Tài tình chiếu rọi lễ giáo, ai nói nữ tử không bằng nam nhi?
"Lần thi vòng hai này có đề mục là: 'Nữ tử có thể tiếp nhận văn giáo', chỉ cần viết ra suy nghĩ của mình trong bài là được."
Dứt lời, Ninh Bình An trực tiếp ngồi trên đài cao, cứ vậy lặng lẽ nhìn xuống các thí sinh.
Mọi người ở đây nghe đề xong, trong lòng không khỏi hơi nghi hoặc, đề này có chút vượt quá nhận thức của họ, nữ tử sao có thể tiếp nhận văn giáo, chẳng phải là điều trái lẽ thường sao?
Nghe được vấn đề này Từ Tống cũng thấy hơi lạ, đây là vấn đề gì, nữ tử chẳng phải nên được giáo dục sao? Mặc Dao, người có hôn ước với mình còn vào cả Khổng Thánh học đường, rõ ràng nữ tử nên tiếp nhận giáo dục, vậy ý nghĩa của câu hỏi này là gì?
Mặc kệ thế, Từ Tống bắt đầu suy nghĩ, hắn muốn viết một bài ca tụng tài năng của nữ nhi, củng cố thêm quan điểm của mình, Cảm hứng tuôn trào như suối, ngòi bút của Từ Tống bắt đầu tuôn ra mực, hắn đem suy nghĩ của mình thông qua những vần thơ mà bộc bạch lên trang giấy thi.
Và thế là, một bài thơ được Từ Tống viết ra trên giấy lớn:
"Nữ tử độc thư cần,
Tài tình thắng nam nhi.
Bút để sinh hoa nguyệt quang hiện,
Cầm tâm kiếm khí động càn khôn.
Hồng phấn ngọc nhan khi Tây Tử,
Văn thải phi dương tự Hứa Mục.
Lễ giáo chiếu diệu tài tình hiển,
Thùy đạo nữ tử bất như nam."
Dịch thơ:
"Nữ tử học hành chuyên cần,
Tài tình hơn cả nam nhi.
Dưới ngọn bút sinh hoa trăng sáng,
Tiếng đàn kiếm khí rung chuyển trời đất.
Phấn son nhan sắc hơn cả Tây Thi,
Văn chương bay bổng như Hứa Mục.
Lễ giáo sáng ngời, tài tình tỏ rạng,
Ai bảo nữ tử không bằng nam nhi."
Viết xong, Từ Tống đặt bút xuống, nhẹ nhàng thổi cho khô vết mực, mực trên giấy dần khô lại, nổi lên từng đợt sóng gợn, tựa như quan niệm trong lòng hắn, kiên định không thay đổi.
Khi viết xong bài thơ này, vốn Từ Tống nghĩ tài hoa sẽ lại xuất hiện lần nữa, nhưng lần này thì không, hắn hoàn chỉnh viết xong bài thơ, lại không hề có bất kỳ tình huống nào khác xảy ra.
Ngay sau đó, Từ Tống đứng lên, gấp đôi tờ giấy lại rồi chậm rãi bước lên đài cao, đặt bài làm lên bàn trước mặt Ninh Bình An, mọi người thấy Từ Tống chỉ mất chưa đến nửa nén hương đã nộp bài thì không khỏi kinh hãi.
Nhất là Phương Trọng Vĩnh, lần trước hắn đã tận mắt thấy Từ Tống là người nộp bài thi đầu tiên, đồng thời dễ dàng đoạt vị trí thứ nhất.
Còn bản thân mình phải tốn mất hai canh giờ mới viết xong bài thi, lại bị đáp án của Từ Tống đè bẹp, lần này hắn muốn thắng!
Những thí sinh khác cũng có chút sốt ruột, dù không thân với Từ Tống nhưng cũng không nhịn được mà khâm phục tài tư mẫn tiệp của hắn, tuy vậy, một vài thí sinh khác lại xem thường bài của Từ Tống, cho rằng hắn đang làm trò hề, vì thời gian quá ngắn, Từ Tống nộp bài vội vàng thế kia, chắc là từ bỏ rồi.
Ninh Bình An nhận lấy bài của Từ Tống rồi mở ra xem, khi xem xong mặt ông lộ vẻ kinh ngạc, như có chút không dám tin, nhưng ông rất nhanh gấp bài lại rồi nói với Từ Tống: "Xin hãy đợi bên ngoài..."
Từ Tống chắp tay: "Dạ."
Nói rồi liền bước xuống đài cao, rời khỏi trường thi.
Nhìn Từ Tống rời khỏi trường thi, Ninh Bình An lại lần nữa mở bài của Từ Tống, đọc một cách cẩn thận, khi thấy đến câu cuối "Ai nói nữ tử không bằng nam nhi?" lòng ông dâng trào cảm xúc vô hạn, bởi vì câu này phụ thân của Từ Tống cũng từng viết lời tương tự, khi đó Từ Khởi Bạch cũng trạc tuổi Từ Tống bây giờ.
Ở ngoài cổng trường thi, Từ Tống một mình đứng đó, ánh mắt hắn có chút mơ hồ, như đang suy tư điều gì.
Hắn hồi tưởng lại bài thơ mình vừa viết, chợt cảm thấy mình như viết sai mất rồi, vì hắn bỗng nhớ ra mình đang ở niên đại nào, giống như là thời Xuân Thu Chiến Quốc, thời đó nữ tử dường như không được học hành.
Ở thời đại này địa vị của nữ tử không cao, người đời thường cho rằng nữ tử không bằng nam tử, nữ tử phải ở nhà, giúp chồng dạy con.
Loại quan niệm này ăn sâu vào rất nhiều người, khó mà thay đổi, ngay cả trong "Luận Ngữ - Vệ Linh Công" của Khổng Thánh cũng có câu: "Nữ tử bất tài tiện thị đức." Ý nghĩa thực sự của câu này không phải là nữ tử không có tài năng mới xem như có đức, mà là nói nữ tử có tài nhưng không nên thể hiện trước mặt trượng phu mà cần phải khiêm tốn, mềm mại, đây mới là đạo đức của nữ tử.
Nhưng điều này cũng đại biểu rằng, con đường học vấn không hề thân thiện với nữ tử trong thời kỳ phong kiến.
"Hỏng rồi, quan điểm của mình viết sai mất rồi, có khi bị đánh rớt mất, cũng tại mình quá chủ quan, quên mất bản thân mình đang ở niên đại nào, đâu phải ai ai cũng được đi học đâu."
Trong lòng Từ Tống bấn loạn cả lên, hoàn toàn là theo ý mình mà viết bài thi, quên mất mình đang ở niên đại nào rồi.
Lần này thì hay rồi, viết lạc đề, chắc chắn điểm không cao đâu.
Đúng lúc này Bạch Dạ tiến lại, hắn ngồi xuống cạnh chỗ Từ Tống, thấy hắn cau mày, vẻ mặt u sầu bèn hỏi: "Từ học đệ, ngươi sao thế? Trông ngươi có vẻ có tâm sự?"
Nghe thấy giọng của Bạch Dạ, Từ Tống mới hoàn hồn, quay đầu nhìn Bạch Dạ, có chút bất lực nói: "Là Bạch huynh à, ta vừa rồi hơi sơ suất, kỳ thi vòng hai lần này có lẽ khó rồi."
"Hả? Xin chỉ giáo?" Bạch Dạ tò mò hỏi.
"Ta viết bài thơ hình như lạc đề mất rồi."
Từ Tống cười bất lực đáp: "Đề thi vòng hai là: 'Nữ tử có nên được thụ văn giáo hay không'."
"Nữ tử không nên thụ văn giáo, đây là điều mà Khổng Thánh đã chủ trương, nữ tử thì cứ bình lặng, an phận là được rồi.
Không ngờ đề thi vòng hai lần này lại đơn giản vậy, đối với Từ học đệ mà nói không có gì khó cả?" Bạch Dạ không hiểu nhìn Từ Tống, hỏi.
"Thật ra không khó."
Từ Tống thở dài một hơi, chậm rãi mở lời, "Nhưng từ nhỏ giáo dục của ta, nhận thức của ta luôn là mọi người bình đẳng, ai ai cũng có thể đi học."
"Từ học đệ, thầy khai sáng của ngươi là người nào mà lại chỉ bảo ngươi như thế? Trong thi cử như vậy là phạm vào điều tối kỵ." Bạch Dạ bỗng nhiên ngộ ra.
"Đúng vậy đó, cho nên ta mới lo kỳ thi vòng hai của mình sẽ có vấn đề." Dứt lời, Từ Tống lại thở dài, hắn không cho rằng mình viết sai, chỉ là thời đại khác nhau, người chấm bài thi không cùng nhận thức với mình.
Nói cách khác, trong mắt Từ Tống, sai không phải là hắn, mà là thế giới này.
"Từ học đệ, vì sao ngươi lại có quan điểm này?" Bạch Dạ tiếp tục truy hỏi.
Nghe vậy Từ Tống giải thích: "Theo ta thì ‘hữu giáo vô loại’ không phải có ý người nào cũng có quyền được học sao.
Đã vậy tại sao lại không bao gồm nữ tử?"
"Không ngờ Từ học đệ lại có cái nhìn độc đáo đến vậy, điều này cũng giống với một cuồng sinh năm đó." Bạch Dạ cười nói.
"Bạch huynh à, nếu người chấm thi nhìn thấy bài làm của ta thì có bị loại bỏ ngay không?"
Đăng bởi | dangkhanh1111 |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Cập nhật | |
Lượt đọc | 14 |