Lời Dẫn
Trường An, khi mùa thu đến, khung cảnh ở Lộ Thảo Dịch bên ngoài Ngọc Môn Quan đẹp vô cùng.
Đặc biệt là lúc bình minh.
Ở phía chân trời, dãy Thiên Sơn và Kim Sơn lần lượt hiện lên trong bóng tối, dãy núi màu trắng bạc dần dần chuyển sang màu vàng óng.
Những tia sáng màu vàng ấy tựa như đến từ hai dãy núi khổng lồ đó, dần dần phủ lên hoang mạc và biển cát mênh mông vô bờ.
Hoang vu và thê lương là “nhịp điệu” chính vào thời khắc này. Đứng trên đường núi hiểm trở bên ngoài dịch trạm, nhìn về phương xa, bầu trời dường như nằm trong tầm tay, nhưng cảm giác cô đơn cùng cực lại thường xuyên ập tới như cơn thủy triều. Giữa trời đất bao la, dường như chỉ còn lại mình ta, một thân một mình.
Nhưng mà mỗi khi cảm giác ấy xâm chiếm, không thể chịu đựng được nữa, thì chỉ cần thu ánh mắt lại là có thể tìm được bình yên trong thoáng chốc.
Những dòng suối trong vắt chảy qua đồng cỏ mênh mông, tưới mát cho chúng, rồi lại tụ thành hồ nước trong xanh.
Dịch trạm được tạo thành từ mấy chục tòa trạch viện nằm bên bờ hồ. Cỏ xanh mọc um tùm dễ dàng che lấp con đường quanh lối đi. Dân du mục nơi đây gọi loại cỏ này là cỏ diệc, không phải cỏ diệc mà người Trường An hay nói tới, nó chỉ là một loại cỏ mảnh dài, không nở hoa, nhưng trong gió nhẹ vào sáng sớm, vô số sợi cỏ xanh đung đưa theo gió, chạm vào bờ rào quanh lối đi, phát ra tiếng kêu xào xạc, vô cùng dễ chịu.
Bên hồ, cỏ lau nở hoa rất lớn, những đóa hoa giống như đuôi cáo trắng, phản chiếu trong nước, dễ dàng hòa quyện cùng mây trắng trên bầu trời xanh.
Hồ nước trong vắt, thấy được cả đáy nhưng lại không thấy cá bơi, mà có rất nhiều loài ếch xanh, có thể là do nước quá lạnh hoặc là ếch quá nhiều. Lộ Thảo Dịch rõ ràng là bị cỏ lau và cỏ diệc xanh biếc bao quanh, nhưng bên trong lại không có bất kỳ một con muỗi nào.
Khi dãy núi bạc ở phương xa triệt để biến thành màu vàng, những con diệc trắng cũng xuất hiện. Chúng không thích kết thành đàn như ngỗng trời mà thường một mình nhảy múa, bay lượn trong đầm nước, trông vô cùng tự tại.
Chúng mang lại sức sống tràn trề cho Lộ Thảo Dịch, nhưng lại không hề ầm ĩ.
Tòa trạch viện ở trung tâm Lộ Thảo Dịch được dựng trên hồ, có một gian phòng đặc biệt giống như thuyền hoa nổi trên mặt nước.
Tạ Vãn mặc một bộ cẩm y, ngồi bên cửa sổ gian phòng này.
Y tựa bên bệ cửa, vươn một tay ra ngoài cửa sổ.
Ngón tay y cách mặt nước một khoảng, ngón tay khẽ đung đưa, bóng ngón tay phản chiếu xuống mặt nước giống như ngón tay của y đã chạm đến đáy hồ.
Dưới đáy hồ, từng sợi rong dài, mềm mại không ngừng đung đưa như những người phụ nữ với dáng hình tuyệt mỹ khiêu vũ theo ngón tay của y.
Sự thê lương của dãy núi phía xa hóa thành sự tĩnh lặng độc chiếm nơi đây. Đây là cảnh tượng mà tuyệt đại đa số tài tử trẻ tuổi ở Trường An không có cơ hội được chiêm ngưỡng. Nếu bọn hắn ở đây, nhất định sẽ vui mừng khôn xiết, muốn uống rượu ngon, viết đầy thơ lên tường dịch trạm cho thỏa lòng mình.
Những tài tử trẻ tuổi này sẽ nghĩ, người tài hoa bực nào mới có thể xây dịch trạm ở nơi tuyệt đẹp thế này.
Trong mắt người khác, Tạ Vãn tài danh đủ đầy đương nhiên là tài tử trẻ tuổi như vậy.
Nhưng đó chỉ là trong mắt người khác.
Giống như người đứng trên đỉnh núi có thể dễ dàng trông thấy thảo nguyên bao la, người đứng ở vị trí của y có thể dễ dàng thấy rõ bản chất một số sự việc.
Cái người tài hoa xây dựng địa phương này chẳng qua chỉ là một kẻ khôn lỏi, phí hết tâm tư muốn lấy lòng Tạ gia.
Dịch trạm này vốn không nên xuất hiện ở đây, nó vốn đã vượt qua ranh giới tiếp tế cực hạn của đế quốc Đại Đường.
Trong mắt những sĩ tử trẻ tuổi kia, có lẽ nó có thể đại biểu cho thái độ của Đại Đường, nhưng có lẽ đến mùa đông năm sau, dịch trạm này sẽ biến mất.
Không có quân đội trú đóng ở đây, lại càng không có lượng lớn tù nhân lưu đày tới đây xây dựng biên thành.
Ý nghĩa tồn tại lớn nhất của dịch trạm này chính là để lý lịch của y thêm một trang nổi bật, để y thu được lượng lớn quân công ở đây.
Như thế mới khiến người ta cảm thấy con cháu thế gia môn phiệt như bọn họ vẫn là trụ cột vững vàng của Đại Đường, chứ không phải dựa vào sự che chở của tổ tiên mới hưởng thụ vinh hoa phú quý.
Sau khi trở về, rất nhiều bài thơ tả cảnh biên cương và tướng sĩ của y sẽ được lưu truyền, tài danh của y sẽ được nhiều sĩ tử trẻ tuổi thực lòng ngưỡng mộ hơn.
Bên cạnh y lúc nào cũng có mấy người đọc sách biết làm thơ, Tạ gia chu cấp chi phí cho họ, nếu những người này làm ra thơ hay, vậy phí câu lan thính khúc cũng tăng lên rất nhiều. Đương nhiên, tác giả của những bài thơ này sẽ mang tên y, Tạ Vãn.
Thê tử tương lai của y, có thể đến từ Hà Đông Liễu thị, hoặc là đến từ Hà Đông Bùi thị.
Những thứ giống như sao trên trời mà các tài tử trẻ tuổi khao khát cả đời cũng không có được, thì y sinh ra đã có.
Tiếc nuối duy nhất chính là, đối với người như y mà nói, cuộc đời đa phần là vô vị.
Bởi vì những trải nghiệm, tương lai vốn không biết được của thường nhân, trong thế giới của y lại là kết quả đã định trước.
Nhiều năm qua đã là như vậy và tương lai cũng sẽ như vậy.
Giữa người với người, trời sinh đã có chênh lệch cực lớn, cũng như, lúc này Trường An đã phủ đầy lá vàng, còn trong hoang mạc dưới chân Thiên Sơn ở phía xa kia, bão tuyết đã ấp ủ. Mà Lộ Dịch Thảo nơi y ở lại nằm trong thung lũng, gió lạnh không thể nào thổi đến, một tháng sau, cỏ xanh mới bắt đầu úa vàng.
Đăng bởi | S.O.L |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Cập nhật | |
Lượt thích | 1 |
Lượt đọc | 114 |