nào nên vàng bạc chả cần dùng đến, có điều nghe tiếng rượu ngoại quốc đã lâu, vậy mà không được khui ra uống, kể cũng khó chịu.
Qua mấy tháng cũng không thấy chuyện gì khác lạ. Một hôm lại có một vị công tử ăn mặc sang cả đến kiếm. Thanh niên đó tuổi chỉ chừng mười bảy mười tám, mặt mày vui vẻ, khí vũ hiên ngang, có dẫn theo tám người tùy tòng, vừa thấy Tra Y Hoàng đã quì xuống khấu đầu nói:
- Điệt tử Ngô Bảo Vũ bái kiến Tra thế bá.
Tra Y Hoàng vội vàng đỡ dậy nói:
- Hai chữ thế bá quả không dám nhận, không biết tôn đại nhân là ai thế?
Ngô Bảo Vũ đáp:
- Danh húy của gia nghiêm, trên Lục dưới Kỳ hiện là thông tỉnh thủy lục đề đốc ở Quảng Đông, đặc biệt sai tiểu điệt đến quí phủ, kính mời thế bá xuống Quảng Đông hàn huyên vài tháng.
Tra Y Hoàng đáp:
- Trước đây đã được lệnh tôn đại nhân ban cho quá hậu, trong lòng không khỏi áy náy. Nói ra thật hổ thẹn, huynh đệ vốn vô tâm, không biết có hân hạnh quen biết lệnh tôn đại nhân từ bao giờ? Huynh đệ là kẻ học trò, xưa nay chưa từng kết giao các quan lớn, mời công tử ngồi chơi đã.
Nói xong đi vào nội thất, bưng hai hộp đồ biếu hôm trước ra nói:
- Nhờ công tử đem về giùm, quả thực không dám nhận lễ hậu như thế này.
Y thầm nghĩ gã Ngô Lục Kỳ kia làm đến đề đốc tỉnh Quảng Đông, hẳn là ái mộ tên tuổi mình nên đem vàng bạc đến mua chuộc vào làm mạc khách. Gã này làm quan chức cao như thế, hẳn là ưng khuyển của bọn Mãn Châu, áp bức người Hán, nếu nhận vàng bạc của y thì mình sẽ nhơ danh. Nghĩ như thế khiến cho vẻ mặt đâm ra cau có.
Ngô Bảo Vũ nói:
- Gia nghiêm có dặn rằng, chưa chắc đã mời được thế bá, nếu như thế bá không nhớ ra gia nghiêm thì có một tín vật đem theo xin thế bá coi thử.
Y tiếp lấy một cái bọc từ tay gia nhân, mở ra, hóa ra là một chiếc áo lông cừu cực kỳ cũ kỹ. Tra Y Hoàng nhìn thấy chiếc cựu bào, nhớ lại mình năm xưa từng tặng cho gã ăn mày quái lạ trong một đêm tuyết đổ, lập tức hiểu ra Ngô Lục Kỳ tướng quân, chính là gã bạn rượu cùng nhau chén anh chén chú năm xưa.
Y chợt động tâm: "Thát tử chiếm nước ta, nếu như có người tay cầm binh phù phất ngọn nghĩa kỳ, bốn phương hưởng ứng, không chừng đuổi được bọn chúng ra quan ngoại. Gã ăn mày này còn nhớ được miếng ăn tấm áo năm xưa, hẳn không phải là kẻ vô lương tâm. Ví như ta khích động đại nghĩa trong lòng y, biết đâu chẳng có hi vọng. Nam nhi kiến công báo quốc, chính là ở nơi đây, dẫu cùng lắm y giết quách ta đi thì đã sao đâu?".
Thế là họ Tra vui vẻ hăng hái lên đường đi Quảng Châu. Ngô Lục Kỳ tướng quân đón vào phủ rồi, thần thái hết sức cung kính nói:
- Lục Kỳ lưu lạc Giang Nam được Tra tiên sinh không chê mà kết thành bằng hữu. Mời uống rượu, tặng áo cừu chuyện ấy cũng còn nhỏ, thế nhưng ở nơi cái miếu hoang kia cùng tại hạ uống chung chén mẻ, tay bốc thịt ăn, ấy mới thực là coi trọng mỗ. Khi đó mỗ đường cùng lưu lạc, đi đến đâu cũng bị ruồng bỏ khinh khi vậy mà Tra tiên sinh đãi nhau thắm thiết như thế khiến cho Lục Kỳ này hết sức phấn khởi. Được như hôm nay cũng đều là do Tra tiên sinh ban cho cả.
Tra Y Hoàng lạnh nhạt đáp:
- Dưới mắt của vãn sinh, Ngô tướng quân hôm nay so với tuyết trung kỳ cái năm xưa cũng chẳng bên nào cao hơn bên nào.
Ngô Lục Kỳ hơi sửng sốt nhưng không tiện hỏi thêm chỉ đáp:
- Đúng thế! Đúng thế!
Tối hôm đó y mở đại tiệc, mới tất cả văn võ quan viên thành Quảng Châu đến dự, mời Tra Y Hoàng ngồi thủ tịch còn mình ở hạ thủ bồi tiếp.
Các quan ở Quảng Châu từ tuần phủ trở xuống thấy đề đốc đại nhân đối với Tra Y Hoàng hết sức cung kính, không ai là không lạ lùng. Viên tuần phủ đoán chừng đây hẳn là khâm sai đại thần mặc thường phục do hoàng đế sai xuống tra xét địa phương, chứ lẽ nào người bình thời ngạo nghễ như Ngô Lục Kỳ lại cung kính với thư sinh Giang Nam như vậy? Tiệc rượu tan rồi, viên tuần phủ hỏi nhỏ Ngô Lục Kỳ, vị quí nhân này phải chăng là người của triều đình. Ngô Lục Kỳ chỉ mỉm cười nói:
- Lão huynh quả thực tinh minh, trông mặt đặt tên, mười phần trúng chín.
Câu trả lời này vốn có ý mỉa mai nói y mười điều đúng chín nhưng điều thứ mười thì trật. Nào ngờ gã tuần phủ lại tưởng mình dự liệu không sai, Tra Y Hoàng đúng là khâm sai thực, nay ở dinh đề đốc hẳn là hai người cũng đã ăn cánh với nhau. Ngô đề đốc với mình xưa nay vốn không lấy gì gọi là hợp tính, nếu như khi trở về kinh, trong tấu chương khâm sai đại nhân có một đôi câu bất lợi cho mình thì thật hỡi ôi. Y trở về phủ dự bị một món trọng lễ, sáng sớm hôm sau, lật đật đem qua dinh đề đốc.
Ngô Lục Kỳ chạy ra tiếp khách, bảo là Tra tiên sinh tối qua say quá nên chưa tỉnh, lễ vật của phủ đài thể nào cũng giao đến tận tay, cứ yên tâm không phải lo lắng gì cả. Tuần phủ nghe thế mừng lắm, cảm ơn rối rít. Tin đó truyền ra, các quan lớn nhỏ nghe tuần phủ đại nhân đã tặng một hậu lễ cho Tra tiên sinh, vị này lai lịch thế nào thì chưa biết, nhưng tuần phủ đã thế mình không lẽ không có gì? Chỉ trong mấy bữa, lễ vật đem đến phủ đề đốc chất cao như núi. Ngô Lục Kỳ bảo gia nhân cứ việc nhận không sót món nào nhưng đừng để Tra tiên sinh biết được.
Mỗi ngày ngoài quân vụ phải lo, chỉ cùng với Tra Y Hoàng ngồi uống rượu. Buổi chiều hôm đó, hai người lại ngồi đối ẩm trong lương đình nơi vườn hoa. Rượu qua mấy tuần, Tra Y Hoàng nói:
- Ở quí phủ quấy quả bấy lâu nay hết sức cảm kích thịnh tình, vậy ngày mai vãn sinh xin lên đường trở về phương bắc.
Ngô Lục Kỳ đáp:
- Sao tiên sinh lại nói thế? Chuyện mời được tiên sinh xuôi nam nào phải dễ dàng gì, nếu không ở một năm sáu tháng, nhất định không thể để tiên sinh ra đi được. Để mai đưa tiên sinh đi thăm Ngũ Tằng Lâu. Danh lam thắng cảnh ở Quảng Đông này nhiều chỗ lắm, dù có ở vài tháng đi cũng chưa hết được.
Tra Y Hoàng giả như chếnh choáng hơi men, làm gan nói liều:
- Núi sông đẹp đẽ nhưng rơi vào tay di địch rồi, có xem cũng chỉ thêm đau lòng mà thôi.
Ngô Lục Kỳ mặt hơi biến sắc vội nói:
- Tiên sinh say mất rồi, thôi vào nằm nghỉ đi.
Tra Y Hoàng đáp:
- Khi sơ ngộ, ta kính trọng tướng quân là hào kiệt lạc bước phong trần nên mới kết giao làm bạn, ngờ đâu lại cũng chỉ nhìn lầm mà thôi.
Ngô Lục Kỳ hỏi lại:
- Thế nào mà bảo rằng nhìn lầm?
Tra Y Hoàng lớn tiếng nói:
- Tướng quân tài nghệ kinh người lại không vì dân vì nước mà hùa theo kẻ ác, làm chó săn cho ngoại bang, áp bức bách tính người Hán. Bây giờ được thể đã không biết thẹn lại đắc ý dương dương, Tra mỗ quả xấu hổ khi phải kết bạn với ngươi.
Nói xong hầm hầm đứng bật dậy. Ngô Lục Kỳ nói:
- Những lời cấm kỵ của tiên sinh, nếu để người khác nghe được ắt sẽ gây ra một trường đại họa.
Tra Y Hoàng đáp:
- Hôm nay ta còn coi ngươi là bạn nên có một lời khuyên. Nếu như ngươi không nghe thì cứ việc giết quách ta đi. Tra mỗ trói gà không chặt, không kháng cự được gì đâu.
Ngô Lục Kỳ nói:
- Tại hạ rửa tai cung kính lắng nghe.
Tra Y Hoàng đáp:
- Tướng quân tay nắm binh phù toàn tỉnh Quảng Đông, chính là lương cơ đứng lên khởi nghĩa. Từ trên cao hô lên một tiếng thiên hạ ai nấy đáp lời, dù cho đại sự không thành thì cũng làm cho Thát tử kinh tâm táng đảm, tạo được một công nghiệp cực kỳ oanh liệt, không uổng cho cái thần lực trời sinh, đội đá vá trời.
Ngô Lục Kỳ rót một chén rượu, ực một hơi cạn sạch nói:
- Tiên sinh nói ra quả là thống khoái.
Hai tay giang ra, nghe bực một tiếng đã xé rách chiếc áo khoác ngoài, để lộ bộ ngực đầy lông đen. Y vạch đám lông ngực, trên da xâm tám chữ: "Thiên Phụ Địa Mẫu, Phản Thanh Phục Minh".
Tra Y Hoàng vừa mừng vừa sợ, lập cập hỏi:
- Thế... thế là thế nào?
Ngô Lục Kỳ khép áo lại nói:
- Vừa rồi nghe tiên sinh một phen hoằng luận, hết sức kính phục. Tiên sinh không nề cái họa diệt tộc sát thân đám phô bày gan ruột chỉ điểm cho tại hạ, tại hạ lẽ nào lại dấu diếm. Tại hạ vốn ở trong Cái Bang, hiện là hồng kỳ hương chủ Hồng Thuận Đường của Thiên Địa Hội, thề nguyền đem bầu nhiệt huyết theo đuổi chuyện phản Thanh phục Minh.
Tra Y Hoàng thấy trên ngực Ngô Lục Kỳ có xâm chữ, không còn hoài nghi gì nữa nói:
- Thì ra tướng quân "thân tại Tào doanh, tâm tại Hán", mới rồi lời lẽ mạo phạm, quả là đắc tội.
Ngô Lục Kỳ mừng rỡ, cái câu "thân ở dinh Tào, lòng ở Hán"kia thật ví mình có khác gì Quan Vân Trường bèn nói:
- So sánh đó thật không dám nhận.
Tra Y Hoàng lại hỏi:
- Không hiểu Cái Bang là thế nào mà Thiên Địa Hội là thế nào, mong được thỉnh giáo.
Ngô Lục Kỳ nói:
- Tiên sinh uống thêm một chén nữa, để tại hạ thuật lại đầu đuôi.
Thế là hai người mỗi người cùng cạn một chén. Ngô Lục Kỳ nói:
- Cái Bang đã có từ triều Tống đến nay, là một đại bang trên giang hồ. Trong bang anh em đều làm nghề ăn xin mà sống, dẫu là kẻ gia tài hào phú một khi đã nhập bang rồi thì cũng phải đem tiền của ra chia hết, sống y như một kẻ ăn mày. Trong bang dưới bang chủ là tứ đại trưởng lão, dưới nữa là tiền hậu tả hữu trung ngũ phương hộ pháp. Tại hạ giữ chức tả hộ pháp, ở trong bang là đệ tử tám túi, vai vế không phải là thấp. Về sau vì có chuyện bất hòa với một trưởng lão họ Tôn, hai bên xung đột, tại hạ khi đó say rượu, lỡ tay đánh y trọng thương.
Bất kính tôn trưởng là một tội lớn phạm vào bang qui, đả thương trưởng lão lại là một đại tội khác, bang chủ và tứ trưởng lão thương nghị xong mới cách chức tại hạ đuổi ra khỏi bang.
Hôm đó tại quí phủ gặp được tiên sinh mời uống rượu chính là lúc vừa bị khai trừ, trong lòng hết sức buồn bực, may nhờ tiên sinh không chê lại coi tại hạ như một bằng hữu, trong lòng vì thế khuây khỏa đi nhiều.
Tra Y Hoàng gật gù:
- Thì ra là thế!
Ngô Lục Kỳ tiếp tục:
- Mùa xuân năm sau, ở Tây Hồ lại gặp nhau lần nữa, tiên sinh hạ mình kết giao lại khen mỗ là một hải nội kỳ nam tử. Tại hạ suy nghĩ mấy ngày liền, nghĩ thầm nếu mình không được Cái Bang dung chứa, trên giang hồ anh em coi bằng nửa con mắt, ngày nào cũng say túy lúy càn khôn, tự mình hành hạ mình, chắc chỉ vài năm là sẽ chết vì nát rượu. Vị Tra tiên sinh kia đã bảo mình là một kỳ nam tử, không lẽ Ngô Lục Kỳ này không có được ngày mở mày mở mặt hay sao? Chẳng bao lâu Thanh binh nhập quan, mỗ trong lòng phẫn khái, không phân được trái phải lại đi đầu quân Thanh binh, lập được không ít công lao, tàn sát đồng bào, nghĩ lại thật là hổ thẹn.
Tra Y Hoàng nghiêm mặt nói:
- Việc đó quả thực sai lầm. Huynh đài không được Cái Bang dung chứa, độc vãng độc lai cũng xong, tự lập môn hộ cũng tốt, sao lại theo hạ sách đầu nhập quân Thanh làm gì?
Ngô Lục Kỳ đáp:
- Tại hạ ngu dốt, lúc đó chưa được tiên sinh giáo huấn, làm bao nhiêu việc sai trái, quả thật đáng chết.
Tra Y Hoàng gật đầu nói:
- Tướng quân nếu như biết mình sai, lấy công chuộc tội cũng chưa phải là muộn.
Ngô Lục Kỳ tiếp:
- Về sau Mãn Thanh chiếm hết hai cõi bắc nam, tại hạ được phong làm đề đốc. Hai năm trước, một đêm khuya bỗng có người lẻn vào ngọa thất của mỗ toan hành thích. Thích khách đó không phải là đối thủ nên bị mỗ bắt, đốt đèn lên, hóa ra chính là Tôn trưởng lão, người trong Cái Bang năm xưa bị tại hạ đả thương. Y ngoạc mồm chửi rủa bảo mỗ ti bỉ vô sỉ, cam tâm làm chó săn cho người ngoài. Y càng chửi càng hăng, câu nào câu nấy như đâm vào tim tại hạ.
Những chuyện đó cũng đã có lúc mỗ nghĩ đến rồi, biết rằng việc mình làm thật là sai quấy, đêm đêm tự hỏi lòng mình, vẫn thường hổ thẹn, có điều mình biết mình hay, không phải như y chửi có đầu có đũa như thế.
Mỗ thở dài một tiếng, giải khai huyệt đạo bị phong cho y nói: "Tôn trưởng lão, ông chửi quả không sai chút nào, thôi ông đi đi". Y hơi ngạc nhiên, sau đó nhảy qua cửa sổ chạy mất.
Tra Y Hoàng khen:
- Làm như thế thật đúng thay!
Ngô Lục Kỳ nói:
- Khi đó trong nhà lao của phủ đề đốc giam không biết bao nhiêu hảo hán phản Thanh phục Minh. Sáng sớm ngày hôm sau, mỗ tìm cớ này cớ nọ thả họ ra, kẻ thì bảo là bắt lầm người, kẻ thì không phải chủ phạm, giảm khinh cho. Hơn một tháng sau, nửa đêm vị Tôn trưởng lão kia lại mò đến, hỏi thẳng là đã hối cải hay chưa, có muốn phản Thanh lập công chăng? Mỗ rút phắt đao chặt đứt hai ngón tay bên trái nói: "Ngô Lục Kỳ quyết tâm cải tà qui chánh, từ nay nghe theo hiệu lệnh của Tôn trưởng lão".
Y đưa tay ra, quả nhiên ngón tay vô danh và ngón tay út đã mất rồi, chỉ còn ba ngón tay mà thôi. Tra Y Hoàng giơ ngón tay cái lên khen ngợi:
- Hảo hán tử!
Ngô Lục Kỳ lại kể tiếp:
- Tôn trưởng lão thấy mỗ thành ý, lại cũng biết tuy mỗ tính tình lỗ mãng nhưng trước nay nói ra điều gì thì không bao giờ nuốt lời, liền nói: "Hay lắm, để ta về phúc trình lại cho bang chủ, để xem bang chủ chỉ thị thế nào". Mười ngày sau. Tôn trưởng lão lại đến kiếm ta, nói bang chủ hội thương cùng tứ trưởng lão, quyết định thu nhập ta trở lại Cái Bang, bắt đầu từ đệ tử một túi đi lên. Lại thêm Cái Bang đã cùng Thiên Địa Hội liên minh, đồng tâm hiệp lực, phản Thanh phục Minh.
Thiên Địa Hội do thủ hạ của Quốc Tính Gia Trịnh đại soái ở Đài Loan là Trần Vĩnh Hoa Trần tiên sinh sáng lập, mấy năm gần đây ở những vùng Phúc Kiến, Chiết Giang, Quảng Đông rất hưng vượng. Tôn trưởng lão giới thiệu mỗ với Hồng Thuận Đường hương chủ ở Quảng Đông, gia nhập Thiên Địa Hội. Thiên Địa Hội tra xét mỗ trong một năm, giao cho mỗ thực hiện mấy việc quan trọng, thấy tại hạ quả là trung thực không phải hai lòng nên gần đây Trần tiên sinh từ Đài Loan truyền lệnh xuống, phong mỗ làm hồng kỳ hương chủ Hồng Thuận Đường.
Tra Y Hoàng không rõ lai lịch của Thiên Địa Hội ra sao thế nhưng Diên Bình quận vương Trịnh Thành Công ở Đài Loan một mình khởi binh kháng Thanh, tinh trung anh dũng, thiên hạ không ai không biết. Nếu Thiên Địa Hội là do mưu sĩ của ông ta là Trần Vĩnh Hoa sáng lập thì hẳn là người đồng đạo, thành thử liên tiếp gật gù.
Ngô Lục Kỳ lại tiếp:
- Quốc Tính Gia năm trước suất lãnh đại quân, vi công Kim Lăng, tiếc thay quả bất địch chúng phải lui về Đài Loan nhưng để lại Giang Chiết Mân bộ tướng quan binh không phải là ít. Trần tiên sinh lại ngầm liên lạc với các anh em cũ, tổ chức thành Thiên Địa Hội, khẩu hiệu bên trong hội "Thiên Phụ Địa Mẫu, Phản Thanh Phục Minh", chính là tám chữ tại hạ xâm trên ngực. Anh em tầm thường trong hội thì không thích chữ trên người, mỗ tự mình xâm những chữ này là muốn học đòi Nhạc Võ Mục năm xưa thích bốn chữ "Tận Trung Báo Quốc"đấy thôi.
Tra Y Hoàng hết sức vui mừng, uống liên tiếp luôn mấy chén nói:
- Hành vi của huynh đài như thế, quả thực không hổ cái mỹ danh hải nội kỳ nam tử.
Ngô Lục Kỳ đáp:
- Năm chữ "hải nội kỳ nam tử "quả là không dám. Chỉ cần Tra tiên sinh nhận làm bằng hữu là đủ cho họ Ngô này vui sướng lắm rồi. Tổng đà chủ Thiên Địa Hội chúng tôi là Trần Vĩnh Hoa Trần tiên sinh còn có thêm một cái tên khác là Trần Cận Nam, người đó quả là một anh hùng hảo hán tiếng tăm vang dội, trên giang hồ không ai nói tới mà không kính ngưỡng. Người đời có hai câu:
Bằng như chẳng biết ông Trần,
Còn đâu mà bảo anh hùng với ai.[5]
Tại hạ chưa từng được kiến diện Trần tổng đà chủ, cũng chưa thể tính là một nhân vật anh hùng được.
Tra Y Hoàng nghĩ đến anh hùng khí khái như Trần Cận Nam, không khỏi mơ màng. Y rót thêm hai chén nữa rồi tiếp:
- Nào, mình uống một chén chúc cho Trần tổng đà chủ.
Hai người một hơi cạn sạch. Tra Y Hoàng nói:
- Tra mỗ chỉ là một kẻ thư sinh, vì dân vì nước chẳng được tích sự gì. Chỉ mong tướng quân ngày nào thừa cơ đứng dậy, tận lực kháng Thanh khi đó Tra mỗ sẽ có mặt ở chốn quân tiền, đem chút công lao nhỏ mọn ra tận lực.
Từ hôm đó trở đi, Tra Y Hoàng ở lại trong phủ của Ngô Lục Kỳ cùng y ngày đêm tính toán, thảo luận về phương lược kháng Thanh. Ngô Lục Kỳ cũng cho hay thế lực của Thiên Địa Hội đã dần dần lan rộng ra miền bắc, các tỉnh lớn nay đã có hương đường. Tra Y Hoàng ở với Ngô Lục Kỳ đến sáu bảy tháng, lúc ấy mới trở về quê.
Về đến nhà hết sức ngạc nhiên, cái nhà cũ nay không còn mà là một dinh cơ lớn mới tinh, thì ra Ngô Lục Kỳ đã sai người đem tất cả những lễ vật của quan viên tỉnh Quảng Đông tới Chiết Giang mua gỗ ngói xây lên một lâu đài mới.
Tra Y Hoàng cũng biết Hoàng Tông Hi, Cố Viêm Võ đều là những người quyết tâm hưng phục, bôn tẩu bốn phương qui tụ anh hùng hảo hán, cùng nhau mưu định chuyện phản Thanh nên kể hết cho họ nghe không dấu diếm chút nào.
Hoàng Tông Hi ngồi trên thuyền bao nhiêu chuyện lại kể hết cho Lã Lưu Lương, nói tiếp:
- Chuyện này nếu như lộ ra để cho Thát tử ra tay trước, Y Hoàng tiên sinh và Ngô tướng quân bị cái họa diệt tộc đã đành, mà đại nghiệp phản Thanh cũng bị mất đi một cây cột lớn.
Lã Lưu Lương đáp:
- Trừ ba người chúng ta ra, chuyện này từ nay nhất quyết chớ hở môi cho ai biết được, ngay cả khi gặp Y Hoàng tiên sinh mình cũng không nên đề cập đến tên của Ngô tướng quân ở Quảng Đông.
Hoàng Tông Hi nói:
- Y Hoàng tiên sinh với Ngô tướng quân có uyên nguyên như thế, đại thần trong triều lại hết sức nể nang Ngô tướng quân, thành thử khi đứng ra nói giúp một câu, triều đình không thể không nhân nhượng một chút.
Lã Lưu Lương đáp:
- Ý kiến của Hoàng huynh phải lắm, không biết Lục Kỳ, Phạm Tương hai người, sao cũng được đặc ân "chưa từng thấy sách, miễn tội không tra cứu"như Y Hoàng tiên sinh? Không lẽ hai người đó cũng có kẻ trong triều nói hộ hay sao?
Hoàng Tông Hi đáp:
- Ngô tướng quân nếu nói giúp cho Y Hoàng tiên sinh, ví như chỉ đề cập đến có một người e rằng họ sẽ khởi nghi, thành thử để luôn hai người kia vào không chừng.
Lã Lưu Lương cười nói:
- Nếu quả như thế thì Lục, Phạm hai người đến giờ này cũng chưa biết tại sao mình sống sót.
Cố Viêm Võ gật đầu:
- Danh sĩ Giang Nam bảo toàn được người nào thì giữ lại được thêm một chút nguyên khí.
Ba người nói về một việc cực kỳ bí mật, khi đó đang đi thuyền ở trên Vận Hà, khoang sau chỉ có ba mẹ con nhà họ Lã, Hoàng Tông Hi lại thì thầm thật nhỏ để không người nào bên ngoài nghe thấy, trên thuyền thì chẳng lo "cây có mạch vách có tai". Ngờ đâu Cố Viêm Võ vừa mới nói xong bỗng nghe trên đầu có tiếng khặc khặc cười ghê rợn. Ba người cực kỳ hoảng hốt, cùng quát lên:
- Người nào đó?
Thế nhưng không nghe thấy gì nữa. Ba người nhìn nhau thất sắc, bàng hoàng nghĩ thầm: "Không lẽ có quỉ quái gì đây chăng?". Trong cả ba thì Cố Viêm Võ là người can đảm hơn hết, lại cũng học qua một chút võ nghệ thô thiển phòng thân, lập tức ngưng thần, cho tay vào túi, lấy ra một con dao găm, đẩy cửa bước ra đầu thuyền. Y chăm chú nhìn lên trên cánh buồm, đột nhiên từ trên cao một bóng đen nhảy xuống. Cố Viêm Võ quát lớn:
- Ai đó?
Y vừa quát vừ giơ chủy thủ đâm vào bóng đen, chỉ thấy người kia chộp được cổ tay đau nhói rồi hậu tâm tê đi, huyệt đạo đã bị điểm trúng, chiếc dao tuột tay rơi xuống còn người thì bị đẩy vào trong khoang.
Hoàng Tông Hi và Lã Lưu Lương thấy sau lưng Cố Viêm Võ là một hán tử áo đen, thân hình cao to, miệng nở một nụ cười gian ác nên đều kinh hãi. Lã Lưu Lương hỏi:
- Các hạ đêm hôm sao tự tiện xông vào, chẳng hay có dụng ý gì?
Người kia cười khẩy đáp:
- Cám ơn ba người đã cho ta có dịp thăng quan phát tài. Ngô Lục Kỳ định làm phản, Tra Y Hoàng định làm phản, Ngao thiếu bảo nếu được mật báo không lẽ không trọng thưởng hay sao? Ha ha! Thôi ba vị chịu khó theo ta lên Bắc Kinh làm chứng.
Lã Cố Hoàng ba người toát mồ hôi, ai nấy hối hận: "Bọn mình đêm khuya ở trong thuyền bàn chuyện riêng đã bị y nghe thấy cả rồi. Mình hành sự lỗ mãng, có chết cũng cam nhưng lại liên lụy cả đến Ngô tướng quân, hỏng hết đại sự".
Lã Lưu Lương nói:
- Các hạ nói thế là sao? Bọn ta nghe không hiểu gì cả. Ngươi định vu hãm cho người ngay thì cứ đổ lên đầu bọn ta cũng đủ chứ đừng có lôi cả người khác vào, chuyện đó không xong đâu.
Y đã quyết ý chịu chết để có bị giết thì cũng là tử vô đối chứng. Đại hán kia cười nhạt một tiếng, đột nhiên nhoài người tới giơ tay điểm huyệt trên ngực Lã Lưu Lương và Hoàng Tông Hi, Hoàng Lã hai người lập tức không còn cử động gì được. Người áo đen lại cười ha hả nói:
- Các vị huynh đệ, mau mau tiến vào trong khoang. Lần này anh em tiền phong doanh lập được đại công rồi.
Phía đuôi thuyền có tiếng đáp ứng rồi bốn người tiến vào, người nào cũng ăn mặc theo lối thuyền phu, cùng khoái trá cười sằng sặc. Cố Hoàng Lã ba người ngỡ ngàng, biết rằng tiền phong doanh là thân binh của hoàng đế, không biết vì sao mà bọn này đã trà trộn rồi giả làm người chèo thuyền, ẩn nơi mạn thuyền rình nghe lén. Hoàng Tông Hi và Lã Lưu Lương thì không nói gì, riêng Cố Viêm Võ cả chục năm qua đi khắp bốn phương, đến đâu cũng kết giao anh hùng hào kiệt, nhãn quang không phải là kém vậy mà lại không lưu tâm đến mấy gã phu này.
Chỉ nghe một tên thân binh quát lên:
- Thuyền gia quay đầu lại, trở về Hàng Châu, nếu giở trò gì thì coi chừng cái mạng chó chúng bay.
Người tài công lái thuyền ở phía sau liền đáp:
- Vâng!
Người đó là một ông già tuổi phải sáu bảy mươi, khi mướn thuyền Cố Viêm Võ đã từng nói chuyện thấy mặt ông ta đầy vết nhăn, lưng còng gập xuống, đủ biết cả đời chỉ ngồi chèo thuyền kéo dây, nên không hề nghi ngờ gì. Có ngờ đâu người lái thuyền tuy là tài công thực nhưng thủ hạ của y lại chỉ là thuyền phu giả, hẳn là bị các thân binh uy hiếp, không thể làm gì khác hơn, bây giờ Cố Viêm Võ chỉ còn tự trách mình cùng Hoàng Lã hai người cao đàm khoát luận, đưa thân vào miệng cọp mà không biết.
Hắc y đại hán cười nói:
- Cố tiên sinh, Hoàng tiên sinh, Lã tiên sinh, ba vị tiếng tăm vang dậy quá, đến cả các đại thần trong kinh cũng còn biết, nếu không bọn chúng ta đâu phải theo dõi các vị làm gì, ha ha.
Y quay lại nói với bốn tên thuộc hạ:
- Chúng ta bắt được chứng cớ rành rành về việc Quảng Đông Ngô đề đốc mưu phản, bây giờ phải đến Hải Ninh bắt gã họ Tra ngay. Ba tên phản tặc này bướng bỉnh lắm, chạy thì không nổi nhưng phải đề phòng chúng uống thuốc độc, nhảy xuống sông. Các ngươi mỗi người trông chừng một đứa, nếu có chuyện gì thì chuyện không phải nhỏ đâu.
Bốn người kia đáp lời:
- Vâng! Cẩn tuân lệnh Qua quản đới.
Qua quản đới nói:
- Về kinh triều kiến Ngao thiếu bảo rồi, tất cả đừng sợ không thăng quan phát tài.
Một tên thân binh cười nói:
- Cũng nhờ Qua quản đới đề bạt tài bồi chứ chỉ bằng bốn đứa chúng tôi thì làm gì có phúc phận như thế?
Đầu thuyền bỗng có tiếng người cười hắc hắc nhắc lại:
- Chỉ bằng bốn đứa chúng bay thì làm gì có đủ phúc phận.
Cửa khoang bỗng bay tung ra hai bên, một thư sinh tuổi chừng ba mươi đứng ngay ở đó, hai tay chắp sau lưng, miệng mỉm cười. Qua quản đới quát lên:
- Các lão gia đây là quan đang tra án, ngươi là ai?
Thư sinh chỉ mỉm cười không đáp, nhanh nhẹn tiến vào trong khoang. Bóng đao lấp loáng, hai thanh đơn đao từ hai bên chém tới. Thư sinh nọ nghiêng qua tránh, thuận thế lướt tới phía Qua quản đới, múa chưởng đánh vào đỉnh đầu y. Qua quản đới vội vàng giơ tay lên gạt, tay phải thành quyền, mạnh mẽ đấm ra. Thư sinh kia chân trái đá ngược lên, trúng ngay ngực một thân binh, gã đó kêu rống lên một tiếng, hộc máu tươi. Ba tên thân binh còn lại vung đao kẻ đâm người chém, trong khoang chật hẹp, thư sinh đó thi triển cầm nã công phu, chặt chém móc đánh, cách một tiếng, một tên thân binh bị y dùng cạnh bàn tay chấn gãy cổ. Qua quản đới tung hữu chưởng ra, đánh vào sau ót thư sinh. Thư sinh quay ngược tả chưởng, bình một tiếng, song chưởng chạm nhau, lưng Qua quản đới đập mạnh vào mạn thuyền, be liền bị dạt một miếng. Thư sinh lại liên tiếp đánh thêm hai chưởng vào ngực hai tên thân binh còn lại, chỉ nghe lách cách, xương cốt hai người nát nhừ.
Qua quản đới nhảy vọt theo lỗ thủng ở khoang thuyền ra ngoài. Thư sinh quát lên:
- Chạy đi đâu?
Tay trái theo đà đánh ra, chắc hẳn trúng vào lưng y rồi, ngờ đâu vừa lúc đó Qua quản đới đá ngược chân lại, thành thử chưởng đánh trúng ngay gót chân y, chưởng lực đẩy y bay vọt về phía trước. Qua quản đới vội vàng tung người, thấy bờ sông có một cây liễu rủ xuống, lập tức nắm ngay cành cây, lộn người một cái đã nhảy lên được.
Thư sinh chạy vội đến đầu thuyền, cầm cây sào vung tay ném tới. Dưới ánh trăng, cây sào như một con rắn bay thẳng về trước. Chỉ nghe Qua quản đới kêu rống lên một tiếng thảm thiết, cái sào đã cắm vào lưng y, thuận đà ghim hẳn y xuống đất, rung động một hồi.
Thư sinh đi vào khoang thuyền, giải khai huyệt đạo cho Cố, Hoàng, Lã ba người, cầm xác bốn tên thân binh vứt xuống sông, đốt đèn lên. Cố, Hoàng, Lã ba người cảm ơn rối rít, hỏi tính danh y. Người thư sinh cười đáp:
- Tiện danh mới rồi đã được Hoàng tiên sinh nhắc đến, tại hạ họ Trần (é"³), thảo tự Cận Nam (è¿å).
---
[1] Sách Ni (Soni) là cha của Songotu (Sách Ngạch Đồ), Tô Khắc Tát Cáp (Suksaha) sau bị Oboi (Ngao Bái) giết, Át Tất Long (Ebilun) tòng đảng với Ngao Bái. Những tên này có thật trong sử sách.
[2] Xem thêm Vụ án Minh Sử của Nguyễn Duy Chính
[3] Nguyên văn: để báo (official gazettes in ancient China)
[4] Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu,
Thoại bất đầu cơ bán cú đa.
[5] Bình sinh bất thức Trần Cận Nam, Tựu xưng anh hùng dã uổng nhiên.
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 45 |