Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)

Vu Hiệp táng anh hùng - Y Giá hữu tướng tinh

Phiên bản Dịch · 3512 chữ

Châu thổ Hoàng Hà là cái nôi của dân tộc Hoa Hạ. Nhưng do sức nước chảy xiết, thường xuyên gây lụt lội nên lợi ích về mặt kinh tế chẳng bù cho những tai họa mà dòng sông này mang đến. Câu tục ngữ “Hồng nhan họa thủy” có ý nhắc đến Hoàng Hà chứ chẳng phải dòng sông nào khác. Người Trung Hoa gọi Hoàng Hà là Họa giang.

Họ đã phải đắp đê suốt đoạn hạ lưu, từ ngã ba sông Vị Thủy đến gần cửa biển.

Nhưng thỉnh thoảng đê vẫn bị vỡ từng đoạn do nước sông Hoàng Hà dâng quá cao và chảy như vó ngựa. Hoặc giả có khi dòng sông quái ác này không thích chảy theo hướng cũ mà du lịch từ phía Bắc xuống phía Nam bán đảo Sơn Đông, chiếm lấy cửa sông Hoài. Lúc ấy thì cảnh lầm than của lê thứ chẳng bút nào tả xiết.

Từ ngày có sử, người Trung Hoa đã ghi nhận lại được gần một ngàn sáu trăm lần vỡ đê và hai mươi sáu lần sông Hoàng Hà đổi dòng chảy. Ngược lại, con sông Trường Giang ở phương Nam lại hiền hòa, vun bồi một vùng châu thổ mênh mông, đóng vai trò chính trong việc nuôi sống dân tộc Trung Hoa. Do lượng nước mùa hạ rất lớn nên các tỉnh hạ du Trường Giang như Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô cũng có khi bị ngập lụt, nhưng hậu quả không lớn bằng những tai hại của Hoàng Hà ở Bình Nguyên Hoa Bắc.

Đất lành chim đậu. Dọc hai bên bờ Trường Giang có rất nhiều dân cư sinh sống, tập họp trong những thành quách, thôn xóm hay thị trấn. Một trong những địa phương sầm uất ấy có thành Nghi Xương, thuộc đất Hồ Bắc.

Về mặt lịch sử, Nghi Xương chẳng có gì đáng kể nếu so với thành Giang Lăng cách đấy hơn trăm dặm. Giang Lăng chính là đất Kinh Châu, nơi ngày xưa Quan Vân Trường trấn giữ.

Nhưng về phương diện võ lâm thì Nghi Xương lại lẫy lừng thiên hạ, người học võ nào cũng biết tiếng. Giang hồ thường dùng thành ngữ Thái Sơn Bắc Đẩu để chỉ hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang. Nhưng ngờ đâu, tại đất Nghi Xương có Bắc Đẩu môn, chòm sao sáng chói làm lu mờ cả hai phái kể trên. Môn chủ của Bắc Đẩu môn Trầm Thiên Toàn là người có võ công cao siêu nhất thiên hạ. Với pho Đại Hùng kiếm pháp, năm ba mươi bốn tuổi, họ Trầm đã đánh bại mười tám cao thủ hạng nhất, đứng đầu cuộc luận kiếm Hoa Sơn. Giang hồ định tôn Trầm Thiên Toàn làm Minh chủ của võ lâm nhưng ông từ chối, chuyên tâm xây dựng và phát triển Bắc Đẩu môn, cơ nghiệp của dòng họ Trầm.

Người sáng lập Bắc Đẩu môn là Bắc Đẩu thư sinh Trầm Thiên Khu, thân phụ của Thiên Toàn. Nước có quốc pháp, nhà có gia qui và qui củ của giòng họ Trầm cũng hơi khác lạ. Đó là việc dùng tên bảy vì sao trong chòm sao Bắc Đẩu để đặt tên cho trưởng nam. Người này sẽ kế nghiệp làm Môn chủ, còn con thứ thì lại không được tham gia vào trật tự.

Do đó, bào đệ của Trầm Thiên Toàn lại có tên là Trầm Hạo Liệt, giữ chức Phó môn chủ. Con của Hạo Liệt sau này cùng chỉ suốt đời làm phó, trừ khi Thiên Toàn không có con trai.

Điều lệ này chẳng khác gì cách truyền ngôi Thiên tử của các triều đại Trung Hoa.

Vì vậy, thảm kịch phát sinh cũng chẳng là chuyện lạ. Năm bốn mươi tuổi, Trầm Thiên Toàn kết hôn với Mục Kim Lan, hai mươi hai tuổi, con gái một nhà đại phú đất Nghi Xương. Năm sau, Mục tiểu thư hạ sinh một nam hài kháu khỉnh. Theo truyền thống, đứa bé được đặt tên là Trầm Thiên Cơ.

Cơ nhi thông minh đĩnh ngộ, gân cốt thuộc hàng thượng phẩm, năm ba tuổi đã tỏ ra hiếu võ, luyện tập cần mẫn. Trầm môn chủ quyết đào tạo ái tử trở thành đệ nhất nhân nên lùng mua những kỳ trân dị dược để bồi bổ công lực cho Thiên Cơ.

Một hôm, bằng hữu của Thiên Toàn là Vô Tích Thần Y Lý Dĩ ghé thăm. Họ Lý hết lời khen ngợi căn cơ của đứa bé ba tuổi và còn chỉ dẫn cho Trầm môn chủ biết nơi mọc loại linh quả có tên là Bạch Đài hoàng quả. Loại quả quí này là kết tinh của một loại rong đá màu trắng và địa phương có Bạch Đài hoàng quả chính là những vách đá dựng đứng ở hai bờ hẻm núi Vu Hiệp, trên sông Trường Giang.

Ba mươi năm trước, Vô Tích Thần Y đã từng may mắn tìm được một quả. Ông phối hợp với bảy dược vị nữa bào chế thành Bát Bảo Đại Lực hoàn, uống vào tăng thêm ha mươi năm chân khí.

Trầm môn chủ vui mừng khôn xiết, khẩn cầu Lý Dĩ đưa mình đi Vu Hiệp. Cơ nhi níu cha phụng phịu đòi theo. Đang là tiết xuân ấm ấp nên Thiên Toàn vui vẻ chấp thuận cho vợ con cùng đi. Tam Hiệp trên sông Trường Giang là một trong những thắng cảnh nổi tiếng thiên hạ, rất đáng để du ngoạn, thưởng lãm.

Nửa tháng sau, cả võ lâm chấn động vì tin gia đình Môn chủ Bắc Đẩu môn bỏ mạng dưới sóng nước Trường Giang trong hẻm núi Tam Hiệp. Nguyên nhân không rõ ràng nhưng có tin đồn rằng thuyền bị vỡ vì va vào vách đá.

Ngoài Trầm Thiên Toàn và vợ con, cả Vô Tích Thần Y Lý Dĩ và tám gã đệ tử chèo thuyền cũng không ai sống sót.

Đám tang được cử hành rất long trọng, kéo dài ba ngày ba đêm dù chẳng có chiếc quan tài nào cả. Sau dó, Trầm Hạo Liệt bắt đầu trở thành Bắc Đẩu môn chủ thay cho bào huynh đã quá cố.

* * * * *

Chúng ta sẽ cùng nhau xem qua địa thế Tam Hiệp để có thể hiểu vì sao mà võ lâm lại tin vào việc thuyền của Trầm Thiên Toàn dễ dàng bị tan nát khi đi vào Tam Hiệp.

Thực chất, Tam Hiệp là đoạn đông Trường Giang dài bốn trăm dặm, từ trấn Phụng Tiết trên đất Tứ Xuyên đến gần thành Nghi Xương, Hồ Bắc. Sông Trường Giang hùng vĩ mênh mông bắt nguồn từ Tây Tạng chảy đến thành Bạch Đế, Phụng Tiết thì thắt lại, mặt sông chỉ còn rộng độ mười mấy trượng. Hai bên bờ là vách đá dựng đứng, quái thạch lởm chởm tựa răng quỷ. Lòng sông hẹp nên sức nước chảy ào ào như thác lũ.

Bắt đầu là Cù Đường Hiệp, tuy chỉ dài độ mười sáu dặm nhưng lại hùng vĩ nhất.

Kế đến là Vu Hiệp dài thăm thẳm, vách đá cao vút, mây khói mịt mù che cả ánh dương quang. Hẻm Vu hiệp có đến mười ba ngọn núi, trong đó nổi tiếng nhất là Thần Nữ Phong, dáng vóc như một thiếu nữ yểu điệu, khom lưng đứng nhìn dòng sông. Tương truyền ngọn núi này là hóa thân của Tây Vương Mẫu, bà vợ già dữ dằn của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Thuyền đi vào Vu Hiệp như đi vào động tiên: mây mù từng đóa nổi bồng bềnh, sương mỏng như màn the khiến cảnh vật thêm phần huyền ảo.

Hẻm thứ ba là Tây Lăng Hiệp dài trăm rưỡi dặm, nhiều cồn bãi, đá ngầm. Ở đây, nước réo như sôi, chảy xiết và có nhiều vùng xoáy, nhiều khúc quanh co. Tây Lăng Hiệp gồm bốn hẻm núi là hẻm Binh Thư Bảo Kiếm, hẻm Gan Trâu Phổi Ngựa, hẻm Không Lệnh và hẻm Đăng Ảnh. Nguy hiểm nhất là hẻm Đăng Ảnh, gập cong hình góc vuông.

Do địa hình Tam Hiệp hiểm nghèo như vậy nên việc ai đó đưa phỏng đoán rằng thuyền của Trầm môn chủ gặp nạn ở hẻm Tây Lăng Hiệp là hợp lý.

Nhưng họ quên một điều là Tam Hiệp sát với Nghi Xương, và những đệ tử theo họ Trầm đều là người thông thạo vùng hiểm địa này, nếu không thì Trầm Thiên Toàn đâu dám đem vợ con theo.

* * * * *

Chín năm sau, trên dòng nước xiết của hẻm Vu Hiệp lại xảy ra biến cố. Một lão nhân râu đài, áo trắng đang cố giữ cho chiếc thuyền con vun vút xuôi dòng được an toàn. Không phải lão ta đang du lịch thăm thú cảnh vật kỳ ảo của Tam Hiệp mà là đang bị truy đuổi bởi bốn chiếc thuyền khác ở phía sau.

Trên lưng Bạch Y lão nhân cắm xiên hai mũi trường tiễn, máu nhuộm đỏ. Khoảng cách mỗi lúc một gần vì thân thuyền của phe truy sát dài hơn và có đến bốn tay chèo.

Trên mũi của một trong bốn chiếc thuyền phía sau là một đại hán râu hùm hàm én, tuổi độ bốn mươi lăm. Thân hình gã lực lưỡng, oai phong, võ phục vàng bó sát, ngực áo thêu bảy ngôi sao. Những người này không phải cao thủ Bắc Đẩu môn mà lại là Bang chủ Thất Tinh bang Khổng Chích, hùng cứ đất Phù Lăng cửa sông Ô Giang.

Thất Tinh bang ra đời sau khi Môn chủ của Bắc Đẩu môn Trầm Thiên Toàn tử nạn. Trước đây, nó chỉ là một bang hội nhỏ bé có cái tên khiêm tốn là Ô Giang thủy trại.

Theo lề luật bất thành văn của giang hồ thì môn phái ra đời sau không được trùng tên với bang hội có trước. Thất Tinh và Bắc Đẩu thực ra cũng chỉ là một. Thế mà đương kim Môn chủ Bắc Đẩu môn Trầm Hạo Liệt không hề có phản ứng gì thì quả là rộng lượng.

Trở lại với cuộc đuổi bắt trên mặt nước âm u Vu Hiệp, ta thấy Khổng Chính đang quát vang nói với nạn nhân của mình :

- Lý Dĩ. Lão hãy bó tay đi, bổn nhân hứa sẽ tha mạng và hậu đãi.

Té ra lão nhân bạch bào kia lại là Vô Tích Thần Y, bạn của Trầm Thiên Toàn, người mà ai cùng tưởng rằng đã chết.

Lý thần y cắn răng không nói năng gì, giữ chặt mái chèo, tiến vào vùng sương khói dày đặc phía trước mặt.

Đoạn sông này cực kỳ u ám vì bị ngọn Thần Vũ Phong nghiêng đầu che phủ.

Thuyền của họ Lý bỗng đi chếch vào vách đá hướng Bắc. Ông bất ngờ lao vút lên, chụp lấy những sợi dây leo để mặc thuyền con trôi đi. Sương mù đã che lấp nhãn tuyến nên phe Khổng Chích không nhận ra, tiếp tục đuổi theo thiếc thuyền không. Được vài chục trượng, thuyền của Lý Dĩ do không người điều khiển va vào đá vỡ tan. Thất Tinh bang chủ đuổi đến nơi, chỉ thấy chiếc thuyền vướng vào tảng đá ngầm ở bờ Nam. Họ Khổng bán tín bán nghi, không dám chắc rằng Vô Tích Thần Y còn sống hay đã chết.

Nhắc lại Lý Dĩ bỏ thuyền nhảy lên vách, nhanh nhẹn chuyển về hướng đông, tìm lối đi vòng ra phía sau Thần Nữ phong. Ông đã chuẩn bị rất chu đáo cho cuộc tẩu thoát này nên mang theo đầy đủ linh dược trị thương. Hơn nữa, tên kia không xuyên phủ tạng, chẳng đáng ngại đối với một bậc danh y.

Băng bó xong, Lý Dĩ đi lên hướng Bắc. Chiều hôm ấy, ông đến bìa khu rừng Thần Y Giá, nằm giữa Tam Hiệp và sông Hán Thủy. Thần Y Giá là khu rừng nguyên sinh rộng đến hơn vạn dặm vuông, nổi tiếng thiên hạ vì đã đi vào truyền thuyết dân gian.

Thời thượng cổ, vua Viêm đế đã đến đây hái cỏ Bách trị bệnh cho dân địa phương. Loại cỏ quí này mọc cheo leo trên vách đá trong khu vực rừng nên nơi này có tên là Thần Y Giá.

Truyền thuyết thứ hai có từ thời chiến quốc, nói về một loại người rừng tên gọi Sơn Quỷ. Chúng cao đến hơn nửa trượng, tóc dài, không đuôi, lông bao phủ khắp thân, miệng rộng và đi bằng hai chân. Sổ sách đã ghi nhận rằng có nhiều người nhìn thấy Sơn Quỷ trong lòng Thần Y Giá.

Ngoài vẻ huyền bí, khu rừng mênh mông này còn có đến hai ngàn loài thực vật và hai mươi loài thú hiếm. Chính đàn cọp, beo, gấu, sói đã khiến loài người sợ hãi, chẳng dám vào để chặt phá.

Nhưng đối với một bậc cao thủ võ lâm như Lý Dĩ thì rừng Thần Y Giá chẳng có gì đáng sợ và còn là kho thuốc quí giá giúp ông trị lành vết tiễn thương. Thần y nuốt vài viên linh đan cho đỡ đói rồi trèo lên cây nghỉ qua đêm.

Sáng ra, ánh dương quang và tiếng chim rừng ríu rít không đánh thức được họ Lý nhưng ông giật mình vì có bàn tay sần sùi, thô nháp đang sờ mặt mình. Có vẻ như loài khỉ vượn nào đó đang tò mò tìm hiểu.

Nhớ đến truyền thuyết về Sơn Quỷ, Lý thần y chột dạ, không dám vọng động.

Ông hé mắt quan sát thử, nhận ra một quái vật tóc dài đen nhánh loà xòa phủ mặt. Nó không cao lớn như lời truyền tụng mà chỉ bằng một đứa trẻ mười ba, mười bốn tuổi.

Ngay lớp lông trên người cũng thưa thớt, nhỏ mịn. Gió xuân thổi tung mái tóc quái vật để lộ gương mặt rám nắng của một cậu bé. Gương mặt không có lông nên Lý thần y dễ dàng nhận ra vẻ tuấn tú và dường như quen thuộc. Đôi mắt đen huyền kia đang nhìn ông với vẻ hiếu kỳ, thân thiết pha chút vui mừng và không hề có ác ý.

Lý thần y cố nằm yên suy nghĩ xem dung mạo này giống ai. Lát sau, ông rùng mình nhớ đến Bắc Đẩu môn chủ phu nhân Mục Kim Lan, người đã bị loạn tiễn của bọn mai phục bắn chết trên mặt nước Vu Hiệp chín năm trước.

Họ Lý tự hỏi rằng phải chăng Trầm Thiên Toàn đã đưa được con thơ vào bờ dù trên người cắm đầy tên? Ngày ấy, thuyền của họ chậm chạp ngược dòng nước xiết, đi vào Vu Hiệp, Lý thần y cùng phu thê Trầm môn chủ đứng ở mũi thuyền quan sát những vách đá để tìm Bạch Đài hoàng quả. Cơ nhi thì đang ngủ trưa trong khoang bất ngờ, một trận mưa tên từ những chiếc thuyền con neo chặt trong đám đá tảng bờ Nam, ngụy trang bằng cành lá đã trùm lấy họ. Lý Dĩ và Trầm phu nhân đứng gần mép thuyền nên rơi ngay xuống nước. Hình ảnh cuối cùng mà họ Lý nhìn thấy là thân thể đẫm máu vì sáu mũi tên của Trầm Thiên Toàn. Lý thần y được phe đối phươngvớt lên đưa về Ô Giang thủy trại giam cầm. Khổng Chính mưu đồ bá chủ nên muốn ông sống sót mà phục vụ gã. Nhờ thuốc giải của ông mà Ô Giang thủy trại đánh bại Môn Bang bành trướng khắp Qúi Châu, trở thành một Thất Tinh bang hùng mạnh.

Nghĩ đến câu trời cao có mắt, Lý Dĩ bồi hồi khẳng định rằng quái vật này có thể là Trầm Thiên Cơ, đứa con của bạn mình. Ông mở mắt nhìn vào mặt cậu bé và hỏi :

- Có phải Cơ nhi đấy không?

Quái nhân cười rạng rỡ, gật đầu vỗ ngực, miệng phát ra những âm thanh của loài khỉ. Kể từ hôm ấy, Vô Tích Thần Y ở lại rừng Thần Y Giá dạy Thiên Cơ.

Chín năm trước, Trầm Thiên Toàn đã kịp ôm con nhảy xuống nước bơi vào bờ.

Nhưng do vết thương quá trầm trọng, ông chỉ chạy được vài dặm là táng mạng, bỏ lại đứa bé ba tuổi ở lại bìa rừng Thần Y Giá.

Tiếng khóc của Cơ nhi đã lọt vào tai một cặp người rừng. Họ xuất hiện, đưa cậu bé về nuôi dưỡng. Cuộc sống man rợ đã biến Cơ nhi thành một kẻ nửa người nửa thú.

Cậu quên đi ngôn ngữ của loài người nhưng trong ký ức vẫn còn lại chút hình bóng của người thân. Do vậy, khi gặp lại Vô Tích Thần Y, Cơ nhi đã cảm thấy dung mạo của ông rất quen thuộc, thân thiết.

Lý thần y quyết tâm đưa Cơ nhi trở về với xã hội loài người. Ông khổ công dạy cậu bé nói, viết và võ nghệ. Ông ngạc nhiên trước sức mạnh phi thường và sự nhanh nhẹn tuyệt luân của Thiên Cơ. Có lẽ đôi Sơn Quỷ kia đã cho Cơ nhi ăn một loại kỳ trân gì đó nên trong người cậu tiềm tàng một luồng chân khi rất hùng hậu. Nhờ vậy, khi rèn luyện đạo gia tâm pháp của phái Không Động, Cơ nhi tiến bộ rất nhanh.

Trong võ lâm, Lý Dĩ chỉ nổi tiếng như bậc thần y có tài diệu thủ hồi xuân. Rất ít người biết rằng võ công của ông chẳng kém Trầm Thiên Toàn một bậc. Họ Lý xuất thân từ núi Không Động trên đất Cam Châu. Ba mươi năm trước, ông vô tình đánh chết bằng hữu chí thân của mình nên thề không dùng đến võ công nữa.

Nhưng trớ trêu thay, trong lúc hành nghề thầy thuốc cứu đời, Lý Dĩ lại được một bệnh nhân tặng cho pho bí kíp Long Hổ chân giải. Tuyệt học này là của một bậc kỳ nhân có danh hiệu Long Hổ Tử, tạ thế đã gần trăm năm.

Chín năm leo trèo chạy nhảy như khỉ vượn đã khiến da lòng bàn chân Cơ nhi chai sần và cứng như sừng. Cánh tay và ngón tay của cậu cũng dài hơn bình thường.

Điều này khiến Thiên Cơ vụng về khi học viết chữ nhưng lại vô cùng đắc dụng khi thi triển pho Long Hổ thần thức. Với đôi bàm tay ấy, Thiên Cơ có thể chụp bắt đao kiếm ma chẳng sợ bị tổn thương.

Cơ nhi cũng đã dẫn Lý thần y lên đỉnh ngọn núi cao nhất trong rừng Thần Y Giá, nơi cư trú của đôi Sơn Quỷ. Hai quái nhân này đã chết từ ba năm trước nhưng trong hang của họ vẫn còn lại một ít di vật.

Ngoài xương cốt của Trầm Thiên Toàn còn có một hộp đồng và một chiếc vòng thép kỳ lạ. Hai vật này do đôi Sơn Quỷ nhặt được ở đâu đó trong khu rừng mênh mông, rậm rạp. Chiếc vòng thép có đường kính độ hơn gang tay, dường như là vũ khí vì hơn nửa vòng hơi dẹp và rất sắc bén.

Lý Dĩ mở hộp đồng, tìm thấy một quyển sách da dê cũ kỹ. Ông mừng rỡ nhận ra đây là pho tuyệt học Phi Hoàn thất thập nhị thủ của Thiết Hoàn Ma Quân, người đã ngạo thị võ lâm bốn mươi năm trước.

Sau mười năm khổ công đào luyện, Lý Dĩ tin rằng Thiên Cơ đã đủ sức báo gia thù, liền đưa chàng trai hai mươi hai tuổi này về Nghi Xương.

Tuy Thất Tinh bang chủ Khổng Chích không hề để lộ ra vai trò chủ mưu của Trầm Hạo Liệt nhưng Lý thần y vẫn đoán ra. Nếu Hạo Liệt không có dã tâm thì làm sao họ Khổng biết Trầm Thiên Toàn đi Tam Hiệp mà mai phục? Tuy nhiên, muốn kết tội Trầm Hạo Liệt thì phải có chứng cớ. Sự việc xảy ra đã gần hai mươi năm. Lý Di sẽ lấy gì để chứng minh thân phận của Thiên Cơ? Ai sẽ tin ông, và dù có tin, họ cũng chẳng làm gì được Trầm Hạo Liệt. Giờ đây, lão ta là người có võ công cao nhất võ lâm.

Nhưng trước khi thực hiện được ý định này thì Vô Tích Thần Y lâm trọng bệnh.

Ông đã bảy mươi chín tuổi, lại không quen với nếp sống thiếu thốn gian khổ nơi rừng sâu nên đã kiệt lực.

Trước khi qua đời, Lý Dĩ dặn dò Thiên Cơ rất kỹ lưỡng, chỉ dạy cho chàng những bước đi trong việc báo thù.

Bạn đang đọc Sơn Quỷ của Ưu Đàm Hoa
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi Mr. Robot
Phiên bản Dịch
Thời gian
Lượt đọc 65

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.