Tào thị
Phủ thành chủ thành Vân Sạn...
Một người đàn bà trung niên trang điểm đậm, ăn mặc có phần diêm dúa dẫn theo một đám người chờ sẵn ở trước cửa căn nhà uy nghi bề thế, tọa lạc ngay ở trung tâm thung lũng Phúc Lăng. Vừa nhác thấy bóng mấy người Nguyễn Đông Thanh, y thị đã tiến lên một bước, cúi thấp đầu:
“Tiểu nữ Tào Tử Chân, thay mặt trăm họ thành Vân Sạn cung nghênh Bích Mặc tiên sinh hạ cố ghé thăm.”
Nguyễn Đông Thanh à một cái, quệt mũi, dời ánh mắt đi chỗ khác.
Nhan sắc Tào Tử Chân chỉ thuộc dạng trung bình khá, nay đã đến tuổi bên kia sườn đồi, có thể nói là hoa tàn ít bướm. Y thị mặc cái áo xẻ sâu, để lộ khe vực giữa hai quả núi ngồn ngộn cơ hồ đập ngay vào mắt người đối diện, khiến Bích Mặc tiên sinh của chúng ta chỉ biết nói dân phong Đại Hàn hơi thoáng quá.
Diệp Phàm thì dường như đã quen với kiểu ăn mặc của Tào Tử Chân. Gã tiến lên mấy bước, chắp tay:
“Thành chủ nói quá lời. Mấy ngày tới hi vọng thành chủ chiếu cố cho.”
“Chuyện trong phận sự. Chuyện trong phận sự. Quốc sư khách sáo quá.”
...
Song phương khách sáo với nhau một phen, sau đó Tào Tử Chân bèn sai người chuẩn bị phòng ở cho mấy người Nguyễn Đông Thanh. Trước khi dời gót, y thị còn nhìn về phía Dư Tự Lực một cái.
Cậu chàng thoáng rùng mình theo bản năng, hoàn toàn không rõ đối phương là cố ý hay vô tình, cũng chẳng đoán được ý nghĩ của y thị.
Phủ thành chủ thành Vân Sạn cũng xây theo lối Kinh Vũ Thổ Lư như những căn khác.
Khác biệt lớn nhất, đó là loại đất sử dụng để xây phủ thành chủ là một loại đất mịn như cát, trắng như muối tinh. Chẳng những đông ấm hè mát, mỗi khi trời tối, lại có những đường vân chạy ngang dọc giữa các bức tường tỏa sáng nhè nhẹ, khiến từ bên ngoài nhìn vào, cả tòa kiến trúc như một ánh đuốc dịu êm trong đêm đen.
Phủ thành chủ có binh lính đồn trú, tuần tra thường xuyên. Từ cửa sổ nhìn ra, thỉnh thoảng có thể thấy cảnh lính gác đổi ca.
Tu vi của những người này không lấy gì làm cao, phần lớn chỉ đạt tới Đệ Nhất Cảnh, nhưng mình mặc giáp, tay cầm giáo dài, eo đeo kiếm sắc. Trang bị tinh lương như thế, tuyệt không phải loại vớ vẩn mà cánh nông dân cầm cuốc, hay hiệp khách giang hồ thông thường có thể trêu chọc.
Sau khi gặp Tào Tử Chân, đoàn người của Nguyễn Đông Thanh ai về phòng người nấy. Diệp Phàm nói hôm nay mọi người tạm thời đừng đi đâu, cứ ở trong phòng chỉnh đốn nghỉ ngơi, bởi vì đến tối phủ thành chủ sẽ tổ chức yến tiệc chào mừng. Nếu như bây giờ ra ngoài, sau đó bỏ lỡ tấm thịnh tình của chủ nhà thì không được hay cho lắm.
Mấy người Hồng Đô, Dư Tự Lực, Hàn Thu Thủy đều cảm thấy thằng cha Diệp Phàm này còn có mưu đồ khác. Song gã nói chuyện có lý có cứ, ba người không phát hiện lập luận của gã có sơ hở nào. Lại thêm Bích Mặc tiên sinh kể từ lúc đến phủ thành chủ tới nay vẫn im hơi lặng tiếng, thành thử ba người bọn họ cũng “rất thức thời” mà im lặng.
Dư Tự Lực về phòng mình, ngả lưng xuống giường nghĩ ngợi vẩn vơ. Nhiều đêm, cậu chàng thường nằm mơ cảnh mình quay về thành Vân Sạn. Không lần nào Dư Tự Lực không công thành danh toại, trở thành thần y danh tiếng lẫy lừng, áo gấm về quê.
Chẳng ngờ, cậu chàng lại quay về Vân Sạn theo cách này.
Dư Tự Lực thở dài. Tuy hơn một năm nay đi theo Bích Mặc tiên sinh, học được rất nhiều tri thức quý giá thậm chí vượt ra khỏi những giấc mơ điên rồ nhất của mình, nhưng hiện giờ cậu chàng nói cho cùng vẫn là một tiểu bối vô danh mà thôi.
Công chưa thành, danh chưa toại, nhưng người xưa đã về chốn cũ. Bất giác, trong lòng Dư Tự Lực dâng lên một mặc cảm thất bại.
Chính lúc họ Dư còn đang vật lộn với hội chứng kẻ mạo danh, thì bên kia cánh cửa phòng đã có một giọng nói quen thuộc cất lên:
“Dư ngỗ tác. Tôi vào được không?”
Dư Tự Lực gần như là bắn mình lên khỏi giường, kế đó vội vàng chạy ra mở cửa.
Bên ngoài, tựa lưng vào lan can gỗ chạm trổ tinh xảo, đương nhiên chính là Bích Mặc tiên sinh của chúng ta.
oOo
Tào thị ở thành Vân Sạn có thể nói là hiện thân của câu “thà làm đầu gà còn hơn làm đuôi phượng hoàng”.
Thung lũng Phúc Lăng thoạt trông thì giống như một thế ngoại đào nguyên, không bị nổi khổ chiến tranh tràn tới. Song, nơi đây cũng hệt như một đầm nước cạn, một cái ao tù. Vật tư thì phụ thuộc vào ngoại giới, chân khí thì mỏng manh không thích hợp cho chuyện tu hành.
Thành thử, tuy chức vị thành chủ thành Vân Sạn được quyền phân bố tài nguyên, điều phối vật tư cho cả một thung lũng Phúc Lăng rộng lớn, nhân khẩu đến mấy chục vạn nhà mà không một thành chủ nào khác có.
Nhưng công khanh trong triều đình Đại Hàn lại chẳng ai thèm tranh giành.
Bất kể là họ Triệu ở phương bắc, hay họ Từ ở phía nam, cho dù quan hệ trong triều không ít, nhưng cũng không muốn đưa con cháu trong tộc đến thành Vân Sạn nhậm chức. Thậm chí, môn sinh đệ tử của hai họ cũng không muốn bị đưa đến Phúc Lăng.
Có thể nói, địa vị của thành Vân Sạn ở Đại Hàn chẳng khác nào ải Quan Lâm ở Đại Việt.
Không có sức mạnh từ bên ngoài can thiệp, địa vị thống trị của họ Tào ở Vân Sạn trở nên vững như bàn thạch. Kể từ chiến tranh Phạt Hải ba ngàn năm trước đến nay, họ Tào chưa bao giờ tìm cách tiến vào trung ương, thế tộc nước Hàn cũng không can thiệp vào thung lũng Phúc Lăng.
Họ Tào cũng có thể coi là gia tộc duy nhất ở Huyền Hoàng giới tuy đã tồn tại ngàn năm, nhưng vẫn chỉ là hào cường địa phương, chẳng tài nào tiến thân vào tầng lớp thế tộc được.
“Tiên sinh. Sao tự nhiên lại hỏi chuyện của Tào thị?”
Dư Tự Lực nhìn gã đàn ông ăn mặc giản dị, cằm lún phún râu trước mặt, hỏi một cách dè dặt. Theo cậu chàng thấy, lần này dừng chân ở thành Vân Sạn chẳng qua là chuyện ngoài ý muốn.
Mấy người bọn họ chỉ ở đây vài ngày ngắn ngủi, sau đó sẽ lập tức lên đường. Cho dù thực sự Tào thị có vấn đề, thì chỉ e cũng không thể nào điều tra cặn kẽ. Mà kể cả có nắm được đuôi của bọn họ đi nữa, thì làm gì có thẩm quyền mà xử?
Nguyễn Đông Thanh nhấp một ngụm nước, lại cười:
“Dư ngỗ tác. Cậu đến thành Bạch Đế tính đến nay cũng hơn một năm rưỡi rồi. Chuyện đánh địa chủ, ép Đào thị, chia ruộng đất lần trước, chính bản thân cậu cũng tự mình kinh qua. Chẳng nhẽ không cảm thấy gì sao?”
“Ý của tiên sinh là...?”
“Cậu không thấy Vân Sạn này vô cùng đặc biệt sao? Tôi nghe Hồng hộ vệ nói chân khí ở nơi đây vô cùng mỏng manh, không thích hợp cho việc tu hành. Tư binh của phủ thành chủ có tu vi cũng là sử dụng đan dược đưa từ bên ngoài vào chồng chất lên.”
Nguyễn Đông Thanh càng nói, Dư Tự Lực lại càng cảm thấy câu chuyện đi xa khỏi chủ đề ban đầu. Cậu chàng ho khan một tiếng, hỏi:
“Tiên sinh, ngài nói chuyện cao thâm quá, tại hạ thật sự không theo kịp.”
Nguyễn Đông Thanh cười lắc đầu, nói:
“Thôi. Nói thế này thì hơi đánh đố các cậu thật. Cậu có biết chỉ nội cái chuyện chèn ép Đào thị, chia ruộng cho dân chúng ta làm ở Bạch Đế, những người viết sách kia đã mất bao lâu không?”
“Bao... bao lâu?”
“Hai ngàn năm.”
Nguyễn Đông Thanh lắc đầu, thở dài.
Có nhiều người hiện giờ sống trong hòa bình đã quen, lại bắt đầu quay lại chửi mắng tổ tiên là “tư tưởng bần nông, đố kỵ người giàu”.
Thực ra, mâu thuẫn nông dân – địa chủ là mâu thuẫn xã hội cơ bản của xã hội phong kiến. Cho dù là phương tây hay phương đông, phong kiến phân quyền hay tập quyền, lãnh chúa hay địa chủ, thực ra bản chất vẫn vậy. Biến ruộng công thành ruộng tư, biến nông dân thành nông nô, ấy là bản chất của giai cấp địa chủ, cũng là cách để phú hộ ngày xưa có đồng ruộng cò bay thẳng cánh, trâu thành đàn, người ở thành bầy thành lũ.
“Người cày có ruộng”...
Bốn chữ nghe thì đơn giản, thực chất đong đầy máu và nước mắt.
Nước Đại Ngu diệt vong, thật sự là do dân chúng quan lại đều nhớ ơn vua Trần, Hồ Quý Ly soán quốc mới vong sao? Nếu xét đến những chính sách như hạn điền, hạn nô của ông ta, thì sự thật chưa hẳn đã như vậy. Quân Minh đánh đâu thắng đó, chẳng mấy đã dẹp xong nhà Hồ, thậm chí còn tạo ra trận chiến thành Đa Bang vô cùng nực cười trong sách sử...
Nguyên do có chăng là để che giấu chuyện gì đó cánh sĩ phu, quan lại, điền chủ đã làm không muốn ai biết?
Một người rất khó phản bội giai cấp của mình. Người viết sử là ai, thuộc tầng lớp nào trong xã hội phong kiến, bảo vệ quyền lợi của giai cấp nào, những chuyện này thực ra đều cần phải suy xét kỹ càng. Không phải cứ đọc được vài dòng sử sách như con vẹt là có thể xưng là ta đây biết sử, yêu sử. Trái lại, người hiện đại đớp phải bả tuyên truyền của giới cầm quyền phong kiến, há chẳng phải là tiến hóa lùi hay sao?
Tựu chung, trong sử sách phong kiến từ xưa đến nay, cơ hồ chưa một người nào thực hiện được bốn chữ “người cày có ruộng”. Cũng chẳng phải bỗng dưng, mà cho đến tận bây giờ, ở nước ta đất đai vẫn là tài sản công hữu, thuộc về quốc gia.
Nguyễn Đông Thanh sở dĩ dám đề cập đến chuyện cải cách ruộng đất, đó là vì Huyền Hoàng giới không phải xã hội phong kiến.
Người ở đây có tu vi, có thể bay lên trời, dời núi lấp bể.
Đột phá cảnh giới, nhiều lúc, cũng tương đương với leo từ giai cấp này lên giai cấp khác.
Xét trên một khía cạnh nào đó, hệ thống tu hành khiến việc thôn tính ruộng đất của chế độ phong kiến dường như đã không còn là mâu thuẫn chính của xã hội nữa.
Nguyễn Đông Thanh hít sâu một hơi, nói:
“Ở một nơi chân khí mỏng manh như thế này, Tào thị muốn phát triển, dường như cũng chỉ có một con đường. Ngày mai cậu âm thầm hỏi thử xem, những thửa ruộng ngoài kia có bao nhiêu là thuộc tư hữu của Tào thị, bao nhiêu là ruộng công.”
oOo
Trong giai đoạn gần đây và sắp tới, truyện sẽ đi vào một giai đoạn gọi là đại tranh chi thế (hint từ arc Kiếm Vực), nên nvp xuất hiện rất nhiều, cũng có ảnh hưởng lớn đến cốt truyện chính. Nếu phải so sánh thì đây là giai đoạn “trước đại chiến Xích Bích”, “trước Cơ Xương rời Triều Ca” của truyện. Nên anh em nếu còn theo dõi thì cứ sử dụng phần "nhân vật" của truyenyy để tra cứu cho tiện.
Anh em ai đọc thấy hay thì like, comment, và đề cử ủng hộ nhóm tác giả ạ! Nếu truyện được ủng hộ nhiều likes mà tồn cảo đủ, nhóm tác sẽ cố gắng đăng nhiều chương hơn mỗi tuần!
Đăng bởi | CổThuyết |
Thời gian | |
Lượt thích | 1 |
Lượt đọc | 12 |