Hãy Đăng ký Thành viên của TruyenYY để có thể thích, bình luận, đánh dấu chương đang đọc, chuyển giao diện đọc truyện... Chỉ mất chưa đến 1 phút của bạn thôi nhưng còn nhiều điều để khám phá lắm nhé! (Hoặc nhấn vào đây để Đăng Nhập)
Tiểu thuyết gốc · 2005 chữ

Sau khi đã vệ sinh cá nhân, Mỹ Hạnh trở lại tầng hầm, ngước đầu nhìn ông Ngạn sập cánh cửa gỗ xuống, nhốt mình bên trong.

Cho dù đã chuẩn bị tinh thần, cảm giác ấy vẫn thật nặng nề.

Cô ngồi thừ trên giường, lấy điện thoại ra định gọi cho mẹ. Lúc đó cô mới nhận ra rằng điện thoại không có sóng.

Điều này cũng dễ hiểu. Căn phòng ở dưới tầng hầm, bên trong không lắp đặt bộ phát sóng wifi, từ căn phòng này không thể liên lạc với thế giới bên ngoài.

Nhờ tinh thần lạc quan và sự dũng cảm hiếm có, Mỹ Hạnh xốc lại tinh thần rất nhanh. Cô tắt bóng đèn LED, bật bóng đèn vàng, lên giường nằm ngủ.

Bóng đèn vàng tỏa ra ánh sáng yếu ớt, mờ nhạt, nếu quay mặt vào góc tường thì hoàn toàn không có cảm giác chói mắt.

Sau một lúc trằn trọc, cuối cùng Mỹ Hạnh cũng tự ép được mình vào giấc ngủ.

Đó là một giấc ngủ nặng nề và mệt mỏi y như giấc ngủ buổi trưa. Lần này cô không gặp ác mộng nữa, nhưng trong suốt thời gian ngủ, cô liên tục nghe thấy những tiếng gõ đều đặn không xác định được từ đâu đến, hoặc do vật gì gây ra.

Mỹ Hạnh thức dậy ba lần vào buổi đêm, mỗi lần như thế cô lại lắng tai nghe, nhưng tất cả những gì cô nghe thấy chỉ là sự tĩnh lặng tuyệt đối. Trong lần thức dậy thứ ba cô đi vòng quanh căn phòng, áp tai vào tường để tìm kiếm nguồn gốc của tiếng động, nhưng cũng chẳng phát hiện được điều gì.

Đến sáng, Mỹ Hạnh bật ngồi dậy, không phải vì cô đã ngủ đẫy giấc, mà vì một ý nghĩ chợt hiện trong đầu. Gầm giường. Cô quên chưa kiểm tra gầm giường.

Cô trèo xuống giường, cúi xuống, sửng sốt khi nhận ra rằng chiếc giường này không có chân mà về bản chất là một cái hộp bằng gỗ kín như bưng. Hoặc giả nếu xem căn phòng này như một hầm mộ thì cái giường này chính là cái quan tài.

Ý nghĩ ấy khiến cô rùng mình. Cô không hiểu tại sao mình lại có thể bỏ qua một chi tiết rõ ràng và hiển hiện đến thế. Có lẽ vì từ lúc đến đây quá có nhiều điều khác thường đã xảy ra, chúng ập đến cùng một lúc khiến não bộ của cô bị quá tải và nó đã phớt lờ những điều mà nó cho rằng không thực sự quan trọng.

Mỹ Hạnh dùng ngón tay gõ vào thành gỗ. Âm thanh phát ra y như tiếng gõ mà cô đã nghe thấy lúc ngủ.

Tiếng gõ ấy là một giấc mơ hay có thật? Nếu nó là giấc mơ sao trùng khớp đến thế? Nếu nó có thật và vang từ hộp gỗ ra thì tại sao bây giờ, lúc cô đang thức và tỉnh táo, lại không thể nghe được nữa?

Thành giường tuy không dày, nhưng các mảnh gỗ đã được đóng lại thành một khối liền mạch nên nếu không đục thủng thì không thể biết được bên trong có gì. Mỹ Hạnh còn đang xem xét thì cánh cửa gỗ phía trên đã bật mở, ông Ngạn thò mặt xuống nói với vẻ khó chịu:

- Cháu đang làm gì vậy?

Mỹ Hạnh thật thà nói:

- Đêm qua cháu nghe thấy tiếng gõ giống như phát từ cái giường này ra, nên muốn tìm hiểu xem là gì ạ.

- Do cháu ngủ mơ thôi. Cái giường ấy đắt tiền lắm, cháu đừng nghịch ngợm mà làm hỏng, không có tiền đền đâu.

- Vâng, cháu biết rồi.

- Cháu muốn tiếp tục ở trong phòng hay lên trên nhà với cô chú?

- Cháu muốn ra ngoài chú ạ.

- Vậy thì lên đây.

Lời mời ấy nghe mới gượng gạo làm sao.

Mỹ Hạnh mặc kệ. Cô vẫn trèo lên cầu thang, theo ông Ngạn ra phòng khách. Ông nói với cô:

- Cháu chơi ở đây. Đừng đi đâu lung tung cả nhé.

- Cháu muốn ra ngoài đi dạo chú ạ.

Ông Ngạn lắc đầu:

- Chỗ này có gì thú vị đâu mà phải đi dạo?

- Cháu không cần đến công viên mà chỉ muốn ra hít thở một chút thôi.

- Vậy thì càng không cần. Ngoài kia bụi bặm, ô nhiễm lắm, càng hít nhiều càng có hại cho sức khỏe. Cháu cứ ở nguyên trong căn phòng này, muốn xem ti vi, đọc sách, lướt điện thoại hay làm gì cũng được, miễn đừng đi lại lung tung. Có việc gì thì gọi to lên cô chú sẽ đến ngay.

Nói rồi, ông Ngạn bỏ đi mất.

Trong phòng khách còn lại mỗi Mỹ Hạnh và chiếc điều hòa vẫn đang thổi gió ầm ầm. Nhiệt độ giảm sâu khiến cô cảm thấy lạnh buốt.

Cô lấy làm lạ khi nhà ông Ngạn bật điều hòa cả ngày lẫn đêm, không nghỉ bao giờ. Ngay cả khi không có người sử dụng các máy điều hòa vẫn chạy điên cuồng, phả khí lạnh vào không khí một cách hết sức vô nghĩa.

Phòng ngủ của cô dường như là nơi duy nhất trong toàn bộ ngôi nhà này không hề lắp máy điều hòa mà chỉ có hệ thống thông khí kín đáo nào đó.

Mỹ Hạnh gọi điện thoại cho mẹ nói chuyện một lúc lâu, kể lại cho bà nghe những điều đang xảy ra ở đây. Bà Xuyến hỏi:

- Vợ của chú Ngạn tên Loan à?

Mỹ Hạnh nghe mẹ hỏi vậy, hết sức ngạc nhiên

- Ơ, mẹ không biết ạ?

- Biết sao được? Chú mày đã dẫn vợ con về ra mắt bao giờ đâu?

- Chú ấy tổ chức đám cưới mà không mời bà ngoại và mẹ đến dự à?

- Không. Tao còn không biết nó đã tổ chức đám cưới.

- Con Chuột mười tuổi rồi đấy mẹ ạ.

Bà Xuyến chép miệng:

- Mười năm trước cũng là lần cuối cùng chú Ngạn về làng. Khi ấy bà ngoại bệnh nặng lắm rồi. Trước lúc chết bà ngoại của mày cứ giục chú mày lấy vợ mà nó cũng chẳng nói gì, làm bà ngoại mày chết trong lo lắng. Thật là …

Mỹ Hạnh ngẩng đầu lên nhìn. Cô lại vừa mới nhận ra một điều kỳ quặc nữa.

Căn nhà này không hề treo ảnh gia đình. Các bức tường treo rất nhiều tranh nhưng đều là tranh phong cảnh, trìu tượng hoặc vẽ những người xa lạ chẳng hề liên quan gì đến gia chủ.

Cô thì thào:

- Con có chút việc. Tí nữa con sẽ gọi lại cho mẹ.

Mỹ Hạnh dập máy, mở cửa phòng khách bước ra ngoài.

Căn nhà im phăng phắc. Mỹ Hạnh đoán rằng gia đình cô chú đang tập trung ở phòng ăn hoặc khu vui chơi của con Chuột.

Ông Ngạn không hiểu làm nghề gì mà sáng trưa chiều tối đều ở nhà, đã thế còn chẳng hề ngồi máy tính hay gọi điện thoại như những người đàn ông bận bịu với công việc kinh doanh khác.

Mỹ Hạnh ngó nghiêng không thấy ai, liền nhẹ nhàng bước lên cầu thang để lên tầng hai.

Tầng hai giống như một thế giới bí ẩn mà cho đến nay ông Ngạn vẫn cấm cô đụng vào.

Lẽ ra Mỹ Hạnh đã nghe lời chú bởi cô là một đứa con gái ngoan, nhưng chỉ trong một ngày cô đã phát hiện ra quá nhiều điều khác thường về con người này, cô cảm giác ông đang nói dối cô, khiến cô nung nấu ý định tìm bằng được sự thật.

Cô đi chân trần để không gây tiếng động. Cô đi nhón trên các đầu ngón chân, lanh lẹn như một con mèo, tinh khôn và quả cảm. Đây không phải là lần đầu tiên cô đi do thám người khác, ở quê cô thường hay bày trò trốn tìm với bọn trẻ trong làng. Không đứa nào bắt được cô. Cô luôn là người chiến thắng.

Tầng hai, đúng như lời của ông Ngạn, có ba phòng ngủ. Mỹ Hạnh có thể đoán được ai ngủ ở phòng nào căn cứ vào cách trang trí và độ rộng của mỗi phòng. Phòng của vợ chồng ông Ngạn rộng nhất. Phòng của con Chuột có ảnh một con chuột hung dữ dán ngoài cửa. Còn một phòng nữa nằm ở xa bên phải, tách biệt với hai phòng còn lại. Mỹ Hạnh bước đến phòng ấy trước tiên, tò mò không biết tình trạng chống thấm diễn ra thế nào rồi.

Cô mở cửa phòng, ngạc nhiên khi nhận ra căn phòng này không hề được sửa chữa gì, mọi thứ đều ở trong tình trạng hoàn hảo và sẵn sàng sử dụng. Các bức tường khô ráo, vững chắc và sạch sẽ. Cô đi một vòng, sờ tay lên tường, kiểm tra cả nhà vệ sinh, càng tìm hiểu kỹ hơn càng thấy tức giận và khó hiểu. Tại sao ông Ngạn không cho cô ngủ ở căn phòng này? Ông ấy nói rằng căn phòng này đang được chống thấm nhưng cô không nhận ra điều đó. Chỉ có hai cách giải thích cho chuyện này mà thôi. Một là ông Ngạn không muốn cô ngủ trên tầng hai cạnh vợ chồng con cái ông, hai là ông muốn cô ngủ trong căn phòng tầng hầm. Hoặc là cả hai lý do trên.

Mỹ Hạnh đi tiếp sang phòng của ông Ngạn. Căn phòng này cũng như các phòng khác, không được trang trí gì cả. Nó không giống phòng ngủ bình thường của một gia đình bình thường, nơi mà người ta thường treo ảnh các thành viên trong gia đình để làm tăng sự gắn kết. Nó giống như một phòng khách sạn cho những người xa nhà dừng trú qua đêm và sáng hôm sau chia tay mà không nhung nhớ gì cả.

Mỹ Hạnh lục tìm ngăn bàn, ngăn tủ, hy vọng sẽ phát hiện ra điều gì đó giúp chỉ dẫn rõ hơn về cuộc sống của ông Ngạn. Mỗi phút trôi qua đều khiến cô cảm thấy bồn chồn hơn, nỗi sợ hãi sẽ bị phát hiện làm cô chảy mồ hôi đầm đìa trên người. Nhưng nỗi khao khát phá tan màn sương dày đặc đang bao trùm lên căn nhà này và tất cả những người sống trong đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cô. Cô vẫn kiên trì tìm kiếm, cho đến khi cô tìm thấy một biên bản hồ sơ được cất trên giá sách.

Biên bản ấy làm cô tò mò. Cô liền mở nó ra xem. Nhất thời cô không hiểu biên bản ấy viết gì vì nhiều trang nội dung đã bị xé bỏ. Những dòng chữ còn lại ghi một thông tin vắn tắt.

Kết quả điều tra:

Tên người: Vũ Bảo Trâm.

Tình trạng: Tử vong.

Nguyên nhân: Tự sát.

Mỹ Hạnh đọc đi đọc lại những câu chữ đơn giản ấy đến mười lần, càng đọc càng hoang mang.

Vũ Bảo Trâm này là ai? Con Chuột tên thật là Vũ Bảo Trâm, vậy thì phải chăng vẫn còn một Vũ Bảo Trâm khác đã chết? Vì sao cô Trâm ấy lại tự sát?

Những câu hỏi dồn dập vang lên trong đầu cô khiến cô sởn tóc gáy.

Có lẽ … có lẽ ông Ngạn có hai người con. Người con đầu đã chết, rồi sau đó vợ chồng ông mới sinh ra người con thứ hai, và để tưởng nhớ người con đầu ông đã đặt tên cho con bé này y như tên chị gái nó.

Đó là cách giải thích duy nhất. Cô không tưởng được lại có cách giải thích nào khác.

Bạn đang đọc Ác Quỷ Gọi Hồn sáng tác bởi vukhucisme
Thông Tin Chương Truyện
Đăng bởi vukhucisme
Thời gian
Lượt thích 1
Lượt đọc 2

Các Tùy Chọn

Báo cáo cho QTV
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.