Quyển 1 Chương 11: Nạn Hồng Thủy. Deucalion Và Pyrrha. Giống Người Đá
Như đã kể, con người trên thế gian sống ngày càng xấu xa, hư hỏng, tội lỗi.
Tội nặng nhất của con người là kiêu căng, ngạo mạn, khinh thị thánh thần. Thần
Zeus giận họ vô cùng. Thần nghĩ bụng: “Phải xóa bỏ cái đồ hư hỏng ấy đi và tạo
ra một giống mới tốt đẹp hơn, ngoan ngoãn hơn, trong sạch hơn”. Nghĩ xong,
thần quyết định sẽ dùng nước để tẩy rửa sạch cái giống người hư hỏng đã làm ô
uế mặt đất. Thần ra lệnh cho thần Mưa hành động. Thế là hết ngày này sang ngày
khác, đêm này sang đêm khác, mưa từ trời cao trút xuống mặt đất bao nhiêu là
nước. Mưa ròng, mưa rã, mưa tầm, mưa tã, mưa hoài, mưa mãi, không ngơi không
dứt chút nào. Cẩn thận hơn, Zeus còn cấm không cho thần Gió Notos và Euros ra
khỏi đỉnh Olympe, vì chỉ có hai vị thần này mới có thể xua tan được những đám
mây đen gây ra lũ lụt do thần Zeus dồn về lớp lớp chất chồng. Mưa to và kéo
dài như thế khiến cho nước ở biển, sông suối, hồ ao... ngày một dâng cao. Nước
dâng lên tràn bờ, vỡ đê, ngập lụt khắp ruộng đồng, đô thị, làng mạc. Chẳng mấy
chốc mà khắp mặt đất chỉ là một biển nước mênh mông, trắng xóa chẳng còn gì là
dấu vết của đồng lúa chín vàng, ruộng nho trĩu quả, rừng xanh sẵn thú, lắm
chim. Người người, nhà cửa đều bị nước cuốn trôi ra biển. Cuối cùng chỉ còn
lại giống cá là được dịp vùng vẫy, lặn ngụp thỏa thích. Chúng đi khắp đó đây,
tung tăng nô đùa không hề biết gì đến thảm họa ghê gớm mà Zeus đã giáng xuống
cho loài người.
Nhưng may thay loài người không chết hết. Vẫn còn sót lại hai người, đúng hơn
là một cặp vợ chồng. Chồng tên gọi Deucalion là con của Titan Prométhée và
tiên nữ Clymène, vợ tên gọi là Pyrrha, con của Epiméthée và Pandore. Hai vợ
chồng Deucalion và Pyrrha sinh cơ lập nghiệp ở đất Thessalie vốn là những
người nhân nghĩa, phúc hậu nên được thần Zeus gia ân cho sống sót. Prométhée
theo lời phán truyền của Zeus, xuống báo tin cho con biết tai họa khủng khiếp
sắp tới và cách đề phòng. Theo lời chỉ dẫn của cha, Deucalion đóng một cái hòm
lớn, chất đầy lương thực. Khi trời đổ mưa, nước bắt đầu dâng cao, hai vợ chồng
rời nhà vào ngồi trong hòm. Và chiếc hòm đã bập bềnh trên sóng nước, trôi nổi
đi khắp đó đây dưới những trận mưa tầm tã, ròng rã suốt chín đêm ngày. Chín
đêm ngày lênh đênh như thế cho đến ngày thứ mười thì chiếc hòm của hai vợ
chồng Deucalion và Pyrrha trôi dạt đến ngọn núi Parnasse (Có chuyện kể là núi
Othrys), một ngọn núi duy nhất không bị nhấn chìm dưới nước. Đó cũng là lúc
thần Zeus nguôi giận, mưa tạnh dần, nước rút hết, mặt đất hiện ra.
Thấy tạnh mưa, nước rút hai vợ chồng Deucalion bảo nhau ra khỏi hòm. Thật
không thể nào kể xiết nỗi bàng hoàng, ngơ ngác của họ trước cảnh mặt đất tiêu
điều, hiu quạnh, xác xơ đến thế. Họ đi xuống chân núi tìm thấy một ngôi đền
thờ bị bùn phủ kín, rêu rong bám dày song chưa đến nỗi đổ nát. Họ nghĩ ngay
đến việc phải dâng lễ vật tạ ơn thần Zeus và các vị thần của thế giới Olympe
đã cứu giúp họ tai qua nạn khỏi. Hài lòng vì nghĩa cử thành kính của hai vợ
chồng, thần Zeus bèn sai thần Hermès, người truyền lệnh nhanh nhẹn của các
thần, xuống gặp họ:
- Này hỡi Deucalion và Pyrrha! Zeus bậc phụ vương của các thần và những người
trần thế, đã hiểu thấu tấm lòng thành kính của các con. Theo lời phán truyền
của Zeus, các con sẽ là người mở đầu cho một dòng giống mới của loài người.
Vậy các con có điều gì muốn kêu cầu, thỉnh nguyện thì cứ nói. Zeus người con
của Cronos, sẽ cho các con được toại nguyện.
Nghe lời truyền phán của thần Hermès, Deucalion vô cùng sung sướng. Chàng cất
tiếng cầu xin:
- Hỡi thần Hermès vĩ đại! Xin nhờ thần về truyền đạt lại cho đấng phụ vương
chí tôn, chí kính của các vị thần bất tử và những người trần thế đoản mệnh
rằng ta chỉ cầu xin thần Zeus và các chư vị thần linh hãy làm cho mặt đất có
cuộc sống của loài người, đâu đâu cũng có con người sống đông đúc tươi vui,
nhộn nhịp.
Hermès, vị thần đi nhanh như tên bắn, nghe Deucalion nói xong bèn trở lại đỉnh
Olympe tâu lại cho Zeus biết, Zeus gật đầu ưng thuận. Từ đỉnh Olympe cao ngất,
thần phán truyền cho họ những lời sau đây:
- Các người hãy lấy vải che mặt ra khỏi đền thờ và ném lại sau lưng mình
xương của mẹ các người!
Thoạt nghe những lời phán truyền ấy, Pyrrha vô cùng kinh hãi. Nàng bảo chồng:
“Không, không đâu, làm sao chúng ta có thể đang tâm làm được một việc như
thế?” Nhưng Deucalion bình tâm khuyên can vợ. Chàng suy nghĩ hồi lâu về ẩn ý
của lời phán truyền. “Ai là mẹ của chúng ta? Ai? Ai? Đất, đúng rồi! Đất, mẹ
của muôn loài, người nuôi dưỡng mọi sinh linh vạn vật. Thế thì xương mẹ là gì?
Là những hòn đá!” Chàng nói điều suy nghĩ của mình cho vợ biết. Và hai vợ
chồng làm theo sự suy nghĩ đó. Đúng như thế! Thật kỳ diệu! Mỗi hòn đá
Deucalion vứt về phía sau mình biến thành một người đàn ông, mỗi hòn đá Pyrrha
vứt về phía sau mình biến thành một người đàn bà. Và loài người cứ thế hồi
sinh trên mặt đất đông vui, nhộn nhịp. Từ đây một giống người Đá từ thần Mẹ-
Đất sinh ra, sống bám lấy Mẹ-Đất và bằng mồ hôi, nước mắt của mình, họ ra sức
làm việc để khôi phục lại cái thời Hoàng kim tràn đầy hạnh phúc yên ấm xưa
kia.
Deucalion và Pyrrha sinh được một con trai đặt tên là Hellen. Hellen lấy tiên
nữ Orséis sinh ra được ba người con trai là Doros (Có nguồn chuyện kể Doros là
con của thần Apollo và tiên nữ Nymphe Phthie), Xouthos và Éolos. Xuthus sinh
được hai người con trai là Ion và Achaeos. Đó là những vị thần thủy tổ của bốn
nhóm bộ lạc Doriens, Éoliens, Ionieens và Achéens cấu thành dân tộc Hy Lạp. Và
nước Hy Lạp Hellade64 là đất nước của vị thần Hellen, một đất nước mà nền văn
hóa đã tỏa chiếu khắp châu Âu, ánh sáng nhân văn cao quý và rực rỡ của nó như
một khởi đầu của mọi khởi đầu.
Môtíp nạn hồng thủy là một nét khá phổ biến trong thần thoại cổ tích của nhiều
nước. Trong thần thoại Thiên Chúa giáo chúng ta thấy có chuyện Thượng đế trừng
phạt loài người vì quá xấu xa, hư hỏng bằng một nạn hồng thủy. Riêng ông già
Noé và con cái được Thượng đế sinh phúc cứu mạng vì ăn ở hiền lành65.
[64] Người La Mã sau này gọi Hellade là Grèce.
[65] Xem La Sainte Bible, Ancien Testament, La Genèse 6, 7, 8.
Đăng bởi | Mr. Robot |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 13 |