Cô là người tuân thủ pháp luật
Chương 11: Cô là người tuân thủ pháp luật
Người dịch: PrimeK
Điền đơn xong, người cảnh sát già nhìn lướt qua:
“Cô làm điêu khắc à? Điêu khắc có thuộc về ngành mỹ thuật không?”.
Xét rộng thì có. Nhiếp Cửu La gật đầu.
“Vậy cô biết vẽ tranh chứ? Đây là điều cơ bản nhỉ? Cô nói đã nhìn thấy mặt tên đó, vậy cô có thể vẽ sơ lại không?”.
Yêu cầu này không tính là quá đáng. Nhiếp Cửu La mượn giấy từ phía tiếp tân, bắt đầu ký họa. Ngay khi sắp vẽ xong, cô bỗng nghe tiếng vali lăn trên đất.
Muộn vậy rồi còn có người đến hả?
Nhiếp Cửu La ngước mắt lên liếc qua phía cửa, dù tay vẫn vẽ đều.
Không ngờ lại là cái người tên Viêm Thác kia.
Nhưng cũng không lạ lắm bởi huyện này không lớn, khách có tiền từ nơi xa tới đa phần đều chọn khách sạn này.
Nửa đêm, việc hai người cảnh sát đứng canh cho một cô gái trẻ vẽ tranh trong sảnh khách sạn quả thực khiến người ta muốn phớt lờ cũng không được. Viêm Thác liếc qua đó nhưng lại quay đi ngay như thể chẳng tò mò chút nào hết.
Nhiếp Cửu La nhanh chóng kết thúc bức chân dung, đưa cho người cảnh sát già.
Cảnh sát già nhìn bức tranh cũng phải thốt lên. Bức chân dung này được vẽ quá tỉ mỉ. Quan trọng nhất là người trong tranh rất "đặc biệt", tương đối dễ tìm được, vì lý do nghề nghiệp, ông sợ nhất những "gương mặt đại chúng", đăng tranh truy nã lên mà như đá chìm đáy biển, quần chúng nhân dân có nhiệt tình cỡ nào cũng không thể tìm được.
Ông mang bức tranh tới quầy tiếp tân để photo thêm một bản, dặn tiếp tân hỏi phục vụ, đầu bếp, bảo vệ và các nhân viên trong khách sạn xem có ai có ấn tượng với gương mặt này không.
Tiếp tân đang bận làm thủ tục thuê phòng cho Viêm Thác nhưng đâu dám làm lơ cảnh sát, vội vàng nhận lấy. Cũng giống như cảnh sát, phản ứng đầu tiên của cô ấy cũng là bức tranh vẽ quá xuất sắc:
“Giỏi ghê, chưa tới mười phút đã vẽ xong rồi”.
Cảnh sát cười:
“Người ta là người trong nghề mà”.
Viêm Thác nhìn vào bức tranh. Đúng là vẽ rất tốt, gương mặt sinh động, nét mặt rõ ràng, không còn gì để chê.
Tuy đây là trách nhiệm của cảnh sát nhưng đêm hôm khuya khoắt phải đi làm cũng rất vất vả. Nhiếp Cửu La tiễn hai người tới cửa khách sạn mới quay người đi về phòng. Còn cách mấy mét, cô đã trông thấy Viêm Thác đang đợi thang máy.
Nhiếp Cửu La đi tới đợi cùng anh.
Thang máy tới, Nhiếp Cửu La nghiêng người theo phép lịch sự để người mang hành lý vào trước. Bước vào thang máy, cô vừa giơ tay định bấm số tầng đã lại buông xuống.
Anh chàng bên cạnh đã bấm trước rồi, cũng ở tầng bốn.
Nhiếp Cửu La đứng dịch sang một bên nhằm duy trì khoảng cách xã giao với Viêm Thác, sau đó nhìn chằm chằm thang máy, chỉ đợi cửa mở là bước ngay ra ngoài.
Cửa thang máy làm bằng thép, phản chiếu bóng mờ của hai người. Có thể thấy được Viêm Thác không có hứng thú gì với người đi cùng mình cả, chỉ chăm chăm nghĩ chuyện về phòng.
Anh ta vào ruộng ngô ở thôn Hưng Bá Tử làm gì nhỉ? Trộm ngô à? Mà con vịt của anh ta đâu? Sao lại không mang lên? Để người ta lẻ loi một mình trong xe thế.
Cơn buồn ngủ ập tới, Nhiếp Cửu La cúi đầu che miệng ngáp.
Đúng lúc này, Viêm Thác nhanh chóng quay sang nhìn cô.
Thang máy lên tới tầng bồn, Nhiếp Cửu La bước ra ngoài trước, sau đó đến lượt Viêm Thác. Phòng của anh và Nhiếp Cửu La nằm ở hai hướng nhưng anh không vội về phòng. Anh đứng ở cửa thang máy, dõi theo Nhiếp Cửu La mãi cho tới khi nhìn rõ phòng cô là căn phòng thứ hai từ dưới lên ở bên trái.
Sau khi về phòng, Nhiếp Cửu La rửa mặt rồi lên giường. Nhưng cô không vội tắt đèn đi ngủ mà mang túi đồ lên giường, rút bút và một tờ giấy nhỏ dài ra. Trầm ngâm một thoáng, cô bắt đầu viết.
Cô viết ba vấn đề.
Một, ban ngày Tôn Chu bị chó cắn, buổi tối bị người nhét vào túi xách đi, đã báo cảnh sát.
Hai, thôn Hưng Bá Từ có người phụ nữ nghi là mất tích.
Ba, gặp được một người tên Viêm Thác hai lần. Trên ghế lái phụ của anh ta có con vịt bông.
Dưới cùng là ngày tháng. Viết xong, cô gấp tờ giấy lại thành một ngôi sao, híp mắt ném nó vào chiếc vali gần đó.
Cô viết những thứ này không phải để phân tích. Cô có thói quen viết lại những chuyện xảy ra trong ngày, chuyện hay ho hoặc chuyện có ấn tượng sâu sắc rối gấp thành sao. Người ta gấp sao may mắn là để cầu nguyện còn cô coi nó như nhật ký.
Mỗi ngày một ngôi sao, viết vài câu là hết cả ngày. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngôi sao, dễ kiên trì hơn viết nhật ký. Ở nhà cô đã tích được hai chiếc hộp lớn rồi. Bao tháng ngày đằng đẵng cũng chỉ tích được hai hộp lớn thôi. Năm tháng quả là vừa nặng cũng thật mỏng manh.
Lúc buồn tẻ, cô sẽ mở hộp nhặt bừa một ngôi sao mở ra quá khứ của hôm đó, thử tạm biệt ngày xưa. Có đôi khi những chuyện trên giấy cô còn có ấn tượng, nhưng nhiều hơn cả là cô chẳng còn nhớ tí nào.
Tới Thiểm Nam bảy ngày, trong vali đã có bảy ngôi sao.
Nhiếp Cửu La tắt đèn, mệt mỏi thiếp đi.
Khi mở mắt ra, cô có cảm tưởng mình đã ngủ được rất lâu nhưng trong phòng vẫn tối đen như mực. Lấy điện thoại ra xem mới biết cô mới ngủ được hai giờ.
Nằm một lúc nghe được tiếng mưa tí tách ngoài của sổ. Ngày có hào quang đêm mưa dầm, người xưa giỏi ghê, mưa thật này.
Đăng bởi | 0904253568 |
Phiên bản | Dịch |
Thời gian | |
Lượt đọc | 19 |