Một kiếp người
Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 1: Một kiếp người
Đêm 30, Nguyên Đường lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng, một mình ra đi trong căn hộ hoang lạnh.
Cho đến giây phút cuối đời, hành trang lên đường ngoài cô độc và nghèo khó ra thì chẳng có gì hết, nhưng Nguyên Đường chưa từng một lần than trời trách đất, oán hận một ai.
Mang trọng trách là một người con trưởng, một người chị cả trong gia đình, Nguyên Đường dành hết tâm huyết phụng dưỡng cha mẹ, nâng giấc lúc yếu đau yên lòng khi nhắm mắt. Cả bốn người em đều được ăn học thành tài, công danh rạng rỡ. Còn cô thì lặng lẽ sống đời tầm thường, chết trong cô quạnh.
Vì gia đình, vì người thân Nguyên Đường chấp nhận hy sinh không một lời oán thán. Tuy nhiên phải tới khi chết đi rồi cô mới cay đắng nhận ra sự hy sinh của mình rẻ rúng biết bao nhiêu.
“Đùng đùng đùng….”
Tiếng pháo giòn giã báo hiệu hỷ tang. Lẫn trong đám khói trắng mịt mù linh hồn Nguyên Đường phiêu diêu giữa không trung, nhìn lại một lần nữa kiếp sống chuẩn bị khép lại.
Căn hộ hai phòng ngủ này là toàn bộ số tiền cô tích cóp dành dụm từ thời trẻ. Chỉ vỏn vẹn sáu mươi mét vuông, co quắp trong một khu cư xá lâu đời.
Chính xác là mua năm nào, cô chẳng còn nhớ rõ nữa. Chỉ nhớ là sau khi cha mẹ qua đời, cả bốn người em đều đã thành gia lập thất có nhà cửa đàng hoàng trên phố, chỉ còn lại Nguyên Đường lủi thủi sống một mình trong căn nhà cũ dưới quê. Đêm ấy cũng là 30 Tết, nghe pháo nổ râm ran ì đùng, hàng ngàn hàng vạn những tia sáng bung xoè trong tiếng hò reo tán thưởng của mọi người nhưng với Nguyên Đường cô chẳng thấy vui thích ngoài cảm giác mùi khói thuốc xộc thẳng vào mũi, cay rát khó chịu. Và cũng ngay tại giây phút đó, trong đầu Nguyên Đường bật lên suy nghĩ không thể sống tiếp ở đây nữa. Cô không chịu nổi cái cảnh bị người đời chỉ trỏ dị nghị.
Năm ấy cô hơn bốn mươi tuổi, không chồng không con.
Cô lên huyện xin làm bảo mẫu kiêm giúp việc cho nhà người ta ba năm mới tích cóp đủ tiền mua được căn hộ này. Tuy cũ kỹ lại nằm ở ngoại thành nhưng Nguyên Đường rất lấy làm hài lòng.
Tuy vậy đám em lại nhất mực phản đối, cảm thấy bà chị già đã lớn tuổi còn cố chấp. Ở dưới quê thoáng rộng chẳng tốt hơn sao, cứ một hai đòi chen chúc lên huyện thành làm gì cho khổ ra? Hơn nữa chị cả đã có tuổi, lại không lương hưu cũng chẳng chồng con, bộ muốn dọn lên đây sống bám các em chắc?
Nhưng sau khi Nguyên Đường dọn nhà lên thành, đám em liền phát hiện lại có thể lợi dụng được chị cả.
Bọn họ đều là công nhân viên chức làm giờ hành chính rất khó khăn trong việc đưa rước bọn nhỏ. Có nhờ vả ông bà nội ngoại thì cũng chỉ hoạ huần một vài hôm thôi chứ không thể nhờ mãi được. Nhưng chị cả thì khác, người ta hay bảo chị cả như mẹ mà. Thế là bọn họ cơ hồ không chút do dự, trực tiếp ném thẳng đám nhóc cho chị giữ.
“Chị cả, hôm nay em phải tăng ca, chị đi đón Hạo Hạo giúp em nhá.”
“Chị cả, tối nay vợ chồng em bận việc, chị đón Vân Vân qua nhà chị đi. Nhớ để ý đừng cho nó ăn bánh tuyết, con bé bị dị ứng bánh tuyết, ăn vào sẽ bị sốt, chị coi chừng nó cẩn thận đấy.”
“Chị cả, chị xem xem có phải khăn quàng của Phi Phi bỏ quên ở chỗ chị không? Chị mang qua đây liền đi, sáng mai đi học thằng bé không có khăn quàng là không được đâu.”
…
Từng khung cảnh lần lượt hiện lên như thước phim quay chậm, Nguyên Đường chợt phát hiện cuộc đời mình có thể chia thành ba giai đoạn.
Giao đoạn đầu là làm một trưởng tỷ gương mẫu, vì đàn em thơ mà bỏ học đi làm công. Tận tâm tận lực mười mấy năm trời thành công nuôi được cả bốn đứa em thành cử nhân đại học.
Giai đoạn thứ hai là một người con có hiếu. Bởi vì các em bận thăng tiến sự nghiệp xây dựng cuộc sống riêng nên Nguyên Đường lại quay về quê gánh vác việc nhà, làm tròn đạo hiếu. Một mình cô chăm sóc cha mẹ già yếu, lo toan chạy chữa bệnh tật cho tới tận khi ông bà nhắm mắt xuôi tay, mồ yên mả đẹp.
Giai đoạn thứ ba là một vị trưởng bối mờ nhạt “hữu thực vô danh”. Các cháu vui vầy xung quanh, đám nhóc quấn quýt quanh chân bác nhưng càng lớn càng thưa dần rồi ít hẳn.
Khung cảnh chuyến tới hiện tại…
Trong phòng khách bài trí linh đường, bên trên đặt di ảnh của cô. Bốn đứa em có mặt đông đủ nhưng không thấy đám cháu đâu cả.
Nguyên Đường nở nụ cười châm chọc.
Hôm kia là đêm giao thừa, cô có một thân một mình nên cũng chả bày vẽ cỗ bàn gì. Với cả chân cẳng đi lại không tiện nên chỉ xuống bếp xào hai đĩa thức ăn đơn giản. Ăn xong lên giường nằm như thường ngày. Tự nhiên tới nửa đêm đầu óc đau dữ dội. Nguyên Đường biết rõ bệnh trạng của bản thân, đoán là huyết áp cao nên mò dậy bật đèn tính lấy thuốc uống. Nào ngờ đầu óc chếnh choáng đứng không vững nên ngã vật xuống đất.
Trùng hợp đồng hồ điểm 12 giờ, Nguyên Đường nằm dưới nền nhà lạnh băng nghe rõ tiếng pháo hoa nổ vang ngoài cửa sổ. Những chùm thanh âm giòn tan rộn rã nối tiếp nhau rồi từ từ lịm dần lịm dần, cuối cùng tắt ngúm chỉ còn lại không gian tối tăm tĩnh mịch. Người phụ nữ ngã sõng xoài trên đất kêu trời không thấu, kêu đất không hay.
Nguyên Đường như một khán giả đứng nhìn chính mình mất dần hơi thở rơi vào cõi chết.
Cứ thế, cô ra đi, vào đúng đêm Giao Thừa. Mà cũng may là vào đúng đêm Giao Thừa nên sáng hôm sau mới có người phát hiện.
Như thành cái lệ, bao nhiêu năm nay hễ sáng mùng 1 là cậu em trai thứ hai Nguyên Đống sẽ tới chúc tết chị.
Trong số năm anh chị em thì Nguyên Đường và Nguyên Đống thân nhau nhất.
Lúc này đây, linh hồn Nguyên Đường đang phiêu diêu trên không trung nhìn cậu em Nguyên Đống quỳ khóc trước di ảnh mình. Em ba Nguyên Liễu, em tư Nguyên Cần cùng cậu em út Nguyên Lương đứng một bên vừa khuyên răn vừa đỡ Nguyên Đống dậy.
Bất giác, lòng Nguyên Đường không khỏi rưng rưng.
Phải chăng trước giây phút sinh ly tử biệt, tất cả những yêu ghét hờn giận đều chả còn nghĩa lý gì.
Đăng bởi | TựaThủyLưuNiên |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Cập nhật | |
Lượt thích | 3 |
Lượt đọc | 78 |