Mỹ Hạnh chợt nhận ra rằng ngoài những tiếng chít chít, đứa em họ của cô chưa từng nói một từ nào kể từ khi hai người gặp nhau. Dường như nó bị câm hoặc chậm phát triển, nhưng ý nghĩ đó không làm cô cảm thấy đồng cảm với nó hơn chút nào. Nếu ví ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn thì chỉ cần thoáng nhìn đã biết tâm hồn của con bé này chất chứa đầy nỗi hằn học vô cớ với người khác.
Bà Loan đút cho con bé ăn. Mỹ Hạnh không kìm được, liền hỏi:
- Em nó bao nhiêu tuổi rồi ạ?
- Mười tuổi, cháu ạ.
- Mười tuổi mà không tự ăn được ạ?
Bà Loan nhìn cô với vẻ phật ý:
- Nó tự ăn được nhưng ăn chậm. Cô thương nó nên phải xúc cơm cho nó ăn. Khi nào cháu lớn, có con rồi cháu sẽ hiểu.
- Sao em nó không nói gì thế ạ?
- Nó vẫn nói đấy thôi.
- Ý cháu là nói những từ bình thường ấy.
- Nó nói được, nhưng không thích nói.
Trong suốt cuộc hội thoại, con bé con vẫn nhìn Mỹ Hạnh chằm chằm. Mỹ Hạnh cúi gằm mặt xuống ăn cơm.
Bà Loan thật khéo tay, các món đều được nấu rất vừa. Mỹ Hạnh vừa ăn vừa khen nức nở:
- Bữa ăn hôm nay ngon quá ạ.
Ông Ngạn cười nói:
- Ăn cho no vào, ngủ cho ngon.
- Cô Loan nấu ăn ngon thế này chắc mở nhà hàng được đấy ạ.
- Ừ, cô có năng khiếu nấu nướng đấy. Nhưng mà sức khỏe yếu nên chú cho cô ở nhà, chăm sóc chồng con là được rồi.
- Cháu có điều này muốn hỏi chú từ lâu ạ.
- Muốn hỏi gì thì cứ hỏi đi.
- Chú làm nghề gì mà giàu thế ạ?
Tính cách Mỹ Hạnh mạnh mẽ chứ không hay ngại ngùng và e thẹn, đã tò mò điều gì là hỏi ngay.
Ông Ngạn nói:
- Nhiều người cũng hỏi chú câu đấy và câu trả lời của chú là ông trời đã thương chú. Chú không nói dối, đúng là ông trời đã thương chú, chỉ là chú không muốn nói rõ ông trời thương chú như thế nào. Ngày hôm nay chú sẽ kể cho cháu nghe.
- Dạ.
- Đây là chuyện bí mật nên chú hy vọng cháu sẽ không kể lại cho người khác biết.
- Cháu hứa ạ.
- Tốt lắm. Cháu sinh ra ở làng Thổ hẳn phải biết rõ ngôi làng ấy như thế nào. Ngôi làng của chúng ta rất nghèo và nằm trên núi nên cơ hội việc làm rất ít. Những người đàn ông trong làng chỉ có hai sự lựa chọn, một là cố học cho giỏi và hai là đi làm công nhân. Chú của cháu không được thông minh nên học mãi không vào đầu. Chú cũng không muốn đi làm công nhân nên quyết định chọn con đường thứ ba, đó là đi đào vàng. Cái nghề này bạc lắm, mười người đi năm người chết, năm người còn lại cũng dặt dẹo cả đời nên chẳng mấy ai dám liều mạng. Nhưng chú đã quyết chí rằng hoặc mình sẽ trở nên giàu có hoặc vĩnh viễn ở lại nơi rừng thiêng nước độc, không bao giờ về nữa.
Câu chuyện của ông Ngạn có vẻ khác thường nhưng Mỹ Hạnh đồng cảm với ông. Chính bản thân cô đây cũng đang bất chấp tất cả để được trở nên giàu có và thoát khỏi cảnh nghèo nàn đã vây khốn gia đình cô từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Ông Ngạn mỉm cười:
- Cháu tuy không cùng họ với chú nhưng chúng ta vẫn có chung một phần huyết thống, bố của chú là ông ngoại của cháu. Dòng máu đó là sợi dây kết nối giữa hai chúng ta. Chú có thể cảm nhận được lòng khao khát và sự quyết tâm trong mắt cháu. Cháu tất hiểu được tại sao năm xưa chú làm như vậy.
- Cháu hiểu. Vậy là chú đã tìm được mỏ vàng?
- Làm gì có mỏ vàng nào? Tất cả các mỏ vàng được dân đào rỉ tai nhau đều đã bị khai thác cạn kiệt chỉ còn trơ lại đất đá. Những cánh rừng đã nhường chỗ cho những làng và khu dân cư mới mọc lên. Chú lang thang năm này qua năm khác, chỉ thấy những người đi cùng mình rơi rụng dần mà không tìm được gì cả. Đúng vào lúc chú định bỏ cuộc thì chú đã tìm thấy nó, thứ đã làm thay đổi cuộc chú và giúp chú có được cơ nghiệp ngày nay.
Mỹ Hạnh rướn người, gần như muốn đứng lên khỏi cái ghế.
- Đó là thứ gì thế ạ?
- Một thứ rất quý giá, một thứ mà tất cả mọi người đều thèm khát. Tuy chú không thể nói cho cháu biết chú đã tìm thấy gì, nhưng chú có thể nói chú đã tìm thấy nó như thế nào. Nó nằm trong một cái hang rất sâu và tối tăm. Nhờ cấu trúc địa chất tự nhiên mà cái hang đấy rất lạnh và đó là điều kiện tối cần thiết để duy trì các phẩm chất phi thường của nó. Có lẽ nó đã ở đấy trong hàng trăm, hàng ngàn năm. Lối vào chật hẹp và lạnh giá đã bảo vệ nó khỏi sự tham lam của con người. Chú là người đầu tiên tìm thấy nó. Vào thời điểm chú tìm thấy nó, nó đang ở trong trạng thái hoàn hảo nhưng chưa được thức tỉnh. Nó đang ngủ say.
- Nó đang ngủ say? Nó là cái gì mà lại ngủ say được thế chú?
Bà Loan nhìn chồng với ánh mắt giận dữ làm ông Ngạn chột dạ.
- Chú nói một cách hình tượng thôi. Cháu đừng bận tâm vào tiểu tiết làm gì.
Mỹ Hạnh vẫn không sao dứt được ý nghĩ về vật kỳ dị mà chú cô đã tìm được.
- Chú đã bán nó đi rồi, hay vẫn còn giữ lại ạ?
- Theo cháu thì sao?
- Hẳn chú phải bán đi rồi thì mới xây được cái nhà to thế này.
- Cháu nói đúng lắm.
- Và bây giờ chú không phải làm gì ạ? Chú chỉ việc tiêu số tiền mà chú đã kiếm được từ việc bán cái vật ấy?
- Nói thế cũng không đúng. Chú vẫn phải tiếp tục làm việc. Chẳng mấy chốc chú sẽ nói cho cháu biết chú đang làm việc gì, và khi ấy nhất định cháu sẽ cảm thấy bất ngờ.
- Cháu cũng có cảm giác như vậy. Cháu không biết cháu có muốn biết không nữa. Cảm giác ấy thật kỳ lạ. Cứ như thể cháu sẽ hối tiếc nếu biết chú đang làm việc gì.
- Vậy ư? Linh cảm của cháu thật khác thường.
Bầu không khí trong căn phòng chùng xuống. Mỹ Hạnh nhận ra rằng cả ba người đều đang nhìn mình với ánh mắt thập phần quái dị. Ánh mắt ấy pha trộn giữa sự thèm khát với mê man.
- Có lẽ cháu nên về quê. Cháu cứ nghĩ chú đang mở doanh nghiệp làm ăn hoặc buôn bán gì đó, nhưng hóa ra không phải. Việc của chú chắc hẳn rất đặc thù, cháu sợ mình không học được.
Ông Ngạn cau mày:
- Cháu đừng nhụt chí sớm thế. Cháu đã mất công lên đây mang theo bao nhiêu kỳ vọng mà lại chấp nhận trở về tay trắng như vậy sao? Mẹ cháu hẳn sẽ thất vọng lắm.
Mỹ Hạnh lại một lần nữa lưỡng lự.
Ông Ngạn luôn biết đánh trúng vào điểm yếu của cô là khao khát được vươn lên, được giàu có và quyết tâm đi đến tận cùng con đường để biết xem ở cuối con đường ấy có gì. Cô có linh cảm xấu về thứ mình sẽ nhìn thấy, nhưng cô không nỡ từ bỏ ước mơ của mình chỉ vì một linh cảm không chắc chắn.
- Cháu xin lỗi. Cháu sẽ ở lại.
- Vậy mới phải chứ.
Bữa ăn sau đó diễn ra bình thường, mọi người nói về những chuyện tầm phào, vô thưởng vô phạt.
Khi cả nhà đã ăn xong, Mỹ Hạnh định đi rửa bát nhưng ông Ngạn giữ cô lại.
- Cháu không cần phải làm những việc này. Cứ để cô Loan làm.
- Ơ, thế đâu được ạ? Cô đã nấu cơm rồi mà. Cháu phải giúp việc gì trong nhà chứ.
- Lúc này thì chưa cần. Cháu cứ nghỉ ngơi và làm quen với cuộc sống trong nhà này đã. Bây giờ cháu về phòng đi. Chú có điều này nhắc cháu. Em Chuột là người cực kỳ thính ngủ, chỉ cần một tiếng động rất nhỏ cũng có thể khiến nó tỉnh dậy ngay tức thì và sau đấy không thể ngủ lại được nữa. Trước đây cô chú không biết, cứ nghĩ nó ở trong phòng, mình đi nhẹ nhàng bên ngoài làm sao mà biết được. Ai ngờ nó biết hết đấy. Sự thiếu ngủ đã làm cho nó trở nên chậm lớn và dễ cáu gắt. Chúng ta không muốn sai lầm này lặp lại lần nữa. Vậy nên buổi tối cháu đừng rời khỏi phòng nhé. Hơi bất tiện cho cháu, nhưng chú tin rằng một người tốt bụng như cháu nhất định sẽ hiểu tại sao mình phải làm thế.
Mỹ Hạnh cảm thấy chuyện này có hơi quái lạ, nhưng vẫn đáp:
- Dạ, cháu thấy thế cũng ổn ạ.
- Nhưng nhiều khi cháu sẽ có hành động bột phát, chẳng hạn như lúc nãy vì gặp ác mộng mà trở nên mất bình tĩnh. Cháu có lẽ sẽ chạy khỏi phòng và la hét, như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến em Chuột. Vậy nên, để ngăn ngừa những tình huống đáng tiếc xảy ra, chú sẽ khóa cánh cửa gỗ lại, nhưng cháu yên tâm, đến sáu giờ sáng chú lại mở nó ra. Cháu không việc gì phải lo lắng.
Đề nghị của ông Ngạn khiến Mỹ Hạnh rùng mình.
- Nhỡ chú quên hoặc có việc phải đi đâu đó thì cháu chết mất.
- Chú không quên được đâu. Cháu là cháu của chú, làm sao chú quên được chứ? Cháu yên tâm đi.
Cho dù ông Ngạn ra sức thuyết phục, Mỹ Hạnh vẫn khăng khăng không chịu.
Cô nói rằng mình thà ra ngoài thuê phòng trọ còn hơn bị nhốt trong một không gian chật hẹp, bí bách và không có lối thoát như vậy.
Ông Ngạn cười bảo:
- Ở đây làm gì có phòng trọ? Muốn thuê nhà trọ phải đi xa hai cây số đấy, cháu ạ. Chú rất hiểu nỗi lo lắng của cháu. Hay thế này đi, cháu nghe lời chú, chú cho mẹ cháu tiền để xây lại cái bếp. Cháu thấy thế nào?
Khu bếp của nhà bà Xuyến bị dột, mỗi lần mưa là nước chảy tong tỏng xuống khu vực nấu cơm rất khổ sở. Bà muốn sửa lại khu bếp này từ lâu mà không có tiền.
Trong cuộc điện thoại ngày hôm qua, bà Xuyến đã đề cập với em trai chuyện này, nhưng lúc đó ông Ngạn không hề có ý định giúp đỡ chị.
- Chú thực sự cho nhà cháu tiền để sửa bếp ạ?
- Chú có nói đùa bao giờ đâu?
Ông Ngạn lập tức rút điện thoại, cũng không hỏi xem chị mình cần bao nhiêu, cứ thế chuyển vào tài khoản ngân hàng của chị năm mươi triệu, rồi đưa biên lai chuyển tiền điện tử cho Mỹ Hạnh xem.
Mỹ Hạnh thở dài.
Xem ra tối nay cô sẽ phải ở trong căn phòng kinh khủng kia rồi. Cô không thể bắt mẹ mình trả lại tiền chỉ vì cô sợ căn phòng đó.
Vì lẽ này lẽ khác, cô đang dấn sâu hơn vào cuộc sống chứa đựng đầy những điều kỳ quặc trong nhà ông Ngạn và dần dần cô đang tự uốn mình để chiều theo những điều kỳ quặc ấy, điều mà cô không thể tưởng tượng được chỉ một ngày trước đây.
Đăng bởi | vukhucisme |
Thời gian | |
Lượt thích | 1 |
Lượt đọc | 3 |